Trong thời đại số, vẫn còn những hiệu sách giấy có thể thu hút độc giả bằng kiến trúc tuyệt vời và cách bày biện bắt mắt, không chỉ bán sách mà còn lưu giữ vẻ đẹp của văn hóa đọc.

Sau đây là danh sách các hiệu sách đẹp nhất thế giới do Huffington Post tổng hợp.

1. El Ateneo ở Buenos Aires, Argentina


Hiệu sách lộng lẫy này trước đây là một nhà hát có tên The Grand Splendid. Năm 1929, nhà hát này là nơi đầu tiên trên thế giới trình chiếu phim có âm thanh. Giờ đây, những người mê sách có thể tới đây, thưởng thức đồ uống trong một quán café tao nhã đặt ngay ở sân khấu cũ và đọc sách. Đó cũng là nơi độc giả thư giãn sau khi dạo bước quanh cửa hiệu rộng lớn với những chiếc giá đầy ắp sách.

2. Livraria Lello ở Porto, Bồ Đào Nha


Được xây dựng vào năm 1881, Livraria Lello có nội thất sang trọng với kính màu và gỗ được chạm khắc công phu. Hiệu sách sử dụng các cầu thang uốn cong màu đỏ để kết nối các tầng với nhau, tạo nên nét đẹp riêng.

3. Selexyz ở Maastricht, Hà Lan


Được tờ Guardian bầu chọn là hiệu sách đẹp nhất thế giới vào năm 2008, Selexyz thực sự biến một nơi mua bán sách trở thành thiên đường của người mê sách. Hiệu được đặt trong một nhà thờ cổ thuộc dòng Dominican được tân trang lại. Nhà thờ đã tồn tại trong vòng hơn 700 năm nay. Từ năm 1294, nhà thờ đã lần lượt trở thành một giáo xứ, một nhà kho, một kho lưu trữ và một tiệm bán xe đạp, sau đó được xây thành hiệu sách.

4. Poplar Kid’s Republic ở Bắc Kinh, Trung Quốc


Không gian sáng sủa và rộng lớn này là một trong những hiệu sách thiếu nhi đầu tiên và lớn nhất ở Trung Quốc, lưu trữ hơn 3.000 đầu sách ở nhiều ngôn ngữ. Kiến trúc hiệu sách được thiết kế làm giàu trí tưởng tượng cho các em nhỏ và cả các phụ huynh khi đưa con em đến đây.

5. Cafebreria El Péndulo ở Mexico City, Mexico


Một không gian dành cho sách thực sự với sự có mặt của sách ở mọi nơi. Có cả quán bar và cafe thoáng đãng ở bên ngoài, Cafebreria El Péndulo là nơi đọc sách và thư giãn lý tưởng, với máy điều hòa nhiệt độ được lắp đặt đầy đủ. Cây xanh được dùng để trang trí nội thất.

6. Shakespeare and Company ở Paris, Pháp


Hiệu sách tiếng Anh nổi tiếng trong lịch sử này là nơi những nhà văn vĩ đại như Hemingway và Fitzgerald thường lui tới. Trong hiệu có bán cả sách cổ, sách cũ và sách mới, đồng thời có bản điện tử cho những đầu sách không bán mà chỉ cho mượn. Độc giả có thể mượn và đọc sách không bán ở tầng hai của cửa hiệu. Khách du lịch thường xuyên tới đây, không chỉ công chúng mà các nhà văn nổi tiếng cũng yêu thích nơi này.

7. The Strand ở New York, Mỹ


The Strand được những người chủ tự hào tuyên bố là nơi lưu giữ “18 vạn dặm sách”. Khách hàng có thể dạo quanh những giá sách cao lớn và chỉ được sắp xếp qua loa, mua những cuốn sách cũ hoặc sách được giảm giá tại đây.

8. Goulds Book Arcade ở Sydney, Australia


Bob Gould là một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng ở Australia, đồng thời cũng là nhà kinh doanh sách. Ông bắt đầu công việc này từ năm 1967, đã mở khoảng 12 hiệu sách ở nhiều nơi. Hiệu Goulds Book Arcade ra đời năm 1988 ở Newtown. Có khoảng 300.000 cuốn sách và băng đĩa được bày bán công khai tại đây, khoảng 650.000 cuốn sách trong kho lưu trữ và 70.000 sách điện tử bán qua trang web của cửa hiệu. Bob qua đời năm 2011 vì bị ngã khi đang soạn sách, tờ Sydney Morning Herald gọi ông là “người bán sách yêu dấu”.

9. Hay-on-Wye ở xứ Wales


Hay-on-Wye nổi tiếng thế giới với biệt danh “Thị trấn Sách”. Có hơn 30 hiệu sách trong thị trấn nhỏ này, và đây cũng là trung tâm mua bán, trao đổi sách cũ và sách cổ, là điểm đến yêu thích của những người mê sách trong toàn Vương quốc Anh và cả thế giới.

Pham Mi Ly

Nguồn: eVan.