TVVHĐ – (Đọc bài thơ “Tắm trăng” của Bàng Ái Thơ)

Hễ đã có chút máu thi sĩ trong người, ai mà chẳng từng đôi lần ngơ ngẩn trước vầng trăng, để trăng nuốt mất hồn vía và gửi gắm vào trăng mấy vần thơ, thậm chí bằng cả tập thơ toàn về trăng! (Đơn cử tập thơ “Trăng” của Ngọc Căn, tác giả người Ninh Hiệp- Nxb Văn học, 2010). Còn xưa nay, trong văn chương mọi xứ, Trăng đã là một đề tài vô tận, một nguồn thi cảm lớn; và có tác giả cứ nhắc đến tên là có thể bàn về Trăng như một đặc điểm của thi tài, thi pháp: Lý Bạch, Hàn Mặc Tử…

 

Tranh minh hoạ của Ái Thơ.Vì thế bài thơ “Tắm trăng” của Bàng Ái Thơ, khi xuất hiện, ít nhất phải đối diện với hai tâm lý thưởng thức: một là thích thú đồng cảm, hai là e ngại lo lắng cho tác giả dẫm phải bóng tiền nhân. Nhất là khi Ái Thơ lại là con cháu của hai nhà thơ nổi tiếng: Bàng Sĩ nguyên, Bàng Bá Lân, sự e ngại trở thành một đòi hỏi khắt khe: liệu chị có sự sáng tạo riêng với tư cách là một tác giả đàng hoàng hội viên Hội nhà văn từng in 5 tập thơ ?

Bài thơ chỉ có ba khổ. Mở đầu bằng khổ thơ khá chân thực và gợi cảm, song xét cho cùng cũng chỉ là một sự mô tả hoàn cảnh theo thể phú dân gian, kiểu: “Quả cau nho nhỏ/ Cái vỏ xanh xanh…”:

Đêm khoả mình tắm trăng

Lặng nghe miền thăm thẳm

Da thịt lên màu lạnh

Tóc thấm mầu trăng xanh

Đến hai khổ sau mới cho ta thấy rõ chất riêng của con người cùng bản lĩnh thơ của nữ thi sĩ này:

Gáo vục vội cả trăng

Tưới tràn thân mát mẻ

Óng ả trăng vỡ mềm

Nghe hồi sinh nhịp thở

Cuộn hương trăng ngọt ngào

Khỏa thân trăng vỡ ào

Xả tràn đi chua xót

Tôi loãng vỡ vào tôi

Những giọt buồn tinh khiết

Đầu tiên là sự hăm hở có vẻ gì rất trẻ con: “Gáo vục vội cả trăng.” Nếu ta biết rằng, khi làm bài thơ này chị đã là một thiếu phụ có hai con gái lớn đến tuổi gả chồng, thì mới thấy được sự hồn hậu đáng quý có pha chút tồi tội của của chị, nó chuẩn bị tâm lý cho cái tâm trạng “chua xót” ở khổ cuối… Nhưng ở đây, trước ánh trăng ngời ngợi làm mềm lại cả những trái tim cứng rắn nhất, sau khi đã “Lặng nghe miền thăm thẳm” tận đáy lòng mình, chị vội vã hưởng thụ vẻ đẹp kỳ diệu mà thiên nhiên ban tặng, say sưa sống chan hòa với sự mới mẻ trẻ trung muôn đời của Trăng bằng tất cả sức sống tuổi trẻ còn lại:

Tưới tràn thân mát mẻ

Óng ả trăng vỡ mềm

Nghe hồi sinh nhịp thở

Cuộn hương trăng ngọt ngào

Vội vã nhưng vẫn không mất đi sự duyên dáng của sự thụ cảm. Rất tinh tế ở cảm xúc mà vẫn nhận ra sức trào dâng mãnh liệt của thiên nhiên đang tràn ngập giữa vòm trời và trong hồn mình, rồi miêu tả chúng bằng những hình ảnh, những từ ngữ nếu không đặt trong văn cảnh đó sẽ có gì như mòn sáo (“Tưới tràn”, “óng ả”, “hồi sinh” “cuộn hương trăng ngọt ngào”), nhưng ở đây rõ ràng là chúng “hồi sinh” và khấy động cảm xúc để truyền tới người đọc một cách chuẩn xác nhất những gì nhà thơ muốn truyền đạt! Câu thơ “Óng ả trăng vỡ mềm” giàu nữ tính mang dáng nét của hội họa siêu thực chỉ có thể nảy sinh từ một hồn thơ nữ xuất thân là một họa sĩ!

Trước đây, các nhà Thơ Mới đều dành cho Trăng những “bữa tiệc” ngôn ngữ trân trọng nhất; có điều, thế giới Trăng của họ thường cô đơn, lạnh lẽo, buồn thảm. Với Lưu Trọng Lư: “Em không nghe mùa thu/ Dưới trăng mờ thổn thức. ” Với Xuân Diệu: “Xao xác tiếng gà, trăng ngà lạnh buốt…” Với Huy Cận: “Đêm mơ lay ánh trăng tàn/ Hồn xưa gởi tiếng thời gian, trống dồn.” Còn Hàn Mặc Tử thì say trăng đến độ “Uống trăng”, giỡn trăng, ôm ấp trăng, để trăng trùm lên cơ thể, coi nó là hình là bóng thân thiết trong ông: “Cả trời say nhuộm một màu trăng”- “Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm”, để rồi đau đớn tuyệt vọng trước sự mỏng manh yếu đuối của một biểu tượng cho cái Đẹp mà mình không thể bảo vệ được: “Có ai nuốt ánh trăng vàng/ Có ai nuốt cả bóng nàng tiên nga”- “Ánh trăng mỏng quá không che nổi/ Những vẻ xanh xao của mặt hồ…”

Tới Bàng Ái Thơ, có thể thấy chị đã làm giàu có thêm cho thơ về Trăng- bên cạnh cái cô đơn, buồn thảm, lạnh lẽo, nỗi đau đớn tuyệt vọng khó gì thay thế nổi của thi nhân trước kia, là sự hân hoan phụ nữ đậm chất trẻ thơ trước ánh Trăng!

Nhưng không dừng lại ở đó, nữ thi sĩ họ Bàng đào sâu vào cội nguồn cảm xúc của mình. Chẳng ngại trùng hợp với Hàn Mặc Tử khi hình dung Trăng một cách nhục cảm “Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm”, Ái Thơ đã miêu tả Trăng:

Khỏa thân trăng vỡ ào

Điều đáng nói ở đây là: nếu trăng khỏa thân của Hàn hiện diện như một vẻ đẹp tự thân, có cái gì như thách thức luân lý đạo đức giả tạo, thì cũng Trăng với dáng vẻ đó của Ái Thơ lại mang tâm thế tự vệ và chứa đựng sức mạnh do tác giả truyền nội lực để giải thoát cho chính tác giả “Xả tràn đi chua xót…” Chủ đề bài thơ bắt đầu lộ rõ, và đây đâu phải là một cuộc thưởng ngoạn trăng, tắm trăng thông thường- nếu vậy thì có thể cũng chẳng cần làm cả một bài thơ- chủ thể Trăng chuyển hóa vào đáy sâu nội tâm tác giả:

Tôi loãng vỡ vào tôi

Những giọt buồn tinh khiết

Hóa ra, vui vầy với trăng, lấy gáo vục trăng, hồi sinh nhịp thở trong hương trăng ngọt ngào… thì cũng chỉ là một việc làm bất đắc dĩ – khi mà trăng quá đẹp, quá hấp dẫn, bởi thực ra chúng chỉ là ngoại giới, là điều thực xa vời nếu không muốn nói chỉ là ảo ảnh, làm sao khất lấp nổi sự chua xót tràn ngập vốn là hiện hữu thực trong đời mà tác giả không thể lẩn tránh! Hai câu thơ kết bất ngờ vụt hiện giữa ánh trăng ngời và ngổn ngang tâm trạng: “Tôi loãng vỡ vào tôi / Những giọt buồn tinh khiết”. “Tôi loãng vỡ vào tôi”, cách nói rất lạ, và chỉ có cách diễn đạt ấy mới bộc lộ được phần nào cái “miền thăm thẳm” của sự hoang mang, cô độc đến xót thương- và nó ở một cấp độ khác, một hình thái khác của cái cô đơn ngày xưa trong Thơ Mới! Chữ “loãng vỡ” dường có thể thâu tóm tinh thần của cả tập thơ “Cát Loãng”, cũng như cả tập “Mắt Lặng” in sau đó của Ái Thơ. Chị hóa hồn vào trăng cũng như từng hóa hồn vào tượng đá “Bó gối ngồi trong bóng tối/ Tôi lẫn vào đêm hoang dại” với “Nỗi niềm mòn đợi” (Hồn đá khát khao) và “Phố trắng đêm vẫn trắng mặt người (Không giờ có phải là đêm không). Chỉ khi “loãng vỡ” những ảo ảnh dù là rất đẹp, chỉ khi tan loãng những phù phiếm có sức cuốn hút yêu tinh để tìm đến cái chân thực của lòng mình, thì mới có thể chắt lọc được “Những giọt buồn tinh khiết” dành cho sự sống đích thực mà đằng sau mỗi “giọt buồn” ấy là một sự giẫy dụa, gào thét, đòi hỏi đến cùng sự giao cảm hồn nhiên chân thực hiện đang bị sự giả dối, sự hời hợt bao vây “suốt dọc giấc mơ”(Tôi đi tìm cõi vô thường) của người nghệ sĩ – trí thức hôm nay… Phải chăng, “Những giọt buồn tinh khiết” mới là tinh túy thơ của nữ họa sĩ – thi sĩ này, và nó đã nâng cả bài thơ trên vượt khỏi một đề tài tắm trăng, thưởng trăng thông thường để trở thành bài thơ triết lý hay xứng đáng đứng ở bất cứ tuyển thơ hiện đại nào.

Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn

______________

* Cát Loãng, Nxb Hội Nhà văn-2010

Exit mobile version