Khi đưa bản thảo tiểu thuyết Những năm tháng nhọc nhằn cho tôi, nhà văn Lê Văn Thảo nói: “Nếu in được, NXB cố gắng chăm sóc cái bìa sách dùm!”. Thoạt tiên, kiểu nói ngang phè, cụt lủn của nhà văn khiến hơi chối tai người nghe. Nhưng rồi nhà văn nói thêm: “Từ trước cho tới giờ, tôi chưa có quyển sách nào có được cái bìa ưng ý”.

Tiểu thuyết Những năm tháng nhọc nhằn của Lê Văn Thảo

Và cũng vì muốn cái bìa sách ưng ý tác giả, một họa sĩ đã phải làm đi làm lại nhiều lần, nhà văn lẫn NXB vẫn chưa hài lòng, lại nhờ một họa sĩ khác trình bày, cuối cùng, quyển sách đành ra mắt trễ với dự kiến – là dịp nhà văn Lê Văn Thảo nhận giải thưởng Hồ Chí Minh vào ngày 19.5 vừa qua.

Bìa “Những năm tháng nhọc nhằn” được tác giả khen: “ Trang nhã, giản dị”. Nhận xét đó, theo tôi, cũng đúng với văn phong của Lê Văn Thảo, và khá rõ ở quyển tiểu thuyết mới này.

Nội dung tiểu thuyết xoay quanh quãng đời của những người trẻ, những học sinh, sinh viên Sài Gòn cuối những năm 50, trong hành trình chọn lựa cho mình một lối đi, một con đường, với ngổn ngang tâm trạng: đơn độc, chơi vơi, hụt hẫng, mày mò, tìm kiếm…

Lần theo hành trình nhọc nhằn ấy, những thân phận hiện ra trong bối cảnh của một Sài Gòn, thành phố hào nhoáng của hộp đêm, vũ trường, nhà cao tầng với cạm bẫy, xô đẩy, dồn nén, bung vỡ và một Sài Gòn của những con hẻm lầy lội, của những khu ổ chuột ngột ngạt và khu Gò Mả rợn người với những số phận lắt lay, cùng cực. Tân, một học sinh rồi Tân một sinh viên, nhân vật chính, chứng nhân của biết bao biến cố. Nghĩa, Khiêm, hai người bạn học của Tân, người trốn quân dịch, người vào trường võ bị và cả hai đều không tránh khỏi cái kết cục đau lòng; An, cô bạn học của Tân, con gái của một quan chức có cỡ trong chính phủ Sài Gòn, có cái chết bi thảm mà mẹ cha cô không tìm được xác con gái mình. Thắm và Quyên, hai người con gái mà Tân thương yêu đều là thân phận lao lung trong vòng kềm tỏa của chiến tranh. Thầy Hậu dạy sử trung hậu, thương người, thương trò, chỉ chăm chăm dạy học nhưng lại bị vướng vào tù, bị đày ra Côn Đảo… Các nhân vật rõ tính cách, rõ số phận bằng lối kể tự nhiên, nhẹ nhàng, nhẩn nha mà đầy dụng công.

Sự dụng công rõ nhất trong tiểu thuyết Những năm tháng nhọc nhằn, là nhà văn đã tạo được nhiều tình tiết có sức gợi và ám ảnh. Cuộc hành trình tìm kiếm của Tân (tìm Quyên, tìm dấu tích cha Quyên, tìm An, thực ra là tìm xác An trong khu Gò Mả, Tân bị đánh thừa sống thiếu chết và cũng được người của Gò Mã cứu sống; tìm con đường mà mình sẽ dấn thân…) là một chuỗi tình tiết được xây dựng bằng vốn sống, bằng sự trải nghiệm, bằng cái duyên ngầm qua cách thể hiện. Rồi tình tiết cha An, một quan chức trong ngành ngoại giao Sài Gòn, trong nỗi phẫn uất mất con đã đến gặp một quan chức cao cấp trong ngành cảnh sát tại trụ sở Tổng nha và trong cơn căm hận bùng nổ, ông đã nhào tới khẩu súng treo trên tường ( thực ra là khẩu súng săn – khẩu súng để trang trí), chưa kịp chụp lấy đã bị hai người lính xông ra quật ngã và bẻ tay ông tra vô còng…

Quyển tiểu thuyết mới của nhà văn Lê Văn Thảo khá mỏng (200 trang) nhưng dày dạn tình tiết. Có tình tiết lồ lộ đừơng nét, hình khối, sắc màu, âm thanh. Có tình tiết lặn sâu vào tình cảm, chìm khuất trong tâm hồn, để lại trong lòng người đọc nỗi ám ảnh thân phận và ám ảnh về sự khốc liệt của cuộc chiến âm ỉ trong lòng thành thị. Có lẽ, đây mới chính là sức hấp dẫn của tiểu thuyết Những năm tháng nhọc nhằn.

* Tiểu thuyết “Những năm tháng nhọc nhằn” (NXB Văn hóa – Văn Nghệ, tháng 5.2012)

Exit mobile version