Nhập nhoạng buổi đông muộn năm 89 ở nhà cụ Kim Lân chỗ ngõ Hà Hồi lần đầu tôi được gặp cụ Thanh Châu. Buổi gặp có lắm cái à… Thì ra nhà cụ ở Trần Quốc Toản gần Hà Hồi với cụ Kim Lân. Lại nữa, thày giáo tôi, GS Hà Minh Đức một lần có nhắc mà tôi quên bẵng đi là cái làng của cậu có ba người mà tôi nể là cụ Thanh Châu, tiến sĩ toán học hiện ở Paris là Lê Dũng Tráng, cháu của cụ Đốc học Lê Văn Bích và nghệ sĩ hát tuồng Lê Tiến Thọ…
Chả phải thấy người sang bắt làm người làng nhưng ông già manh mảnh hom hem gần 80 này từ thuở bé đến năm 25 tuổi đã từng gắn bó với làng quê Vĩnh Hùng của tôi. Kỷ yếu Hội Nhà văn chỉ ghi: Sinh năm 1912. Năm 1934 in tác phẩm đầu tiên Bó hoa quá đẹp (trên những số đầu của tiểu thuyết thứ bảy) Trong bóng tối (tập truyện ngắn nhà in Trung Bắc Tân Văn xuất bản) Người thày thuốc (Nhà XB Tân Dân Hanoi 1938) Bóng người ngày xưa (Tiểu thuyết NXB Tông Phương Saigon 1941. Cùng một ánh trăng (Tiểu thuyết, NXB Tân Dân – 1942) Cái ngõ tối NXB Thăng Long Hanoi – 1944) Vàng, Cún số 5 (Truyện thiếu nhi, NXB Tân Dân Hanoi – 1942. Những ngày trao trả tù binh (Phóng sự, NXB Văn nghệ 1954) Không rời quê hương (Bộ thông tin xuất bản – 1955) vv…
Buổi gặp ấy khiến lứa hậu sinh như tôi ngớ ra lắm thứ… Hóa ra cái dinh thự cuối xóm Nam của Vĩnh Hùng lại là nơi tá túc đi về gần phần tư thế kỷ của nhà văn Thanh Châu. Mà cái dinh thự ấy lạ lắm, thực sự là nỗi khiếp hãi của bọn trẻ con chúng tôi hồi bé đi học thường qua đó! Bởi bao quanh một khu vườn mênh mông tuyền một thứ chất liệu là tiểu sành! Nhưng là thứ chưa dùng bao giờ. Dùng nghĩa là để đựng cốt mỗi khi sang cát bốc mộ… Những hàng những dãy tiểu sành tăm tắp âm u rờn rờn trong những chiều nhập nhoạng hồi thơ bé… Tôi chỉ biết mang máng dinh thự ấy là của một người giàu có quyền thế từ thời trước… Rời làng, chìm ngập trong bao thứ mưu sinh, tôi chỉ nhớ chỉ biết loáng thoáng có vậy. Bây giờ lại có cụ Thanh Châu đây rành rẽ nhắc cho nghe cái phần bên trong dinh thự … Dinh thự ấy như một mảnh vỡ văng ra trong một thời bi hùng rồi chìm lấp của sử nước… Ông nội Thanh Châu (thuở bé có tên là Ngô Hoan) là Ngô Xuân Đài tri huyện Nam Đàn Nghệ An. Có vẻ như môn đăng hộ đối. Con trai cụ Ngô Xuân Đài là Ngô Tân sau này tác thành nhân duyên với người cháu ngoại họ Cao nôỉ tiếng giàu có và thế lực ở vùng Biện Thượng Bồng Báo của xứ Thanh mà sau Cách mạng tháng Tám có tên mới là Vĩnh Hùng. Vùng đất phát tích của 12 đời chúa Trịnh bắt đầu từ Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm khéo rèn dạy người như trong vở chèo khuyết danh Quan Âm Thị Kính có câu ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo… Sinh ở đất Nghệ nhưng bé tí cậu bé Ngô Hoan đã về sống ở đất Thanh đằng ngoại. Bà mẹ Thanh Châu lại là cháu ngoại của cụ Đề Dơi tức Lê Văn Dơi, một thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh mà Tống Duy Tân là đồng chí… Bút danh Thanh Châu hình như vương vất hơi hướng Châu ái, Châu Hoan?
Khung cửa sổ của dinh thự ông ngoại trổ ra con sông Mã như một bức tranh sinh động bốn mùa. Rồi mườn mượt những lớp dâu, lớp cải ngồng bãi sông… Rồi những trận tắm sông thoả thích… Rồi những lần theo trẻ con nhà tá điền lên núi Hùng Lĩnh lên làng Lon chăn bò… Cụ Thanh Châu bồi hồi với tôi rằng, sở dĩ sau này ra Hà Nội học thành chung, học cùng rồi tham gia trong nhóm thơ của Nguyễn Nhược Pháp và Phạm Huy Thông, thơ Thanh Châu có khuynh hướng hiện thực bớt đi vẻ uỷ mỵ lãng mạn một phần cũng được gần gụi với khung cảnh với con người của quê ngoại Vĩnh Hùng! Trong nhiều năm, Thanh Châu chịu ảnh hưởng của sự rèn cặp thực ra là phương pháp giáo dục khắt khe nhưng khuyến khích sự sáng tạo của cụ đốc học Lê Văn Bích người làng Vĩnh Hùng mà cả vùng quen gọi là cụ Đốc Bích dạy ở trường Thanh Hoá. Kỳ nghỉ hè nào về Vĩnh Hùng, Thanh Châu cũng lại được cụ Đốc rèn cặp thêm. Cụ Đốc có người con trai là Lê Văn Bảo, đảng viên cộng sản năm 1930 là lớp đảng viên cộng sản đầu tiên của Thanh Hoá đã hy sinh trong đề lao Pháp. Sau này con cháu cụ Đốc đều phương trưởng thành đạt mà có người cháu là Lê Dũng Tráng tiến sĩ toán học hiện đang ở Paris.
Trong thời gian theo học điplom ở đất Hà thành, Vĩnh Hùng vẫn là vùng đất mà Thanh Châu đi đi về về. Chính trong những ngày ở quê ngoại, Thanh Châu đã được gặp đồng chí Đặng Văn Hỷ (sau này là Chánh án Toà án nhân dân tối cao). Mới đầu thì là tâm giao, thơ phú sau nữa là thì thân thiết và được đồng chí giác ngộ cách mạng. Chính vì thế sau cách mạng tháng Tám, đồng chí Đặng Văn Hỷ khi gặp Thanh Châu ở Vĩnh Lộc đã giới thiệu ngay Thanh Châu vào làm việc Uỷ ban kháng chiến xã Vĩnh Hùng. Trong những ngày hoạt động sôi nổi ấy ở quê ngoại, Thanh Châu kết giao thân thiết với lớp đảng viên đầu tiên của Vĩnh Hùng như ông Bạ Cấu (khi đó là chủ tịch xã, ông Bạ Cấu tức Trịnh Hứa là thân sinh nhà thơ Huy Trụ) Một thời gian sau, Thanh Châu được đồng chí Đặng Văn Hỷ rút lên huyện Vĩnh Lộc làm công tác thanh niên rồi sau này được rút về tỉnh Thanh Hoá cũng chuyên mảng thanh niên.
Những năm xa ấy, thi thoảng tôi vẫn bắt gặp cụ thong dong cùng chiếc xe đạp cà tàng trên những con phố của Hà thành. Những tưởng những vòng quay chầm chậm ấy rồi sẽ đưa cụ đi nốt quãng cuối của của cuộc đời trên đất Bắc nhưng lý do hình như để cụ hành phương Nam vào ở hẳn với Sài Gòn xuất phát từ một biến cố buồn? Một bữa trời trở giông gió, cụ bà Thanh Châu tất tả trèo lên sân thượng với tay sang ban công cất hộ quần áo cho nhà hàng xóm thì bất đồ cụ bà bị mất đà… Cú ngã nhào xuống đất ấy khiến cụ phải nằm bệt rất lâu trong bệnh viện để chữa xương chân lẫn xương tay bị gẫy! Đáng buồn hơn cú ngã đó làm cụ bà bị chấn thương sọ não, ngoài chứng nằm liệt một chỗ lại thêm bệnh nhớ nhớ quên quên. Hoạ vô đơn chí… Ây là một bữa cụ ông đang dong xe như thế, bất đồ một thằng vô lại đi xe máy ẩu tông vào cụ. Thế là cái chân già rời ra làm đôi. Lại những ngày nằm viện… Khí hậu phương Nam tốt hơn cho sức khoẻ của cụ bà và cả cụ ông nữa. Bữa tôi lần mò tìm được nhà cụ Thanh Châu bên hông đường Lê Văn Duyệt (Cách mạng tháng Tám) thì cụ bà cũng bỏ cụ ông mà đi mới mấy tháng!
Cũng chẳng phải thiên lý tha hương ngộ đồng hương nhưng buổi ấy tôi may mắn gặp được một bậc cao lão lại mẫn tiệp và mặn chuyện! Thì ra cụ đương là người bận rộn. Cụ bận gì? Cụ cho hay đang tiếp tục cuốn hồi ký mà cụ đang dự định đặt tựa đề làC Mười năm Thanh Châu với Tiểu thuyết thứ bảy và Từ bài báo đầu tiên… Hiếm có một nhà văn quân đội nào thời điểm sau Hội nghị Trung Giã (tháng 7 năm 1954t) lại tỷ mẩn mò về Thị xã Thanh Hoá rồi Sầm Sơn rồi Hải Thôn của Tĩnh Gia lọ mọ gặp được trong số hàng ngàn tù binh Âu Phi đủ cả 36 quốc tịch để làm một thiên phóng sự sinh động Một cuộc trao trả tù binh sau đó được Giải văn chương. Cái câu bình tôi đã nắm rất chặt lắc rất lâu những bàn tay không cầm súng 36 quốc tịch ấy… chắc phải đọng trong tâm trí nhiều người?
Cụ Thanh Châu đang bộc bạch niềm vui của cụ khi một nhà nghiên cứu ngoài Bắc vừa tìm thấy bài thơ đầu tiên của cụ in trên tờ Phong hoá đầu những năm ba mươi thế kỷ trước. Cũng tại bởi chất giọng của ông lão chín mươi ba vẫn không nhoè đi tẹo nào: Có ai thấy đầu cành chiếc lá non run rẩy/ Khi trận gió đông lạnh lẽo tràn qua/ Có ai thấy giọt sương đeo nặng đài hoa/ Chiếc lá run rẩy giật mình/ Những thân phận run rẩy/ trước cảnh đời đơn bạc…
Cụ đưa tôi ngược về những ngày đầu làm ở Báo Văn Nghệ sau 1954. Rồi tiết xuân xứ Bắc cái bữa Thanh Châu cùng Quang Dũng, Trần Lê Văn về thăm nhà cũ của Quang Dũng ở Xứ Đoài… Bữa chơi ấy, cụ gần như ứng tác một bài thơ mà cụ cười móm mém là bài này chưa in đâu cả!
Về nhà không có ai/ Chín năm/ Cây đào phai/ Bên bức tường đổ/ Lại một lần nở rộ/ Đào hỡi/ Đầy sân cánh đỏ/ Biết chăng/ Hoa nở/ Không người/ Ta ước/ Mẹ thành hương bay về vấn vương cảnh cũ/ Ta ước em ta thành chim bay về đậu bên cửa sổ/ Ta uớc chị ta lại ngồi thềm cửa/ may lại cho ta áo nhỏ/ Chiếc áo ngày xưa/ áo đỏ hoa đào…
Lại lạ thêm cái cười hóm từ thể chất hom hem khi cụ cười rằng mình chưa bao giờ nghỉ bút (chữ của cụ) chả thế cụ ứng tác nhân một lần sinh nhật Em ơi đừng chúc thọ/ Anh vẫn đạp hàng ngày… Đạp là đi xe đạp. Nguyên văn bài thơ là: Mình nay như mít chín/ tụt nõ lúc nào hay/ Sao vẫn nhìn hoa hậu/ Như thể vẫn còn cay!
Cứ lan man thể nào rồi dắt sang thời điểm truyện ngắn nổi danh Hoa tigôn 60 năm trước (tháng 7 năm 1937) khơi mào men thơ cho T.T.Kh đột ngột trình làng Hai sắc hoa ti gôn. Đã trưa trật rồi nhưng tịnh chả thấy triệu chứng gì cụ nhạt chuyện cả! Chợt nhớ lần chuyện với nhà văn Nguyễn Khải, ông gọi những thứ lan man không đầu không cuối ấy là những cơn nhớ… Bắc! Nhà văn Nguyễn Khải loáng thoáng vô ra có lẽ là để đã cơn nhớ, để miệt mài chăm chắm với những con chữ. Chứ với cụ Thanh Châu đây có lẽ hơi khó? Nói phỉ phui, liệu cụ có thỏa được cơn nhớ Bắc lần cuối?
Thế mà đùng cái, năm sau, hai ngàn linh năm, năm Đại hội VII nhà văn, ngạc nhiên chưa, bất ngờ đụng cụ ngay tại Đại hội. Nguồn cơn để cụ có mặt tại Hội trường Ba Đình này, kể ra thì dài và nhiêu khê nhưng phải có cái duyên như là đồng cốt của kẻ hành hương thì mới vượt qua những trùng phùng thiên lý như thế? Dáng lòng khòng cứ chúi về phía đằng trước, cụ sải những nhịp cân chầm chậm đến các bậc cao lão Nguyễn Viết Lãm, Kim Lân… Giờ nghỉ trưa, không biết ai đề xướng sự kiện rước cụ Thanh Châu và mấy bậc cao lão đi cháo lòng tiết canh. Cụ Kim Lân nhiệt liệt hưởng ứng… Bất đồ đến giữa đường, cụ Thanh Châu nhớ ra có việc với người nhà ngoài này… Thành thử xe lại quành về hướng khác đưa cụ đến nơi cần đến. Bữa cháo lòng tiết canh ấy nhõn mỗi bậc cao lão Kim Lân.
Chẳng ngờ cảm giác hoang mang giờ giải lao khi ôm lấy tấm lưng xương xẩu của bậc cao niên mà giật thột với ý nghĩ rằng còn được mâý lần hầu chuyện cụ nữa đây, lần gặp ấy lại là lần cuối!
Cụ êm nhẹ ra đi ở căn nhà chật hẹp của mảnh đất phương Nam hai năm sau đó. Căn nhà mà cụ từng thư thả đọc cho nghe di chúc của mình bằng thơ khi giang rộng cánh tay tiễn khách
Mong cỏ nội xóa đi ngàn chuyện dở/ Để trên mồ con dế đẫm sương kia/ Vẫn thay mình kể chuyện đẹp đêm khuya…
Viết nhân trăm năm ngày sinh cụ Thanh Châu
Nguồn: Vannghe