Dù từng bị nghi ngờ về giá trị văn học, thậm chí từng bị cấm đoán, ghét bỏ, những quyển sách này vẫn được hàng triệu đọc giả đón nhận và yêu thích vì tính chân thực, giàu cảm xúc và có ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn học hiện đại của thế giới.

1. Mật mã Da Vinci – Dan Brown

Mật mã Da Vinci (The Da Vinci Code, 2003) là một quyển tiểu thuyết trinh thám kể về những bí mật của chúa Jesus được che giấu suốt hơn 1.000 năm.


Truyện ám chỉ rằng Tòa thánh Vatican biết rõ âm mưu này từ hai ngàn năm qua, nhưng vẫn giấu kín để giữ vững quyền lực của mình. Sau khi vừa xuất bản, cuốn tiểu thuyết đã khơi dậy mạnh mẽ sự tò mò khắp thế giới đi tìm hiểu sự thật về Sự tích Chén Thánh, và vai trò của Mary Magdalene trong lịch sử Giáo hội Công giáo.

Ngay khi ra mắt, tác phẩm đã được nhiều độc giả đón nhận nồng nhiệt. Tuy nhiên, nó cũng nhận không ít chỉ trích vì bị cho rằng đang xuyên tạc tôn giáo. Bên cạnh đó, tác phẩm còn liên tục bị chê bai vì sự không chính xác trong các chi tiết khoa học và lịch sử. Mặc dù vậy, Mật mã Da vinci của Dan Brown vẫn gặt hái nhiều thành công, được dịch ra 44 thứ tiếng.

2. Lolita – Vladimir Nabokov

Lolita (1955) là một trong những tác phẩm gây tranh cãi nhiều nhất của nền văn học thế kỷ XX vì nhà văn V. Nabokov đã đề cập đến một vấn đề nhạy cảm: tình dục trẻ em. Xuyên suốt tiểu thuyết là lời tự sự của người đàn ông lớn tuổi Humbert Humbert, có khao khát tình dục với một bé gái 12 tuổi nhưng sớm phát triển về giới tính.


Vào những năm 1955 khi Lolita được Vladimir Nabokov “thai nghén” và công bố thực sự là một kỳ tích. Dù cho ông đang sống ở nước Mỹ, nơi mà chúng ta luôn mặc định trong đầu là nơi tự do và hiện đại nhất thế giới, cũng từ chối việc xuất bản cuốn sách bởi nội dung của nó bị cho là “thô tục, bẩn thỉu, loạn luân”.

Câu chuyện kể về một ông già luôn bị ám ảnh bởi những “tiểu nữ thần”, si mê cô gái nhỏ Lolita 12 tuổi – một cô gái có quan hệ với ông chỉ vì muốn được làm người lớn, được sống trong dục tình. Rõ ràng rằng dù ở xã hội nào và thời cuộc nào đi chăng nữa thì mối quan hệ này cũng khó có thể chấp nhận được. Vậy nên chỉ đến khi Nabokov gặp được một chủ nhà xuất bản luôn thích những thứ giật gân hay nói một cách chính xác hơn là “ba phần tư ấn phẩm là sách khiêu dâm rẻ tiền” thì cuốn sách mới được xuất bản.

Ngay cả khi Lolita đã được Olympia Press xuất bản thì cũng chính thức bị Hải quân Anh cấm nhập cảng từ Pháp. Về phía Pháp, bộ Nội Vụ nước này cũng ban lệnh cấm lưu hành cuốn sách.

Lolita nổi tiếng đến nỗi về sau cái tên này dùng để ám chỉ những bé gái dậy thì sớm.

3. Bắt trẻ đồng xanh – J.D.Salinger


Là tiểu thuyết đầu tay của J.D.Salinger, Bắt trẻ đồng xanh (The Catcher in the Rye, 1951) đã gây tranh cãi lớn trong nền văn học Mỹ vì sử dụng nhiều từ ngữ tục tĩu, mô tả tâm lý chán chường của thanh niên thời đó. Tiểu thuyết từng bị cấm trong các trường trung học vì là hình tượng cho sự nổi loạn. Thế nhưng, cho đến năm 1981 nó đã trở thành một trong những tác phẩm được giảng dạy nhiều nhất ở Mỹ.

3. Chùm nho uất hận – John Steinbeck

Chùm nho uất hận (The Grapes of Wrath, 1939) phản ánh hiện thực nông thôn Mỹ trong thời kỳ công nhiệp hóa thế kỷ XX.


Chùm nho uất hận lấy bối cảnh không gian tương đối hẹp, hành trình từ Oklahoma đến California cũng là quá trình đi xuống đáy cùng xã hội của một gia đình nông dân Mỹ, gia đình Joad (Tom). Nhưng tác phẩm đồng thời cũng phản ánh một cuộc di dân khổng lồ, nạn thất nghiệp khủng khiếp trong tầng lớp nông dân và tiểu chủ Mỹ trước sức phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật với sự thay thế sức lao động con người của máy móc hiện đại, một bức tranh sống động về hiện thực đời sống của người nông phu Mỹ bị phá sản giãy giụa để sinh tồn, cũng như không khí hỗn loạn của khủng hoảng kinh tế và sự tước đoạt dã man thành quả lao động của con người trong xã hội Mỹ trước Đại chiến thế giới thứ hai.

Tuy có văn phong chân thực, giàu xúc cảm, tiểu thuyết đã bị cấm và đốt khi ra mắt. Thế nhưng nhiều độc giả vẫn tìm đọc nó. Một số người cho rằng tác phẩm đã miêu tả sai sự thật về nước Mỹ thời kỳ đó nhằm tuyên truyền cho chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng cuối cùng Chùm nho uất hận đã nghiễm nhiên lọt vào danh sách 100 cuốn tiểu thuyết Anh ngữ hay nhất từ năm 1923 đến nay do tạp chí Time bình chọn.

4. Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn – Mark Twain


Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn (Adventures of Hucleberry Finn, 1884) kể về hành trình của Huckleberry Finn với Jim, một nô lệ đang chạy trốn, trên dòng sông Missisippi. Tác phẩm này được coi là một kiệt tác trong nền văn học Mỹ, với nội dung châm biếm về nạn kỳ thị chủng tộc. Tuy vậy, Mark Twain lại dùng nhiều từ ngữ được xem là có ý miệt thị nên quyển sách từng bị cấm lưu hành ở nhiều nơi.

Nguồn: Yume.vn