Mùa đông gió quất ràn rạt bên tai, tiếng mõ cầu kinh từ ngôi chùa đầu làng theo tiếng gió vang lên từng hồi. Tôi nắm trong tay những hạt gạo trắng, đi dọc đường làng, giả vờ đánh rơi cho đến khi không còn hạt nào trong tay thì trở về nhà, làm mà không hiểu vì sao mình phải làm những việc vô nghĩa như thế. Cơn ho lại kéo đến, tôi ngồi xuống để lấy sức mà ho, lấy sức mà thở. Đứa con trong bụng chợt đạp mạnh liên hồi, bụng trì xuống hẳn một bên. Những bóng đen theo gió lướt qua đầu, chúng dừng lại nhìn tôi lưỡng lự rồi lại bay tiếp, những hạt gạo trắng dưới chân tôi chuyển động, xoay tròn trong cát.


Về nhà, mẹ chồng tôi ngồi xếp bằng hai chân trước trang thờ giữa sân, miệng lầm rầm khấn vái. Nhìn thấy tôi, bà buông tay xuống rồi ngẩng lên hỏi “Không sót lại hạt nào đấy chứ?”, “Vâng, mẹ!”. Tôi trả lời với tất cả sự khó chịu trong lòng, lý do gì mà một đứa bụng mang dạ chửa tháng thứ bảy, với cơ thể yếu ớt này chiều nào cũng mang mấy nắm gạo đi đánh rơi quanh làng. Tôi ngang qua bà, đi thẳng vào trong. Bước lên bậc thềm, những bóng đen mà tôi nhìn thấy ngoài đường làng, bay vờn qua mái nhà tôi, vòng về phía trang thờ nơi mẹ chồng tôi đang ngồi. Gió rít mạnh, dạt hết mọi thứ ra xa như một cơn lốc. Những bóng đen biến mất! Quanh chỗ mẹ chồng tôi đang ngồi, cũng có những hạt gạo, chúng xoay tròn theo gió. Mặt trời vừa sụp xuống núi.

Tôi sẽ chết. Tôi đón nhận điều đó bằng một cách bình thản nhất có thể. Ai mà không chết, sớm hay muộn thôi. Tôi biết rất rõ, sự suy sụp tinh thần sẽ giết mình chết nhanh hơn bệnh lý đang mắc phải. Hơn nữa, tôi cần phải sống vội vàng, sống gấp gáp hơn cho đứa con đang mang đến tháng thứ bảy. Ngày biết tôi mang thai, vị bác sĩ già có cặp kính rất dày, đẩy gọng kính lên rồi nói bằng giọng rất nghiêm trọng “Bác nghĩ, con không đủ sức và không đủ thời gian để sinh ra đứa bé này!”. Tôi đã lắc đầu, “không đâu, không chỉ con có đủ thời gian sinh ra nó, mà còn nhiều thời gian để nuôi nó lớn khôn!”. Vậy là tôi giữ lại đứa bé, mang luôn trên mình những ánh mắt xót xa, ngạc nhiên lẫn lo lắng của tất cả những người xung quanh. Chỉ có mẹ chồng tôi, không thể hiện thái độ gì cho việc tôi giữ lại đứa trẻ, đúng hơn, việc tôi làm gì, không đáng để bà quan tâm. Đến tháng mang thai thứ bảy, mọi thứ với tôi vẫn đang rất ổn.

Mẹ chồng tôi cứ chiều sẫm màu là trải chiếu trước sân, trước trang thờ lầm rầm khấn vái. Sau đó đưa tôi một túi vải chứa đầy gạo, bảo tôi đi rắc quanh làng. Những bóng đen theo gió lướt qua đầu, những hạt gạo xoay tít luôn làm tôi lạnh sống lưng, nơm nớp sợ hãi. Nhiều lần, muốn hỏi bà rằng, việc đó có nghĩa gì, nhưng bà lại trừng mắt “Phong tục nhà tôi thế đấy, cô là dâu, có muốn phục tùng hay là không?” vậy thôi, không hỏi nữa. Vốn dĩ, chẳng mẹ chồng nào yêu thương nổi con dâu của mình. Tôi muốn hỏi bà, có nhìn thấy những cái bóng đen đó không, đó là gì, là người hay ma? Nhưng cơ hội được hỏi hình như không có, tôi mang cái thắc mắc mỗi ngày một lớn thêm đè nặng trong lòng mình. Trong giấc mơ chập chờn giữa những cơn ho dài, tôi cũng thấy chúng, những bóng đen đứng từ ngoài cửa rồi bay đi.

Đứa bé trong bụng tôi mỗi ngày chòi đạp mỗi nhiều và mạnh dần lên, có những lúc nó làm tôi không thở được, cố giằng những cơn ho lại, để giữ lại chút không khí mà thở. Những lúc như thế, tôi ước gì thời gian trôi qua thật nhanh, để đứa bé được ra đời, được thở bằng phổi của chính nó, được hít thở không khí của chính nó mà không phải qua tôi, qua người mẹ yếu ớt này. Nhưng thời gian đâu có đi theo ước muốn của ai. Thời gian được mẹ chồng tôi tính bằng bao nhiêu nắm gạo mà tôi phải đi rắc quanh làng, thời gian được tính bằng việc bà phải trải chiếu trước sân khấn bao nhiêu lần nữa. Và thời gian, tính bằng việc tôi phải ôm ngực ho bao nhiêu lần giữa cái lạnh mùa đông, với những bóng đen lởn vởn trên đầu.

Tôi phải chuẩn bị cho cái chết ngày một đến rất gần. Mỗi kỳ khám thai, tôi nhìn thấy ánh mắt lo lắng của vị bác sĩ già có cặp mắt kính rất dày. Bao giờ ra về, ông cũng đặt tay lên vai tôi “Cố gắng nghe, con!”, lời lo lắng như của một vị cha già. Gia đình tôi cũng đang chuẩn bị điều đó, bởi ai cũng biết rằng, tôi không thể vượt qua được kỳ sinh nở này. Trong khi ai cũng lo lắng cho tôi, thậm chí mẹ ruột tôi cứ mỗi lần điện thoại là bà lại khóc; thì mẹ chồng tôi, là người có lòng dạ sắt đá nhất, vẫn ghét tôi như ngày mới bước về làm dâu trong nhà. Bà không nói với tôi được một câu nhẹ nhàng, chỉ có những mệnh lệnh. Gần một tháng nay, tôi còn phải làm cái việc mà mình không biết để làm gì, đó là đi rải gạo. Thôi thì đàng nào mình cũng sẽ chết, những điều đó cũng không còn là điều mình phải đáng bận tâm. Mỗi sáng nhờ người mua giúp những cành hoa hồng, về tự tay cắm chúng rồi để trên bàn. Mẹ chồng nhìn thấy rồi cũng bỏ đi qua luôn như không. Tôi chỉ ước gì một lần, được ngồi nói với bà rằng “Con của con, cháu của mẹ, xin mẹ hãy chăm sóc nó khi con qua đời!”. Chỉ ước ao có thể nói như thế, có thể gửi gắm như thế rồi ra đi cho yên lòng. Nhưng bà luôn là một thế giới khác với thế giới của tôi.

Chiều lại sẫm màu, bụng tôi đã trì xuống đi lại khó nhọc dù còn đến vài tuần nữa mới đến ngày dự sinh, mẹ chồng tôi lại đưa cái túi vải, rồi bà lại trải tấm chiếu ra sân. Gió thổi ầm ầm, xoay tròn trên đầu thành một cơn gió xoáy, lại những cái bóng đen, chúng bay quanh cơn gió trên đầu chúng tôi. Tôi sợ hãi đẩy bà vào nhà, “Vào nhà đi, mẹ!”. Nhưng mẹ chồng tôi không đi, bà vẫn đứng yên đó, quắc mắc nhìn tôi “Đi, đi rải gạo! Mầy không muốn sinh con sao, đi mau lên!”. Tôi lập cập bước đi, trấn an nỗi sợ hãi rằng việc rải những hạt gạo đó xuống đường, nó là cách để cứu lấy tôi. Nhưng thứ gì đang nguy hiểm cho mình ngoài căn bệnh đang mang trong người, cái chết sao? Tôi đâu còn sợ chết nữa, khi tôi đã tập sống chung với suy nghĩ rằng mình sẽ chết trong hơn một năm nay rồi, vậy vì cái gì? Tôi không biết! Chỉ thấy mình đang rất sợ hãi với những gì liên tiếp xảy ra, những bóng đen, những cơn gió và những hạt gạo xoay tròn khi ném xuống đất.

Tôi cầm túi vải đựng gạo bước ra đầu ngõ để bắt đầu hành trình đi quanh làng, gió rít theo sau lưng. Tôi cố gắng bước nhanh, càng nhanh càng tốt, những hạt gạo trên tay mình run lẩy bẩy, ném tung tóe xuống mặt đường, chúng nhanh chóng bị vùi nhanh trong cát, cát và gạo, xoay tít mù trong gió. Bụng quặn lên, nghe đau. Hình như tôi sắp sinh. Nhưng còn đến hai tuần nữa? Mẹ bảo con so có thể sinh sớm hơn ngày dự sinh. Thế thì đúng rồi, con khỏe mạnh và được nuôi dưỡng trong bụng mẹ tới giờ phút này cũng đã là hạnh phúc và an toàn rồi. Tôi vội vàng bước đi thật nhanh, rải cho hết gạo để quay về nhà còn kịp vào bệnh viện. Bụng đau nhanh hơn, gấp gáp hơn, em bé chòi đạp mạnh hơn, hình như nó cũng đang cố vẫy vùng để được ra ngoài.

Tôi về đến cổng nhà mình, mẹ chồng tôi không ngồi xếp chân ở chiếu nữa mà bà đang đứng, sau lưng bà là những bóng đen, chúng không bay và rít theo cơn gió như tôi từng nhìn thấy suốt nhiều tháng qua. Tôi chỉ kịp hét lên “Mẹ, con sắp sinh!” rồi những cơn đau ở đâu ập đến, đổ dồn làm tôi ngất xỉu.

Tôi thấy mình đang đi trên cánh đồng lúa trĩu hạt, sau lưng tôi là những thiên thần đeo cánh trắng, họ hát múa và vui cười, họ dang những đôi cánh che chắn cho tôi. Tôi cũng hòa theo họ, hát những bài hát mà mình chưa từng hát, múa những điệu múa mà mình chưa từng múa. Nhìn xuống chân mình, cỏ xanh mượt mà, tôi soi mình trong sương, tôi cũng có một đôi cánh trắng. Họ nắm lấy tay tôi, trao vào tay tôi những nhánh lúa đang trĩu hạt nhất, đẹp nhất. Chúng tôi cùng nhảy múa quên cả thời gian, bỗng những chiếc áo trắng biến mất, mà trước mặt tôi là những bóng áo đen từ từ tiến tới, tôi hoảng hốt tháo chạy. Họ, là họ, là những bóng áo đen đã khiến mẹ chồng tôi bắt tôi đi rải gạo quanh làng. Tôi sợ hãi, ríu cả lưỡi, ríu cả chân. Tôi té khụy xuống, hét lên thất thanh “Mẹ, gạo đâu, đưa con!!!”. Nhưng tôi rơi, rơi rất nhanh, vào một đám cỏ xanh trước mặt.

Trước mặt tôi là màu trắng, mùi cồn và mùi thuốc kháng sinh. Mũi đang gắn ống thở oxy. Tôi đang ở trong bệnh viện. Tôi sờ xuống bụng mình, có một vết thương, nhưng mà… con tôi đâu? Tôi hoảng hốt la lớn “Con tôi đâu?”. Các y tá mỉm cười bảo rằng “Con chị đã được đưa sang nằm phòng nhi cùng những đứa bé khác, chị ở đây tới khi khỏe rồi sang gặp con!”. Tôi thở hắt ra, thở như bao nhiêu tháng bao nhiêu năm bị bóp nghẹt phổi mình không thể thở được. Mùi oxy từ trong ống thở khiến tôi rất khó chịu, không rõ nữa, đáng lẽ oxy là thứ dễ chịu nhất chứ, hay là mũi tôi đã quen hít phải không khí đầy ô nhiễm rồi?

Tôi đang phải thở oxy, quanh tôi là bao nhiêu loại dây được gắn với bao nhiêu loại máy, tôi không biết. Ngày trước, khi chăm ông nội, ông cũng đã ra đi giữa những dây nhợ và máy móc như thế này sau một tai nạn. Ừ, thì một lát nữa thôi, chắc tôi cũng sẽ chết. Tôi đã chuẩn bị mọi thứ rồi. Tôi bảo y tá trực “Chị muốn được nhìn thấy con chị!”, tôi nói bằng giọng thống thiết nhất, chỉ sợ, mình tắt thở mà không kịp nhìn thấy nó. Vị bác sĩ già bước vào, đẩy gọng kính lên rồi nhìn vào những chiếc máy đang phát ra đủ thứ âm thanh quanh tôi, tôi hồi hộp nhìn ông, hỏi “Con sắp chết, phải không? Hãy cho con gặp con của con! ”. Ông mỉm cười, lắc đầu “Hình như ta đã sai ở đâu đó, con vẫn ổn!”. Tôi biết, với một người mẹ vừa sinh con, không ai nói cho tôi điều gì xấu, họ chỉ nói điều tốt chỉ để an ủi, thậm chí là trấn an thôi, chúng ta, có một quan niệm về cái gọi là “máu sản hậu”, một cách làm cho tinh thần những bà mẹ vừa sinh con có trọn vẹn niềm vui. Tôi cố hít thật sâu để cho oxy chạy đến tận mọi ngóc ngách của cơ thể, cả những nơi mà từ lâu nó chưa ghé tới. Vị bác sĩ già đáng kính đặt tay lên bàn tay tôi, nắm lại “Con yên tâm, mọi thứ rất ổn!”. Rồi ông ra ngoài sau khi kê đơn thuốc đưa cho bác sĩ phụ trách trong phòng hồi sức.

Tôi nghĩ mình đang mơ, tôi không rõ nữa, giấc mơ khi nãy và bây giờ, cái nào mới là thực tại. Lời bác sĩ và những âm thanh phát ra từ những chiếc máy, dây nhợ được gắn tứ tung trên người, âm thanh nào phát ra là âm thanh của niềm vui, của hi vọng, còn âm thanh nào phát ra nỗi sợ hãi? Tôi không biết, nằm lắng nghe một hồi tôi cũng chẳng phân biệt được, và nghe nó như một bản nhạc. Đôi khi không biết một điều gì đó lại là sự may mắn, tôi nghĩ thế và an tâm nhắm mắt lại, thảnh thơi.

Giấc mơ lại kéo về, vẫn đồng lúa, vẫn những thiên thần có đôi cánh trắng và những chiếc áo đen. Thiên thần và quỷ dữ, họ là quỷ dữ sao? Tôi không biết họ là ai? Nhưng hình như họ có liên quan đến cuộc đời tôi, ít ra là họ đã từng lảng vảng quanh tôi trong suốt gần hai tháng qua. Và, họ liên quan gì đến những hạt gạo mà tôi đã rải xuống đất. Bởi, tôi nhớ rất rõ, khi họ bay qua, những hạt gạo dưới chân xoay tít. Tôi nhớ ánh mắt mẹ chồng mình tức giận ra sao khi tôi đã làm việc đó chậm chạp.

Những áo trắng nắm chặt lấy tay tôi, chúng tôi nắm thành vòng tròn, rất chặt. Áo đen cũng nắm tay thành vòng tròn, và bay trên đầu chúng tôi. Thiên thần bé nhất đang nắm lấy bàn tay tôi, nói nhỏ “Đừng nhìn họ, những con quỷ chuyên mang linh hồn người ta về cõi chết!”. Tôi mỉm cười, hóa ra là vậy, vì tôi sắp chết, nên họ đến để mang linh hồn tôi đi. Nhưng mà… tôi chưa sẵn sàng, tôi cần bế con mình trong tay một lần, tôi nhất định phải bế được nó một lần. Tôi hét lên, vùng tay ra khỏi những bóng áo trắng đang giữ chặt tôi, “Tôi cần về, tôi phải gặp con tôi!”.

Tôi thức giấc với nỗi hoang mang tột độ. Vị bác sĩ già đang đứng trước tôi, mỉm cười hài lòng khi nhìn những thông số trên chiếc máy để ngang đầu tôi. Tôi hỏi ông ấy “Khi nào con chết, bác sĩ?”, ông ấy cười “Con muốn chết sao, sau khi ta vui mừng vì thấy con sẽ sống?”, tôi lặp lại một cách vô thức “Vậy là con sẽ không chết sao?”, ông nhìn thẳng vào mắt tôi, như để tìm những dấu hiệu căn bệnh mới. Lúc ấy, tôi vẫn tin những gì tôi gặp trong mơ không phải là giấc mơ thật sự, tôi nghĩ còn điều gì đấy khuất tất mà tôi chưa hiểu ra, tại sao có những bóng áo trắng kia ngăn không cho quỷ dữ mang linh hồn tôi đi. Hay vì thấy tôi chưa sẵn sàng?

Tôi đưa tay lên đầu mình để tìm điện thoại theo thói quen nhưng không có, tôi quên là mình đang nằm trong phòng hồi sức, hai chân chưa tan thuốc nên không có cảm giác, cũng không cử động được, trên người chẳng có mảnh quần áo nào, chỉ thấy dây được gắn lung tung và phủ ngang một lớp chăn. Nhưng sao không có người thân nào của tôi? Tôi muốn gặp họ để biết bên ngoài phòng hồi sức ra sao, muốn biết bé con vừa rời lòng mẹ đang thế nào, tôi đang hồi hộp chết mất thôi.

Cũng không phải đợi lâu, mẹ ruột tôi bước vào với bộ quần áo màu xanh của bệnh viện. Tôi hỏi ngay “Mẹ, sao con không thấy ai trong nhà chồng con?”. Mẹ tôi buồn rầu, lắc đầu không nói. Tôi biết đang có chuyện gì đó, nhưng tại sao đến cả mẹ cũng không nói tôi hay, tôi hoảng hốt giật lấy tay mẹ “Có phải, con của con…”. Mẹ tôi vội vàng lắc đầu “Không, nó nằm bên kia, khỏe lắm!”. Tôi thở phào, nhưng còn chuyện gì?

Tôi nghĩ về những giấc mơ, mà, không hẳn nó là giấc mơ, nó như những phút ảo giác, hoặc đại loại là cái gì đó đang xảy ra trong thực tế, bởi chẳng ai mơ cùng một giấc mơ trong hai giấc ngủ khác nhau. Bây giờ, nếu tôi nhắm mắt ngủ, tôi biết chắc chắn giấc mơ đó sẽ về, nhưng liệu, tôi có biết được điều gì từ nó hay không? Hay bây giờ, tôi dỗ tiếp giấc ngủ?

Nhưng giấc ngủ không đến, những ngón chân tôi đã bắt đầu thấy lạnh, đầu gối nghe buốt, tôi cố nâng bàn chân lên để kéo tấm chăn phủ qua, cơn đau bắt đầu kéo tới, ở vết thương vừa mổ, ở ngực, ở những cơn ho, tất cả ùa tới khiến tôi không kịp phân biệt mình đau ở đâu nhiều nhất. Bác sĩ và y tá tập trung quanh tôi, sau một hồi tiêm bao nhiêu lọ thuốc tôi không rõ, tôi thấy mình được giảm đau, và buồn ngủ.

Tôi nhếch môi cười ngay trong giấc mơ của mình, rõ rồi, thấy không, tôi lại nhìn thấy cánh đồng đó, lại nhìn thấy những con người đó, những bóng áo trắng, áo đen rõ ràng ở hai hướng đối diện nhau. Nhưng bây giờ, hình như họ đang thỏa thuận với nhau điều gì đó, áo trắng đã nói với áo đen “Chúng tôi chấp nhận đổi, thì các người cần phải lấy đi hết, thậm chí cả những nguyên do, chứ không riêng linh hồn!”, bóng áo đen lắc đầu “Không, đó không phải thỏa thuận từ đầu, chúng ta đã nhận để đổi lấy linh hồn mà thôi”, “Nhưng như vậy là không công bằng, như thế linh hồn còn lại, chẳng phải các người muốn đến lấy lúc nào cũng được hay sao?”.

Tôi bước tới, tất cả họ dừng lại. Những bóng áo đen bay đi, những áo trắng ấm ức nhìn theo. Rồi họ đau khổ khi nhìn xuống đám cỏ xanh dưới chân mình, tôi bước lại nhìn theo họ, tôi nhìn thấy tôi, trong căn phòng màu trắng, đang cong người lên với những cơn ho, bác sĩ đứng quanh tôi, một áo trắng đẩy lưng tôi “về đi, nhanh!”. Tôi rơi vào đám cỏ xanh trước mặt.

Những âm thanh khó hiểu của những chiếc máy biến mất, tôi mở mắt ra. Tôi nghe đau, rất đau, nhất là vết mổ sinh con ở bụng. Thuốc lại được tiêm. Tôi rất sợ ho, bình thường ho đã mệt, bây giờ cứ mỗi lần ho, cơ bụng thắt lại thì vết thương ở bụng như rách ra lần nữa, đau toát cả mồ hôi. Tôi hỏi bác sĩ có cách nào cho tôi ngừng ho vài ngày, chỉ vài ngày thôi, khi vết thương ở bụng lành lại. Ông ấy gật đầu, hứa rằng sẽ cho tôi thuốc.

Tôi ra khỏi phòng hồi sức, về phòng nằm với con của mình. Rồi như bao bà mẹ sinh mổ khác, tôi tập đi quanh giường, quanh phòng mình. Tôi đi được rồi thì xuất viện. Nhìn thấy chồng đón tôi và con xuất viện, bao nhiêu tủi hờn cứ nghẹn ứ ở cổ, những ngày qua, anh và mẹ ở đâu? Tôi im lặng suốt đường về nhà.

Vừa bước chân ra khỏi taxi, một cơn gió ùa qua, những cái bóng đen lướt qua theo, tôi giật mình. Dưới chân mình đang có rất nhiều gạo, những hạt gạo đang xoay tròn theo gió. Tôi đứng nhìn theo những bóng đen đã mất hút, cố gắng xâu kết lại tất cả những việc xảy ra gần đây, kể cả những giấc mơ. Nhưng tôi không hiểu nó là gì, tại sao những chuyện kỳ lạ như thế lại xảy ra với tôi. Kỳ lạ nhất là việc tôi đã lên cả một kế hoạch làm đám tang cho mình, vậy mà tôi không chết.

Nhưng mẹ đâu? Tôi hỏi ngay câu đó khi nhìn vào ngôi nhà vắng ngắt. Chồng tôi không nói, ôm con đi thẳng vào trong nhà. Mẹ tôi xách đồ còn tôi khom khom lưng đi lắc nhắc đàng sau. Đập vào mắt tôi, khiến tôi sững lại, hoảng hốt chính là bàn thờ, hương khói nghi ngút, ở đó, di ảnh còn mới, mẹ chồng tôi! Tôi ngã xuống, mẹ tôi vội quăng đồ đạc và đỡ tôi dậy, “Con bình tĩnh, mẹ chồng con bị đột quỵ ngay hôm con sinh con, vì lo lắng cho con nên không ai cho con biết!”.

Trong một giấc mơ nào đó, tôi nhớ áo trắng đã nói “Mẹ cô đã bán linh hồn cho quỷ!”. Trong một giấc mơ khác, tôi cũng nghe áo trắng nói “Đã đánh đổi, thì các người phải lấy đi cả những nguyên do”… Bây giờ thì tôi xâu chuỗi lại được những câu chuyện đó rồi. Mẹ chồng tôi, người đàn bà luôn hà khắc với tôi, bà hà khắc cho tới tận cùng. Những hạt gạo bà đặt vào tay tôi để đi rải quanh làng, những lời khấn vái. Tôi đã hiểu ra những gì bà đã xin “Hãy lấy linh hồn tôi, để cho nó được sống, tôi chấp nhận đánh đổi!”. Những con quỷ áo đen nhận những hạt gạo đó để nhận dạng, những hạt gạo xoay nghĩa là chúng chấp nhận sự đánh đổi. Với quỷ, chúng đâu cần làm theo nguyên tắc, chúng chỉ cần có ai đó cho chúng thứ chúng cần.

Bây giờ, tôi lấy gì để đổi lại, để mẹ chồng tôi trở về, bà cần nhìn thấy cháu nội của bà. Tại sao một đứa sẵn sàng cho cái chết như tôi lại không được chết, mà phải là bà? Tôi nhớ ra, trong một giấc mơ nào đó, áo trắng bé nhất đã đưa tôi một nắm lúa, bảo rằng “Cô hãy gieo nắm lúa này, khi chúng trổ bông, dùng những hạt gạo từ nó cất vào một cái lọ. Khi cô ra đi, những hạt gạo này rải theo đường cô đi, cô sẽ tìm thấy bà ấy, nếu cô thật lòng muốn tìm thấy!”. Tôi đã gói nắm lúa đó trong một mảnh vải trắng mà thiên thần đưa cho.

Tung hết đống đồ của mình ra, tôi sững sờ nhìn thấy nó nằm trong đáy giỏ. Đó không phải giấc mơ, tất cả là sự thật. Nó là nắm lúa tôi đã gói lại trong mơ.

Tôi lom khom ra vườn, xới đất và gieo những hạt thóc đó xuống, cắm cọc rào xung quanh mặc cho mẹ và chồng tôi can ngăn rằng, tôi mới sinh con thì cần nằm trong phòng, không được ra ngoài gió. Tôi quay lại nhìn chồng mình với gương mặt đầy nước mắt “Em cần tìm thấy mẹ khi em chết đi! Em muốn hỏi tại sao mẹ lại làm thế, tại sao mẹ luôn hà khắc với em như thế?”. Tôi ngồi sụp xuống, khóc như một đứa trẻ bị đánh đòn oan. Chồng tôi sững sờ nhìn, rồi anh cũng bật khóc. Gió lại bay qua, những bóng đen lại bay qua. Ở đâu đó quanh tôi, quỷ dữ vẫn luôn rình rập và chờ đợi… Bầu trời sáng lên, những thiên thần áo trắng bảo vệ tôi trong những giấc mơ, đang nắm tay nhau nhảy múa.

Từ đêm ấy, giấc mơ kết thúc.

Và tôi, đang chờ những hạt thóc nảy mầm xanh.
Nguồn Văn nghệ số 10/2016

Exit mobile version