1. Bối cảnh của sự hình thành diễn ngôn mới trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau Đổi mới (1986)
Với phương châm đổi mới để tồn tại và phát triển, Đại hội Đảng lần VI (1986) đã mở ra bước ngoặt, đem lại những chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhiều mặt. Quyết định “mở cửa” của Đảng đã có những tác động hết sức lớn lao đến đời sống xã hội, kích thích những cải cách kinh tế, khơi dậy những suy nghĩ, những tìm tòi, sáng tạo mới trong giới trí thức, văn nghệ sĩ. Ở một phương diện khác, nền kinh tế thị trường với tất cả sự phức tạp, gai góc của nó buộc người ta không thể nhìn cuộc sống bằng nhãn quan sử thi thuần khiết như trong những năm tháng đất nước còn chiến tranh. Cuộc sống biến thiên không ngừng với sự xuất hiện những chuẩn mực mới khiến các thước đo giá trị xưa cũ trở nên lạc thời. Cùng với đó, sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật, sự bùng nổ thông tin truyền thông đại chúng trong xã hội hiện đại đã kéo con người từ khắp nơi trên thế giới xích gần với nhau. Giao lưu kinh tế và hội nhập văn hóa trên thế giới tạo điều kiện cho mỗi cá nhân làm phong phú hơn bản sắc của mình. Đấy chính là cơ hội để người cầm bút có điều kiện mở rộng tầm nhìn, khả năng tư duy, tiếp thu tinh hoa văn hóa/ văn học và lí luận nước ngoài để làm giàu trí tuệ và khai phóng sức sáng tạo của mình. Dần dà quan niệm về hiện thực và con người được nới rộng, mở đường cho sự đổi mới tư duy tự sự cùng những tìm tòi cách viết phù hợp với tâm thế, thị hiếu thẩm mĩ trong không gian văn hóa mới. Sự chuyển biến trong đời sống xã hội, môi trường văn hóa thẩm mĩ cùng những thay đổi trong định hướng văn học từ chính trị chuyển sang văn hóa, đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự chuyển dịch và vận hành của diễn ngôn tiểu thuyết nói chung và tiểu thuyết lịch sử nói riêng.
Tinh thần đổi mới đã truyền được cảm hứng, tạo dựng không gian văn hóa mới cho những khát khao của người nghệ sĩ thăng hoa thành sinh thể nghệ thuật có sức sống mạnh mẽ. Từ sự chuyển đổi trong hệ hình ý thức nhà văn gắn với nhiều đổi mới quan niệm về mối quan hệ văn học – hiện thực, nhà văn – công chúng, nhà văn – chính mình đã làm nên những bước chuyển mình cho văn học dân tộc1.
Một yếu tố nữa cũng rất quan trọng góp phần tạo nên trường tri thức thời đại chi phối sự hình thành diễn ngôn tiểu thuyết lịch sử sau Đổi mới, đó là sự thức tỉnh của cái tôi nhà văn, khát vọng vượt thoát cái cũ, truy tìm cái mới trong sáng tạo nghệ thuật về đề tài lịch sử. Khi mà những chuẩn mực, chân lí chỉ là tương đối; lúc mọi giá trị đời sống biến thiên một cách mạnh mẽ, bản thân người cầm bút cũng phải không ngừng đổi mới chính mình trong tư duy và lối viết. Từ góc nhìn của chủ thể sáng tạo, giờ đây văn học không chỉ là tiếng nói chung của dân tộc và thời đại, cộng đồng mà trước hết là phát ngôn của mỗi cá nhân nghệ sĩ, là phương tiện tự biểu hiện bao gồm cả việc phát biểu tư tưởng, quan niệm, chính kiến của nhà văn về các vấn đề hôm qua và hôm nay. Nhà văn có quyền bày tỏ công khai sự thức nhận của cá nhân trước những chân lí tưởng như bất di bất dịch, nghi ngờ những tín điều, giải thiêng các thần tượng, đề xuất những chuẩn mực mới… Các sáng tác về đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp, Sương Nguyệt Minh (ở truyện ngắn), Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Mộng Giác, Nam Dao, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Quang Thân, Trần Thu Hằng, Phạm Ngọc Cảnh Nam (ở tiểu thuyết),… đều thể hiện tinh thần nhận thức lại lịch sử với mong muốn nhận chân các giá trị quá khứ một cách sâu sắc và toàn vẹn, nối kết với thực tại hôm nay để khai phóng về phía tương lai. Cái nhìn về lịch sử của nhà văn giai đoạn này mang màu sắc và kinh nghiệm cá nhân rõ nét. Các tiểu thuyết gia thiên về luận giải lịch sử hơn là mô tả, minh họa lịch sử. Sự diễn giải ấy bao chứa quan niệm mới về lịch sử và diễn ngôn về lịch sử. Không có một thứ chân lí lịch sử duy nhất, không có một diễn ngôn thống trị, trung tâm, mà chỉ có lịch sử trong cảm nhận, hình dung chủ quan của cá nhân nhà văn, và sự tồn tại đa dạng, bình đẳng của các diễn ngôn về lịch sử. Từ đây mở ra chân trời mới cho những tưởng tượng và diễn giải lịch sử, làm xuất hiện nhiều khuynh hướng, cùng những lối viết độc đáo, mới lạ. Hiện thực đời sống không chỉ thu gọn trong những biến cố, sự kiện lịch sử và đời sống cộng đồng qua cái nhìn ngưỡng vọng, chiêm bái mà rộng hơn, sâu hơn, “đời hơn”. Văn học đã đi đúng vào bản chất, khám phá lịch sử, văn hóa và con người ở tầng vỉa sâu của những bí ẩn, khuất lấp, ý thức và vô thức, khát vọng cao cả và dục vọng tầm thường. Trong khi miêu tả lịch sử, nhà văn đã mang lại cho lịch sử những “gương mặt người”. Tiểu thuyết chú tâm vào cái thường nhật, những góc khuất nội tâm, những trạng huống tâm lí phức tạp, với bao quan hệ chồng chéo ẩn chìm. Cái nhìn đời tư – thế sự – nhân văn đã thực sự giữ vai trò cốt yếu trong cảm quan nghệ thuật của các nhà văn sáng tạo về đề tài lịch sử. Lịch sử trong tiểu thuyết lúc này trở thành lịch sử trong cảm nhận cá nhân, được nhà văn nhìn nhận bằng điểm nhìn văn hóa, triết học lịch sử và thụ hưởng trên tinh thần nhân văn hiện đại.
Những thay đổi quan niệm về lịch sử, về diễn ngôn của/trong lịch sử mang một ý nghĩa quan trọng không chỉ với hành trình sáng tạo của nhà văn mà còn chi phối tâm thế thưởng thức của độc giả. Lịch sử được cấu trúc như một diễn ngôn, tiểu thuyết gia cần hơn bao giờ hết trí tưởng tượng và những thao tác “có tính nghệ thuật” trong khi phục hiện lịch sử. Từ chủ nghĩa cấu trúc đến hậu cấu trúc, từ hậu cấu trúc đến chủ nghĩa tân duy sử cùng tinh thần hoài nghi hậu hiện đại, người ta tin rằng lịch sử đầy rẫy sự ngụy tạo, đáng ngờ vì được viết theo quan điểm cá nhân của người làm sử. Hayden White, một trong những nhà lí luận của chủ nghĩa tân duy sử, khi bàn về “siêu lịch sử” (metahistory) đã thể hiện cảm quan hậu hiện đại khá rõ nét. Luận điểm nền tảng để từ đó ông triển khai toàn bộ tư tưởng của mình là: Lịch sử như là tự sự (history as narrative), một trò chơi – ngôn ngữ (language – game). Quan điểm đó thể hiện tinh thần hoài nghi với cái gọi là “sự thật lịch sử”; lịch sử với ông chỉ là “sự tưởng tượng về lịch sử” được diễn ngôn hóa2. Trước đó, Karl Popper (1902 – 1994), một trong những triết gia có ảnh hưởng nhất thế kỉ XX đã nhận ra “sự nghèo nàn của thuyết sử luận” bởi “họ [các nhà sử luận] không nhìn ra sự cần thiết của tính đa dạng trong những cách diễn giải (lịch sử) về cơ bản tương đương nhau (cho dù một số trong những cách diễn giải ấy có thể nổi bật lên nhờ vào tính phong phú của chúng – một điều ít nhiều có ý nghĩa)”3. Ông cho rằng “ta có thể diễn giải “lịch sử” như lịch sử đấu tranh giai cấp, hoặc như lịch sử đấu tranh chủng tộc để giành quyền là chủng tộc thượng đẳng, hoặc như lịch sử tư tưởng tôn giáo hoặc lịch sử đấu tranh xã hội “mở” và xã hội “khép kín”, hoặc như lịch sử của tiến bộ khoa học và công nghệ”. Trong khi bàn về vấn đề tiến trình diễn ngôn qua các thời đại cụ thể trong lịch sử, Michel Foucault cũng có những quan niệm đáng chú ý về lịch sử. Ông cùng quan điểm với Popper khi không coi lịch sử như là một tiến trình đơn giản hướng tới văn minh hoặc như một chuỗi các cuộc đấu tranh giai cấp để đạt được công bằng, như các nhà marxist quan niệm. Khi đề cập đến sự diễn giải lịch sử, không chỉ thừa nhận lịch sử như là một diễn ngôn như White mà ông còn bổ sung thêm luận điểm rất độc đáo, “lịch sử là một sự đứt đoạn”, do vậy mà không có một trần thuật liền mạch mà chúng ta giải mã trong dòng chảy lịch sử. Foucault nhấn mạnh đường đi của lịch sử là quanh co, chao đảo, không tuân theo bất kì sự liên tục nào, khiến con người không thể nắm bắt được, và cũng không thể nào kiểm soát được4. Trong quan điểm của Foucault, một khi lịch sử là những bước đi không liên tục, cấu trúc diễn ngôn cũng có sự thay đổi qua các thời đại khác nhau. Đối với ông, các diễn ngôn thường xuyên biến đổi chứ không phải là cái gì bất biến, vĩnh cửu; nó không phải là một tập hợp các phát ngôn ổn định qua các thời đại; và quan trọng là người ta có thể truy tìm nguồn gốc của chúng để thấy được những bước thay đổi cụ thể của chúng trong lịch sử.
Tóm lại, lịch sử là sự diễn giải, là cách hình dung, là lối tự sự – diễn ngôn về lịch sử của chủ thể (sử gia/tiểu thuyết gia, cá nhân/cộng đồng). Từ thực tiễn tiểu thuyết lịch sử sau 1986, chúng ta thấy có sự chuyển dịch mạnh mẽ của hình thái diễn ngôn so với giai đoạn trước đó: từ diễn ngôn mang tính khẳng định, chiêm bái, ngưỡng vọng sang diễn ngôn mang tính giả định, phân tích, luận giải, giải thiêng; từ diễn ngôn dân tộc, đạo lí, giai cấp sang diễn ngôn đời tư, thế sự, nhân văn; từ diễn ngôn lịch sử – đấu tranh sang diễn ngôn lịch sử – văn hóa phong tục. Chủ thể diễn ngôn cũng có sự thay đổi từ vị thế con người, chủ nhân của lịch sử đến con người, nạn nhân nhỏ bé mang bi kịch và hệ lụy lịch sử; từ vị thế con người bị giới hạn bởi kinh nghiệm cộng đồng đến con người thụ hưởng, đối thoại, đánh giá lại lịch sử bằng điểm nhìn và suy tư cá nhân.
2. Những hình thái diễn ngôn mới trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau Đổi mới
* Diễn ngôn mang tính giả định, phân tích trên nguyên tắc luận giải và đối thoại
Với cái nhìn đa nguyên về thế giới và con người, nhiều vấn đề trong cuộc sống và nhân sinh tưởng chừng như là những chân lí tuyệt đối, xác tín, hiển nhiên thì nay được lật xới lại, soi rọi dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Cái nhìn ấy không còn là sự đơn phiến, một chiều nữa mà là cái nhìn đa chiều, xoay chiều, thậm chí là ngược chiều, ngược sáng. Đó thật sự là một quá trình chuyển đổi hệ hình tư duy về lịch sử của các tiểu thuyết gia. Sự chuyển đổi ấy diễn ra trước hết và cũng là quan trọng nhất ở bình diện diễn ngôn văn học về lịch sử5.
Ra đời và gắn bó với vận mệnh của dân tộc trong giai đoạn cách mạng, diễn ngôn trong tiểu thuyết lịch sử trước Đổi mới chịu sự chi phối chung của cơ chế xã hội, văn hóa và trường tri thức thời đại. Diễn ngôn trong tiểu thuyết lịch sử giai đoạn này chủ yếu là diễn ngôn cách mạng, diễn ngôn dân tộc gắn liền với giai cấp. Đi cùng với cảm thức ngợi ca truyền thống, tôn vinh các anh hùng, danh nhân của dân tộc là diễn ngôn mang tính khẳng định, chiêm bái, ngưỡng vọng. Điều này đã ảnh hưởng đến cách thức lựa chọn, xử lí chất liệu lịch sử của các nhà văn thời kì này.
Sau 1975, đặc biệt sau 1986, khi ý thức người nghệ sĩ được khai phóng, nảy sinh nhu cầu hình dung và thụ hưởng lịch sử theo cách riêng của mình, dẫn đến vị thế và kinh nghiệm của mỗi cá nhân được đặt ngang bằng với kinh nghiệm và kí ức cộng đồng. Nhà văn có nhu cầu nhận thức lại lịch sử, giải mã những bí ẩn, khuất lấp, hoài nghi chân lí, thụ hưởng lịch sử bằng tinh thần nhân văn hiện đại. Thay vì khẳng định, tuyệt đối hóa lịch sử, người ta có thể đặt ra những giả thuyết, những khả năng có thể xảy ra, những con đường mà lịch sử có thể diễn tiến. Lịch sử không thể lặp lại nhưng con người hoàn toàn có thể “bắt” lịch sử tái diễn trên nhiều con đường khác nhau, từ đó tìm cho mình và cộng đồng những bài học kinh nghiệm sâu sắc.
Trong các lớp diễn ngôn của tiểu thuyết lịch sử sau Đổi mới, hình thái diễn ngôn mang tính giả định, phân tích trên nguyên tắc luận giải và đối thoại là tiêu biểu hơn cả. Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Quang Thân, Võ Thị Hảo, Trần Thu Hằng, Nam Dao là những nhà văn tiêu biểu cho xu hướng diễn ngôn này từ ngay trong quan niệm về thể loại.
Trong Hồ Quý Ly, Nguyễn Xuân Khánh đã lựa chọn và tái hiện giai đoạn cuối Trần đầu Hồ thế kỉ XIV, XV đầy biến động và phức tạp. Viết về nhà Trần, một trong những triều đại hưng thịnh nhất của lịch sử phong kiến Việt Nam, nhà văn không chọn những thời điểm vàng son, chói lọi, cũng không chọn để tôn vinh những nhân vật anh hùng, hào kiệt mà ông lại khắc sâu vào thời điểm suy tàn, khủng hoảng nhất của một triều đại; tập trung quan tâm đến một trong những nhân vật phức tạp bậc nhất trong lịch sử – Hồ Quý Ly. Nhiệm vụ của nhà văn lúc này là phải nhìn xoáy sâu vào những cơn sóng khủng hoảng để truy tìm, suy ngẫm và giải mã những vấn đề trong quá khứ, ráo riết tìm lời giải đáp cho các câu hỏi thiết thực của hiện tại. Cách nhìn của Nguyễn Xuân Khánh về Hồ Quý Ly và công cuộc canh tân đất nước có tính phản biện, đối thoại lại cách nhìn/diễn ngôn của sử sách chính thống và kinh nghiệm cộng đồng.
Trong khi đó, viết về những ngày cuối cùng của khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Quang Thân trong Hội thềtập trung tái hiện cuộc đấu tranh của nội bộ tướng lĩnh nghĩa quân trước “kế lạ xưa nay chưa từng có” của Lê Lợi và Nguyễn Trãi. Tác phẩm không chỉ dừng lại tái hiện các sự kiện, biến cố trọng đại mang tính chất bước ngoặt của dân tộc mà còn khắc họa tấn bi kịch của những số phận cá nhân trong cơn lốc xoáy của lịch sử… Rõ ràng, với Nguyễn Quang Thân, lịch sử như một “công cụ” để nhà văn làm một “giải minh lịch sử” theo cách riêng của mình.
Ở xu hướng diễn ngôn này chúng ta có thể kể đến sáng tác của Võ Thị Hảo (Giàn thiêu), Bùi Anh Tấn (Oan khuất), Nguyễn Thế Quang (Nguyễn Du), Phạm Ngọc Cảnh Nam (Thế kỉ bị mất), Thái Bá Lợi (Minh sư), Nguyễn Mộng Giác (Sông Côn mùa lũ),… Trong những tác phẩm này, các nhà văn quan tâm luận bàn đến một khía cạnh khác của lịch sử, đó là cuộc sống đời tư, thế sự, là số phận của con người trong cơn lốc lịch sử, là khát vọng “vượt thoát” của cá nhân và dân tộc trên hành trình kiếm tìm sức mạnh của cộng đồng, cùng những thành tố kết tinh trong nhân cách, căn tính Việt.
Cảm thức chủ đạo và xu hướng diễn ngôn trong tiểu thuyết trước năm 1986 là sự chiêm bái, ngưỡng vọng, khẳng định. Các nhân vật lịch sử được nhìn nhận trong “vai trò lịch sử”, bằng những chiến công vẻ vang, những hào quang chói lọi. Họ được “phong thánh”, ngợi ca như những biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết dân tộc, cho khát vọng độc lập, tự do của dân tộc. Trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lăng, cảm thức này đã đem lại cho các tiểu thuyết như Quận He khởi nghĩa, Bên bờ Thiên Mạc, Trên sông truyền hịch, Trăng nước Chương Dương (Hà Ân), Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Nguyễn Huy Tưởng),Bóng nước Hồ Gươm (Chu Thiên),… một tinh thần dân tộc và một nội dung yêu nước sâu sắc. Cảm thức ấy đã được nối dài trong nhiều sáng tác sau 1986 như Tám triều vua Lí, Bão táp triều Trần (Hoàng Quốc Hải), Vằng vặc sao Khuê (Hoàng Công Khanh), Sao Khuê lấp lánh (Nguyễn Đức Hiền),… Tuy vậy trong những sáng tác này, lịch sử đã được nhìn nhận đa chiều hơn, được phân tích, luận giải sâu sắc hơn cũng như phương thức tổ chức tự sự cũng phức tạp và mới lạ hơn.
Trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Mộng Giác, Bùi Anh Tấn,… các tác giả đã không hài lòng với cái nhìn phiến diện, một chiều khi viết về các vĩ nhân, anh hùng trong lịch sử. Họ không quan tâm nhiều đến “tư thế lịch sử” của nhân vật, không miêu tả con người trong khi mặc quân phục diễu hành, mà chú trọng khai thác yếu tố đời tư cũng như tấn bi kịch cá nhân trong dòng chảy lịch sử. Bằng cái nhìn đời thường hóa, nhiều nhân vật đã hiện lên như những con người đời thường, thậm chí là tầm thường với sự đa chiều, phức tạp trong tính cách, tâm lí. Các tiểu thuyết gia đã kéo thần tượng của cộng đồng trở về với kích cỡ của con người mang thân phận làm người, “giải thiêng hóa”, lật tẩy thần tượng, huyền thoại tôn giáo.
Như vậy, để thể hiện cái nhìn mới về lịch sử, các nhà văn đã sáng tạo nên hình thái diễn ngôn mang tính phân tích, giả định, giải thiêng trên nguyên tắc luận giải và đối thoại. Các nhân vật được đặt trong vô vàn mối quan hệ đời thường, để đối thoại với chính mình, xoáy sâu vào phần khuất lấp và bi kịch nội tâm, nơi có sự giao tranh giữa ánh sáng và bóng tối, phi thường và đời thường, hữu thức và vô thức, để tìm ra “tiếng nói tối hậu về con người”.
* Diễn ngôn lịch sử – văn hóa
Trong “khí hậu” hiện đại/hậu hiện đại, chưa bao giờ, sự đòi hỏi khả năng nắm bắt hằng số lịch sử, văn hóa trên tinh thần dân tộc, nhân bản lại trở nên ráo riết với người cầm bút như vậy. Tác phẩm của Nam Dao, Nguyễn Mộng Giác, Võ Thị Hảo, Nguyễn Xuân Khánh, Trần Thu Hằng, Phạm Ngọc Cảnh Nam, Thái Bá Lợi,… không chỉ dừng lại ở việc tái hiện các sự kiện, nhân vật lịch sử mà còn kiếm tìm, lí giải những giá trị bền vững đảm bảo cho sự trường tồn của văn hóa dân tộc trong mối xung đột, xâm thực với văn hóa ngoại lai. Sự kêu gọi trở về với văn hóa bản địa, tín ngưỡng truyền thống luôn thường trực trong bề sâu cấu trúc diễn ngôn tự sự về lịch sử. Nhiều vấn đề từ/của văn hóa được đặt ra, nhiều sự luận giải, đối thoại mang đến cho tiểu thuyết giai đoạn này một cảm hứng và hình thái diễn ngôn mới.
Mẫu Thượng Ngàn là sự suy tư của Nguyễn Xuân Khánh về vấn đề cội nguồn sức mạnh văn hóa dân tộc Việt, làm sao để giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trong quá trình giao lưu, tiếp biến, xâm lấn văn hóa trong khu vực và trên thế giới, đâu là giá trị của các thành tố văn hóa trong cộng đồng người Việt. Trở về với tín ngưỡng thờ Mẫu, Nguyễn Xuân Khánh đã vẽ cho mình một nẻo đi riêng, làm nên một cuộc hành trình vô cùng thú vị, kiếm tìm và giải mã sức sống văn hóa Việt. Vẻ đẹp văn hóa của tín ngưỡng đậm màu bản địa này được nhà văn “giải phẫu”, soi rọi ở nhiều giác độ. Võ Thị Hảo trong Giàn thiêu, bằng sự pha trộn lịch sử với truyền thuyết, huyền thoại tôn giáo, đã đặt văn hóa trong sự phân tích, giải thiêng và phê phán. Tác giả đã “giải thiêng” các lễ hội khiến ý nghĩa của nó một phần nào đó mang màu sắc của bi kịch, của sự bất an và những hồi kết không trọn vẹn. Rõ ràng, chưa bao giờ số phận dân tộc và thân phận con người trước những va xiết và cơn biến động của lịch sử lại không thôi ám ảnh nhà văn. Để lí giải xung đột trong đời sống chính trị và tâm thức người Việt, tìm ra mẫu hình văn hóa chung, Gió lửa (Nam Dao) đặt văn hóa trong sự xung đột cá nhân và xã hội, dưới áp chế của quyền lực, và gắn với hành trình truy tìm những giá trị vĩnh hằng của tự do, dân chủ. Ở một nẻo đường khác, Trần Thu Hằng trong Đàn đáy, qua những ngón đàn mê hoặc, tiếng hát tài hoa đã tái hiện số phận các ca nữ và kép đàn của một giáo phường hát ca trù nổi tiếng kinh kì trong sự xoay vần nghiệt ngã của lịch sử.
Miêu tả thiên nhiên, tái hiện đời sống sinh hoạt văn hóa không phải là việc “xưa nay hiếm” của người cầm bút. Ở tiểu thuyết lịch sử những giai đoạn trước, thiên nhiên như là phương thức khắc họa tâm trạng, tính cách nhân vật. Ở một góc độ khác, núi rừng, sông suối, lũy tre,… trở thành biểu tượng, nhân tố, sức mạnh góp phần quan trọng trong cuộc chiến chống ngoại xâm của dân tộc Việt. Sau Đổi mới, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thế Quang, Thái Bá Lợi bên cạnh tái hiện các sự kiện, biến cố lịch sử còn phục dựng những bức tranh đẹp về văn hóa, cảnh sắc Việt Nam. TrongSông Côn mùa lũ, Nguyễn Mộng Giác đã tưởng tượng sinh động cảnh sắc thiên nhiên, đời sống sinh hoạt dân chúng của vùng núi Tây Sơn Thượng, thành Quy Nhơn, thành Phú Xuân, vùng Bến Nghé với các kiểu chèo ghe, các kênh rạch mang những cái tên nôm na của nhiều vùng đất dành riêng cho dân chài lưới, săn thú và đốn củi. Nó giúp người đọc có những hình dung chân thực mảnh đất phiêu lưu, xô bồ, hỗn tạp của Gia Định cuối thế kỉ XVIII, nơi sinh sống của lũ cướp biển, con buôn Hoa Kiều, bọn phiêu lưu quốc tế, bọn thực dân xâm lược, các nhà truyền giáo, đủ các thứ sắc dân chen chúc nhau. Võ Thị Hảo trong Giàn thiêu đã tạo da thịt liền mạch cho đời sống quá khứ bằng nhiều tiết đoạn miêu tả về thiên nhiên đặc sắc, từ núi sông cây cối, phong cảnh phía tây thành Thăng Long đến thác Oán sông Gâm, rồi tưởng tượng ra những vùng núi cao tuyết phủ xa xôi nơi Thiên Trúc. Thái Bá Lợi trong Minh sư, Hoàng Quốc Hải trong Huyền Trân công chúa lại mở ra cho người đọc vùng thiên nhiên hoang dã, cùng đời sống sinh hoạt văn hóa đầy bí ẩn nhưng không kém phần quyến rũ của vùng đất phía Nam, nơi có cộng đồng người Chiêm sinh sống hàng ngàn đời nay. Còn trong Thế kỉ bị mất của Phạm Ngọc Cảnh Nam, hình ảnh con sông Thu Bồn đục ngầu và chảy xiết được láy đi láy lại như là dấu hiệu cho những biến động trong cuộc sống của người dân nghèo vốn bình lặng, nhẫn nhục sau lũy tre làng từ xa xưa. Nguyễn Thế Quang lại trải rộng không gian thiên nhiên theo bước chân của Nguyễn Du trong tiểu thuyết cùng tên, từ thiên nhiên thơ mộng, dịu dàng của miền Bắc, thiên nhiên trầm mặc, u sầu ở miền Trung, đến thiên nhiên vừa hư vừa thực mang dáng hình của Đường thi trong chuyến ông đi sứ sang Trung Quốc. Nhà văn còn miêu tả đời sống lặng lẽ, nhọc nhằn của dân chúng trong những tháng ngày bình yên và nổi sóng. Những cảnh đời, số phận không phân biệt người Việt hay người Trung Quốc, được miêu tả xúc động, đầy chất nhân văn dưới con mắt “thấu suốt sáu cõi” của Nguyễn Du.
Các tiểu thuyết gia không đơn thuần chỉ tái hiện không gian sống, diễn tả tâm trạng, tính cách nhân vật, mà còn nối kết quá khứ với hiện tại, đối thoại, luận giải những vấn đề lịch sử, văn hóa. Trong Hồ Quý Ly, các tiết đoạn miêu tả về không gian núi rừng Yên Tử gắn liền với sự thịnh suy, thăng trầm của Phật giáo là một trong những trang viết tâm đắc nhất của Nguyễn Xuân Khánh. Luôn đau đáu kiếm tìm những giá trị có ý nghĩa bền vững nhất trong tâm thức văn hóa Việt, qua hình ảnh Trần Nhân Tông và núi rừng Yên Tử, Nguyễn Xuân Khánh đã luận giải về con đường chính đạo của dân tộc. Nếu thiên nhiên trongNguyễn Du của Nguyễn Thế Quang gắn với sự chiêm nghiệm sâu sắc về nhân tình thế thái, về cuộc sống tự do tự tại của người nghệ sĩ – Nguyễn Du trước thực tại quá ư nghiệt ngã thì những ngôi đền thiêng đổ nát trong Minh sư của Thái Bá Lợi lại gợi về một quá khứ vàng son, một nét đẹp quá vãng của dân tộc Chămpa bị chôn vùi vĩnh viễn bởi những cuộc chiến, những bước chân mở cõi, những xung đột văn hóa.
Lịch sử, văn hóa như là nguồn cảm hứng vô tận trong hành trình sáng tạo văn chương nghệ thuật của các nhà văn, là thành tố đan dệt nên hình thái diễn ngôn tự sự sinh động của tác phẩm. Cùng với luận giải văn hóa nhận thức, văn hóa tổ chức cộng đồng (đời sống cộng đồng và đời sống cá nhân), văn hóa ứng xử với môi trường xã hội, các nhà văn còn thể hiện những suy tư về văn hóa ứng xử của con người với môi trường sống tự nhiên. Đó là cách sống cùng/với tự nhiên, là sự thích ứng, điều hòa và hơn nữa, qua thiên nhiên tìm giá trị minh triết về nhân sinh, thời cuộc.
* Diễn ngôn đời tư – thế sự – nhân văn
Tiểu thuyết lịch sử giai đoạn trước chú trọng nhiều đến cảm hứng lịch sử và dân tộc. Từ nỗi đau vì dân tộc bị bọn giặc ngoại bang dày xéo, các tiểu thuyết gia đã khơi dậy ý thức trách nhiệm của người dân đất Việt trong việc đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược. Cảm hứng này còn thể hiện ở lòng nhiệt thành ca ngợi những cuộc kháng chiến vĩ đại của quân dân ta đánh thắng kẻ thù xâm lược.
Sau 1986, nhân vật được nhìn nhận, khám phá trong muôn vàn mối quan hệ đời tư, thế sự, khiến nó trở nên gần gũi, đời thường hơn bao giờ hết. Ngoài những suy tư, trăn trở về số phận con người trong các cuộc biến thiên lịch sử, các nhà văn còn “giải lịch sử”, soi rọi nhân vật dưới góc độ đời tư – thế sự – nhân văn: khát vọng tự do và tình yêu đôi lứa, hạnh phúc gia đình, giải phóng bản năng, bi kịch cá nhân, thân phận con người. Những khát vọng mang tính nhân bản có tầm phổ quát này đã kiến tạo nên lớp diễn ngôn đời tư – thế sự – nhân văn, đem lại sức ám ảnh khôn nguôi cho các tác phẩm giai đoạn này.
Lịch sử lúc này trở nên thật gần gũi, đời thường khi mang gương mặt của khát vọng tình yêu và tự do. Cả Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Mộng Giác, Nam Dao, Nguyễn Thế Quang đều dùng tự do làm “nốt nhấn” trong cấu trúc nhân cách của các vĩ nhân. Với những con người “khổng lồ” như Hồ Quý Ly (Hồ Quý Ly), Lê Lợi, Nguyễn Trãi (Đất trời), Quang Trung (Sông Côn mùa lũ), Nguyễn Du (Nguyễn Du), khát vọng đó đã thành bão tố rung chuyển cả thời đại. Dẫu biết rằng cái giá phải trả không hề nhỏ của cuộc canh tân đất nước, Hồ Quý Ly dám chấp nhận trả giá, vượt lên căn bệnh “ngu trung” của thời đại để cứu Đại Việt khỏi bờ vực của sự khủng hoảng. Quang Trung không tự trói mình trong đám thư thi lễ nghĩa của tầng lớp hủ Nho hết thời, chấp nhận hành động “tàn nhẫn”, “có tội” với gia đình và dòng tộc để làm những điều mà với ông là cần thiết cho vận mệnh dân tộc. Còn Nguyễn Du sẵn sàng đối diện với quyền uy, chủ động đón nhận bi kịch “tha nhân” để truy tìm giá trị đích thực của tự do và khai phóng sáng tạo. Và Nguyễn Trãi dám đặt cọc bằng máu và sinh mệnh của dòng tộc bảo vệ cho tư tưởng nhân nghĩa, thân dân của mình. Dẫu thất bại, mang tiếng xấu muôn đời như Hồ Quý Ly hay gặt hái vinh quang, để lại tiếng thơm muôn thuở như Quang Trung, hoặc chịu bi kịch tru di tam tộc như Nguyễn Trãi, song họ đều là những nhân cách lớn, lớn trước hết là khả năng dám là mình, dám dấn thân và chịu trách nhiệm về những gì mình làm.
Lịch sử cũng trở nên nhân văn hơn khi mang gương mặt của khát vọng tình yêu. Trong tiểu thuyết lịch sử sau Đổi mới, chủ đề tình yêu có một sức hút kì diệu, nó cho thấy từ sâu thẳm tính người, nhân loại khi đi tìm ý nghĩa đích thực của đời sống đều gặp nhau ở điểm hẹn tình yêu. Ám ảnh suốt hơn 500 trang Giàn thiêu là tình yêu định mệnh giữa Nhuệ Anh – Từ Lộ, tình yêu bao dung, trong trẻo của chàng Cá Bơn dành cho Nhuệ Anh, tình yêu điên rồ, đầy dục vọng của Lý Câu với Nhuệ Anh,… Những trang viết về tình yêu có thể nói là những trang đẹp nhất, lung linh nhất và thăng hoa nhất trong ngòi bút Võ Thị Hảo. Trong Sông Côn mùa lũ, bên cạnh mạch chảy cuồn cuộn của những chuyển vần lịch sử, là mạch chảy âm thầm, ám ảnh và bất diệt của tiếng gọi tình yêu. Người anh hùng đánh Nam dẹp Bắc bách chiến bách thắng Nguyễn Huệ suốt một đời ân hận, day dứt về mối tình đầu ngây dại với An. Đặt Nguyễn Huệ vào một cuộc tình không trọn vẹn, Nguyễn Mộng Giác đã khám phá người anh hùng này ở khía cạnh đời thường nhất, để thấy ông là người nặng ân tình và cũng bị những giới hạn thường tình bủa vây. Tình yêu trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly lại là phép thử để Nguyễn Xuân Khánh phát hiện ra phần tự nhiên, thành thật, thầm kín nhất trong mỗi con người, kể cả Hồ Quý Ly – một khối ý chí khổng lồ, một bản lĩnh phi thường. Còn trong Mẫu Thượng Ngàn, hình ảnh bà Tổ Cô, Mùi, bà Ba Váy, thím Pháo, Nhụ nâng niu đôi vú hiến dâng như biểu tượng cho sự cứu rỗi, tái sinh bằng tình thương yêu, để ban tặng sức sống mãnh liệt cho những số phận đang trở nên lụi tàn về thể xác lẫn tâm hồn, nhân tính.
Trong muôn vàn khuôn mặt của tình yêu ấy, Bùi Anh Tấn trong Bí mật hậu cung mạnh bạo kiếm tìm, tái hiện nét dị biệt, lạ lẫm của tình yêu đồng giới. Qua những mối tình éo le, trắc trở, nhân vật thể hiện những khát vọng vô cùng nhân bản của “thế giới thứ ba” là được sống với con người thật của mình, được mọi người thừa nhận. Ngòi bút của Bùi Anh Tấn đã chạm vào những khắc khoải cô đơn, những hoài nghi, trăn trở để tạo nên những trang miêu tả, phân tích tâm lí xuất thần. Trong những khoảnh khắc ấy, tác giả đã khiến người đọc tạm quên đi hình ảnh người anh hùng kiệt xuất của dân tộc – Lý Thường Kiệt, để trải lòng mình với những xúc cảm đời thường, và trên hết, thấu hiểu tấn bi kịch nội tâm của một con người: không biết mình là ai, không dám thừa nhận giới tính của mình, không được sống thật với con người, để rồi, không được quyền lựa chọn hạnh phúc riêng tư cho mình.
Với lớp diễn ngôn này, Nam Dao, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Thế Quang, Uông Triều,… đã khai thác chiều sâu thế giới nội tâm phức tạp cũng như tấn bi kịch tâm hồn của các vĩ nhân Quang Trung, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Trần Nhân Tông… Những đấu tranh nội tâm, những cảm xúc đa chiều cùng tấn bi kịch tâm hồn được trình hiện bởi chính điểm nhìn nội cảm của nhân vật.
Như vậy, hình thái diễn ngôn đời tư – thế sự – nhân văn đã kiến tạo nên quan niệm “con người đời thường”, “con người phàm tục”, “không thuần khiết”. Sự đa diện trong tính cách nhân vật vừa giống như một sự đối thoại với quá khứ – một quá khứ không bất biến, khước từ cách nhìn đơn phiến, một chiều về con người trong văn học giai đoạn trước, vừa đề xuất những giá trị, những nguyên tắc khác, điểm nhìn mới để định giá lịch sử và con người: hệ giá trị nhân bản, triết học nhân sinh và nguyên tắc đối thoại đa chiều. Nhờ đó, văn học có những khám phá toàn diện, nhiều chiều về con người, mở ra những tầng sâu mới mẻ và thú vị đời sống đầy bí ẩn, vô cùng vô tận của những cá thể người sinh động và gần gũi.
* Diễn ngôn tính dục
Văn xuôi viết về lịch sử sau 1986 có nhiều tác phẩm khai thác vấn đề bản năng tính dục như là cách thức để nhà văn khám phá sự đa chiều, đa diện về con người. Dục tính tồn tại hiển nhiên trong mỗi người là yếu tố quan trọng làm nên bản thể. Nó cho con người những giây phút sống đích thực là mình với những rung động và thăng hoa cảm xúc. Đó là mục đích văn hóa cao cả của “chuyển dịch libido (libido – displacement’s) như quan niệm của Sigmund Freud6.
Nhiều nhà văn trong giai đoạn này đã miêu tả nhân vật, đặc biệt là các nhân vật nữ bằng vẻ đẹp thân thể, gợi tình, giàu nữ tính. Nguyễn Xuân Khánh, Phạm Ngọc Cảnh Nam, Võ Thị Hảo, Nam Dao,… đã không ngần ngại sử dụng chất liệu như đôi vú, lưng, làn da, mông, đùi,… để kiến tạo nên ngôn ngữ của thân xác. Đến lượt nó, thân xác lại giúp mỗi cá nhân sống và nếm trải sự sống ấy trong cuộc đời theo một cách thế riêng của nó. Tiểu thuyết lịch sử sau 1986 đã kiến tạo nên trường ngôn ngữ của thân xác. Nhìn lại tiến trình vận động cũng như những ràng buộc của văn học về đề tài lịch sử từ trước đến nay, vấn đề này có ý nghĩa như một cuộc cách mạng trong quan niệm về “thân”7. Khi “thân” cất tiếng nói đầy kiêu hãnh giới cũng là lúc nhà văn đối thoại lại với quan niệm truyền thống khinh miệt thân xác, xem thân xác là “bể chứa” tầm thường của linh hồn thanh cao.
Bên cạnh ca ngợi vẻ đẹp thân thể người phụ nữ, các nhà văn trong nỗ lực nhận diện về con người một cách thành thực, trần trụi, không tô vẽ; con người như chính sự tồn tại phức tạp trong đời sống đã đi sâu khám phá khát vọng bản năng tính dục của nó. Khao khát dục tình đã cho phép nhiều nhà văn thám hiểm về con người trong khía cạnh tự nhiên, bản năng và nhân bản nhất của nó. Trong Thế kỉ bị mất, Phạm Ngọc Cảnh Nam vừa miêu tả Lụa với vẻ đẹp đằm thắm, đậm đà như “trái mít chín ai bỏ quên giữa đường” vừa khai thác tinh tế những rung động thầm kín, thẳm sâu của người đàn bà. Hay trong các giai thoại dân gian và cả những sáng tác hiện đại, Thị Lộ hiện lên như một người tâm đầu ý hợp với Nguyễn Trãi, một người chia sẻ đến tận cùng những cảm xúc kể cả nhưng suy tư, trăn trở về quốc mệnh và dân sinh. Nhưng trong Hội thề, Nguyễn Quang Thân đã đưa nhân vật này trở về với kích cỡ của một người đàn bà bình thường, với những đòi hỏi, khát khao và cả những ước mơ rất đỗi đời thường.
Miêu tả những hành vi dục tính, các nhà văn đã tìm cho mình một “mật mã” để khơi mở những góc khuất bí ẩn trong đời sống tâm lí con người. Những tiết đoạn tính giao được Võ Thị Hảo, Phạm Ngọc Cảnh Nam, Nam Dao miêu tả tinh tế, đầy tính ước lệ, tượng trưng. Với các tác giả đây như là phương thức hữu hiệu tiếp cận, khai thác con người bản năng, vô thức, qua đó lí giải những “vết hằn” trong cuộc đời mỗi con người. Trong Giàn thiêu, lần ái ân duy nhất với Nhuệ Anh trên con đường hành cước đã ám ảnh suốt một đời về khát vọng không thỏa của Từ Lộ, để rồi cứ “khát” và “nhớ” một điều gì đó vô hình. Sự hiến dâng nồng nàn trinh tiết, sau đó là cái chết tức tưởi của Xuyến trong Đất trời đã trở thành nỗi đau thầm kín, mặc cảm tội lỗi trong tâm thức Nguyễn Trãi ngay cả khi ở đỉnh cao của sự nghiệp và gặp được tri âm tri kỉ Thị Lộ.
Một khi tình dục được xem là thiên tính luôn hiện hữu và đợi chờ được đánh thức thì những rung động trước sắc dục trở thành một khía cạnh của đời sống nhân sinh có tầm phổ quát. Điều đó giải thích vì sao tình dục không còn là phạm trù cái tục để phải né tránh, nhất là đối với những thần tượng của dân tộc. Một trong những nhà văn đầu tiên đã mạnh dạn sáng tạo và sử dụng lớp diễn ngôn tính dục để hình dung và miêu tả các nhân vật lịch sử chính là Nguyễn Huy Thiệp. Trong truyện ngắn về đề tài lịch sử của mình, mặc dù không có những trường đoạn dài miêu tả chi tiết đời sống tính dục của nhân vật, nhưng chỉ cần một vài chi tiết đặc tả thoáng qua, nhà văn đã phục dựng chân dung nhân vật vô cùng chân thực, sinh động. Tiếng nói của bản năng con người tự nhiên trở thành tiếng nói thiêng liêng và sâu thẳm nhất, khiến các nhân vật lịch sử “trở mình” sống lại và hơn nữa, được sống Như-Là-Chính-Mình.
Miêu tả tính dục, đưa nó vào nhãn quan văn hóa và nhân văn Nguyễn Xuân Khánh, Nam Dao, Võ Thị Hảo, Phạm Ngọc Cảnh Nam,… đã đối thoại nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa và luận giải tấn bi kịch của con người trong quá khứ. Sự thức tỉnh về thiên tính tự nhiên, về đời sống vô thức cộng đồng là một tạo tác xuất phát từ tâm thức, văn hóa dân tộc trong sự tiếp biến, xâm nhập của văn hóa ngoại lai. Các nhà văn giai đoạn này đã tìm thấy trong đời sống tính dục của con người mảnh đất để chuyên chở những thông điệp đến hiện tại từ quá khứ.
Trong Mẫu Thượng Ngàn, hình ảnh người phụ nữ không những mang vẻ đẹp của sự thánh thiện, hoàn mĩ mà còn là vẻ đẹp của sức sống, sự mơn mởn, của khát khao cháy bỏng đẫm màu phồn sinh phồn thực. Vẻ đẹp tự nhiên ấy có một sức cám dỗ, gợi tình mạnh mẽ. Nó không chỉ mang lại cảm hứng xác thịt mà còn ẩn chứa một sức mạnh có thể cảm hóa, thức tỉnh con người. Tiết đoạn tính giao giữa Mùi và Philippe không đơn thuần là sự chung đụng xác thịt giữa người đàn ông và người đàn bà, đó thật sự là cuộc đối thoại ngầm giữa kẻ chinh phục/ người bị chinh phục, văn hóa ngoại lai/ văn hóa bản địa, sức mạnh cương cường/ vẻ đẹp dịu dàng.
Đối thoại nhãn quan, diễn ngôn thực dân về Việt Nam tính có tính chất áp đặt của quyền lực phương Tây, Feray đã thể hiện sự cộng cảm sâu sắc bằng một tình yêu chân thành dành cho Việt Nam trong tiểu thuyết ưu tú là Vạn Xuân. Ở phương diện đối thoại văn hóa, Feray và Nguyễn Xuân Khánh đã gặp gỡ nhau trong mục đích khai thác đời sống tình dục ở giá trị cứu rỗi, điều hòa, phản kháng của văn hóa bản địa với cái cương cường, bạo liệt của văn hóa ngoại lai. Cái nhu nước Việt đã thắng cái cương thiên triều, sức sống mạnh mẽ, phản lực tự vệ của văn hóa bản địa đã vượt thoát ý đồ triệt tiêu và “đồng hóa” của văn hóa ngoại lai.
3. Viết trong “khí hậu” dân chủ, bối cảnh hiện đại/hậu hiện đại, các tiểu thuyết gia đã thể hiện khát vọng khám phá, giải mã, đối thoại, thụ hưởng lịch sử, văn hóa. Nhà văn trở thành “nhà thám hiểm cuộc sống”, khơi dậy những khuất lấp, nhìn vào “bề sâu, bề sau, bề xa” của quá khứ để nối kết thực tại, gửi gắm niềm tin và sức mạnh vào tương lai. Để thực hiện trọn vẹn sứ mệnh ấy, các tác giả khi chọn đề tài lịch sử trong các sáng tác của mình buộc phải tìm kiếm hình thức diễn ngôn mới cho thể loại và không ngừng cách tân tư duy/phương thức tự sự lịch sử. Bằng tất cả những thể nghiệm, đổi mới quan trọng trên phương diện diễn ngôn và mô thức văn bản tự sự, tiểu thuyết lịch sử ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng của mình trong tiến trình vận động và đổi mới tự thân của văn học đương đại. Có thể nói, thể loại này đang hồi sinh và trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Khi con người có một độ lùi nhất định, khát vọng muốn khám phá, giải mã lịch sử, truy tìm những giá trị/bản sắc văn hóa là nhu cầu tất yếu, thể hiện sự thay đổi trong nhận thức và tư duy của con người đương đại. Mỗi tác phẩm hiện hữu như là diễn ngôn về lịch sử của cá nhân nhằm đối thoại quá khứ, kết nối cuộc sống hôm nay để luận giải các vấn đề nóng bỏng của thực tại và nhân sinh.
Nguyễn Văn Hùng ( Nguồn: Tạp chí Sông Hương 04-2016)
———————–
1. Xem thêm Nguyễn Thị Bình: Văn xuôi Việt Nam 1975 – 1995, những đổi mới cơ bản, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.13-64.
2. Trần Ngọc Hiếu: “Giới thiệu lí thuyết tự sự của Hayden White”, trong Trần Đình Sử (chủ biên), Tự sự học, (Phần 2), Nxb. Đại học Sư phạm, H., 2008, tr.117.
3. Popper Karl: Sự nghèo nàn của Thuyết Sử luận, Chu Lan Đình dịch, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2012, tr.257.
4. Mills Sara: “Một số định nghĩa và quan điểm nghiên cứu diễn ngôn”, (Nguyễn Thị Ngọc Minh dịch), Tạp chí Văn học nước ngoài, số 8/2011, tr.152.
5. Trần Đình Sử: “Suy nghĩ về lịch sử và tiểu thuyết lịch sử”, trong Trên đường biên của lý luận văn học, Nxb. Văn học, H., tr.448-462.
6. Dẫn theo Phương Lựu: “Văn nghệ với tình dục”, trong Khơi dòng lí thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, H., 1997, tr.98.
7. Xem thêm Trần Văn Toàn: “Về một diễn ngôn tính dục trong văn xuôi nghệ thuật Việt Nam (từ đầu thế kỉ XX đến 1945)”, Tlđd.