Có nhà văn Việt Nam nổi tiếng đã viết như vậy trong một tiểu luận, nặng lời gọi đa số sách thiếu nhi là “những cuốn sách do người lớn hạ cố viết cho trẻ em”, còn những giờ văn ở mái trường phổ thông là “những giờ học thầy ngắc ngứ trò ngắc ngứ”.

Lại có giai thoại tôi nghe nhà thơ Trần Ninh Hồ kể lâu lắm rồi: Hồi Trần Ninh Hồ là biên tập viên còn Nguyễn Văn Bổng làm Tổng biên tập báo Văn Nghệ, có lần ông Bổng chê anh biên tập bài nọ chưa đạt, dốt. Anh đối đáp: Cấp 2 học “Con trâu” cấp 3 học “Con trâu”, vào đại học cũng lại “Con trâu”, gì mà chả ngu!

“Con trâu” là tác phẩm gắn với Nguyễn Văn Bổng- cũng như “Cái sân gạch”, “Vụ lúa chiêm” với Đào Vũ. Trần Ninh Hồ khi trêu sếp của mình đã khái quát một một thực trạng đó là trong thời gian dài, sách giáo khoa môn văn ít cải tiến, chưa kể cách dạy văn.

“Người Mỹ dạy bài học Cô bé Lọ Lem như thế đấy” là tên một bài báo thú vị kể chuyện giờ học văn nọ ở nước Mỹ, thầy giáo gọi một học sinh lên kể chuyện Cô bé Lọ Lem. Xong, thầy hỏi những câu rất mở, khiến học sinh tự nhận thức ra những chuyện như: Nếu không có cô tiên, chó và chuột giúp đỡ thì Lọ Lem không thể dự vũ hội được, như vậy “Chúng ta luôn cần sự giúp đỡ của bạn bè”.

Và “Phải biết yêu thương chính mình, vì cho dù không còn mẹ đẻ và không được mẹ kế yêu thương, Lọ Lem vẫn làm tất cả để đi dự vũ hội, gặp hoàng tử và giành lấy hạnh phúc”, vân vân. Thậm chí các em còn nhận ra thiếu sót của truyện: Sau 12 giờ đêm, mọi thứ trở lại nguyên dạng nhưng đôi giày thủy tinh của Lọ Lem không trở về chỗ cũ!

Giờ học kết thúc vui vẻ, học sinh vỗ tay reo hò khi thầy kết luận “Thấy chưa, ngay cả nhà văn vĩ đại cũng có lúc sai sót. Thầy cam đoan sau này ai trong các em muốn thành nhà văn thì nhất định sẽ có tác phẩm hay hơn “Cô bé Lọ Lem”!

Có lẽ, phụ huynh nào cũng muốn con mình được học những giờ văn đầy hứng thú như vậy. Để trí tưởng tượng và sự hiểu biết non nớt của nó có cơ bộc lộ, song song với việc lĩnh hội tinh hoa của người khác.

Bài tập làm văn hồi lớp 2 của con gái tôi yêu cầu tả “con vật mà em nuôi”. Con tôi quyết định tả con gà mà chúng tôi nuôi mấy tháng. Cô giáo bảo cháu viết “chả giống ai nhất là câu kết: Mình rất yêu gà nhưng bây giờ gà không còn nữa.

Cậu mình đã ăn gà rồi. Mình sẽ nhớ gà”. Cô không phàn nàn sự không giống ai đó nhưng vẫn chữa câu “mắt gà nhỏ và đẹp”. Cậu nó đọc bài văn, phàn nàn “Cả nhà đều ăn trừ Sóc, sao lại nói mỗi cậu?” “Vì cậu vặt lông, giết nó rồi hầm ngải cứu huhu”.

Dù cho rằng đứa trẻ thấy mắt con gà đẹp là quyền của nó, tôi luôn hy vọng những giờ văn ở lớp của con tôi không đến nỗi “thầy ngắc ngứ trò ngắc ngứ”.

Nghèo nàn tưởng tượng, sáo ngôn sáo ngữ cũng là căn bệnh bị kêu ca lâu nay, khiến người ta ngấy sợ môn văn. Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn (Luật đời và cha con, Lửa đắng…) là ông thầy cấp 3 của tôi, giỏi trị bệnh này.

Đề văn yêu cầu phân tích một tác phẩm văn học dân gian, có đứa quen mui mào đầu: “Dưới ngòi bút của…”, đã dân gian, truyền miệng thì làm gì có bút nào, nên bị thầy phê bên cạnh: “Bút mực hay bút chì?” Có đứa tả chán, không biết viết gì nữa thì khỏa lấp bằng dấu ba chấm. Bị thầy vẽ cái quan tài vào chỗ có ba chấm. Lần sau tự ngượng không chấm lửng chấm liếc gì nữa.

Trở lại “Con trâu” của Nguyễn Văn Bổng tức Trần Hiếu Minh. Nhớ lại, ở trường đại học chuyên ngành ngữ văn, chúng tôi không đến nỗi phải học “Con trâu” một lần nữa, nhưng một số người thầy đáng kính của thập kỷ cuối 80 khi đó, mỗi lần nói tên Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm phải hạ giọng rất thấp, nói là ngắc ngứ cũng được. May mà ngày ấy rồi cũng xa và lỗi đâu phải ở họ.

Exit mobile version