Trong khuôn khổ một cuộc tọa đàm với những chuẩn bị ngắn gọn, các ý kiến tại tờ báo được coi là “nổ phát súng đầu” cho văn học thời kỳ đổi mới, đã như những lời mào đầu cho hoạt động tổng kết sâu sắc hơn thời gian tới.
Những phác thảo gợi mở
Tại cuộc tọa đàm ở báo Văn nghệ vừa qua – “Nhìn lại 30 năm văn học thời kỳ đổi mới”, một số gợi mở đáng chú ý đã được nêu lên. Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, đổi mới văn học ngoài các trường hợp cụ thể, cần được hiểu theo cả sự rộng rãi trong những cởi mở về tư tưởng, quan điểm. Trong đó, các nhà văn đã vượt qua khỏi những tường rào hẹp để sáng tác bằng những đề tài mới, hướng về đời sống, về cá nhân con người, và có thêm những góc nhìn khác của thời kỳ sau chiến tranh.
GS Phong Lê có ý kiến rất đáng quan tâm khi ông nêu lại chủ kiến về ba mùa văn học đặc biệt: trước 1945, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp – Mỹ, và thời kỳ tiền Đổi mới từ sau 1975 đến khoảng đầu những năm 80). GS cũng nhấn mạnh vào thế hệ tác giả từ khoảng 1995 đến nay mà trong đó nhiều gương mặt trẻ đã khẳng định tên tuổi, tác phẩm của mình trên văn đàn. Ông đặt vấn đề, thế hệ này có gì khác, mới hơn những người đã xuất hiện trước đó. Hãy lưu ý để đừng làm nghèo đi văn học đổi mới, bởi nếu tính 30 năm văn học đổi mới, thì phải đến tận hôm nay chứ không chỉ dừng lại ở những gì đã được định hình, đã được bàn luận sôi nổi ở đầu những năm 90.
Ngoài cách nhìn tạm phân theo lứa tuổi, thế hệ này, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện văn học có bổ sung, nên nhìn văn học đổi mới theo cách phát triển hệ hình, trong đó có sự kết hợp của những tác động từ văn học thế giới với văn học dân tộc trên mạch chảy hiện đại hóa.
Nhà văn Văn Chinh cho rằng: để có đổi mới trong sáng tác, cần phải có hành trang lý luận mới. Đây là điều mà các nhà lý luận phê bình rất cần lưu tâm đánh giá, tổng kết. Trong đó, không loại trừ cả yếu tố nội tại của người sáng tác, bởi nhà văn vốn rất mẫn cảm, anh ta tự đề ra hệ thống lý luận đổi mới cho mình.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Chí Hoan – Trưởng ban lý luận phê bình báo Văn nghệ dẫn ý của PGS.TS Lưu Khánh Thơ với sự tách bạch, rằng văn học đổi mới là một khối trong tiến trình văn học, chứ không phải là lan tràn đến tất cả những người sáng tác. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc không phải ai cũng đổi mới trong văn học của mình. Có lẽ đây là một gợi ý rất hay cho mỗi tác giả tự nhìn lại chính mình.
Nối liền những diễn đàn
Sớm hơn báo Văn nghệ một chút, đầu tháng 4, VTV1 đã thực hiện một diễn đàn văn nghệ xoay quanh văn học 30 năm đổi mới (1986-2016), có bàn lướt qua một số điểm: đổi mới trong sự mở cửa về văn hóa và giao lưu, hội nhập với quốc tế; đổi mới trong văn; đổi mới trong thơ; dấu hiệu chững lại sau một chặng đường đầu đổi mới.
Và tới đây, khoảng cuối tháng 4 này, dự kiến sẽ có một hội thảo tập trung vào lực lượng tác giả văn học thời kỳ đổi mới, với khởi xướng cơ bản từ Khoa viết văn – báo chí – Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, nơi tiền thân là Trường viết văn Nguyễn Du, đã ghi dấu ấn bằng việc tham gia đào tạo, bồi dưỡng cho nhiều nhà văn tên tuổi trên văn đàn, nhất là văn đàn thời đổi mới. Được biết, để chuẩn bị cho hội thảo này, đến nay đã có hàng trăm tham luận gửi về BTC, và do số lượng nhiều nên một phần sẽ được phục vụ tại hội thảo, một phần sẽ được chọn lọc in kỷ yếu xuất bản sau đó.
Cùng với sự kiện vừa diễn ra tại báo Văn nghệ: “Tọa đàm văn học 30 năm đổi mới”, có thể thấy, mối quan tâm, mong muốn nhìn lại, đánh giá về chặng đường này đang trở thành nhu cầu lớn trong văn giới. Lùi lại một chút, theo PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, năm 2014 và 2015, viện cũng từng tổ chức hai cuộc hội thảo về văn học đổi mới. Và xa hơn về phía trước, một hội thảo lớn do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức tại Tam Đảo trong năm nay, cũng sẽ xoay quanh chủ đề này.
Như vậy, có thể thấy nhiều học giả, nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình… sẽ sẵn sàng, hăng hái trong “tư thế” bàn thảo, trao đổi, tranh luận về văn học đổi mới, những gương mặt – tác phẩm tiêu biểu, sự tiếp nối thế hệ, những đặc trưng về chủ đề, nghệ thuật, cơ sở lý luận, những thành tựu phê bình… Trong đó, ý kiến về việc tiếp tục đổi mới văn học ra sao, những đổi mới đã thực hành có thể ứng dụng thế nào trong thời gian tới của nhà nghiên cứu trẻ Bùi Việt Phương trong tọa đàm tại báo Văn nghệ vừa qua, cũng có thể là một vấn đề đáng suy ngẫm.
Theo Dương Xuân – Nhân dân