Có chắc mùa thu lá rơi vàng tiếng gọi

Lệ mừng gặp nhau xôn xao phím dương cầm

Có phải em là mùa thu Hà Nội

Nghìn năm sau ta níu bóng quay về…


(Có phải em… mùa thu Hà Nội – Thơ: Tô Như Châu – Nhạc: Trần Quang Lộc )


Sơ tán lần thứ nhất về thì tôi lên lớp ba.

Hầu hết trường học ở thành phố bị trưng dụng trong thời đánh phá. Làm nơi tuyển quân. Làm nơi chứa bao cát phòng khi bom phá vỡ đê sông Hồng mùa lũ. Làm nơi bán gạo dã chiến. Trường tôi là cửa hàng gạo lúc trẻ con phải triệt để sơ tán khỏi thành phố. Lúc chúng tôi nhập trường, các phòng học vẫn phảng phất mãi mùi gạo mục chua chua thum thủm.

Trường mất đâu hết bàn ghế và học sinh phải đi học ba ca. Tôi học ca ba, từ ba giờ chiều tới bảy giờ tối. Bây giờ nhớ lại lòng cứ ngùi ngùi rất khó chịu. Thương tuổi mình ngày ấy. Nhưng ngày ấy thì thật ra là rất bình thường. Từ hai giờ chiều tôi đã mắt trước mắt sau chào bà xách cặp phóng ra khỏi nhà. áo trắng. Quần xanh. Nón to bằng nón mẹ. Không còn phải đội mũ rơm dày quỵch đau cả đầu. Vĩnh biệt áo nâu với áo xanh sĩ lâm. Chẳng còn sợ bị cô phạt vì quên túi cứu thương. Nhẹ nhõm. Gió lao rao trên vòm cây. Xô nắng. Nắng mùa thu trong như mật óng rải trên đường. Mặt đường đầy cứt cò. Phố tôi có hàng cây sao tuyệt nhất Hà Nội. Thẳng tắp. Cao vút. Thân xù xì nâu sẫm, đẹp kinh khủng vào lúc nắng quái. Lại có cò. Lạ thế. Cò vẫn về quần tụ ngay cả lúc bom đạn dữ dội nhất. Sau này chúng bỏ đi, nhưng vẫn để lại cho phố cái tên bọn con trai bạn tôi thời sinh viên rất thích gọi: Bang Cò ị.

Bang Cò ị nằm sát ngoại ô. Hai bên phố thuần nhà một tầng với hai tầng mái ngói cửa gỗ lùa có thể tháo ra lắp vào hàng ngày. Kiểu nhà làm ăn buôn bán ngày trước. Cũng lác đác vài biệt thự và những biệt thự đó thường cách mặt phố cả khoảng sân rộng có hàng rào chấn song gang bao quanh. Trên đó hoa ti gôn phủ trĩu. Lối đi sau mấy ngày mưa chỗ nào không có bước chân người là lên rêu. Trông cũng tàn tạ. Có vẻ nhà tư sản cũ, còn giữ được sau hòa bình lập lại. Cả nhà tôi sống ở khu tập thể cơ quan bố mẹ và những nhà ngoài phố bao giờ cũng làm tôi tò mò. Trong ấy dường như còn một cuộc sống mà tôi không biết, hiện diện ở những tủ kính con con chứa các lọ thủy tinh đựng ô mai, táo dầm, chè lam…, ở dáng ông cụ mặc pigiama phẳng phiu loay hoay quét lá khô trên lối đi những chiều gần tắt nắng, hay ở dáng các bà cụ răng trắng, đeo kính, búi tóc chứ không vấn khăn, vẫn vừa ngồi trông hàng vừa tiện thể nhặt rau sát cửa ra vào. Các bà ngồi ghế nhặt rau chứ chẳng thấy ngồi xổm bao giờ. Mớ rau các nhà ấy mua thường nõn nà, rau xơ mới và bao giờ cũng chỉ là một nắm tý tẹo. Khác hẳn những mớ rau bọn trẻ con chúng tôi xếp hàng mua ở quầy rau mậu dịch. Nhìn những mớ rau bán theo cân ấy người nhà quê ra tỉnh có thể tưởng rằng đến một nửa dân thành phố nuôi lợn.

Suốt khoảng phố gần trường toàn nhà một tầng cửa gỗ lùa lọt vào một nhà cửa sổ chấn song sắt luôn mở rộng. Có một lồng chim ngày nào đi học tôi cũng thấy treo phía ngoài. Chim gì chẳng đẹp. Trông như mớ cỏ rối. Nhưng tiếng hót thì trong veo. Trong. Và phấp phỏng như nắng thu đang do dự rây qua ngàn vạn lá xuống phố. Nhà ấy không bán hàng. Có những đứa trẻ ăn mặc đẹp hơn tôi, chân đi dép nhựa ra vào. Chúng đến đó học đàn. Chúng làm tôi tủi thân và nhiều hơn là thẹn. Có một lần tôi bị tụt quai dép cao su và tôi chẳng còn cách nào hơn là lếch thếch xách cả dép lẫn cặp nhón nhén đi bộ trên hè phố trước mặt chúng nó.

Từ ngôi nhà chúng ra vào bay ra những hợp âm thô kệch, lập cập. Thua tiếng hót của con chim giống như nùi cỏ rối. Tôi có cả một bầu trời mùa thu thanh tĩnh, cả tiếng chim kia, cả mặt phố thâm nghiêm trong bóng lá, và nắng, và gió. Nhưng không hiểu sao tôi cứ buồn buồn khi nghe tiếng dương cầm vang lên lập cà lập cập dưới ngón tay bọn trẻ con không quen biết. Cảm giác này theo tôi đến tận giờ và tôi không bao giờ muốn hiểu vì sao.

Cô giáo dạy dương cầm tôi đã nhìn thấy nhiều lần. Hình như nhà chỉ có cô và mẹ cô. Bà cụ hay ngồi trên cái giường đơn kê sát cửa sổ đan len, kính trễ mũi. Thỉnh thoảng bà lại dướn mắt nhìn qua gọng kính ra ngoài phố. Phố vắng ngắt. Chẳng hiểu bà nhìn gì. Và mỉm cười. Có lần hình như bà cười với tôi. Gương mặt lặng lẽ sáng bừng trong nụ cười ấy. Dáng vẻ ấy tôi chẳng bao giờ thấy ở các vị hàng xóm suốt ngày tất bật trong khu tập thể của tôi.

Cô giáo dạy đàn con bà cụ trông cũng chững tuổi. Phải bằng cô giáo tôi. Tóc phi dê dài đã hơi duỗi, để xõa ngang vai cả trong những ngày nóng. Mắt đen, sâu, cái nhìn hơi mờ. Miệng rộng và tươi. Có thể vì thế mà dáng người cô tuy hơi quá gầy nhưng trông không có vẻ ốm yếu sầu não, mà cũng không có vẻ nghiệt. Tôi không biết cô có nhiều trò không nhưng vào lúc tôi đi học thì bao giờ cũng có một đứa trẻ nào đó đang mổ cò bên đàn.

Buổi tối khi tôi đi học về qua thì thường chỉ thấy có bà cụ và cô. Có lần tôi nhìn thấy cô chơi đàn. Tôi không biết đó là bản gì. Nhưng tiếng pianô buổi tối thành phố lên đèn ấy tôi nhớ lập tức. Tiếng đàn mới cao sang làm sao. Trong vắt. Róc rách. Dường như những thân sao đen cao vút đang từ từ dướn lên, vòm lá mở ra để lộ một bầu trời đen thẫm, mịn màng như một đĩa thạch và chi chít sao. Mùi lan tiêu thơm nức… Sân khấu ca nhạc ngày ấy bao giờ cũng có tiếng phong cầm. Tiếng phong cầm rộn rã réo rắt quả cũng thích hợp với không khí thời buổi ấy, khi chiến tranh mới tạm ngưng và những bài hát Bão nổi lên rồi, Bài ca đường chín , Chiếc gậy Trường sơn với vân vân vang ra từ loa công cộng gắn khắp các phố luôn thổi lên trong lòng người một ngọn gió hừng hực. Tiếng dương cầm đơn độc lần đầu tiên nghe thấy đã làm chậm hẳn bước chân tôi. Đến thời con gái ngơ ngẩn, có những đêm đạp xe một mình lang thang hay cùng bạn, tôi đã nghe được bao tiếng dương cầm khuya. Góc phố Tăng Bạt Hổ. Gác hai một ngôi nhà trên Quan Thánh. Sứ quán Pháp gần hội nhạc sỹ Việt Nam góc Bà Triệu – Trần Hưng Đạo. Xóm Hạ Hồi. Phố Nguyễn Thượng Hiền. Nhưng không có một tiếng đàn nào cho tôi cảm giác như tiếng đàn tôi đã nghe khi đang là một con bé lên chín, trong một ngày xa xôi rất nhiều gió.

Tôi đã nghe thấy tiếng đàn. Tôi cũng đã nghe thấy cả giọng nói của người chơi đàn. Một buổi tối lúc đi học về, trời đổ mưa sầm sập. Hà Nội có những ngày thu như thế. Liền mấy hôm mưa dầm dề. Rồi nắng hửng lên, vàng rười rượi. Trời xanh và cao. Heo may về lại. Phố khô đi chậm rãi. Rồi lại mưa. Tôi chỉ mang độc cái nón, cặp sách bằng vải mẹ may tay, phải tìm chỗ trú. Men theo hiên các nhà, tôi dừng lại ở cửa nhà có trẻ con tới học đàn. Ngọn đèn điện đỏ đòng đọc chụm lại thành một giọt sáng to tướng buông từ trần xuống giữa phòng. Không thấy bóng ai. Không có tiếng đàn tôi thầm mong. Chân dầm nước mưa lâu vừa tê lạnh vừa ngưa ngứa trong đôi dép cao su. Đột nhiên một giọng đàn bà hơi khàn và rất ấm vang sát bên tôi:

– Mưa to lắm. Chắc còn lâu mới ngớt. Hay cháu vào tạm nhà cô đi.

Chút nữa thì tôi va vào cái xe đạp người phụ nữ đang dắt. Quai nón ướt. Tóc ướt. Mắt môi ướt. Một chiếc áo mưa choàng qua ghi đông. áo mưa thời ấy… Chỉ là một mảnh ni lông thắt nút hoặc trước ngực hoặc sau lưng tùy lúc người ta đi bộ hay đi xe đạp. Nói chung chỉ dùng cho có. Có che chắn cẩn thận thế nào cũng vẫn bị ướt nửa người. Người phụ nữ nhắc lại câu mời, không vồn vã nhưng rất thân tình. Giọng nói khàn ấm ấy nghe thật yên tâm.

– Cháu cám ơn cô. Xin cô cho cháu trú nhờ ngoài này thôi ạ. Trời mưa… Nhỡ bố cháu đi đón cháu…

… Mưa ngớt dần. Nước ở ống máng mái hiên thôi chảy ào ạt rồi thành dòng nhỏ. Chỉ còn những giọt mồ côi rơi tí tách. Mặt phố không còn thấy bong bóng nước. Đã đi được rồi. Nhưng tôi thấy người phụ nữ đến bên đàn, mở nắp, ngồi xuống. Giọt trầm đầu tiên rung lên, khe khẽ, ngập ngừng…

Chiến tranh đánh phá lần thứ hai. Có vẻ ác liệt hơn lần trước. Cũng có thể là vì tôi lớn hơn và biết sợ nhiều hơn trước. Chúng tôi lại đi sơ tán. Để lại Hà Nội những hầm công cộng dài rộng mênh mông, những hố tăng xê ngập nước ngày mưa. Để lại tiếng loa truyền thanh và tiếng còi báo động nghe hết hồn hết vía rú lên từ phía Nhà Hát Lớn…

Rồi chúng tôi lại về. Khâm Thiên đã xây dựng lại. Phố Huế đã xây dựng lại. Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng lại. Hồi ức chiến tranh thường chỉ quẫy cựa khi đi qua Phố Huế. Một đứa lớp tôi chết ở đó. Vệt bom liếm hết nhà nó thì dừng và hôm đó là hôm nó về lấy gạo nuôi em.

Lần này về, tôi đã là học sinh cuối cấp hai. Mẹ đi bộ đi làm, để xe đạp cho tôi đi học và đi chợ. Bố đêm đêm vẽ ở khu triển lãm Vân Hồ. Hết triển lãm này lại đến triển lãm khác. Triển lãm mười hai ngày đêm Hà Nội (1). Triển lãm Cách Mạng Tháng Mười. Triển lãm chiến thắng 75… Đấy là việc làm thêm của bố. Hôm bố tuyên bố đã đủ tiền và sẽ mua một cái đài có hẳn bốn chân cả nhà mừng không ngủ nổi. Thôi không phải hóng chương trình phát thanh theo giờ của đài Hà Nội qua cái loa bằng hòn gạch nhà nào cũng lắp. Thôi không phải dặn bà đánh thức tối thứ bảy để nghe tiết mục Tiếng thơ với Đọc truyện đêm khuya. Sẽ được nghe đài cả ngày. Được nghe chương trình hòa nhạc. Người ta còn chu đáo dẫn giải cho thính giả. Phiên chợ Ba Tư… Tiếng lạc đà… Cái huyền ảo của xứ sở một ngàn đêm lẻ… Hồ Thiên nga… Hoàng tử … Đen… Trắng… Và hạnh phúc… Chopin …Grieg… Schubert… Bach… Schumann… Hoài niệm và khát vọng… Thanh thản và đau đớn …Tôi không được học nhạc và hoàn toàn mù tịt về cái nghệ thuật vô hình này. Nhưng tôi vẫn thích nghe nhạc không lời. Như thế, tôi được thoát hẳn ra những ngày sống này, được bỡ ngỡ về mình… Như đêm nào trên phố mưa….

Mẹ tôi mất. Cái Melodia bốn chân của Nga trông bệ vệ thế mà cứ trở nồm là kêu xẹt xẹt vì tụ ẩm và đến mùa bão thì tịt. Chẳng hiểu vì sao các triển lãm ít hẳn. Bố không kiếm thêm được việc làm, ban đêm ở nhà pha một ấm chè cám uống đủ ba nước, loại chè ba hào một gói bán đầy ở mậu dịch. Chờ chúng tôi xong bài vở bố mới lên giường. Tôi lên đại học. Trường nằm ở ngoại thành. Ngày ngày đạp xe đi về bằng cái xe cố vấn mẹ để lại trong tình trạng ăn uống qua loa (2) tưởng chẳng còn hơi sức đâu mà để ý đến mặt người mặt phố. Vậy mà qua số nhà xưa vẫn không thể không nhìn. Có cái mới: Cạnh cửa ra vào đặt một cái tủ thuốc lá. Bà cụ chuyển chỗ ngồi đan len từ trong cửa ra ngoài cửa. Mấy năm sau thì cái tủ dịch ra sát lề đường. Bên cạnh bà cụ giờ thêm một ông cụ bán vé số. Rồi một người đàn bà nhập bọn. Chắc dân về mất sức . Chị ta bán hàng xén. Xà phòng. Thuốc đánh răng. Chun. Khuy. Đủ thứ linh tinh. Đạp xe ngang chỉ thấy xanh xanh đỏ đỏ. Rồi bà cụ sắm được cái ô to che nắng và bên cạnh tủ thuốc lá thấy thêm cục gạch, trên để chai xăng. Lồng chim xưa chẳng biết có còn không. Đạp xe vèo qua, chẳng nhìn thấy mà cũng chẳng nghe thấy. Người phụ nữ chơi đàn xưa tôi cũng không thấy lại lần nào.

Giữa năm sau thành phố mở con đường ngay cuối phố tôi. Chẳng biết người ta đặt cho nó tên gì. Chắc lại tên mấy đồng chí lãnh đạo cao cấp nào của Đảng đã từ trần hoặc hy sinh… Ai cũng quen miệng gọi là Đường Mới từ khi đường chưa thành đường. Phố tôi ào cái đổi lốt. Người xe nườm nượp ngày đêm. Lúc nào ra phố cũng có cảm giác như đêm Noel, hay đêm gần Trung thu cả lũ rủ nhau lên Hàng Mã, hay là áp Tết. Các nhà mặt phố đồng loạt lắp cửa sắt mở cửa hàng kinh doanh. Đủ thứ. Gần chợ cuối phố thì là hàng ăn. Hàng bán quần áo may sẵn kéo suốt khoảng phố có nhà dạy đàn. Nắng cũng như mưa, các nhà căng một tấm vải bạt che đến nửa hè phố. Đi bộ trên hè như xưa mà vướng phải cọc buộc dây chăng bạt của các nhà thì vô phúc. Ngã giập mặt còn bị chửi là đồ không mắt. Tôi đeo kính từ năm lớp bảy. Tự nghĩ phải mình thì họ sẽ nhiếc lưu manh giả danh…

Bà cụ bán thuốc lá và xăng bẵng một dạo không thấy mặt. Chỗ bà cụ bây giờ một ông béo chiếm. Chiều hè tan tầm, ông cởi trần trùng trục, bụng một rổ, trước mặt là cái bơm xe đạp. Chắc bụng to nên tốt tiếng. Giọng ông rền suốt một khoảng phố: Bơm đây. Bơm xe đây! Một hôm thấy ông chuyển chỗ ngồi và không rao ầm ỹ. Rất nhiều cụ ông cụ bà quần áo tề chỉnh ra vào ngôi nhà có cô giáo dạy đàn, vẻ mặt nghiêm trọng. Rồi thì đám tang. Hình như hội Bảo Thọ phường đứng ra lo liệu. Cô giáo dạy đàn đi sau quan tài, không mặc áo xô mà mặc đồ đen. Đi xe ngang đó, thấy cô gầy hơn và buồn thảm. Vẻ buồn bình tĩnh, đằng đẵng.

Tôi ra trường. Chạy vạy mãi không xoay được chỗ làm đúng nghề. Rồi gặp anh và lấy anh. Bố chồng tôi xin cho tôi một chân văn thư ở phòng hành chính cơ quan bộ ông. May, cơ quan bộ, đánh máy cũng cần ngoại ngữ.

Rồi tôi có con. Thành phố đổi mình từng ngày. Tôi cũng vậy. Toàn bối rối băn khoăn chuyện nhà. Quen sợ dạ lạ sợ nhà. Phải đưa ma ngay cái quạt tai chuột và thỉnh về cái quạt tai voi. Phải phấn đấu mua cái quạt cây Điện cơ. Rồi lại phải xoay xở mua lấy cái xe máy. Bé tí đi bộ khắp nơi thì không sao. Nay đi xe đạp, xe máy phóng ào ào qua, tự dưng thấy mệt. Căn phòng bố mẹ chồng tôi cho nằm trong một biệt thự cũ. Nhà xây kiểu Tây, trần cao, lại có lan can rộng nhìn xuống phố. Chồng tôi được một cuộc hội thảo ngắn ngày ở Nhật về bàn vay thêm bố mẹ cơi cái lan can thành bếp và đổ lấy cái gác lửng. Làm chỗ ngủ. Làm chỗ cho anh cu học sau này. Rồi nhỡ ra anh cu nhà mình yêu sớm lấy vợ sớm! Vợ chồng ngày nọ qua ngày kia hỉ hả, bối rối, tất bật vì đủ thứ kế hoạch.

Cuối tuần cả nhà thu xếp về thăm ông ngoại ở một mình từ ngày chị em tôi lấy chồng. Nhìn phố cách ngày, thấy thay đổi đến chóng mặt. Có nhà đã lên tầng, mặt tiền nhảy không được ba bước mà cũng cửa vòm cứ như bảo tàng Mỹ thuật, và ốp đá đỏ hoa mắt. Nhìn cũng hơn mấy năm trước nhà xây trát granito, mưa mấy hôm trông xam xám nhờ nhờ hệt cái nhà tắm công cộng ở các khu tập thể. Nhưng nhìn kiểu tốt lỏi thế cứ thấy mặt phố lổn nhổn, nhà quê một cục.

Biệt thự có ông cụ quanh quẩn quét lá rụng trên lối đi nay không còn sân nữa. Giàn hoa ti gôn quen mắt đã mấy chục năm bị phá trong có non buổi sáng. Cây ngọc lan to cũng bị chặt. Một căn phòng mái bằng xuất hiện. Đường bệ ngự bên trên cánh cửa sắt là tấm biển VANGĐUCTIN dưới có chua hàng chữ nhỏ hơn và có dấu hẳn hoi: Thử vàng bằng máy vi tính. Đi ngang lần nào tôi cũng thấy một gã trẻ trẻ ngồi sau computer lơ láo ngó ra phố. Còn ở chỗ góc phòng kê xa lông thì mấy ông mặt mũi rất phổng, đỏ lịm vì bia, nói với nhau như quát.

Ngôi nhà của tiếng dương cầm xưa chìm lấp đâu đó đằng sau mấy cây sào giăng đầy quần áo may sẵn nhập lậu từ Trung Quốc. Bà cụ mất rồi. Còn tiếng đàn… Nếu có thì cũng chẳng thể nào nghe nổi. Hà Nội càng ngày càng ồn ào quá thể. Như Sài Gòn những năm 80. Và bụi. Nói chung là nhem nhuốc. Cơi nới loạn xạ. Làm thế nào được. Dù sao thì cũng có thêm một chỗ để đặt cái bếp, hay cái bàn học cho con, chí ít cũng để được giày dép mà không phạm vào diện tích ở vốn eo hẹp. Thì vợ chồng tôi cũng đã mừng rú khi làm được cái gác lửng có đổ bê tông hẳn hoi chia đôi khoảng không gian từ trần xuống nền nhà, và che lại được cái ban công mà không bị ai kiện tụng gì với phường với quận. Nhìn từ dưới phố lên chẳng khác một cái chuồng gà. Nhưng vào nhà thì mới thấy tiện thêm nhiều…

Vậy mà không hiểu sao đôi khi tôi cứ nghẹn ngào, không làm sao dứt đứt ra khỏi lòng dạ những nôn nao của cái thời ngốc. Trưa nay lại thế. Vợ chồng cho con về bên ngoại. Ngang qua khoảng phố có ngôi nhà xưa, tôi bảo chồng dừng xe xuống tìm mua cho con bộ quần áo. Anh cu nhà tôi tháng chín này đi học. Đi lần lần tới số nhà quen thuộc, thấy một cô bé mặt to cả phố khéo chẳng ai to bằng ngồi trông hàng. Cô bé da nhìn không được sáng, vận đồ bộ in những bông hoa đỏ to tướng, áo ngắn quần phùng trên túm dưới, trông rừng rực. Lơ lửng ngay trên cửa ra vào là cái lồng chim, trong có con vẹt Hồng Kông. Con chim rực rỡ như chủ, mỏ đỏ, lông xanh pha vàng. Nhưng loài chim này không biết hót.

Cô bé bán hàng ngẩng đầu nhìn tôi, rồi thản nhiên cúi mặt nhìn bàn chân đang đặt trên thành ghế đẩu, tiếp tục giũa móng. Móng chân móng tay cô sơn nhũ đỏ sậm như máu đỉa. Từ dưới khuôn mặt vừa cúi xuống bay lên một câu nói rất ngọt ngào:

– Chị định lấy cái lào thì chỉ em lấy xuống cho, khỏi rơi hết hàng em.

Không lơ mơ với những cô bán hàng như thế này được. Tôi mua cho con một cái quần bò. Rồi buột miệng hỏi thăm chủ cũ.

– Bà dạy đàn ấy à? Thì bà ấy vẫn ở đây. ở cái phòng trong sân. Nhà ngoài bán đứt cho nhà em rồi. Có thấy học trò học troẹt nào đâu. Mỗi bà ấy ra vào nên cũng không ngăn lối đi riêng làm gì cho mất diện tích…

… Bà ấy? ừ! Cô giáo dạy đàn xưa nay cũng phải già như bà cụ độ nào. Cô giáo cũ của tôi đã về hưu. Cô kiếm thêm bằng việc đưa sữa chua cho hàng giải khát mùa hè, mùa đông thì nhận khâu len…

Mà tôi thì cũng đã ngoài ba mươi tuổi.

Chú thích:

1: Mười hai ngày đêm Mỹ ném bom Hà Nội, trước khi ký hiệp định Paris.

2: Đi xe cố vấn, mặc áo chuyên da, ăn uống qua loa : câu nói đùa rất thường nghe ở Hà Nội, đặc biệt trong giới sinh viên ở các trường đại học những năm đầu thập kỷ 80.




1997 – Lê Minh Hà

Exit mobile version