Hồi nhỏ, nghe chị đi học về cứ ngâm nga: “…Và lòng tôi cũng hóa thành ngói mới”, tôi hỏi thơ ai đấy, chị tôi trả lời: “Thơ Xuân Diệu”. Tôi biết Việt Nam có một nhà thơ tên là Xuân Diệu từ đấy. Lên cấp ba, có năm tôi được học văn thầy Ngô Xuân Huy – em trai nhà thơ Xuân Diệu. Nhờ thầy Huy, tôi biết thên bài “Mũi Cà Mau” của Xuân Diệu. Thời sinh viên mơ mộng, có lúc tôi đã đem bài “Biển” của Xuân Diệu để phổ nhạc và phổ biến cho bạn bè.

Năm 1981, ở khóa I trường Viết văn Nguyễn Duy, chúng tôi được nghe Xuân Diệu giảng một “cua” về thơ. Khi ấy, tôi mới thực sự tiếp xúc trực tiếp với ông. Trong phút giải lao giữa hai giờ giảng, ông vui vẻ nhận lời mời của chúng tôi đi uống chè chén. Trong quán nước chè, vừa uống và vừa ăn kẹo lạc, tôi hỏi đùa ông có biết giá một chiếc lốp xe đạp ở chợ đen là bao nhiêu không, ông đập mạnh tay vào vai tôi: “Xuân Diệu làm gì lạc hậu đến nỗi thế! Nhà thơ là phải biết hết”.

Trong một ngày cuối hè, kỳ sắp công bố giải thưởng thơ báo Văn nghệ 1981 – 1982, khi ở báo Văn Nghệ, tôi được nghe anh Hoàng Minh Châu nói: “Ông Diệu rất khen bài “Những giọt mưa đồng hành” của Kha”. Ngay sau đó, ở bên hồ Thuyền Quang, tôi lại được nghe nhà thơ Tế Hanh thông báo như thế. Nghe mà gai người. Có nhiều người thường đồn đại: “Ông Diệu nghiệt với lớp thơ trẻ lắm”. Vì vậy, tôi vẫn còn nửa tin, nừa ngờ. Chỉ đến một chiều, thấy ông xuất hiện trước cửa nhà tôi, thở dốc vì phải leo cầu thang, vừa thở ông vừa thông báo tin tôi được giải thưởng, tôi mới thực tin. Ông nói: “Kha được giải cao nhưng không được giải nhất. Giải nhất dành cho đề tài viết về biên giới, hải đảo và nông nghiệp, nhưng Kha có thể đi xa đấy”. Chiều đó ông ngồi uống rượu trên sân thượng với tôi và nói nhiều chuyện về thơ trẻ. Sau khi giải thưởng được công bố, đọc bài “Công việc làm thơ” của ông viết về giải thưởng, tôi mới càng thực tin. Tôi thực tin hơn nữa là hôm trao giải tại báo, ông cùng nhà phê bình văn học Ngô Thảo và tôi là những người cuối cùng ngồi uống bia hơi. Ông có vẻ sung sướng thực sự sau khi chủ trì công việc chọn lựa khá nhọc mệt. Sau ly bia cuối cùng, Ngô Thảo phải đưa ông về tận nhà.

 

Xuân 1983, gặp ông ở cuộc chiêu đãi của tạp chí Sông Hương, tôi thông báo cho ông là tôi đã hát được bài “Nguyệt cầm” của ông mà Cung Tiến phổ nhạc. Ông Diệu hết sức tâm đắc với bài thơ này. Cuối cùng, tôi mời ông về nhà cùng một số bạn hữu để nghe hát. Cuối năm 1983, tôi chọn bài “Nhịp thu” trong tập “Thanh ca” của ông để phổ nhạc. Ông mời tôi và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đến hát tại nhà. Khi tôi hát, ông nghe rất chăm chú. Sau đó, ông nói: “Cậu chọn bài hát này để làm nhạc là tinh đấy. Mình cảm ơn nhé! Anh em mình cứ nghĩ đến nhau thế này là quý”. Rồi ông trân trọng nhận bản nhạc tôi chép tặng ông. Sau khi chiêu đãi chúng tôi thuốc lá Tây và rượu Tây, ông bảo: “Các cậu có lợi thế biết âm nhạc. Nên tìm cách sử dụng nó cho thơ. Nhưng phải chú ý đừng để nó làm cho thơ thành dễ dãi”. Quý hơn, ông mang về tặng tôi tạp chí Thế giới của Liên Xô số tháng 9.1983 có in bài “Những giọt mưa đồng hành” của tôi dịch ra tiếng Nga.

Xuân 1985, gặp ông tại cuộc chiêu đãi của Nhà xuất bản Đà Nẵng, ông nói: “Này! Những giọt mưa đồng hành! Lâu quá mới gặp cậu đấy! Có gì mới không?”. Lúc ấy, tôi vừa hoàn thành xong chùm thơ về Nghĩa Bình sau đợt đi thực tế mùa thu 1984. Tôi đọc tặng ông hai câu thơ trong bài “Quy Nhơn”: “Người Quy Nhơn hình như yêu thi sĩ/ Ai ở đây một thời làm mới lại thơ ca”.

Ông cười: “Cậu cảm đúng về Quy Nhơn đấy”. Nhân lúc ông vui vẻ, tôi đọc luôn ông nghe bài thơ làm tặng Hàn Mặc Tử trong đó có những câu mở đầu như sau: “Những đỉnh núi thi sĩ/ Nghiêng về anh như cúi xuống trước anh”.

Ông lắng nghe rồi trầm ngâm: “Hàn Mặc Tử là nhà thơ thực sự đáng kính trọng”.

Sau đó, tôi và Nguyễn Trọng Tạo cùng nhạc sĩ Văn Cao trở lại Quy Nhơn. Lần này, chúng tôi được tới tận Gò Bồi, nơi nổi tiếng về nước mắm và là quê mẹ Xuân Diệu. Nhìn con đường nhỏ đi men bên bờ sông, tôi chợt nhớ đến đoạn văn ông viết trong cuốn “Những bước đường tư tưởng của tôi”: “Một buổi chiều tôi trốn về với má: Má đang bận vội đi chợ, má cho tôi bốn đồng tiền ăn ba. Tôi ra khỏi nhà má, lê từng bước một, đi dọc đường theo con sông Gò Bồi mà trở về nhà thầy. Buồn quá. Tôi thấy buồn mang mang mà không hiểu được. Tôi đứng lại bên bờ sông, nhìn con sông, nhìn các rặng tre, nhìn dòng nước, nhìn mặt sông Gò Bồi nắng xiên khoai vàng úa …”. Chúng tôi len qua chợ và vào thưởng thức bánh xèo ở một quán nhỏ. Văn Cao vừa trầm ngâm nhấp rượu Gò Bồi, vừa im lặng nhìn ra dòng sông. Ông nói: “Cũng hiểu thêm vì sao đất này có Xuân Diệu”. Về lại Quy Nhơn, ông đã viết trong bài thơ thứ hai: “…không phải Quy Nhơn đẹp/ Những nhà thơ tôi đọc/ Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Xuân Diệu…”.

Ngày lễ tang, đến viếng trước linh cữu Xuân Diệu rồi về, Văn Cao nói trong thoáng nao lòng: “Trong bài thơ “Quy Nhơn”, mình đã xếp hàng Xuân Diệu sau Yến Lan rồi. Không ngờ ông này vội chen ngang về Văn Điển trước. Xuân Diệu là người giới thiệu bài thơ “Xe xác qua phường Dạ Lạc” của mình lên báo Tiên Phong đấy”.

Tháng 6.1985, tôi từ thành phố Hồ Chí Minh ra, còn ông từ Liên Xô về. Lại được gặp ông trong không khí tươi trẻ của đại hội văn nghệ Thái Bình. Ở vườn hoa thị xã Thái Bình có con vượn, sáng nào cũng kêu não nuột. Tôi nói với ông: “Anh Diệu có thấy nó cứ như tiếng tổ tiên còn vọng trong mỗi chúng ta không?”. Ông cười: “Cậu có được một cái tứ rồi đấy”. Và sau đó, tôi làm xong bài thơ “Thị xã Châu thổ Bắc” nhờ tựa vào cái tứ đó.

Lần cuối cùng tôi gặp ông – không phải là gặp mà là thấy ông – trong một buổi sáng mưa chuyển rét của mùa đông 1985. Trên xe đạp, hòa vào dòng người đi làm, tôi thấy ông đang đi bộ chân trần trên đường Điện Biên. Tôi thầm nghĩ ông còn khỏe thật. Thế mà không ngờ đêm 18.12.1985, trong đêm thơ ồn ã của những người viết văn trẻ về dự đại hội, tin ông qua đời sau cơn đau đột ngột ập đến. Sáng 19.12.1985, những người viết văn trẻ đã mặc niệm ông và nghe bài “Sự uyên bác với việc làm thơ” của ông do anh Lữ Huy Nguyên đọc.

Xuân Diệu đã ra đi với thân phận của một nghệ sĩ thực sự. Qua ba ngày nằm trong phòng lạnh, sáng 21.12.1985, chúng tôi mới được gặp ông ở phòng tang lễ của bệnh viện Việt – Xô. Ông gày và xanh, mặc dù nằm như ngủ. Hẳn ông đau lắm cái cơn đau cuối cùng trước khi tim ngừng đập. Sớm ấy, gió lạnh khác thường.

Một chiếc com-măng-ca cũ tàng đón ông từ bệnh viện về nhà 51 Trần Hưng Đạo, nơi Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật làm lễ tang. Chiếc com-măng-ca quá ngắn, quan tài thừa ra ngoài khá nhiều. Nhà thơ vĩ đại của Việt Nam ở thế kỷ 20 này đã chia tay với một đoạn đường thủ đô trong tình trạng cực lòng như vậy đấy!

Ở nơi làm lễ tang, khi chúng tôi chầm chậm đưa ông lên từng bậc thang hội trường, người đến viếng đã khá đông. Chúng tôi tạm lùi về nhà một người bạn tổ chức một cái lễ nho nhỏ gọi là có một chút nhớ đến tục ba ngày cho ông. Qua giờ ngọ, tang lễ được cử hành. Giữa 104 vòng hoa có một bó hoa lớn màu trắng của nữ đạo diễn Bạch Diệp (người đã có ít ngày chung sống cùng ông) với băng tím, chữ trắng: “Vĩnh biệt anh – Bạch Diệp”. Chung tôi đã mang ông trên vai ra đến xe tang. Dù sao “sống khôn chết thiêng”, ông đã chết như chọn trước. Thế hệ nhà văn trẻ cả nước tụ quần về Thủ đô Hà Nội đã xuống đường chia tay ông. Ông đã được các nhà thơ trẻ mang trên vai trước lúc hạ huyệt ở Văn Điển. Sự trân trọng này như nước Pháp trân trọng Victor Hugo mà trong bài viết của A. Maurois đã ghi lại: “12 nhà thơ Pháp trẻ hợp thành một đội cận vệ danh dự. Khắp nơi, quanh Khải hoàn môn và các đại lộ, trong các ngôi nhà, hàng ngàn câu thơ vang lên bởi lẽ tước hiệu, sức mạnh của ông”.

Anh em các ngành nghệ thuật đến cùng ông. Người Hà Nội tiễn đưa ông chật đường. Đoàn người theo xe tang tưởng nhừng như vô tận.

Tôi đã viết tưởng nhớ ông bằng một khúc Xon-nê, thể thơ mà ông am hiểu và ưa thích vào Xuân 1986: “Có một nhà thơ xa phố đã ba ngày/ Đang đi bộ về chân trần buổi sớm/ Sương ướt loang hay nước mắt khóc anh/ Còn chưa khô trên những thân cành/ Lại một mình căn buồng cô độc/ Lại đơn chiếc đến với người người/ Sẽ chống chếnh thế nào khi vắng trong phòng đọc/ Một quả núi ngồi đeo kính cười tươi/ Viết mải miết quên đã bảy mươi/ Phút đứng dậy và đi xa thế kỷ/ Một đời thơ anh ở lại đời đời/ Có một nhà thơ xa phố đã ba ngày/ Bước ngay vào cổ điển/ Ở đâu đó với mùa xuân đang đến…”.

Thấm thoắt đã 30 mùa đông qua. Ghi lại ít kỷ niệm này để thêm lần thương nhớ ông, một nhà thơ lớn đến Xuân tới tròn 100 tuổi.

Theo Nguyễn Thụy Kha – Lao động cuối tuần