BÁC HỒ SỬA THƠ TỐ HỮU

Tướng Văn Phác (tức Tám Trần) kể, năm 1964 lúc ông đang làm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội và phụ trách báo Quân đội nhân dân thì được cấp trên cử đi chiến trường Nam Bộ, đi bí mật bằng đường biển (từ bãi biển Đồ Sơn – Hải Phòng vào thẳng cửa sông Cổ Chiên thuộc tỉnh Trà Vinh) Cùng đi có bốn đồng chí nữa. Trước hôm lên đường, Bộ Chính trị tổ chức chiêu đãi đoàn tại Nhà khách Bộ Quốc phòng (33 Phạm Ngũ Lão – Hà Nội). Trong buổi tiễn đoàn, cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị và các tướng lĩnh cao cấp, Bác Hồ đến rất đúng giờ hẹn. Người ân cần hỏi thăm từng cán bộ, nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của đoàn công tác và yêu cầu nhà thơ Tố Hữu đọc thơ tiễn đoàn. Nhà thơ bị bất ngờ nhưng đã “ứng khẩu” kịp thời hai câu như sau:

Tiễn đưa nhớ buổi hôm nay

Bạn về chúc bạn ngày ngày thành công

Bác tỏ ra hài lòng nhưng đề nghị nhà thơ sửa chữ về bằng chữ đi. Rồi Bác đọc lại:

Tiễn đưa nhớ buổi hôm nay

Bạn đi chúc bạn ngày ngày thành công

Mọi người rất vui vẻ. Bác đi một vòng xem xét chỗ ngồi và thức ăn của mọi người đâu vào đấy, rồi trở về chỗ của mình. Bác lại chỉ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nói: “Bây giờ đề nghị đồng chí Văn hô “xung phong”.

Đại tướng đứng dậy vui vẻ: Tối nay các đồng chí được Bộ Chính trị và Quân uỷ trung ương cử đi làm nhiệm vụ ở chiến trường. Vậy theo lệnh của Bác, tất cả “xung phong”….!

BẮC CẠN, ĐẠI TỪ… RỒI HẴNG VÕ NHAI

Nhà văn Vũ Sắc và nhà thơ Tạ Hữu Yên kể: từ khi nhận được sổ hưu bận bịu tối ngày với công việc ở phường ở xã, vườn tược, cháu chắt và viết thơ, làm sách nữa, thành thử ít khi có dịp trở lại với các đơn vị bộ đội. Mãi gần đây mới thực hiện được một chuyến “du xuân” xuống mấy đơn vị của binh đoàn Quyết Thắng. Hôm xuống trung đoàn Lũng Lô, các ông được đón tiếp rất nồng nhiệt chân tình, chả là người cũ của sư đoàn đã lâu lắm mới về lại nhà mà. Thôi thì đủ chuyện, từ kỷ niệm xa xưa tới cuộc sống thường nhật, từ chuyện bôn tập tuyển quân tới chuyện thơ văn, đàn địch. Hai nhà văn cựu chiến binh vui, các sỹ quan trẻ và anh em bộ đội càng vui hơn bởi đã lâu lắm, như người xưa nói “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” hôm nay mới tường “dung nhan” hai bậc “trưởng lão”. Và thế là “cây nhà lá vườn” mở tiệc thiết hai ông.

Bữa cơm lính đạm bạc thôi, nhưng vì trong ngày nghỉ, lại tiếp khách “đặc biệt” – khách văn – nên chỉ huy trung đoàn mạo muội giở bình rượu thuốc ra “đãi” hai bậc cao niên. Mở đầu, các sĩ quan trung đoàn nâng chén “Mời hai bác…Bắc Cạn” tức là 100%. Vốn không phải ở diện “tửu đồ”, hai nhà văn khước từ một cách lịch lãm: “Thôi, các cậu để tớ Võ Nhai”, tức là ăn cơm thôi. Chỉ huy trung đoàn Lũng Lô: “Ấy, các bác, sao lại Võ Nhai ngay, phải Bắc Cạn đã, các bác không Bắc Cạn được, thì Đại Từ – tức là từ từ nhấm nháp, sau hẵng Võ Nhai”. Dẫu không thể qua Bắc Cạn được, chỉ theo tới Đại Từ mà vẫn thấy “đoạn đường” đến được Võ Nhai dài quá xá. Thế là hai nhà văn càng hiểu thêm cuộc sống, cũng như sức trẻ của thế hệ lính hôm nay. Đêm đó, ở nhà khách trung đoàn, Tạ Hữu Yên bảo Vũ Sắc: “Phải viết lại về người lính thôi ông Sắc ạ. Với bọn mình, không dễ gì bỏ qua đoạn đời làm lính dài tới 40 năm được”.


BẬT MÍ VỀ TÁC GIẢ THOONG B.C

Gần bốn mươi năm trước, trên tờ Văn nghệ quân đội xuất hiện liên tục các bút ký Bun Chămpa, Giữa cánh đồng Chum, Theo bước tiểu đoàn 2 và được Hội nghị bạn đọc đánh giá là những tác phẩm hay nhất được in trong năm 1960. Sau đó ít tháng tờ Trung lập – một tờ báo khổ lớn của công đồng người Việt xuất bản ở Phnômpênh (thủ đô Cam-phu-chia) in lại toàn bộ ba bài ký nói trên với lời tòa soạn giới thiệu về tác giả: “Thoong B.C là một sinh viên Lào đang học ở Hà Nội”. Hai mươi năm sau (1980) trong cuốn Tiểu đoàn 2 Phthét Lào, nhà văn Lào Xu-van-thon Buphanuvông phỏng đoán “Thoong B.C hồi đó có lẽ là một chiến sĩ liên lạc của tiểu đoàn”… Và ba mươi bảy năm sau (1996), một bạn đọc còn có thư về Tạp chí Văn nghệ quân đội hỏi: “Thoong B.C, ông là ai?”. Câu hỏi thật không dễ trả lời đối với những biên tập viên trẻ của tòa soạn; thậm chí ngay cả các cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam từng tham chiến ở Lào những năm chiến tranh trước câu hỏi ấy cũng phải lắc đầu “không rõ”. Mãi đến những ngày kỷ niệm 40 năm Tạp chí Văn nghệ quân đội và 50 năm Nhà xuất bản Quân đội vừa rồi thì bí mật về Thoong B.C mới được bật mí.

Chả là mùa thu năm 1959, nhà văn Víchto Pêtơ rôvích (biệt danh của nhà văn Văn Phác – nguyên chủ nhiệm tạp chí VNQĐ, từng là Bộ trưởng Bộ văn hóa) bí mật trao nhiệm vụ cho một nhà văn đi thực tế ở chiến trường Lào để viết về sự kiện “Tiểu đoàn 2 Phthét Lào vừa vượt vòng vây ở Cánh đồng Chum ra được vùng giải phóng”. Nhà văn đó là ai, theo đường nào không ai rõ. Một năm sau thì thấy xuất hiện chùm bút ký Bun Chămpha, Giữa cánh đồng Chum... trên báo với tên tác giả là Thoong B C. Thoong B.C, ông là ai? Ông chính là nhà văn Ngọc Tự, con người của “nhà số 4” nguyên Trung tá biên tập viên sách văn nghệ của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân; vốn là một chiến sĩ của Sư đoàn 316 từng chiến đấu ở chiến trường Lào từ những năm kháng chiến chống Pháp; với bút danh Hoàng Điệp từng đoạt giải nhất tại các cuộc thi truyện ngắn do Báo Vệ Quốc quân tổ chức những năm 1958, 1959 với các tác phẩm như Vết xe lăn trên tường, Quán nước bên đường. Nhà văn Ngọc Tự – nhà văn Thoong B.C- là người Hà thành chính hiệu, nay đã vượt tuổi “cổ lai hy” và vẫn đang sống khỏe, sống vui ở Hà Nội.


BINH BA LÀ ANH BINH NHÌ

Nhà văn Hồ Phương khi làm báo tờ Quân Tiên Phong những năm 1949-1950 tỏ ra rất tài hoa. Ông vừa là nhà văn, nhà báo lại vừa có thể làm thơ, vẽ tranh. Tranh ông thiên về khắc họa chân dung những người lính “áo nâu” hồn nhiên và ngộ nghĩnh, bộ đội ta thích lắm. Ông thường ký tên dưới những bức tranh đó là HOP, tức là chữ Hồ Phương rút gọn… Những năm sau này, khi làm tờ Văn nghệ quân đội, ngoài bút danh Hồ Phương ra, ông còn ký bằng các bút danh khác như P.V, Tê Hoa. Một dạo ký là Binh Ba. Có người hỏi, tại sao tướng lại ký là Binh Ba? Ông cười bảo: “Binh Ba tức là bạn, là anh của Binh Nhất, Binh Nhì. Là bạn, là anh em của nhau viết về nhau thoải mái hơn và có thể anh em lính trẻ cũng dễ đọc hơn”. Quả nhiên những bài viết ngắn, giàu chất hóm hỉnh của Binh Ba đã gây được sự chú ý, tò mò của tuổi trẻ các đơn vị. Ấy thường là những mẩu chuyện vui, nhưng giàu chất thông tuệ.


BUỒN HUNG, THANH TỊNH ƠI!

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và nhà thơ Thanh Tịnh hay đến với nhau vì công chuyện – một là Đại tướng Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, một là Đại uý Phó chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ quân đội tức là một cấp trên, một cấp dưới. Cũng có nhiều khi hai người đến với nhau vì tình đồng hương, đồng tuế – cả hai đều quê “Bình – Trị Thiên khói lửa”, cả hai đều sinh vào thập niên đầu thế kỷ XX (Thanh Tịnh sinh năm 1911, Nguyễn Chí Thanh sinh năm 1914) Người ta kể rằng, có tối Đại tướng đi bộ từ nhà riêng mãi trên mạn Cổ Ngư, Quan Thánh đến chơi với nhà thơ. Hai người nằm khoèo trên sàn gỗ chuyện trò, tâm sự. Đại tướng nói với nhà thơ:

– Buồn hung Thanh Tịnh ơi. Chiều nay miềng bị mạ mắng.

– Mắng răng? – nhà thơ hỏi bạn

Mạ nói: “Thanh ơi, mi mần đến Đại tướng mà có mỗi một việc đưa mạ về thăm quê mà không mần được!” – Đại tướng xúc động thuật lại.

Thì ra, hai người con xứ Huế – một nhà thơ, một đại tướng không lúc nào là nguôi nhớ về quê hương đang còn chìm trong khói lửa chiến tranh. Bấy giờ có câu: “ngày bắc, đêm nam” là vậy


CAO HỔ CỐT, VŨ BA LÊ

Hàng năm, cứ vào dịp áp Tết là những anh em văn hóa văn nghệ công tác ở các cơ quan dọc đường L‎ý Nam Đế lại kéo nhau đi dạo chợ hoa Hàng Lược. Sắm sanh thì ít nhưng ngắm nghía thì nhiều. Một năm, Trần Nhương cùng với mấy cây bút trẻ khác của Văn nghệ quân đội vừa vào cổng chợ đã thoáng thấy nhà văn Vũ Sắc co ro trong bộ đại cán bạc màu đang ngắm nghía một cành đào cùng với anh Cao Hùng (cũng là cán bộ biên tập của nhà xuất bảnQuân đội). Tức cảnh sinh tình, Trần Nhương vừa chỉ tay cho mấy người bạn cùng đi vừa ngâm nga:

Cao Kính, Cao Hùng, Cao… hổ cốt

Vũ Lai, Vũ Sắc, Vũ,.. Vũ…

Đang bí vần thì một anh bạn đi cùng đế luôn: Vũ … Vũ ba lê. Trần Nhương tâm đắc lắm.


CẦM BẰNG THỨC SUỐT ĐÊM NAY…

Tết năm 1952, quân ta đang triển khai chiến dịch giải phóng Hòa Bình, là lính của sư đoàn 308, các nhà văn Hữu Mai, Hồ Phương cũng có mặt tại mặt trận với tư cách là những phóng viên mặt trận của tờ Quân Tiên phong. Đêm ba mươi, tranh thủ lúc toàn mặt trận hưu chiến, hai nhà văn (lúc ấy mới hơn hai mươi tuổi) lần mò vào một bản người Mường chơi, vừa là để chúc Tết đồng bào vừa có thực tế để viết. Một gia đình tỏ ra quyến luyến hai anh “vệ quốc quân – nhà báo” hết mức, đến nỗi cả hai muốn ra về mấy lần mà không được. Cô ún (cô em) thì đặc biệt thích “Vệ Phương”. Cô đơm xôi, chắt rượu ra mời hai anh lính, rồi cùng uống với hai anh. Sau còn hát cho hai anh nghe nữa… Phút giao thừa sắp tới, Hữu Mai đã nóng lòng về doanh trại, cứ “bấm”, “nháy” Hồ Phương liên tục. Biết vậy, cô gái trẻ tuổi vừa độ trăng tròn kia bèn hát một câu hết sức tự nhiên:

Cầm bằng thức suốt đêm nay

Sáng mai ta lại lấy ngày làm đêm

CHẲNG MẤT ĐỒNG NÀO

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu mê bóng đá không kém gì thơ. Nhưng trong các trận, anh mê nhất là những trận có đội Thể Công thi đấu. Cái sự mê say đá banh của anh nhanh chóng lây sang các con anh. Rất nhiều lần thấy anh dắt con trai đến sân vận động Cột Cờ và thường xuyên thấy cả nhà anh ngồi trước màn ảnh nhỏ để xem các trận cầu. Một bữa, thấy anh đến tài vụ đổi lấy toàn tiền 5.000 mới cứng. Tưởng anh sắp đi mừng đám cưới. Không phải. Anh sung sướng giãi bày: “Chiều nay 15 giờ Thể Công sẽ ra quân trong trận quyết định để giành chức vô địch quốc gia. Mình sẽ thưởng cho các con mình đồng đều năm ngàn mỗi khi Thể Công ghi được một bàn thắng”. Có người hỏi: “Nhỡ Thể Công ghi được 6, 7 bàn thì sao?”. “Thì càng mừng, đã sẵn sàng nhiều “cơ số” rồi”… Sáng sau, đến cơ quan mọi người thấy anh không vui lắm. Anh móc số tiền năm ngàn mới tinh ra và than thở: “Chẳng mất đồng nào, buồn quá!”. Thì ra trong trận đấu chiều qua, đội bóng “bồ ruột” của nhà thơ mặc dầu đá rất hay nhưng chịu hòa, không ghi được dù chỉ một bàn thắng trước đội đối phương ngang tài ngang sức.

CHÂN DÀI TAY ĐẠI SẢI

Vũ Cao tên thật là Vũ Hữu Chỉnh, cho đến bây giờ người ta vẫn còn chưa hiểu ngọn ngành vì sao ông lại lấy bút danh là Vũ Cao. Có nhiều cách lý giải, nhưng cách lý giải rằng do ông có vóc người cao lớn (có dễ đến thước tám và được xếp vào hàng các nhà thơ hiện đại Việt Nam có chiều cao cao nhất!) xem ra hợp lý hơn cả. Lúc thiếu thời, Vũ Cao vì ham thơ phú mà có lúc quên chuyện đèn sách. Rốt cuộc là trong một kỳ thi bậc thành chung, ông bị “trật vỏ chuối”. Ông rất buồn, chú ông là nhà thơ Côi Vị đã từ quê Nam Định gửi cho ông một bài thơ vui để an ủi. Bài thơ nói rằng, Chỉnh nên tiếp tục học và nếu … chẳng may có trượt nữa thì chắc hẳn rằng ông giời đã cho Chỉnh được tự do, tự do: Vác cả túi thơ cùng bút vẽ? Lang thang cho thỏa chí giang hồ. Rồi Côi Vị tiếp tục… vẽ ra cái chân dung của ông cháu trẻ bằng những nét biếm họa khiến Vũ Cao không thể nén được cười. Côi Vị “vẽ” Vũ Cao như sau:

Bán tranh: bán chữ chẳng ai mua

Thì Chỉnh ra sông Chỉnh chống đò

Được cái chân dài, tay đại sải

Tha hồ cho cả gió giông to.


Nguồn Vanvn

Exit mobile version