Tôi đã đọc Dương Kiều Minh theo cái cách mà tôi gọi là “random access”.[*] Bài thơ đầu tiên của ông đến với tôi có tên “Không đề”. Cái duyên đầu đã là “không”. Theo tôi, “không” chính là mẹ đẻ của thơ.

Nhà thơ Dương Kiều Minh.Cú làm quen xẹt như sao băng, vừa kịp “sinh” sao đã đành “lão”, “bệnh, “tử”:

Qua hai cơn mưa đầy ắp vị thu. Đêm nào hè phố hoa bàng rơi trắng tóc, đêm này đã những trái bàng chín rụng đầy

là câu đầu phần 1 của bài thơ tràn ngập những những “thu”. Sang phần 2 lại

chợt dừng lại ở mùa thu những trái bàng chín vàng rơi trên hè phố vắng

“Thu” và “bàng” – những tín hiệu tâm linh nào đang phát sáng đấy? Chúng ta nghe thấy âm thanh và ánh sáng của chiều. Đó cũng là biểu tượng của tuổi học trò, những mùa thu của khai giảng, những tán bàng của sân trường. Mộng về với tuổi thơ. Mà hỡi ơi, những trái bàng đã chín vàng, mà sao chỉ toàn rơi với rụng! Tuổi thơ ươm những mầm thơ đã chín. Chín mà chi! Khi

Dòng đời đục mãi, lòng mình đục mãi. Biết bao giờ lắng? bao giờ trong?

Khi mà

Chúng ta đang sống, hay chúng ta đang chết?

Sao tránh khỏi những lúc

ngửa mặt than đời quá chật

Nhưng còn đấy lòng tin của sự tinh tế và nhậy cảm:

Làn gió thu mỏng tang lướt qua làm mọi vật trên thế gian biến đổi

Dẫu lòng tin ấy thật ngây thơ như những nụ cười tươi rói trên sân trường kia, vâng, đó là những nụ cười của thiên thần, vì chúng có cánh, để mà bay lên, để “thượng thanh khí”:

Tiếng chim ngân vang tiếng vọng dội từ kiếp trước từng luồng ánh sáng trong suốt hắt từ tháp mái

Cõi lòng trống trải tuột dây nhè nhẹ chạm vùng gió nắng

Có sự lắng nghe nào sâu xa như thế nữa không? Nếu “thần” không “trong”, “khí” không “thanh”? “Cõi lòng trống trải tuột dây”, một con diều cất cánh từ tuổi thơ đầy nắng đã bay thật cao.

Đến đây, tôi đã muốn thét thật to gọi thơ Dương Kiều Minh là một cánh diều trong nắng chiều thu.

Sau đó, tôi được đọc một số bài trong tập Củi lửa. Nơi đây, những ý thơ khủng khiếp đã được gieo xuống.

Ai cũng bảo đây là tập thơ đầu, mà ai biết đấy có phải là tập thơ cuối. Bởi “củi lửa” hàm ý những trở về, và đây, như ngay trong bài “Củi lửa”:

Mẹ già nua như những buổi chiều

Có níu kéo gì ở đây không khi có người đòi đã “già nua” thì phải về với “buổi tối”. Tôi thì nghĩ nếu “buổi tối” thì ánh dương đã tắt, là cái chết đã ngự trị. “Mẹ” vẫn còn “chiều” như vào đầu đông, để đàn con lặng nhớ thầm những ngày xuân, đêm hè, với những

ao xưa, mảnh vườn nhỏ ngày xưa

bậc thềm dàn dụa trăng mỗi tối

Đến đây, vẫn thấy trong thơ Dương Kiều Minh một vẻ đẹp thanh khiết, như từng. Nó vẫn thanh khiết trong những khung cảnh mới, đẹp như tranh (kiểu trường phái “Fauvism”), như trong bài “Thành phố buổi đêm”:

Chiếc ô tô màu xanh lá cây

những ngôi nhà màu xanh lá cây

ô cửa chớp hình hoa loa kèn đỏ

Một cái đẹp rực mà nền. Nhưng cũng là câu thơ hiếm, vì hiếm người đưa được những thứ như là “ô tô” vào thơ. Nhà thơ vẫn sống và thở cùng với cuộc-sống-đang-là.

Có hai bài thơ trong tập thơ Củi lửa này làm tôi thao thức mãi. Bài “Hy vọng” và bài “Cánh đồng thơ ấu”. Đọc “Hy vọng” tôi đã nghĩ rất lung trước đoạn này:

Ở mãi âm thanh ngày nao nức

Con chạy trên đồng lúa rộ vàng

Mạng nhện giăng giăng bụi hoa cúc dại

Mặt trời lung linh khu vườn mẹ

Bức tường ánh sáng…

Điều gì dào lên trong những hạt li ti.

Đoạn thơ ấy làm tôi nghĩ đến những người đã trải qua “kinh nghiệm cận tử” (NDE – Near Death Experience). Những người đã từng “hồn lìa khỏi xác” ấy thường thấy linh hồn mình bay lên trong những con đường ống đầy ánh sáng diệu kỳ, rồi họ được gặp linh hồn của những người thân đã khuất, nhất là cha mẹ mình, trong những khu vườn kỳ lạ và tuyệt đẹp… Ý thơ “dào lên trong những hạt li ti” càng làm rõ nét cái cảnh giới ấy. Đây là một ý thơ khủng khiếp, nó phản ánh được cả “thế giới hạt” lẫn “thế giới sóng” của vật chất. Cái tên “hy vọng” càng làm nên một cuộc “cận tử” trác tuyệt. Càng là nói lên cái công năng đặc cách của Thơ:

– Thơ có thể xuyên suốt mọi cõi,

– Thơ có thể nói được mọi điều,

– Thơ có thể đưa ta đi khắp 3000 thế giới,

– Thơ có thể đưa ta về bên Mẹ bất cứ khi nào,

– Thơ rất hư mà rất thực,

– Thơ là cái vô cùng lớn và vô cùng bé…

Bài “Cánh đồng thơ ấu” thế này:

Ở giữa cánh đồng của mẹ

trong chiếc nôi màu thiên thanh

Mơ mơ cánh đồng thơ ấu

không không không cả bóng n[g]ười

không bước chân ngày ngây dại

cậu bé bây giờ về nơi?

Em đây, em cười, thôn nữ

chào ta như thể quen rồi

chốn này đâu là ta nữa

cánh đồng cậu bé ấy thôi!

Kia đôi nhân tình gần khuất

kia chiếc cầu cong thảnh thơi

kia những hàng cây thân trắng

kia toà nhà cổ im lời

Đấy cánh đồng ngày thơ ấu

ta chỉ như là khách thôi

tất cả kia là cậu bé

chìm trong mờ ảo sắc trời

Tại sao một bài thơ như thế này lại chưa từng được nhắc đến trong các thi tuyển? Nếu bài thơ này không được đưa vào sách giáo khoa thì sẽ thiệt thòi lắm cho các em học sinh. Nếu con em chúng ta không đọc, không cảm gì được về bài thơ này thì, phải chăng là đã đến lúc chúng ta nên tuyên bố: Thơ đã chết!

Cánh đồng ấy là thực hay trong mơ? Ấy cánh đồng hay chiếc nôi? Cánh đồng nằm trong nôi hay giữa đất trời? Còn có trí tưởng tượng nào bao la hơn thế?

“Cậu bé bây giờ về nơi?” gợi lên bao nhiêu kỷ niệm trong bạn? Những “em”, những “đôi nhân tình”, những “chiếc cầu”, những “hàng cây”, những “tòa nhà cổ” là cõi thực hay cõi tiên? Hay cõi hoang tưởng nào? Có ai ở đây còn nhớ tưởng Hoàng Cầm “Em đừng lớn nữa Chị đừng đi”??[1]

Biết bao nhiêu ẩn ức? Cả một dòng tiềm thức như một ngọn thác khổng lồ đổ ập xuống. Mà không làm ta chết đuối. Mà làm chúng ta mơ, chúng ta bay, chúng ta ngây ngất, chúng ta nhức nhối… trong cõi nhớ-về.

Lại cả một đoạn kết hiếm hoi lắm trong thi ca Việt. Cả một không gian lập thể. Một không gian “n chiều”. Tất cả quá khứ và hiện tại và cả con người cùng linh hồn của nó hiện ra cùng một lúc trong những chiều không gian khác nhau mà lại cùng nhau. Nhìn thấy đấy mà không thể nào với [tay] tới!

Một bài thơ sánh cùng thế giới ở tất cả các chiều: ảo, vọng, thực, hư, tâm, trí, tưởng…

Tôi còn thấy trong tập thơ ấy mấy câu thơ lục bát hiếm hoi của Dương Kiều Minh, ở bài “Trong mưa”. Không thấy ông dấn thân ở thể loại này, nhưng mấy câu đây thì quả là “khủng”:

Trong mưa có một ngôi đền

và mưa từng ngón buông mềm mái tây

và mưa từng ngón ngón gày

len len run rẩy bàn tay gượng gàng

Với tôi, làm thơ lục bát cũng như thể viết sex. Viết thì dễ nhưng mà để cho thậm hay (mấy câu trên là một ví dụ) thì là việc của đại văn hào.[2]

Thưa quý vị, tôi mới viết đến đây thì sét đã đánh ngang. Dương Kiều Minh đã rời trần thế lúc 11 giờ 8 phút, ngày 28 tháng 3 năm 2012. Ung thư phổi.

Từ đây, tôi đã nghẹn lời.

Mặc dù tôi đã định viết rất nhiều nữa, nhưng không hiểu sao, cho đến tận hôm nay, tôi như không thể nào viết tiếp được nữa. Người đã đi rồi, mọi câu chữ sao cứ như vô duyên; sao cứ như ném vào mặt người viết một dấu chấm hết như một búng máu lớn.

Tôi đã nghẹn lời… dù

Tôi đã định viết về “Về đi, chú dế nhỏ” lạc vào

Tai ách trần gian, kiếp nạn trần gian!

Dế ơi, ngươi có biết

Có người đã nghe thấy

Mẹ ngươi đã khản tiếng gọi ngươi giữa trời sương phủ

Ngươi có biết người có thể nói chuyện được với côn trùng cây cỏ là người có trực giác vô cùng linh mẫn

Thế gian này là hiếm hoi

Tôi đã định viết về “Hành trình”

Ngay từ cách đây 7 năm thi sỹ đã linh

Ôi, đường dài

ngày sắp hết

Cuộc đời luôn luôn đang ở trên đường, từng số phận lần lượt dừng lại mãi mãi bên vệ cỏ xa xăm nào đó.

Những chuyến đi dù xa đến mấy, rồi sẽ tìm một con đường riêng để trở về.

“Trở về”, cũng là đường của Đại Đạo

Là đích đến

của mọi mọi hành trình

Tôi đã định viết về “Những ngôi nhà trôi trong sương sớm”

Nhìn thấy nhà trôi thì chỉ có ánh mắt của linh hồn

Đang dõi cuộc đời từ đỉnh những đám mây

Quả nhiên

Có tiếng người ghé tai tôi nói khẽ:

“Cầu chúc những linh hồn về cõi thiên thu”

Tôi đã định viết về khoảnh khắc rợn người “Liêu Trai của Liêu Trai” khi đọc “Tưởng nhớ một nhà thơ”

Lúc hồn gặp hồn

Băn khoăn

Nhà thơ và cuộc đời – cái gì là thực? Cái gì là ảo?

Choàng tỉnh,

một làn khí nhẹ lướt qua rặng trúc rồi bốc vút lên bầu trời cuối năm!

Tôi đã định viết hẳn một bài về “thơ độc thoại nội tâm”/ “thơ nhật ký”/ “thơ dòng tâm thức” (mấy cái “thuật ngữ” tôi vừa chợt nghĩ ra) của Dương Kiều Minh

Khi đọc “Cha ơi, ngày tháng này làm con phiền lòng”

Rồi đọc

“Thu ẩm”

“Núi đồi và hoa mận trắng”

“Chiều xuống rồi”

“Ghi trong cơn dịch cuối năm Đinh Hợi”

“Khúc tưởng niệm”

“Những cuộc tiễn đưa”

Và tôi nhận thấy

Có thể nói “dòng tâm thức” – đó là con đường thơ của Dương Kiều Minh

Càng về cuối càng rõ

Khởi thủy là “cha”

Cha ơi, ngày tháng này làm con phiền lòng. Ngày giỗ Cha vào tiết cơm mới, con ưu tư như đang đi trong ngày cuối năm. Từ lâu con thấy gánh nặng cuộc đời đè lên đôi vai bé nhỏ. Nhiều khi con tưởng quỵ xuống rồi gắng gượng đi tiếp. Nhiều khi con tưởng gục ngã – đường đời xa ngái cha ạ – đường đời thăm thẳm hút xa. Con buồn, trơ trọi, ngày tháng làm con phiền lòng.

Đã đem đến những tiên cảm

Con muốn thoát vào trong bầu trời, hàng ngàn sợi dây vô hình móc con trở lại. Trái tim con yếu đuối, gương mặt con già nua trước tuổi. Con cứ ngắm những chiếc xe màu đỏ dừng lại dưới chân đồi – một cuộc tiễn đưa – một viễn cảnh ngập tràn âm thanh và ánh sáng.[3]

Những tiên cảm lồng trong không thời gian mặc định: “thu”

Từ “thu ẩm”

Hơi lạnh đệm thu nửa đêm giật giấc, cảm phiền đời người dằng dặc và thoáng chốc

Dằng dặc và thoáng chốc

Những trái bàng chín vàng lặng lẽ rơi trước cửa…[4]

Đến “thu xao xác”

Cơn giông thu xao xác. Hơi lạnh đến sớm nhè nhẹ loang theo những luồng gió mang theo hơi mưa ngập tràn khắp ngả.

Rồi một ngày cuối thu ta trở về đã những nấm mộ nhỏ nhoi lần lượt lẫn trong màu lúa chín.

Cơn giông thu xao xác cuối chiều những quả đồi nhoà dần lẫn vào mưa gió lẫn vào sương khói dâng lên mù mịt.[5]

“Thu khô”

Ở một mùa thu lá phi lao khô phủ kín những bờ cây[6]

Rồi “thu sương khói”

Rồi lại “chiều thu”

Bạn hoảng hốt cái chết đến bất thình lình. Ôi sống – chết, ai cầm được bản mệnh mình trong lòng bàn tay?

Cuối buổi chiều thu tôi thấy mình rơi hẫng vào một không gian mơ hồ theo những luồng khí xô đẩy vô định.[7]

Để níu kéo

Để day dứt

Trong tiếng thơ cuối

Tôi ngắm mãi những ngày thu tận[8]

Mà vẫn để lại “Những đoạn thơ không đầu, bỏ dở”

“Người thơ đường thơ thu” ấy có lận đận

Chỉ biết

Người chưa kịp đến với “mùa đông”

Thưa

Tôi thực sự đã nghẹn lời.

19-27/3/12

28/3-1/4/12

Đặng Thân

___________________

[*] Về cách tiếp cận văn bản kiểu “random access” tôi đã nêu ra lần đầu trong bài “Đoàn tầu ‘Thống Nhất’ (hay là ‘quân tử dĩ hậu đức tải vật’)” viết về nhà lý luận phê bình Đỗ Lai Thúy và cuốn Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy (Tư tưởng phê bình văn học Việt Nam, một cái nhìn lịch sử) của ông do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2011.

[1] Hoàng Cầm (1922–2010), “Cây tam cúc”.

[2] “Những bậc thánh của lục bát” không nhiều, đời cho đến nay chỉ có thể ghi nhận những cái tên của Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Bàn Tải Cân. Tôi cũng đang có dự định viết về nhà thơ Bàn Tải Cân này, với một bài có cái tên “Á thánh của 68”.

[3] Dương Kiều Minh, “Cha ơi, ngày tháng này làm con phiền lòng”.

[4] Dương Kiều Minh, “Thu ẩm”.

[5] Dương Kiều Minh, “Khúc tưởng niệm”.

[6] Nt.

[7] Dương Kiều Minh, “Những Cuộc tiễn đưa”.

[8] Tên tập thơ cuối cùng của Dương Kiều Minh.

Nguồn: vanvn.net.