Với Đeo bám, ta lại gặp nhiều trang sách với mái trường, dòng kênh, cảnh vật thiên nhiên đầy yêu thương, sinh động bởi một người ưa quan sát và giàu cảm xúc…
Niềm đam mê, cũng như tình yêu, kỳ lạ và kỳ diệu là, đã dính vào thì khó cưỡng lại hoặc rũ bỏ. Đó là khát vọng thánh thiện của tâm hồn, không gian bao la cho trí tưởng tượng, động lực vô biên tạo nên sức mạnh, nghị lực giúp con người vượt lên khó khăn, hướng tới mục đích. Như một nguồn năng lượng lớn, niềm đam mê nếu được giải phóng, có thể tạo ra những kết quả không ngờ. Và trong cuộc sống thực tế, không phải bao giờ đam mê và đời thực cũng trùng khít nhau. Giải quyết mối quan hệ này phụ thuộc nhiều điều kiện, nhất là nghệ thuật xử lý, tính cách và bản lĩnh mỗi người. Từng chứng kiến nhiều cách thức giải quyết mối xung khắc này, song kết quả tích cực thường không phải chiếm tỷ lệ cao.
Và trường hợp Nguyễn Tấn Phát là một trường hợp hiếm hoi. Nhìn theo cách thông thường, Nguyễn Tấn Phát là một người thành đạt. Là học sinh miền Nam, lớn lên đúng lúc nước nhà chia cắt, tuy nhiều khó khăn, nhưng việc học hành vẫn suôn sẻ. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, thành giảng viên, tiến bước đều đều, có công trình khoa học xuất bản được chú ý… Kể đường đời như vậy cũng là vinh quang và đáng tự hào. Nhưng ở một phía khác của cuộc sống, ông lại có những đam mê khó cưỡng, mà một trong những điều đó là say mê văn học. Cuộc đời ông, nhất là thời thơ ấu và tuổi hoa niên, không ít thăng trầm, với những cảnh ngộ rất éo le, tủi thân, cô đơn, đau đớn rất riêng, cả thể chất lẫn tinh thần. Người đơn giản thì dễ quên, hoặc gác lại để tận hưởng những niềm vui và hạnh phúc đang hiện hữu, là một cách. Nhớ để hiểu và trân trọng hơn giá trị của hạnh phúc hôm nay, là một cách khác thường thấy ở những người chân chính. Nhưng, Nguyễn Tấn Phát còn hơn thế, trò chuyện với ông có thể thấy, trong ông không nguôi cháy sáng những kỷ niệm một thời đã xa. Những ký ức ấy như đang sống, như mới hôm qua, chi tiết và đầm ấm. Ông nuôi dưỡng, ấp ủ, ghi nhận, lưu giữ tận trong đáy sâu tâm khảm. Không có tâm hồn văn học thì không thể có những ký ức kiểu như vậy. Một cán bộ phụ trách ông thời niên thiếu, cũng là ân nhân cứu ông thoát chết trong một trận bão dữ, nhận thấy ở ông sự nhạy cảm của một tâm hồn, ức đoán và mong ông cố đọc nhiều sách để lớn lên trở thành nhà văn. Nhưng công việc dồn dập cuốn ông đi, không theo con đường trở thành nhà văn, mà thành một nhà giáo, một nhà khoa học, một cán bộ quản lý giáo dục.
Nếu ở thời nay, cũng có thể sẽ khác, nhưng ở vào giai đoạn ấy, khi đất nước đang còn chiến tranh, khi Nam Bắc đang còn chia làm hai miền, thì đấy là con đường do tổ chức ấn định, không thể khác, hơn nữa, tính cách của một người điềm đạm như Tấn Phát, hoàn cảnh như ông thì việc phá tung tất cả để rẽ ngoặt theo lối đi của ý mình, là điều không thể. Và, như ngọn nến cháy hết mình, ông đã đi với tất cả tâm huyết và cố gắng vì sự nghiệp giáo dục, cho đến tuổi được quyền nghỉ ngơi, nghĩa là khi được tự làm theo ý thích của mình, không bị ràng buộc bởi sự quản lý của tổ chức và công việc hằng ngày. Lúc đó ngọn lửa đam mê xưa trong ông lại bừng cháy. Những ký ức mấy chục năm âm ỉ trong lòng thuở nào, cộng với bao trăn trở bộn bề của cuộc đời hiện hữu, hiện lên trong ông trở thành những con chữ, để ông dựng lại một thời đã qua, cùng bao ước vọng cho hiện tại, tương lai. Ngôi sao hộ mệnh, cuốn tiểu thuyết tự truyện đầu tay ra đời như là một thử sức trên loại hình mới của ông. Bạn bè đọc, vui và cảm động vì tác phẩm như thứ trái cây ngọt lạ của dòng cảm xúc sôi nổi, của hiện thực phong phú và sinh động. Và đam mê tiếp tục theo ông, thôi thúc ông tiếp tục hoàn thành tác phẩm thứ hai có tựa đề Đeo bám này.
Bìa sách
Lần này, chất tự truyện có phần giảm đi, dòng hư cấu, tưởng tượng, chiêm nghiệm được tăng thêm, nhằm chuyển tải những suy nghĩ về lẽ sống, sự đời lâu nay ông nghiền ngẫm, nhận thức, giác ngộ. Và ta lại gặp nhiều trang sách với mái trường, dòng kênh, cảnh vật thiên nhiên đầy yêu thương, sinh động bởi một người ưa quan sát và giàu cảm xúc; những trang về tình yêu, tình vợ chồng ý vị, đắm say được nhìn bằng con mắt của tâm hồn tươi trẻ; những trang khắc họa xung đột các ngõ ngách cuộc đời bằng cái nhìn sâu sắc của người từng trải, đặc biệt là trong giáo dục, lĩnh vực tác giả nhiều năm gắn bó, thông hiểu. Kỹ năng làm nghề của người cầm bút được trau dồi và luyện rèn thêm, cho nên tính đa chiều trong dòng chảy của câu chuyện, của suy nghĩ, lôgíc của hiện thực thêm sự nhuần nhuyễn, êm thuận. Có thể thấy trong cấu trúc tác phẩm, việc cài đặt, thắt – mở tình tiết, ráp nối các sự kiện được che giấu một cách khá kín đáo, tạo niềm tin trong người đọc; hệ thống nhân vật, cả tích cực và tiêu cực đều có những nét cá tính mạnh, tương tác lẫn nhau trong hoàn cảnh xung đột tưởng chừng không có độ dừng, các vấn đề đặt ra nối tiếp nhau không dứt, để mạch văn và câu chuyện lôi cuốn người đọc, theo dõi đến trang cuối cùng. Tuy vậy, là một nhà giáo, nhà khoa học từng làm công việc lãnh đạo, ít nhiều bị chi phối bởi tâm lý “đổi mới toàn diện” nhưng phải “ổn định” như nhân vật trung tâm tác phẩm từng quan niệm, cho nên, dù các xung đột cứ đẩy cao mãi lên, nhưng kết thúc câu chuyện vẫn không bung khỏi ngưỡng an toàn. Đôi khi, gặp “nhân vật nổi loạn”, mạch truyện không nhu thuận theo ngòi bút, vấp vào những tình huống khó xử, tác giả muốn tìm gặp các nhà văn, vừa chia sẻ nỗi niềm trăn trở của người cầm bút, vừa mong tìm thấy cách hóa giải những vướng mắc làm nghề.
PGS.TS Nguyễn Tấn Phát sinh năm 1944 tại xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn- Đại học Sư phạm Hà Nội, ông tham gia giảng dạy đại học. Ông nguyên là Thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo kiêm Giám đốc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh; Đại biểu Quốc hội khóa IX, X; Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa VIII, IX… Là tác giả và đồng tác giả các cuốn sách: Ca dao- Dân ca Nam Bộ; Sáng tác truyền miệng dân gian Việt Nam; Truyện cười dân gian Nam Bộ; Giáo dục Cách mạng miền Nam 1954-1975; Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc; Ngôi sao hộ mệnh…
Cuốn tiểu thuyết Đeo bám của tác giả Nguyễn Tấn Phát gồm 17 chương, gói trọn trong hơn 300 trang sách. Sách do NXB Văn hóa- Văn nghệ ấn hành.
Văn học quê nhà
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài