Là một phóng viên mặt trận trong những năm tháng chống Mĩ, tôi có dịp tiếp xúc nhiều thanh niên xung phong, chiến sĩ vận tải là nữ giới, sống và chiến đấu trên những cung đường Trường Sơn. Họ đã vượt qua bao nhiêu thử thách khốc liệt của cuộc chiến tranh như: bom đạn, đói khát, sốt rét, cái chết luôn rình rập để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Chiến tranh kết thúc, trở về hậu phương, liệu họ có tìm được chỗ đứng cho mình để tiếp tục tồn tại?
Ám ảnh về số phận của những người phụ nữ thời hậu chiến đã thúc giục tôi viết truyện ngắn này…

Nhà văn VŨ THỊ HỒNG


Ở cơ quan huyện đội Gia Lộc, người ta đã quen thuộc với người đàn bà quét dọn suốt ngày loay hoay với cái chổi cán dài và chiếc giẻ lau trong tay. Đã qua bao nhiêu đời thủ trưởng, cán bộ cơ quan lớp về hưu, lớp chuyển đi nhưng chị vẫn còn đó, như một chi tiết không thể thiếu được trong cái cỗ máy vận hành đã mòn trơ và cổ lỗ nằm cách tỉnh lị chưa đầy mười lăm cây số. Người đàn bà không còn trẻ, thoạt nhìn cũng phải tới ngoài bốn lăm, năm mươi tuổi, nhưng nhìn kĩ khuôn mặt lúc nào cũng héo hon sầu muộn của chị vẫn còn giữ lại được những nét thanh thoát của thuở còn con gái. Người chị gầy đét như một con cá trích khô, làn da chưa hết màu tái sạm của những trận sốt rét rừng, nhưng bù lại, chị có một đôi mắt thật lạ lùng. Đôi mắt gần như không có tròng trắng, đen rầm, lúc rừng rực như người đang lên cơn sốt, lúc trầm lắng vô hồn dõi nhìn vào cõi xa xăm. Ngày ngày chị trở dậy từ lúc năm giờ sáng, lầm lũi quét hết mảnh sân rộng của cơ quan đến dãy hành lang và các buồng làm việc, sau mỗi buổi chiều lại ngập lên những đầu mẩu thuốc lá, tăm xỉa răng, bã chè, giấy vụn và những thứ linh tinh khác… Nói của đáng tội, lúc chị mới chuyển về đây, thấy chị mặt mũi sáng sủa, dễ coi, ông Tứ thủ trưởng cơ quan đã xếp chị vào làm nhân viên văn thư, công việc vừa nhàn nhã, sạch sẽ mà ông cũng vừa được tiếng là ưu ái những người từ chiến trường trở về. Song chỉ được vài tháng, chị đã bị chuyển xuống làm cái chân lao công. Lí do đơn giản là chị không đảm nhận được chức trách của mình. Văn thư bảo mật gì mà cứ như người ngơ ngơ ngẩn ngẩn, đụng đâu quên đó, đang làm việc nọ, lại xọ việc kia. Người ta bảo đó là vết thương trên đầu chị tái phát, hoặc do chị bị sốt rét nhiều quá nên trí nhớ lẫn lộn hết cả. Cứ như người khác ắt bị thải ra khỏi cơ quan từ lâu, nhưng vì chị nằm trong diện chính sách là thương binh, là thanh niên xung phong trong những năm tháng địch đánh phá ác liệt ở Trường Sơn nên mới được giữ lại. Nhưng lại có những người ác mồm ác miệng rỉ vào tai nhau: “Vết thương vết thiếc gì. Chẳng qua là do cô văn thư không biết cách chiều thủ trưởng. Cứ để cho ông ta mân mó cái quai su chiêng hay béo mông vài cái thì đã sao, có mất cái gì của bọ. Đằng này nghe nói cô ta lại cho thủ trưởng xơi một cái tát. Được xuống làm lao công là còn may đấy.” Ngoài cái chứng bệnh quên quên nhớ nhớ bất chợt, chị còn mắc chứng ít ngủ, nếu không nói là mất ngủ triền miên. Đêm đêm, người trong khu tập thể thường bắt gặp chị mặc bộ quần áo ngủ may bằng thứ vải dệt gia công của địa phương nhàu nhĩ màu nước dưa đi trong cái sân rộng của cơ quan như một kẻ mộng du. Lũ trẻ con dậy đi đái đêm sợ hết vía khi bất chợt trông thấy cái bóng liêu xiêu, chân không bén đất của con ma áo trắng trong ánh trăng suông lờ mờ lúc gần về sáng. Đó là nói về đêm, ban ngày chị lại hiện nguyên hình là một người đàn bà lầm lũi với cây chổi trong tay, mặt cắm xuống đất, né tránh mọi cuộc tiếp xúc với bất cứ ai trong cơ quan. Lâu dần người ta cũng quen sự có mặt của người lao công, những câu chuyện cửa miệng về chị cũng nhạt dần đi.

Có điều là ở khu tập thể cơ quan huyện đội này rất dễ nhận thấy là Tuân – tên người đàn bà – chẳng bao giờ có khách. Căn hộ tập thể toen ngoẻn có tám mét vuông ở tận cuối dãy nhà cấp bốn, sát bức tường rào. Ai muốn vào nhà chị cũng chiềng mặt trước hàng chục cặp mắt hau háu dòm qua những khung cửa sổ tối thui và phải chui qua cơ man nào là dây phơi chăng như mạng nhện. Người duy nhất hay đến với Tuân là Phương, cô phóng viên báo tỉnh, nghe đâu là bạn cũ, từ ngày ở thanh niên xung phong, người mà gặp ai cũng chào hỏi râm ran như pháo tép. Hôm nay cũng vậy, chưa kịp dựng xe đạp ngoài sân, Phương đã réo rắt:
– Đăng rồi, đăng rồi, Tuân ơi! Báo Tiền phong chủ nhật hẳn hoi nhé!
Phương hơi sững người khi chẳng thấy ai lên tiếng trả lời. Căn phòng tối lờ mờ, ảm đạm trong cái ánh sáng yếu ớt của chiều cuối đông. Một đống chăn cuộn lù xù trên giường, không động đậy. Phương tức giận giật phăng chiếc chăn ra khỏi người Tuân:
– Này, con dở người, dỏng tai lên nghe tao đọc cho mà nghe: “Mai Thị Tuân, 45 tuổi. Độc thân. Muốn tìm lại những người bạn cũ thủa Trường Sơn. Xin mời đến…” Họ cho mày hẳn một khung riêng như mục tìm trẻ lạc, trang trọng ra phết… – Ô kìa! Sao thế Tuân? – Phương chợt buông rơi tờ báo, ngơ ngác nhìn khuôn mặt trắng bệch như sáp của bạn. Tuân nằm ngửa, hai tay vòng sau gáy, mắt trân trân nhìn lên mái nhà, những giọt nước mắt lặng lẽ chảy tràn xuống hai thái dương, miệng chị mím chặt tạo thành một vế nhăn đau đớn. Cô cuống quýt nắm lấy tay bạn:
– Có chuyện gì vậy Tuân. Mình đã làm cậu bực mình phải không?
Tuân nằm im, bàn tay có những ngón dài, xương xẩu của chị nằm trong tay Phương chợt run lên lẩy bẩy, co quíu như người sắp lên cơn động kinh. Lúc này Phương mới để ý đến những mẩu báo bị xé nát nằm vương vãi trên giường. Cô nhặt lên xem và nhận ra đó chính là số báo giống hệt tờ báo cô vừa mang về. Phương khẽ khàng ngồi xuống bên giường, vuốt nhẹ hai bờ vai gầy nhọn của Tuân, giọng cô như òa vỡ ra.

– Mình xin lỗi cậu. Mình thật vô tâm… Mình chỉ muốn tìm lại người ấy cho cậu… Cô tung tấm chăn đắp lại cho bạn và rúc vào nằm ôm chặt lấy Tuân. Những tiếng hức hức bị ghìm nén khiến cho thân hình Tuân càng co rúm lại. Chao ôi, Tuân gầy quá. Những đốt xương sống lưng nổi lên lục cục, xương chậu thì nhô lên nhọn hoắt. Còn đâu da thịt mỡ màng, tươi thắm của đứa bạn gái một thời đã nổi tiếng là “hoa khôi của rừng”. Ngày ấy chưa có những cuộc thi lựa chọn người đẹp như bây giờ. Chứ giá có thì Tuân ắt phải nhận vương miện hoa hậu, cả về tài lẫn sắc. Chả cứ bọn đàn ông, Phương và lũ bạn gái táo tợn của cô đã mê người đi khi ngắm Tuân khỏa thân hoàn toàn trong làn nước suối trong vắt sau mỗi buổi đi cõng hàng về. Tuân có thân hình cao ráo, mảnh mai, eo thon, đường hông tròn trịa, cái cổ cao vươn lên như một cái ngó sen đổ xuống một bờ vai hơi hẹp, mảnh đến nao lòng. Ấy thế mà Tuân chẳng bao giờ có ý thức về vẻ đẹp của mình. Quần quật đi làm suốt ngày, có bữa tối thui mới về tới lán, thời giờ đâu mà nhìn ngó, ngắm vuốt. Với lại cả Đại đội Vận tải nữ chỉ có một mảnh gương vỡ nhỏ xíu bằng hai đốt ngón tay giao cho chính trị viên Tám cất giữ. Có bữa Phương phải lặn lội vào rừng kiếm dâu da chín về đút lót, nịnh nọt mãi, Tám mới cho cô ngó mặt vào gương một chút. Tuân thì không bao giờ quan tâm tới điều ấy. Cô làm hùng hục như một gã lực điền.

Cái bờ vai gầy mảnh dường như chỉ sinh ra để làm mẫu vẽ cho các bức họa tôn vinh phái đẹp mà ngày nào cũng phải chất lên những bao gạo tròn căng năm, sáu mươi kilôgam, những giỏ đạn cối có thể làm sầy trợt cả da một con bò tót. Bao nhiêu gã đàn ông chạy theo Tuân. Những chàng sĩ quan mới ra trường, những người lính trẻ, má còn phính lông tơ, những tay lái xe đường trường ngổ ngáo, cả những ông cán bộ cấp cao đạo mạo đùm đúm vợ con… đều mê Tuân như điếu đổ. Họ như bầy ong mật vo ve quanh một đóa hoa đang độ hé nở tràn đầy hương sắc. Thư từ hò hẹn, quà cáp tới tấp bay đến căn lán của Trung đội Vận tải nữ binh trạm bộ. Quà thì lũ quỷ sứ chia nhau xơi sạch, còn thư thì họ bắt Tuân phải đọc nghe chung. Chẳng bao giờ Tuân phúc đáp những lá thư tràn đầy những lời lẽ thiết tha, nồng cháy của họ. Cô cũng chẳng hứa hẹn với riêng ai. Chỉ có Phương là hiểu được những tâm sự sâu kín của Tuân. Trái tim nhỏ bé của cô gái thanh niên xung phong đã gửi trọn cho một người lính trinh sát quê ở Hà Nội từ lâu rồi. Trong một chuyến đi cõng hàng dưới ranh về cách cơ quan nửa ngày đường, Tuân bỗng phát hiện có tiếng giãy đạp dưới khe sâu. Cô vội đặt gùi vạch lá rẽ cây tìm đường xuống khe. Cũng may nhờ có mấy bụi lau rậm rạp nên Chiến, tên người lính trinh sát không bị lăn theo bờ dốc đứng xuống con suối cạn. Phải vất vả lắm cô mới đưa được anh lên con đường mòn. Cơn sốt rét đã quật Chiến giữa lúc anh đang bươn bả trở về đơn vị sau một chuyến đi trinh sát dài ngày. Nếu không gặp Tuân chắc Chiến đã bỏ mạng dưới lòng khe sâu. Tuân đã dựng tạm một căn lán nhỏ và ở lại chăm sóc người lính không quen biết. Đêm hôm ấy, anh sốt mê man khiến Tuân không dám chợp mắt. Ngày hôm sau cô cũng không nỡ bỏ người lính ở lại một mình giữa rừng, mặc dù cô biết đơn vị đang nháo nhác vì sự vắng mặt của cô. Không thể ngồi cho Chiến cắt cơn sốt, Tuân đã cõng anh đến tận bệnh xá của binh trạm rồi mới trở về. Khi xuất viện, anh lính trinh sát lần mò đến tận binh trạm tìm Tuân. Thật rủi cho anh là Tuân vừa được phái đi nhận một chuyến hàng dưới đồng bằng. Anh ngậm ngùi đành trao cho Phương một phong thư dán kín nhờ cô chuyển đến tận tay Tuân. Không biết trong thư anh nói những gì và mối quan hệ của họ đến mức nào mà từ đó cho đến hết chiến tranh, chẳng thấy Tuân để mắt đến ai, mặc dù vẫn có không ít chàng trai trẻ lượn lờ xung quanh cô. Hòa bình, người ta cho Tuân xuất ngũ nhưng cô xin về làm việc ở một cơ quan huyện đội, còn Phương trở thành phóng viên một tờ báo địa phương. Hai cô vẫn thân nhau như những ngày còn ở rừng. Về đời tư thì Phương may mắn hơn. Cô đã lấy chồng và có một đứa con trai kháu khỉnh. Những lúc vui vẻ, cô vẫn gọi Tuân là bà cô muộn chồng. Cô không sao chịu nổi lối sống khắc kỉ, tự giam mình trong bốn bức tường của Tuân, nhưng dù cô có nhiếc móc hay van vỉ thế nào, Tuân vẫn cứ trơ lì ra, giả câm, giả điếc. Chính Phương đã nảy ra sáng kiến tổ chức một buổi gặp mặt những người bạn cũ ở trong Đội Vận tải nữ của các cô ngày xưa. Bạn bè cũ đứa còn, đứa mất, đứa li tán khắp nơi, giờ gặp lại nhau còn gì vui bằng. Ngày ấy có biết bao nhiêu người đã mê Tuân. Thế nào họ cũng tìm về, biết đâu…Phương thực hiện ngay cái ý định của mình, bất kể Tuân có đồng ý hay không. Ôi, Tuân của cô! Số nó thật long đong, lận đận. Cô biết Tuân vẫn hi vọng tìm lại được chàng trai Hà Nội năm xưa. Hai mươi năm đã trôi qua. Người chết thì xương thịt cũng hóa thành tro bụi, nếu còn sống thì tại sao người ấy vẫn im hơi lặng tiếng cho đến bây giờ. Có lẽ anh ta cũng đã có một gia đình, một đàn con lít nhít, đâu còn nhớ gì đến cô gái trên cung đường Trường Sơn năm nào. Cô cũng không hiểu nổi cô bạn gàn dở này. Tưởng hôm nay đem đến một nguồn an ủi cho bạn, ai ngờ lại làm cho nó bực mình. Bàn tay Phương vuốt nhẹ lên chỗ xương quai xanh nhô lên nhọn hoắt, lần xuống đôi gò ngực xẹp lép của người đàn bà chưa từng một lần sinh nở, lên làn da bụng hãy còn săn rắn, mềm mại như thời con gái của Tuân. Cô có cảm giác những thớ cơ trên người Tuân đang rung lên nhè nhẹ, hơi thở Tuân bỗng trở nên gấp gáp dồn dập. Bất chợt Tuân lật sấp người lên, hai cánh tay ghì chặt lấy Phương. Móng tay Tuân bấu chặt vào da thịt Phương buốt nhói nhưng cô chỉ oằn người lên chịu trận. Khi cơn kích động của Tuân đã dịu lại, Phương nhẹ nhàng vuốt những sợi tóc mai ướt đẫm nước mắt trên mặt Tuân, dỗ dành như dỗ một đứa trẻ:
– Hãy nằm nghỉ một chút đi Tuân. Để mình pha cho cậu một cốc nước chanh. Hay cậu ăn hồng xiêm Xuân Đỉnh, rẻ và ngọt lắm!
Tuân chợt mở bừng mắt ra, chĩa cái nhìn giận dữ vào Phương:
– Mày làm thế để làm gì? Thương hại tao hả?
– Kìa, Tuân! Cậu làm sao vậy? – Phương ngơ ngác nhìn bạn.
– Tao nói thật đấy. Dẹp cái trò ấy đi. Hãy để cho tao được yên! – Tuân quay ngoắt vào tường, kéo chăn trùm kín đầu.
– Thế thì mặc xác mày! – Phương lủng bủng trong miệng. Cô vớ lấy cái túi vải trên bàn, trút mớ hồng xiêm lăn lóc ra giường. Không hiểu tại sao hôm nay nó lại lên cơn đồng bóng như vậy. Nó tức với cô vì điều gì kia chứ? Phương hậm hực ra chỗ để xe, đạp thẳng về tòa soạn báo tỉnh.

*
*    *

Cộc, cộc, cộc.
Ba tiếng gõ cửa chậm chạp, rời rạc ngoài cánh cửa làm Tuân giật mình, choàng dậy. Chị luống cuống vén lại mái tóc, vuốt qua bộ quần áo nhàu nhĩ, bước ra mở rộng hai cánh cửa rồi hoảng hốt lùi lại, trước mặt chị là một người đàn ông rất khó đoán tuổi, cao lòng khòng, gầy đét như một bộ xương khô. Phủ ngoài bộ xương biết nói ấy là một bộ quân phục đã bạc màu, sờn cả mép vải. Má hóp, lưỡng quyền cao, nước da sạm màu đất, cặp mắt đục lờ chĩa cái nhìn mờ mịt về phía Tuân.
– Tôi đã đọc được mẩu tin nhắn của em. Dù đang ở rất xa nhưng tôi đã vội bỏ hết tất cả để tìm đến em. Em có nhận ra tôi không?
– Kh… ông! – Tuân lắp bắp lùi lại, không dám nhìn trực diện vào đôi mắt vô cảm của người đàn ông.
– Em không mời tôi vào nhà sao? Trông tôi gớm guốc quá phải không? Hai mươi năm nay tôi mới gặp lại em. Em cũng khác đi nhiều quá, chẳng còn nét gì của cô Tuân ngày xưa. Nhưng tôi vẫn nhận ra em, bao giờ cũng nhận ra em…
Bộ xương khô lững thững đi vào nhà, những đốt xương trong người ông ta lỏng lẻo va vào nhau lục cục. Tuân lùi mãi vào sát chiếc giường một kê ở góc nhà. Chị vẫn chưa nhận ra người đàn ông là ai. Dáng người và khuôn mặt rất quen nhưng đôi mắt có cái nhìn mờ mịt, vô hồn vô cảm kia thì Tuân chưa hề gặp bao giờ. Người đàn ông lại tiếp tục:
– Em không nhận ra tôi cũng phải thôi. Vì đã bao giờ em chịu chấp nhận tình cảm mà tôi giành cho em. Em chạy trốn tôi, xua đuổi tôi. Quanh em có bao nhiêu chàng trai trẻ đẹp, còn tôi chỉ là một lão già xấu xí, vô dụng. Khi ấy em kiêu sa như một bà hoàng. Họ đâu cả rồi, những chàng trai đẹp đẽ ấy? Sắc đẹp của em đâu rồi, cái vẻ đẹp chết người mà tôi không bao giờ với tới nổi. Vì sao em lại ra nông nỗi này? – Cái khung xương chợt vồ lấy hai vai Tuân lắc mạnh. Bàn tay ông ta rắn như thép những ngón tay khô khỏng với những móng nhọn bẩn thỉu tỏa ra một làn hơi tử khí lạnh buốt khiến Tuân rùng mình. – Bây giờ tôi lại tìm về với em đây. Liệu em có chấp nhận tôi không hay lại xua đuổi tôi như ngày nào. Nói đi, em có yêu tôi không?
Tuân khiếp đảm cố gỡ những ngón tay ma quái ra khỏi vai mình, nhưng những móng nhọn sắc như dao càng bấm sâu vào da thịt chị hơn:
– Em đừng trốn chạy tôi. Em đã thoát khỏi tay tôi một lần, nhưng bây giờ em phải là của tôi. Nhưng… – Bộ xương chợt phá lên cười khả ố – Em đâu còn gì để tôi phải mất công chiếm đoạt. Em hãy nhìn lại mình mà xem. Có khá gì hơn cái bộ xương khô là tôi không? – Ông ta gí bộ mặt ma quái gớm ghiếc của mình vào sát mặt Tuân. Chị chợt rú lên thất thanh. Khuôn mặt người đàn ông kề sát bên chị như bị một bàn tay vô hình nào bóc hết lớp da trên mặt, chỉ còn lại một cái đầu lâu trắng hếu với những lỗ thủng kì quái, hai hàm răng đã rụng gần hết, còn trơ một cái răng nanh bịt bạc ở hàm trên. Đôi mắt vô cảm với cái nhìn mờ mịt chỉ còn là hai cái lỗ thủng sâu hoắm, đen ngòm. Bộ xương ôm choàng lấy Tuân, đè nghiến Tuân xuống cái giường gỗ ọp ẹp khiến nó kêu lên răng rắc. Tuân vùng vẫy gọi người đến cứu nhưng miệng chị chỉ phát ra những tiếng ú ớ. Chân chị bỗng đạp phải một vật rắn gì đó khiến chị đau buốt như kim châm. Tuân khó nhọc mở mắt ra. Trong giây lát, chị vẫn bàng hoàng không hiểu mình đang ở đâu. Thì ra đó chỉ là một giấc mơ. Trời lạnh mà mồ hôi vã ra ướt đầm trên trán, khuôn mặt người đàn ông ác quỷ vẫn hiện ra chờn vờn trước mặt Tuân. Khuôn mặt lưỡi cày, má hóp, lưỡng quyền nhô lên nhọn hoắt chiếc răng nanh bịt bạc ở hàm trên… Một đốm sáng vụt lóe lên trong óc chị. Chẳng có lẽ đó lại là ông Tình, chỉ huy phó binh trạm bộ… Ông ta là một tay máu gái, nghe nói đã sờ soạng gần hết đám chị em phục vụ cho thủ trưởng. Nhưng với Tuân thì lại khác. Ông ta mê chị, đeo đuổi chị, tìm mọi cách để chiếm đoạt chị nhưng chỉ hoài công. Có lần Tuân đã giáng cho ông ta một cái tát nhớ đời. Nhưng người đàn ông vừa rồi không thể là ông Tình. Nghe nói ông đã chết cách đây gần hai chục năm, trước ngày giải phóng miền Nam vài tháng. Tuân chợt rùng mình sởn gai ốc khi nhớ lại cơn mơ quái dị vừa rồi. Dường như trong căn phòng vẫn còn phảng phất mùi tử khí chưa kịp tan hết. Chị vội chồm dậy bật đèn, mặc dù bên ngoài trời vẫn sáng. Đêm ấy Tuân lại mất ngủ. Không hiểu sao lúc này chị mong Phương đến để kể cho nó nghe giấc mơ về ông Tình. Biết đâu đây chỉ là giấc mơ và ông ta còn sống. Dù còn sống hay đã chết, ông ta cũng là người đầu tiên tìm đến với chị sau cái mẩu rao vặt ngớ ngẩn của Phương trên báo. Tự nhiên Tuân cảm thấy bồn chồn và sợ hãi, không hiểu ai sẽ là người thứ hai tìm đến với mình. Có thể là người ấy chăng? Không, Tuân đã hết hi vọng gặp lại anh ta. Thật đáng sợ nếu chị phải đối diện với một con người bằng xương bằng thịt hẳn hoi sau ngần ấy năm chờ đợi. Thà rằng anh ta chỉ còn là một cái bóng ma như ông Tình… Cả đêm ấy Tuân cứ đi lại vật vờ trong sân cho đến gần sáng. Chị đã không phải chờ lâu. Ba ngày sau người đàn ông thứ hai đã đến gõ cửa căn phòng của chị.

*
*    *

Người đàn ông còn trẻ, có lẽ cũng chỉ xấp xỉ tuổi bốn mươi. Một khuôn mặt khá điển trai, cặp mắt to và sắc, bộ ria đen rậm không mấy tỉa tót chỉ làm tăng thêm sự già dặn chứ không gây ấn tượng ngỗ ngược như ở những người khác. Vừa bước vào cửa, gã trai đã thốt kêu lên:
– Chị Tuân! Chị còn nhớ em không?
Tuân đang ngồi nhặt rau muống chuẩn bị làm bữa chiều. Chị vội đứng lên rửa tay, mời khách ra bàn ngồi uống nước. Chị vẫn chưa nhận ra người thanh niên này là ai, đã gặp ở đâu. Đôi mắt gã trai bồn chồn nhìn chị như đang chờ đợi một lời phán quyết. Chị khe khe lắc dầu, vẻ thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt gã trai. Gã thở dài:
– Chị quên em thật rồi. Em là Bạo, thằng bé bị sốt rét ác tính nằm cùng lán với chị ở trạm xá dưới chân đèo Ba Cô năm 1974 đây mà…
– Bạo ư? Bạo nào nhỉ? – Tuân cố lục lọi trong cái mớ hồi ức hỗn độn của chị nhưng không sao tách bạch ra được khuôn mặt nào là của gã trai.
– Không, chị phải nhớ! – Bạo bướng bỉnh nói. Gã rút một mẩu báo nhỏ xíu trong túi áo ngực đưa cho Tuân: – Đã bao nhiêu năm nay em đi tìm chị. Em đã lần đến tất cả những người có biết đôi điều về chị, nhưng cứ như chị biến lên mặt trăng rồi ấy. Cách đây mấy hôm, vô tình em đã đọc mẩu nhắn tin này trên báo. Trời ơi, em tưởng mình muốn đứng tim. Em nhảy ngay lên xe, từ Đắc Lắc về đây vừa trọn hai ngày. Thế là em đã được gặp lại chị. Chị chẳng khác xưa là bao.
– Đừng nói xạo, em – Tuân cười – Chị đã trở thành một bà già lẩm cẩm từ lâu rồi. Em xem này, da chị đã nhăn, tóc đã bạc gần hết. Gặp chị ngoài đường chắc em sẽ phải bỏ chạy…
– Không chị đừng nói thế – Gã trai vụt nhào tới sụp xuống trước mặt chị, mắt gã long lanh nước – Chị ơi, hãy nhớ lại những ngày chị em mình ở trạm xá dưới chân đèo Ba Cô đi chị. Lúc ấy em còn là một thằng lính mới mười bảy tuổi, đang trên đường hành quân vào Nam. Qua cung đoạn của các chị thì em lên cơn sốt ác tính. Sốt cao quá, em bị rối loạn thần kinh, suốt ngày la hét có lúc còn cởi hết quần áo, bôi trát bùn đất đầy mình chạy vào rừng. Chị cũng đang sốt mê man trên võng, thế mà giữa hai cơn sốt chị còn cố lê vào rừng tìm em, dỗ dành đưa em về. Chị đưa em ra suối gội đầu, giặt giũ, may vá quần áo cho em, chăm sóc em hơn cả chị gái em ở nhà. Không có chị thì em đã xanh cỏ từ lâu rồi. Thế mà chị lại nỡ quên em, nỡ quên thằng Bạo của chị ư?

– Bạo cầm lấy bàn tay mỏng mảnh, làn da đã thô nhám của chị đưa lên áp vào mặt mình.
– Chị, em thương chị, em yêu chị, từ ngày ấy đến giờ vẫn còn yêu chị… – Tuân ngơ ngác để mặc cho Bạo hôn tới tấp lên tay, lên trán, lên má mình, những giọt nước mắt nóng hổi của Bạo chảy tràn trên mặt chị. Phải, chị đã nhớ ra cái trạm xá loe hoe vài cái lán bệnh nhân nằm dưới chân đèo Ba Cô rồi. Ở đó cách xa con đường trục nhưng vẫn nghe rõ mồn một tiếng mìn phá đường, tiếng phản lực rít xé trên đầu và những chùm bom rơi rất chính xác phía con ngầm dưới chân đèo. Thương binh, bệnh binh đông, nằm xếp lớp trong những căn lán chật chội. Người ta xếp cạnh võng chị một cậu tân binh đang lên cơn sốt rét ác tính. Nhiều lúc chị phải bấu vào người cậu ta thật mạnh để xem cậu ta có còn sống hay không. Cơn sốt ác tính đã biến cậu ta thành một con bệnh tâm thần. Cậu ta bứt hết áo quần chạy vào rừng, vừa chạy vừa hô khẩu hiệu, hò hét làm rộn cả khu bệnh xá. Không hiểu bằng cách nào cậu ta leo tuốt lên mắc võng giữa hai ngọn cây cao nằm luôn trên đó, ai gọi cũng không chịu xuống. Mới hai, ba giờ sáng, cậu ta đã giả tiếng gà gáy đánh thức cả bệnh xá dậy. Bác sĩ, hộ lí thay nhau đến, hết dọa dẫm lại dỗ dành, cậu ta chẳng thèm nghe, còn bứt quả cây ném xuống. Thế mà chỉ riêng Tuân dỗ được Bạo xuống, lại còn ngoan ngoãn theo chị ra suối tắm rửa. Bạo mới qua cái tuổi học trò, má còn phính lông tơ, đôi mắt có hàng mi đen dầy, cong vút như mắt con gái khiến chị thương đến thắt lòng. Đến bữa, chị bón từng thìa cháo cho Bạo ăn. Bạo ăn rất ngoan, chị nói gì cũng chỉ gật đầu, cười lỏn lẻn. Đêm nào hai chị em cũng rủ rỉ nói chuyện đến tận khuya. Đang sức trai, lại được Tuân hết lòng chăm sóc, có cân đường, hộp sữa nào chị em binh trạm gửi cho, chị đều dành cho nên Bạo hồi phục rất nhanh. Hơn một tháng sau, Bạo đã có thể rời trạm xá đi tiếp vào mặt trận. Ngày chia tay, Bạo vui lắm, cậu ta đi hết các lán chào hỏi từng người. Tuân tiễn Bạo đi một đoạn đường. Đến một con suối rộng, nước chảy qua các ghềnh đá ào ào như thác, Bạo nói chị quay về. Từ đây đến trạm thu dung cũng chẳng còn bao xa. Đột ngột, Bạo ôm choàng lấy chị, dụi mặt vào vai chị khóc như mưa như gió. Chị cũng khóc, nước mắt của hai chị em trộn hòa vào nhau. Bạo bập bều nói giữa những tiếng nấc:
– Chị ơi! Em yêu chị! Em thương chị! Em sẽ không bao giờ quên chị…
Tuân nhẹ nhàng gỡ hai cánh tay cuồng nhiệt của chàng trai đang cuốn riết lấy cổ mình nhưng Bạo càng ghì chặt hơn, mắt cậu ta long lanh một ánh khác thường – Chị ơi! Chị hãy cho phép em được hôn chị một lần thôi. Em chưa từng được hôn một người con gái nào, có lẽ rồi em sẽ chết mà chưa…

– Đừng nói gở, Bạo – Chị nhìn thẳng vào khuôn mặt chàng trai trẻ đang kề sát mặt mình, một khuôn mặt thanh thoát trong trắng như thiên thần. Không kìm được lòng mình, chị nhẹ nhàng đặt một cái hôn lên đôi môi đang hé mở của Bạo. Đôi môi Bạo run rẩy, ngập ngừng rồi cuốn siết lấy môi của chị trong một cái hôn dài đến nghẹt thở. Thân thể người con trai áp sát làm chị rạo rực, hai chân run rẩy, cơ hồ đứng không vững. Vẫn không buông nhau ra, cả hai lăn tròn trên bãi cỏ. Bàn tay chàng trai cuống quýt lần mở những nút áo nơi ngực chị. Tuân đẩy mạnh Bạo ra trong một phản ứng chị cũng không ngờ tới:
– Đừng, em!
Bàn tay đang hăm hở của Bạo chơi sững lại. Bạo ngượng ngùng đỡ chị ngồi dậy, giọng cậu ta đầy vẻ ân hận:
– Chị, em xin lỗi chị. Tha thứ cho em nhé! Thôi em đi đây!
Bạo khoác vội chiếc ba lô, đi như chạy ra phía bờ suối. Cậu ta lội ào ào làm nước bắn tung tóe. Tuân thẫn thờ đứng tựa vào gốc cây nhìn theo cho đến khi cậu ta khuất dạng sau khúc ngoặt của đường mòn…
Chị lặng lẽ gỡ những ngón tay Bạo ra, thở dài:
– Thôi, chuyện cũ nhắc lại làm gì, em. Chị chỉ muốn biết bây giờ em sống như thế nào. Em đã có mấy cháu rồi. Công việc ra sao?
Bạo ngồi xuống chiếc ghế đối diện với Tuân. Giọng cậu ta vẫn hơi ngàn ngạt:
– Em đã kịp lấy vợ đâu chị. Sau năm 1975, em còn ở lại trong đó đến năm 1978 rồi làm lính tình nguyện sang giúp nước bạn Campuchia. Bị thương, em xuất ngũ trở về học đại học, giờ là kỹ sư xây dựng. Còn chị… – Bạo đưa mắt nhìn quanh gian buồng chật hẹp – Anh ấy và các cháu đi vắng ạ?
– Anh nào? – Chị cười nhẹ – Chị không có chồng cũng chẳng có con. Ai người ta buồn lấy cái bà già xấu xí này.
– Chị…! – Đôi mắt người con trai đột ngột sáng lên những tia cuồng nhiệt. – Em đã chờ chị bao nhiêu năm nay. Giờ chị phải là của em. Em không để mất chị lần nữa! – Bằng một động tác mạnh bạo và quả quyết không để cho chị kịp phản ứng. Bạo xốc chị lên chiếc giường một kê cạnh đó. Chị quẫy cựa trong cánh tay Bạo như một cánh chim bị thương yếu ớt rồi buông xuôi, để mặc cho những chiếc hôn bạo liệt của người con trai ngấu nghiến trên thân thể mình. Chỉ còn tiếng thở hổn hển, tiếng rên rỉ cố nén của người đàn bà… Tiếng người con trai thảng thốt:
– Chị ơi! Chị vẫn…! Ôi! Chị của em!…

Tuân nằm thẳng đơ trên giường, mái tóc xõa dài phủ trên ngực. Những giọt nước mắt nóng hổi thi nhau rớt xuống hai bên thái dương chị. Có ai ngờ, ngoài bốn mươi tuổi chị vẫn còn là một trinh nữ. Chị đã cố sức giữ gìn nó suốt cả thời con gái, cho ai và để làm gì. Có lẽ là để cho anh, người con trai Hà Nội có đôi mắt buồn thăm thẳm ấy chăng? Chị đã biết gì về anh đâu ngoài mấy tờ giấy đã mủn nát vì nước mưa trong ngực áo anh. Đêm ấy, cái đêm tình cờ giữa rừng sâu hoang vắng chỉ có anh và chị, giữa cơn sốt rét ác nghiệt, chị đã phải dùng hơi ấm của thân thể mình để sưởi cho anh. Không mắc được võng, chị phải trải nilon xuống nền rừng cho anh nằm, có bao nhiêu quần áo, tăng võng chị đem quấn hết vào người anh. Trong cơn mê sảng, anh vẫn ú ớ gọi “mẹ, mẹ” rồi ôm riết lấy chị, rúc đầu vào ngực chị như một chú bé con tìm vú mẹ. Gần sáng, lúc anh dịu cơn sốt thì chị cũng mệt mỏi ngủ thiếp đi. Tỉnh dậy, không thấy anh đâu, chị hoảng hốt đi tìm thì đã thấy Chiến – người con trai ấy đang nằm gục trên bờ suối. Có lẽ đêm qua, khát quá anh đã bò ra tìm nước uống. Tuân đã cõng Chiến đến bệnh xá trong tình trạng sốt mê man như vậy. Không ai biết địa chỉ của Tuân, thế mà ngay sau khi xuất viện, Chiến đã tìm đến chỗ chị. Trong lá thư đầu tiên và cũng là lá thư cuối cùng của anh mà chị vẫn còn giữ chỉ vẻn vẹn có mấy dòng ngắn ngủi… “tỉnh dậy, tôi sững sờ đến choáng váng khi nhận ra mặt mình đang kề sát khuôn ngực của một người con gái xa lạ. Có lẽ đêm ấy, bằng cách đó, em đã giúp tôi vượt qua cơn sốt hiểm nghèo… Em là vị ân nhân của tôi, suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên em. Sau này, khi cuộc chiến tranh chấm dứt, tôi sẽ đi tìm em. Em cũng sẽ không quên tôi chứ…”

Chị đã không quên anh. Chiến tranh đã chấm dứt từ lâu. Bao người chồng, người cha, người yêu đã tìm về với quê hương, gia đình, thế mà đã hai mươi năm trôi qua, anh vẫn không trở lại. Anh không về nữa hay đã quên chị? Câu hỏi ấy đã day dứt dằn vặt chị trong những đêm dài không ngủ được, nó sẽ còn dằn vặt chị cho đến suốt đời. Cái trinh tiết của một người đàn bà như chị có dành dụm nữa cũng chẳng để làm gì. Cho ai bây giờ cũng thế thôi. Tội nghiệp Bạo. Cậu ấy yêu chị thật lòng, nhưng cậu ấy còn trẻ, đời còn dài, thiếu gì các cô gái trẻ trung xinh đẹp rồi sẽ đến với Bạo. Cậu ấy sẽ quên chị ngay thôi. Chị dịu dàng vuốt tóc Bạo:
– Về đi em! Quên chị đi! Hãy coi như giữa chị em mình chẳng có điều gì xảy ra!
– Không! – Bạo chồm dậy – Em sẽ đưa chị ra khỏi cải xó xỉnh này. Chúng mình sẽ về ở với nhau Chị có muốn chuyển hẳn vào Đắc Lắc với em không?
– Cảm ơn em đã nghĩ đến chị – Tuân thở ra nhè nhẹ – Nhưng đời chị thế là hết rồi, chị chẳng còn ham muốn gì nữa. Nếu sau này em còn nhớ đến chị…
– Chị nói gì lạ thế? – Bạo giận dỗi ngắt lời – Em về thu xếp công việc ít ngày rồi sẽ trở ra đón chị. Trên đời này em chỉ còn có chị nữa mà thôi. Chị đừng bỏ em…

Bạo đi được dăm ngày thì cả khu tập thể cơ quan huyện đội nháo nhác lên vì lượng khách đổ đến căn phòng nhỏ bé của Tuân. Một chàng trai lái xe quá cảnh tuyến đường Việt – Lào. Một sĩ quan quân đội đã về hưu. Một giám đốc bệ vệ đi chiếc xe đời mới có gắn máy lạnh. Dăm bảy cô bạn gái cùng trung đội rủ nhau đến một lúc, có người còn đưa cả một đàn con lít nhít đi theo… Gặp nhau hết cười lại khóc, tranh nhau kể chuyện. Căn phòng của Tuân bỗng trở thành nơi hội tụ của những người lính đường dây năm xưa.
Mỗi người có một cảnh đời, không ai giống ai, người giầu lên, người phải vật vã bươn chải mới kiếm được miếng cơm manh áo. Cứ tưởng cuộc sống đời thường bon chen sau ngần ấy năm hòa bình, chẳng còn góc nào dành cho những kỉ niệm về một thời chiến tranh, ấy thế mà chỉ qua vài dòng nhắn tin của Phương trên báo, như có một sức hút kì lạ hội tụ về đây. Chỉ bực một nỗi là Phương, người đề xướng ra việc này lại đi công tác xa, không có mặt. Thành thử Tuân suốt ngày bận bịu với việc tiếp khách. Chị rất ít khi nghĩ đến Bạo, dường như những kỉ niệm xảy ra với Bạo chẳng mảy may tác động đến chị. Tâm trạng chị cứ thấp thỏm bồn chồn rất lạ, dường như có một điều hệ trọng nào sắp xảy ra. Đêm nào những cơn ác mộng cũng ám ảnh chị, khiến chị không sao phân biệt được đâu là giấc mơ, đâu là cảnh đời thực. Đêm nay cũng vậy, vừa tiễn người khách cuối cùng ra khỏi nhà, tắt đèn đi ngủ, bỗng chị giật mình vì có tiếng ô tô phanh gấp trước cửa nhà. Ai mà lại đến với chị vào lúc đêm hôm khuya khoắt thế này. Chị lóng ngóng mãi mới rút được chiếc then cửa, ánh đèn nhà bên hắt ra chỉ đủ soi mờ tỏ bóng một người đàn ông choàng chiếc áo khoác ngoài màu xám, chiếc mũ phớt đội sụp xuống trán làm một nửa khuôn mặt khuất trong bóng tối.

– Ai đấy? – Chị run run cất tiếng hỏi.

Người đàn ông không trả lời, cứ lừng lững tiến đến. Đôi mắt lạnh lẽo của ông ta gần như gí sát vào mặt chị, mùi xà phòng thơm từ thân thể người đàn ông béo tốt ấy xộc thẳng vào mũi khiến chị bủn rủn cả chân tay. Người đàn ông rút trong túi áo ngực ra một mẩu báo – Chính là cái mẩu nhắn tin ngắn ngủi của Phương –  Ông ta hỏi chị bằng một giọng giật cục:
– Chị là người viết mẩu thông báo này?
– Dạ… tôi… tôi – Chị lắp bắp, gần như không thành tiếng.
Người đàn ông chợt sững lại, trân trối nhìn chị, buông rơi mẩu giấy báo rồi đột ngột, ông ta quay ngoắt đi như chạy ra phía ô tô. Chiếc xe rồ máy phóng ra khỏi sân như bị ma đuổi. Tuân cũng đứng chết sững, ngơ ngẩn nhìn theo chiếc ô tô. Chị vẫn chưa nhận ra người đàn ông ấy là ai, tại sao ông ta lại bỏ đi vội vàng như vậy. Cúi nhặt mẩu báo còn vương dưới chân, chị từ tốn xé nó ra thành hàng trăm mảnh nhỏ. Một làn gió nhẹ thổi qua, những mảnh báo như những cánh bướm đêm bay chấp chới khắp cái sân rộng của khu tập thể. Chị nhìn theo chúng một hồi lâu rồi quay vào nhà đến bên tủ thuốc nhỏ lấy lọ thuốc Seduxen, tự nhiên chị muốn dốc tất cả những viên thuốc ngủ còn lại vào miệng để có thể ngủ một giấc thật dài, thật sâu, không bao giờ trở dậy nữa. Những viên thuốc ngủ ngấm thật lâu, thật chậm, nhưng rồi cũng phát huy tác dụng. Chợt chị thấy thân thể mình nhẹ bỗng, siêu thoát như không có thực. Hai chân chị lướt đi trên những thảm cỏ, những cánh rừng, những vùng đất chưa bao giờ đặt chân tới. Bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng những vết thương của một thời chiến tranh vẫn còn đó. Những cánh rừng trơ trọi vì chất độc màu da cam, những hố bom tấn sâu toang hoác như những miệng núi lửa còn phơi màu đỏ quạch. Tuân cứ lướt đi vô định, chị không thể điều khiển nổi mình. Dưới chân chị vẫn là những cánh rừng trập trùng trải ra như không bao giờ dứt. Rồi chị bỗng thấy mình dừng lại trên một đỉnh núi cao ngất, bên dưới là vực sâu thăm thẳm. Cả ngọn núi lẫn vực thẳm đều xám ngắt như vừa qua một trận hỏa tai. Những cây bằng lăng cổ thụ cháy dở, giơ những cánh tay ma quái đen sì lên bầu trời. Tịnh không có một mầm cây, ngọn cỏ nào sống sót được trên vùng đất chết này. Một trận gió âm u thổi thốc từ miệng vực lên làm những cành cây khô gẫy lắc rắc, chúng oằn oại, rên rỉ như tiếng người. Mà hình như có tiếng người thật. Một giọng nói thều thào, đứt quãng vọng lên từ đáy vực đen ngòm: “Cứu tôi với! Ai đó, cứu tôi với. Đừng bỏ tôi!” Tuân rùng mình, sởn gai ốc lên định bỏ chạy nhưng hai chân chị nặng như đá, không sao nhấc lên được. Giọng nói chợt nổi lên rõ hơn, sát ngay tai chị: “Đừng sợ! Có phải Tuân đấy không? Anh đây, anh là Chiến đây.”
“Anh vẫn còn sống. Anh sẽ trở về với em…” Ôi! Chiến, Chiến còn sống thật rồi! Tuân quýnh quáng chạy đến phía có tiếng gọi, chân chị đạp phải một tảng đá nhọn sắc làm chị mất đà, ngã nhào xuống vực. Hoảng quá Tuân la lên thất thanh, hai tay hai chân chới với giẫy đạp, quờ quạng. Một cánh tay mạnh mẽ nắm chặt lấy tay Tuân kéo chị ra khỏi vùng vô thức,Tuân choàng tỉnh dậy.

– Khiếp! Chị la mới dữ làm sao chứ – Một khuôn mặt đàn ông cúi xuống bên chị – Mai, con lấy cho bố cốc nước!
Một cô bé bảy, tám tuổi, chắc là con gái của người đàn ông mau mắn rót nước cho Tuân uống. Chị đã bình tâm trở lại và vội vã chạy sang hàng xóm xin nước sôi về pha trà mời khách. Khách nói anh đã vào cơ quan huyện đội tìm Tuân nhưng người ta chỉ sang đây. Anh là thương binh, đã bị hỏng cả hai con mắt nên đi đâu cũng phải nhờ cô con gái dẫn đường. Cả người thương binh này nữa Tuân cũng không nhớ ra chị đã gặp anh ở đâu, vào thời gian nào. Người thương binh cầm chén trà Tuân đưa mời, ấp mãi trong hai bàn tay, không uống. Đôi mắt của anh giờ chỉ còn lại hai hốc dúm dó nhìn thẳng vào mặt Tuân như cố nhận diện người đang đối thoại với mình:
– Chị không biết tôi đâu, chị Tuân ạ. Cả tôi cũng chưa được gặp chị một lần nào. Tôi ở cánh trong, giáp mạn biên giới Việt – Lào. Chúng tôi không có cái may mắn được vào giải phóng Sài Gòn. Trước đó tôi đã bị thương nặng ở Đắc Pét, người ta chuyển tôi đi hết bệnh xá này đến bệnh xá khác trước khi trở về trạm thu dung ở Nghĩa Đàn. Tôi đã tàn tật, tôi không dám báo tin về nhà, chỉ sợ làm khổ người vợ còn rất trẻ. Thôi thì đành sống lay lắt ở trại điều dưỡng cho đến hết đời. Ấy vậy mà không hiểu sao vợ tôi lại biết mà lặn lội vào tận trại điều dưỡng tìm tôi. Nhờ thế mà tôi có được đứa con gái này đấy…
Tuân kiên nhẫn ngồi nghe câu chuyện dài dòng chẳng mấy ăn nhập vào nhau của người thương binh. Tự nhiên chị có một linh cảm rất lạ, đằng sau lời mở đầu trịnh trọng của anh ta còn ẩn giấu một điều gì. Đoán được vẻ bồn chồn nôn nóng của chị, người thương binh đột ngột nói:
– Tôi biết, chị vẫn còn chờ thằng Chiến phải không? Cái thằng trinh sát người Hà Nội ấy. Nó không bao giờ trở về nữa đâu!
– Sao, anh nói gì? Anh ấy còn sống phải không? – Tuân chồm đến lắc vai người thương binh – Đúng rồi, Chiến của tôi vẫn còn sống.
– Không! – Từ hai hốc mắt người thương binh một giọt nước mắt đậm đặc ứa ra – Nó chết rồi!
– Anh đừng giấu tôi! – Tuân nghẹn ngào – Dù anh ấy có thế nào đi chăng nữa… Chỉ miễn sao anh ấy còn sống. Tôi sẽ đi tìm anh ấy.
– Người thương binh dắt tay cô con gái đứng dậy. Ra đến cửa anh mới chậm rãi quay lại:
– Chị đừng tìm nó làm gì. Chính tôi cũng không biết Chiến ở đâu, có còn sống hay không. Đã mười lăm năm rồi kể từ ngày tôi gặp nó trong bệnh viện. Chiến đã kể cho tôi nghe rất nhiều về chị. Đến tìm chị như thế này là tôi đã vi phạm lời hứa với nó rồi… Nhưng tôi không thể cầm lòng được… Chị bỏ lỗi cho bố con tôi nhé.
Tuân cũng ra khỏi nhà ngay buổi sáng hôm ấy. Cho tới bây giờ, người dân trong khu tập thể cơ quan huyện đội Gia Lộc vẫn chưa thấy chị quay trở lại…

 

Theo Văn nghệ quân đội

Exit mobile version