Trong những câu chuyện trà dư tửu hậu cùng Nguyễn Đình Tú, thường nghe anh nói nhiều về chiến tranh và người lính trong một nỗi niềm trăn trở, suy tư. Theo anh thì văn học ta còn nợ người lính nhiều lắm, chưa nói được hết những vinh quang và cay đắng mà người lính đã trải qua trong những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Quả thế thật, chưa vội nói về tầm vóc tác phẩm và chất lượng nghệ thuật, chỉ nói riêng về phạm vi phản ánh cũng đã có một khoảng trống lớn. Về cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ thì các thế hệ nhà văn đã khai thác nhiều, nhưng về chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc thì dường như đã bị lãng quên. Tiểu thuyết Hoang tâm ra đời phải chăng xuất phát từ nỗi suy tư ấy với nỗ lực bù lấp ít nhiều cho sự vắng thiếu kia? Tuy nhiên, viết về chiến tranh, Nguyễn Đình Tú đã mạnh dạn khước từ cái nhìn sử thi và ngợi ca thuộc về một thời để hướng đến một cách phản ánh mới: chân thật và đầy nhân bản. Chiến tranh biên giới Tây Nam được nhìn từ cảnh ngộ, số phận và nỗi đau của con người – con người với một thế giới nội tâm đầy bí ẩn, phức tạp – với một cái nhìn đa chiều, một tiếng nói đa thanh để thấu những khắc khoải, hoang mang cũng như vô vàn nghịch lý.

Sau chiến thắng là bi kịch lạc lõng và thương tổn tinh thần

Nhân vật Anh trong Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú mang vào cuộc chiến không chỉ là một thời thanh niên sôi nổi, một tinh thần quả cảm mà còn mang theo một tâm hồn giàu cảm xúc, mơ mộng, nhiều trăn trở, suy tư của một sinh viên văn khoa. Sự nhạy cảm trong đời sống nội tâm ấy khiến cho nhân vật rơi vào một nỗi buồn đau dai dẳng trong chiến tranh. Nếu tâm hồn Anh đơn giản hơn thì có lẽ nó đã không khiến Anh trở nên bấn loạn và trầm uất đến như vậy khi chứng kiến những cảnh giết người man rợ của bọn K, khi trực tiếp cảm nghiệm những ám ảnh kinh hoàng trong cuộc chiến. Chiến tranh trong cái nhìn của Anh không chỉ là những chiến công đầy kiêu hãnh, tự hào mà còn có quá nhiều những cuồng loạn, u uất. Nhận thức được điều này, Nguyễn Đình Tú đã góp một tiếng nói nhỏ vào dòng ý thức tự vấn để nhận thức lại về chiến tranh trong văn học sau năm 1975.

Trở về với đời thường, vết thương chiến tranh còn rỉ máu thì người lính đã phải đối diện ngay với một “cõi tục hoang sơ và trì đọng”, một thế giới hỗn tạp và xô bồ, vụ lợi và dối trá. Dư chấn nặng nề của chiến tranh và sự phức tạp của đời sống thực dụng đã khiến Anh rơi vào bi kịch lạc lõng, cảm thấy xa lạ với tất cả, xa lạ ngay với chính bản thân mình. Anh đã đánh mất giấc ngủ, đánh mất khao khát tình dục – một nỗi khao khát rất người, đánh mất cả hạnh phúc gia đình. Nỗi “hoang tâm” như biến Anh thành một con người khác, một con bệnh ngắc ngoải giữa mênh mông cõi đời và tấp nập cõi người.

Không hiểu sao khi viết về nhân vật Anh trong Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú, tôi lại hay nghĩ đến những nhân vật của văn học phi lý phương Tây – những con người thuộc “thế hệ bỏ đi” (Hemingway), bị ném vào lò lửa của hai cuộc thế chiến để rồi trở ra là những con người lầm lầm, lì lì, sống không hy vọng, không niềm tin. Thì ra sau chiến thắng không phải là hạnh phúc, bình yên mà lại là một cảm giác lạc loài, một mặc cảm cô đơn thường trực.

Liệu pháp cứu rỗi tâm hồn người không tồn tại dưới ánh mặt trời

“Đừng tưởng mọi thứ chỉ tồn tại dưới ánh mặt trời”, đó là lời đề từ mà Nguyễn Đình Tú viết cho tiểu thuyết Hoang tâm trước khi đưa nhân vật Anh tham gia cùng Son Phấn vào cuộc hành trình trong Cửa Núi. Ngòi bút nhân đạo của nhà văn dường như không nỡ khoét quá sâu vào bi kịch tổn thương tinh thần của người lính thời hậu chiến mà muốn tìm một liệu pháp cứu rỗi linh hồn, chữa lành vết thương trong tâm tưởng. Liệu pháp ấy, như lời phán truyền của thầy bói “Phải đến đất Nguyên Thủy, vào Cửa Núi mà tìm lại chính mình”. Nghĩ cũng lạ, cái có thể xoa dịu nỗi thương tổn tinh thần kia không phải là sự văn minh, giàu có của đời sống hiện đại mà trái lại là những gì thô sơ và hoang dã. Thứ đánh thức những khát khao nhân tính của con người không tồn tại trong ánh sáng mà tồn tại ở một nơi “quanh năm không có ánh mặt trời”. Cuộc sống hiện đại hỗn tạp, xô bồ nhiều khi khiến con người đánh mất sự bình yên trong bản thể, tâm hồn trở nên hoang hoải, nhàu nhĩ. Dưới ánh sáng mặt trời nhiều khi lại bày ra nhan nhản những hoang phế, đổ vỡ, bất an. Thuốc an thần – sản phẩm của nền y học hiện đại dường như không có tác dụng. Để tìm lại giấc ngủ, đánh thức “mầm dục”, anh đã phải cùng Son Phấn phiêu lưu trong Cửa Núi, tìm đến với tộc người Mã, người Khi, người Mụ – những tộc người còn giữ nguyên được vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết, hoàn toàn xa lạ với những ồn ào, náo động của đời sống hiện đại. Suốt thời gian ở trong Cửa Núi, người đàn bà mang tên Son Phấn đã đánh thức khát khao tình dục trong Anh. “Cô làm rất từ từ, như thầy thuốc chữa bệnh cho bệnh nhân, như người mẹ hút những ung nhọt trên cơ thể con trai, như con chó cái liếm lành vết thương cho con chó đực”. Bản năng tình dục là một trong những biểu hiện quan trọng nhất của tính người, là một nỗi khát khao đầy nhân bản. Khi mầm dục sống lại cũng có nghĩa là nhân vật đã tìm lại được chính mình. Cuộc hành trình ấy phải chăng là hành trình tìm lại những giá trị văn hóa hồn nhiên đã bị đánh mất sau bao nhiêu tháng ngày ngụp lặn trong một thời đại quá ngổn ngang, bề bộn, cái mà Inrasara gọi là “cuộc trở về với căn tính văn hóa”. Có cái gì như là sự vọng lại từ luật phản phục (quay trở về) trong tư tưởng Lão Trang, hướng con người tìm về với sự chất phác của bản thể, sự thanh sạch của tâm hồn mà lãng quên bao nhiêu ưu phiền trần thế.

Một tộc người nhỏ bé, hoang dã lại trở thành ân nhân

Đọc Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú tôi rất thích một chi tiết, nhỏ thôi nhưng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Gorki từng nói “chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Một nghệ sĩ có tài phải là người biết cách qua giọt nước mà nhìn thấy biển cả, qua giọt sương mà nhìn thấy bầu trời. Chi tiết này trong Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú là một trường hợp như vậy chăng? Người đọc có lẽ sẽ tự hỏi tại sao Son Phấn – người đàn bà Mụ đi đến đâu, gặp người Mã, người Khi hay bất cứ một tộc người nào khác trong Cửa Núi đều nhận được sự tôn kính, trọng thị. Qua những câu chuyện của Son Phấn, người đọc mới vỡ lẽ ra rằng, thì ra tất cả những tộc người kia đều chịu ơn che chở, cưu mang của người Mụ. Nghịch lý đặt ra là một tộc người nhỏ bé, bình dị, thô sơ như cây cỏ lại trở thành người ban ơn, còn những tộc người hùng mạnh (trong đó có cả người Mã hùng dũng, thiện chiến) lại trở thành kẻ chịu ơn. Kẻ mạnh trở nên chông chênh, người yếu trở nên vững chãi. Kẻ đáng ra phải ban ơn thì trở thành kẻ chịu ơn, người đáng ra phải chịu ơn lại trở thành người ban ơn. Hóa ra quyền năng không thuộc về sức mạnh bạo tàn, không thuộc về cường quyền và bạo lực mà chỉ thuộc về sự bao dung, sẻ chia và vẻ đẹp nhân tính của con người.

Cô gái điếm lại là nữ tộc trưởng

Người đi cùng nhân vật Anh trong suốt cuộc hành trình vào sâu trong Cửa Núi, cũng là người giúp Anh đánh thức những khát khao để tìm lại chính mình là Son Phấn – cô gái điếm người Mụ mà Anh gặp ngay khi vừa đặt chân xuống ga Nguyên Thủy. Họ đi cùng nhau, đồng cam cộng khổ, quan hệ tình dục với nhau, ấy vậy mà Anh vẫn không khỏi trăn trở, băn khoăn về Son Phấn. Mãi đến cuối tác phẩm, những bí ẩn xung quanh người đàn bà Mụ này mới được hé lộ. Cô là nữ tộc trưởng đầy quyền lực của tộc người Mụ, bỏ ra ga Nguyên Thủy để kiểm chứng về mầm dục của mình theo một luật tục đầy tính nhân văn. “Nữ tộc trưởng phải là người còn mầm dục trong người. Còn mầm dục thì còn có quyền lựa chọn đàn ông. Còn mầm dục thì dân tộc Mụ mới tiếp tục sinh sôi, nảy nở, mới trở thành biểu tượng của sự bất diệt”. Một điều thú vị diễn ra trong Hoang tâm: nữ tộc trưởng hóa thân thành gái điếm để đi tìm mầm dục và khi mầm dục đã được đánh thức bởi một người đàn ông mặc cảm và bệnh hoạn thì cô gái điếm lại hiện ra nguyên dạng là một nữ tộc trưởng đầy quyền uy. Nữ tộc trưởng hay gái điếm đâu có gì quan trọng. Cái quan trọng là có giữ được mầm dục hay không. Còn giữ được mầm dục tức là còn giữ được cái phần “nhân tính nguyên sơ” của loài người. Hình như chính Nguyễn Đình Tú cũng đã từng nói đại ý rằng sống mà không còn mầm dục, tức là không còn ham muốn, đã tắt hết lửa lòng thì cũng chẳng còn gì nữa.

Có thể nói, từ những nghịch lý nói trên, người đọc cảm nhận được một tinh thần nhân văn cao đẹp của Hoang tâm hiện lên từ mối quan hoài thường trực được Nguyễn Đình Tú dành cho bi kịch của con người trong chiến tranh, dành cho nỗi hoang mang của con người thời hậu chiến cũng như sự trân trọng của nhà văn dành cho những khát khao nhân bản của con người

 

Hồ Tấn Nguyên Minh

Nguồn: vannghequandoi.com.vn

Exit mobile version