NHỮNG ĐỨA TRẺ CỦA HÒA BÌNH
Truyện ngắn của Lê Thị Kim Sơn

Cầm bản siêu âm, mồ hôi lạnh Dịu rịn ra hai bên thái dương, bàn tay bấu chặt vào cạnh bàn kính, tai Dịu ù đi. Tiếng nói của bác sĩ, rỏ từng giọt, đều đặn, rõ ràng, không hề mờ nhòe đi. Tôi e rằng vợ chồng cô phải bỏ đứa bé. Có điều bất thường ở đây. Đầu cháu quá to so với sự phát triển của cơ thể, e rằng cháu bị não úng thủy hay có sự gì đó bất thường hơn. Anh chị nên suy nghĩ sớm. Nếu để thai quá lớn sẽ nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của mẹ. Đó là một giấc mơ, không, đó là một cơn ác mộng, Dịu khụy xuống. Không thể, không thể như thế được. miệng vết thương bỗng toác ra, phía dưới lớp vỏ da lành lạnh là chỗ thịt mưng mủ và hoại tử, mùi tử khí bốc ra, tiếng bom chiều hôm ấy, tiếng bố thét, lửa, tất cả như một cơn lốc xoáy ào trở lại.
Lại đi, đi đâu? Cái thành phố rộng lớn, với những thiết bị siêu âm tối tân nhất vẫn ra cùng kết luận. Tôi đã soi kĩ, đã xem xét kĩ, đầu cháu to bất thường so với cơ thể và so với những chỉ số phát triển thông thường của thai nhi trong giai đoạn này. Kích thước vòng đầu của em bé mới sang tháng thứ tư mà đã trên 10mm, nghi ngờ là giãn não thất, rất dễ xảy đến tình trạng não úng thủy. Nếu bố chị có tham gia chiến tranh ở X, tôi nghi cháu đã bị nhiễm chất độc màu da cam. Còn nếu không, cũng có thể do thời gian chị ở trang trại có tiếp xúc với thuốc sâu, thuốc trừ cỏ, cái này cũng là một khả năng.


Đầu óc quay cuồng, Dịu nằm bẹp, Công không nói tiếng nào, cứ ôm đầu đốt thuốc, căn phòng bé tí chật căng suy nghĩ và khói thuốc khiến Dịu nôn nao. Công đã bỏ thuốc kể từ khi biết tin Dịu mang thai, mà giờ đây anh như một chiếc đầu tàu hỏa, không còn để ý đến vợ con. Dịu rúm người lại, con ư? Rồi con sẽ ra sao? Cái đầu to ngơ ngác của con thím Viên cứ chờn vờn. Đứa bé không có tên, hay mọi người đã quên tên nó, chỉ gọi nó là con thím Viên, nó nằm im một chỗ, ngúc ngoắc cái tay khoèo, ánh mắt đờ đẫn với cái miệng nhếch ra chảy dãi. Chao ơi! Quá khứ, sao lại hiện ra vào lúc này.
Những tháng ngày lùi xa như cơn gió, thời gian đã phủ lên quá khứ lớp tro bụi mịn màng, những tưởng vết thương đã lành miệng.
Nhưng. Tại sao lại nhưng? Tại sao luôn có chữ nhưng, có những cái chép miệng tiếc rẻ.

– Phá đi em ơi! Tiêng Công quẩn trong khói thuốc, đặc quánh, thốc sâu vào não Dịu như một mũi khoan chói lên đỉnh, Dịu hờ lên, rồi nín bặt.

– Mình còn trẻ mà, rồi mình sẽ có đứa khác thôi em. Đừng nghĩ nhiều nữa, mai anh dẫn em đi nhá.

Lửa bao trùm tất cả, lửa nhấn chìm tất cả. Nó thiêu cháy những ai vào buổi tối hôm ấy, Dịu không biết, và lại càng không biết có phải Dịu đã từng lao khỏi đám cháy đó ra không? Những tưởng buổi lửa ngày hôm ấy đã thiêu cháy mọi kí ức của Dịu về chiến tranh, giờ đây, chiến tranh lại bùng lên, không nhìn thấy súng đạn, không nhìn thấy người chết và bị thương như cái ngày chơi trận giả ấy. Chỉ có nỗi ám ảnh đang nằm trong bụng Dịu, đứa con tượng hình được bốn tháng. Công gục xuống trong cơn say, lẩm bẩm không ngừng. Bỏ đi, mình bỏ con đi em. Tiếng bà mẹ chồng nói háy phía sau, bỏ được đứa này, liệu đứa sau có bị như thế nữa không? Nhà nó có nòi ra đấy, coi lại tiệt cả dòng giống nhà mình. Rồi tiếng thình thịch, Dịu mở choàng mắt, là bước chân của bố sao? Đã lâu lắm rồi, Dịu không còn mơ thấy bố nữa, đã không còn nhắc đến bố, đến nhà ông nội nữa. Dịu đã quên hết, Dịu đã xóa hết rồi mà.
Không phải, không phải tiếng chân bố, Dịu lắng tai lại khẽ hơn, mắt mở ra, nhìn trần nhà trắng lóa điện, cô y tá mỉm cười trấn an, yên tâm, tụi em sẽ giải quyết nhanh thôi. Chị đừng lo sợ. Tiếng dao kéo lách cách, phòng thủ thuật trắng nhợn, giấc mơ trắng nhợn như mảnh trăng non nhợt nhạt. Dịu vùng dậy, là tiếng thình thịch phát ra từ bụng cô, tiếng nhịp đập thiêng liêng mà Dịu từng ngất ngây mơ ước, là con, là con của Dịu. Dịu bàng hoàng quờ chân xuống đất, tuột khỏi giường, cô y tá vội chạy lại đỡ. Chị đi đâu vậy? Chưa bắt đầu mà. Dịu liếm môi, đôi môi Dịu khô nẻ tự lúc nào, tôi cần đi vệ sinh, tự dưng mót quá. Thôi, chị đi nhanh lên, em đã dặn chị đi vệ sinh từ lúc nãy rồi mà. Cửa phòng mở ra, Dịu mặc nguyên cái váy trong phòng mà chạy ra ngoài, Công vội đuổi theo túm lại. Em đi đâu? Đi về, em không làm được. Em không bỏ con em đâu. Nhưng. Không nhưng gì cả, em về đây.


Chiếc xe lắc lư, giấc ngủ mệt nhọc, nhưng Dịu chịu được một giấc ngủ kéo tới. Nặng nhọc. Dồn ứ. Khắc khoải. Lửa, máu, bóng đen, trăng, chiến tranh, chiến tranh hết rồi, hòa bình rồi, hòa bình rồi con gái ơi. Bố nhấc bổng Dịu lên, xoay tròn trên đôi tay rắn chắc. Nụ cười của bố thật hiền. Chiếc kẹp tóc ngày Ty đưa trả cho Dịu vào nam, Dịu ngỡ như quên mất, thì đây, nó đang sáng lấp lánh và rạng rỡ trước khuôn mặt của đứa trẻ lên sáu. Bố hồ hởi lấy lược chải tóc, rồi vụng về túm lại một túm, cố vuốt các sợi tóc tơ của Dịu cho suôn lại mà vẫn bị tung ra, bố bặm môi, cột lại cho Dịu, đó là món quà mừng ngày hòa bình của bố. Món quà duy nhất. Rồi bóng đen, bóng đen tỏa ra, ngoạm lấy Dịu, lôi chân Dịu trôi thụt vào cái miệng đen ngòm tham lam của nó. Dịu hụt hơi, thức giấc. Cậu phụ xe quay lại, chị mơ gì mà ú ớ cả đêm. May mà xe trống, không cũng bị người ta mắng vốn cho rồi. Em thấy chị rên ghê quá, mà chả dám kêu.

Ty chạy ra đón Dịu, cái dáng Ty giống hệt mẹ nó. Hai đứa đèo nhau ra bờ biển ngồi uống nước, tiếng Ty đều đều như gió, sau khi lấy được nhà Dịu, chú Bốn và thím Viên đã vội bán ngọn đồi của bố mẹ để lấy tiền đưa Hiển đi phẫu thuật. Vậy là em tên Hiển, thế giờ Hiển thế nào? Thì cũng chỉ đỡ hơn thôi, chứ chẳng thể khỏi hết, nhưng may là có thể đi lại được, ngây ngô như đứa trẻ lên ba, ông bà cứ phải chăm suốt. Còn lão Sơn đồ tể? Dịu buột miệng hỏi. Ty trợn mắt nhìn lên, sao mày lại hỏi lão ấy? Hay chuyện ấy là thật? Chuyện gì? Sau khi mẹ con mày đi được tầm dăm bảy năm gì đấy, lão Sơn đồ tể chơi đề, thiếu tiền người ta, lão đến nhà chú Bốn mày gây sự, lão nói ngày ấy do chú với thím mày nhờ lão dựng chuyện lão với mẹ mày để có cớ đuổi mẹ con mày đi mà chiếm đất. Nhưng lão bị thím mày chửi cho, nói là đồ mất dạy, đã phá nát nhà mày, khiến cho bố mày phải vào trại điều dưỡng, nên cả làng cũng bán tín bán nghi. Sau này lão bán xới đi dâu cũng chả rõ. Thế chuyện lão nói là thật à?


Dáng bố sọm lại trong nắng, bố ngồi trên chiếc ghế đá, ơ hờ nhìn mọi người qua lại rủ nhau đánh cờ, tán gẫu. Dường như bố tách biệt ra ở một nơi xa xăm nào đó mà những tiếng ồn xung quanh không thể với tới được. Dịu lặng bước lại gần, tiếng bố buột ra, đã lâu lắm rồi, Dịu bị cấm gọi bố. Đã lâu lắm rồi, Dịu mơ hồ nhớ về cái hình gầy gầy xương xương này, nhưng ngày ấy, mái tóc bố xanh và dày lắm, mái tóc dấu vết sẹo bằng đồng xu dưới xoáy tóc. Một vết sẹo lớn ngang màng tang vẫn còn đỏ lựng. Dịu quay người, bố nhận ra, Thiêm, Thiêm ơi! Phải cô Thiêm người làng Đông không đấy? Kí ức bố dừng lại trước ngày ra trận. Kí ức của mẹ thì dừng ở đâu? Để bây giờ nhắc đến chồng, đến gia đình chồng là mẹ Dịu cũng như lên cơn, mẹ chửi bới hằn học, không kiểm soát được. Dịu quên bẵng tiếng gọi bố từ ngày theo mẹ vào Tây Nguyên làm rẫy, để giờ đây, cái khoảng trống mơ hồ lao xao gió. Có chút gì động đậy trong Dịu như hình hài nhói buốt yêu thương này đây?
Nhà bà nội có bốn người con, hai gái hai trai, bố Dịu là anh cả, rồi đến hai cô, sau cùng là chú Bốn. Hai cô lấy chồng xa, Dịu chỉ biết là cô Hai, cô Ba qua cái hình đen trắng bé tí bằng lòng bàn tay để trên cái bàn kính uống nước nhà ông bà nội. Còn chú Bốn thì ở nhà cách nhà ông bà nội một quãng đồng gần, chú Bốn và thím Viên chỉ có một thằng ku trạc tuổi Dịu, nhưng thím Viên cứ dấu biệt trong nhà. Chả mấy khi cho thằng ku ra ngoài, Dịu biết, con chú bị dị tật, cái đầu nó to, ung ủng như quả hổng chín muốn tứa nước, đôi mắt hơi lồi, cứ đảo nhanh như lạc rang. Mỗi lần thấy Dịu lon ton chạy sang đòi chơi với em, thím Viên đều tỏ vẻ khó chịu, đuổi thẳng Dịu về chứ không cần nói tránh. Dịu thích có một đứa em để chơi cùng như các bạn đồng lứa, nhưng thái độ thù địch của thím khiến một đứa trẻ như Dịu cũng biết đường lảng xa, không đến gần để nhìn hay chơi với em được.


Trò chơi Dịu hay chơi nhất là gì? Đấy là trò “Chiến tranh bùng nổ”. Đám trẻ chăn trâu ngày ấy thích cái cụm từ khai hỏa đó, cứ chia thành hai phe, chuẩn bị chiến đấu hẳn hoi, rồi đợi hiệu lệnh bắt đầu bằng tiếng hét “Chiến tranh bùng nổ” là cả đám lao vào quần nhau nhừ tử. Nhà không có trâu, nhưng Dịu vẫn theo lũ bạn đi trâu để được thỏa cái ý thích được cưỡi trâu nhong nhong. Sau này vào Tây Nguyên, chỉ được cưỡi bò, nó vẫn thiếu một cái gì đấy, không thích như cưỡi trâu. Những con trâu hiền lành và đủng đỉnh hơn những con bò, chưa kể cái lưng trâu nó rộng bè ra như cái chõng tre, êm và thơm hơn lưng bò. Cưỡi bò về người có mùi khét nắng, nhưng cưỡi trâu thì lại có mùi thơm nắng. Cái mùi mà chỉ Dịu ngửi và phân biệt được, khi kể lại với lũ bạn, đứa nào cũng cười nhạo, bảo Dịu sao không đi ngửi phân của trâu bò để phân biệt luôn thể. Thế nên, Dịu biết để dành riêng ra cho mình, những khoảng không cất dấu bí mật không thể nói cùng ai, dường như đứa trẻ nào cô độc đều có một ngăn trống đó cho riêng mình.
Con trâu nhà cái Ty, là một con trâu già, da mốc cời, hiền lành lắm, Dịu thích mê con trâu, cứ có món gì dành dụm được là lại đem dúi cho Ty để đổi lại việc được cưỡi trâu nhà nó. Khi tới bãi chăn, đám trẻ thả trâu đấy, chia phe ra mà chơi trận giả, Dịu ở phe thằng Hùng, cái Ty thì chả chơi. Mới lại nó có xin đám con trai cũng không cho, vì nó mít ướt lắm, chỉ có Dịu là được chơi cùng đám con trai, từ trò trận giả, bơi sông, đi ăn trộm bắp, đào khoai, bẻ quả. Món nào Dịu cũng được dự phần, bởi dẫu bé nhất đám, nhưng Dịu dai sức, trèo giỏi, luồn lách tốt. Tuy vậy, Hùng vẫn thường kèm, nó luôn kè kè Dịu theo bên cạnh mà để ra lệnh và để ngó chừng đám bạn đừng nặng tay với Dịu.
Những trò chơi chiến tranh cũng có đứa bị chết nằm nhe nhởn cười cho đám còn lại è cổ khiêng, có thằng bị thương ở đầu vạ vật rên lên vì đánh nhau hăng quá, choảng cả cây vào đầu. Nhưng cũng chỉ vậy thôi, thế nên cái cảnh tượng bày ra hôm nay là gì? Đôi mắt Dịu thẫm lại, thằng Hùng chạy tới, giật cánh khuỷu, kéo Dịu úp mặt vào vai nó. Tiếng nó trợn trân, đừng nhìn, đừng nhìn. Dịu biết nó đang nhìn, nó đang trợn trừng ra để nhìn, buổi chiều khê vàng trong làn khói xám, cả làng khóc lóc lao ra, con trâu nhà Ty, thằng Huân, con Thơm chết. Thằng Ri, bị cụt chân. Quả mìn chong chóng phát nổ, cái quả mìn nằm yên lành trong hốc, chỉ đám trẻ chăn trâu biết được, tự cho đó là bí mật riêng nên không nói cho người lớn biết. Phe thằng Huân đánh trận giả thua, nó cáu quá, nghĩ đến quả mìn như một vũ khí thứ thiệt, nên lao đến. Nó vặn xoáy thế nào không biết mà gây ra tai họa. Cái tai họa khiến Dịu cứng người, dường như có một tôi tách ra trong buổi trời chiều hôm đó, cái màu vàng sậm loang lổ mây xám, loang lổ máu. Chiến tranh bắt đầu có ý nghĩa với Dịu.


Dịu là kẻ không sinh ra trong hòa bình. Dịu sinh ra trong chiến tranh, Dịu hiểu chiến tranh theo cái cách mỗi khi bố lên cơn, bắt mẹ con Dịu phải nghiêm, nghỉ, phải lăn lộn, phải bò, trườn theo hiệu lệnh. Nhưng đấy là chiến tranh theo hiệu lệnh của bố, còn hòa bình vẫn luôn được Dịu líu lo tập hát theo chúng bạn khi đi mẫu giáo. Nhưng Dịu vẫn định hình được hòa bình theo cách hiểu của riêng mình, hòa bình là ngày mà bố không hô xung phong, tiến lên anh em ơi, hòa bình là ngày mẹ con Dịu không phải nửa đêm bật dậy theo lệnh của bố mà chạy trối chết ra căn hầm nông choèn nơi bụi chuối, hòa bình là ngày bố ngồi ngoan hóng nắng, đưa tay ngơ ngác với lấy Dịu mà hỏi, cháu bé là con ai vậy?


Cái ngôi nhà tuổi thơ của Dịu gieo neo trên đỉnh đồi cao, gọi là ngôi nhà nhưng nó gần giống với một cái lều tạm bợ với đủ thứ vật liệu tấp lê, từ tấm ri sắt, một cái thùng phi bẻ ghè ra làm một bên vách, bên vách kia thì bằng đất trộn, lở lói khoe cái cốt tre tổng ngổng bên trong, bên thì vách tre, mái thì nhì nhằng từ tranh đến rơm mà vẫn dột, nên mẹ túm cả một chiếc áo mưa căng lên một góc giường để mỗi khi mưa to Dịu và bố sẽ có một chỗ không bị ướt. Ngọn đồi là đất của bố mẹ được ông bà chia cho sau khi mẹ sinh Dịu, và bố trở về từ chiến dịch Biên giới với những lẫn lộn riêng mình. Không thể cứ nửa đêm bị dựng dậy bởi thằng con, mặc dầu nhờ nó ông bà cũng được hưởng nhiều chính sách đãi ngộ. Vậy là mẹ con Dịu có ngôi nhà của riêng mình, bố cũng có khoảng trời của riêng mình để thơ thẩn điểm lại những cái tên mà chỉ mình bố biết. Nếu không lên cơn, bố sẽ rất hiền, sẽ tha thẩn chơi đất cùng Dịu. Đến khi lên cơn, bố sẽ hú hét loạn xạ, sẽ đạp tung tất cả, có lúc hất văng Dịu xuống hào, lúc thì sẽ cùng Dịu hành quân. Không thì bố sẽ bỏ chạy, vừa chạy vừa khóc trên đỉnh đồi gió lộng xuống tận làng để xua mọi người chạy trốn, có khi bố bỏ đi đâu cả tuần liền, mẹ dờ dạt tìm mờ mắt trong tiếng chửi rủa của bà nội, có chồng đau bệnh mà không biết đường trông giữ.


Giấc mơ lợt lạt như mảnh trăng đầu tháng, mẹ ngồi xõa tóc, tóc mẹ dài, nặng trĩu búi. Trăng lạnh như sương đổ xuống căn đồi, bố đã ngủ trong nhà, Dịu đã xin phép mẹ đi ngủ bên nhà Ty. Nhưng nhà Ty có khách trong Nam về, đông và chật quá, không cần mẹ Ty nói khéo Dịu cũng lách cửa ra về. Con đường về nhà trong đêm hun hút, cảnh nửa quen nửa lạ, những bụi cây tốt um ban ngày nhìn hiền hòa và là chỗ trốn nắng, nhưng dưới ánh trăng mờ thì lại đen ngòm đến đáng sợ. Đến cổng, Dịu chui vào cái ngõ hẹp của bố và Dịu hay chơi cùng, nhảy xuống đoạn hào thông ra bụi chuối, bố đào những đoạn hào ngoằn ngoèo như vậy khắp vườn. Có cả một cái hầm chữ A, những đêm nghe bố hô lên, máy bay tới, bom rơi, là Dịu và mẹ phải chạy tốc ra đó mà trốn. Nếu không, bố sẽ giận dữ vô cùng, cái vết sẹo ngang màng tang bố giật giật, đỏ lựng lên, túm được cái gì bố sẽ phang cái đấy, đồ ngu, máy bay tới sao lại không chạy. Không có kỉ luật, ngu dốt, đến khi chết lăn ra đấy thì sao? Đã có lần mẹ bị bố đánh bằng cái gộc tre, máu chảy ướt cả vạt đất mà hai mẹ con vẫn phải đứng nghiêm không nhúc nhích cho đến khi bố qua cơn.
Dịu bỏ chạy, bóng tối lan dần theo bước chân của Dịu, bàn chân Dịu dần bé lại, những bước chạy thu hẹp lại, hẹp lại rồi lăn xuống một đường hào. Dịu khom người, định tiến về phía mẹ đang hong tóc để hù cho mẹ giật mình, có tiếng người thì thào ngay phía trên bụi dong. Dịu thò đầu ngó lên. Thím Viên, chú Bốn và một ai nữa. Họ đang chụm đầu lại, tiếng chú Bốn sắc lại, khác hẳn tiếng bố trầm trầm, Dịu so vai, nổi gai ốc. Nhớ nhé, mẹ mày phải hô lên thật to, tôi sẽ chạy ra kéo bố mẹ vào bắt quả tang. Biết rồi. Nhưng chú Sơn phải làm cho thật nhá, mày cứ phải dựt tung hết áo xống của mụ ấy ra, đè hẳn mụ ấy xuống, kéo được quần ra càng tốt. Phải làm như thật ấy thì mới đuổi được mẹ con mụ ấy đi. Biết rồi, khổ lắm, sức tôi thì phải biết. Nhưng nhớ mà trả công cho sòng phẳng đấy, không là không xong với thằng này đâu. Gớm, chưa làm mà cứ nhùng nhằng. Làm cho ra ngô ra khoai, cho mẹ con nó phải cuốn gói khỏi đất này thì nhà tôi mới trả công. Không thì đếch có đồng xu sứt chấm đống cứt gà nào đâu nhá. Hì hì, bà chị yên tâm, mưu sâu kế độc thế thì ai mà không phải bỏ của chạy lấy người. Anh Bốn nhớ lui ra, nghe tiếng chị kêu là phải kéo được ông bà già chạy vào cho nhanh để bắt quả tang nghe chưa. Rồi, tiến hành thôi.
Một đám mây xám trôi qua, mảnh trăng mờ sương chìm khuất, Dịu tê người, quên mất chuyện hù mẹ, cứ chôn chân nhìn dáng mẹ phơi tóc trong sương nhẹ nhàng thảnh thơi mà không biết có bước chân người đang đến. Cứu, cứu tôi, tiếng của mẹ chìm khuất, bàn tay của người đàn ông kia đã chẹn họng mẹ rồi, tiếng áo bị dứt cúc, xé toạc đau đớn, cái sức yếu ớt của mẹ thì sao có thể chống lại được lão Sơn, người chuyên làm nghề chọc tiết lợn. Tiếng thím Viên xoe xóe vang lên. Ối! Trời cao đất dày ơi! Ối làng nước ơi! Ối cha mẹ ơi! Mọi người đâu cả rồi? Ối anh cả ơi! Anh ở đâu rồi? Ra mà xem con vợ anh nó lăng loàn, nó dắt trai về ngay ngõ đây này. Đấy nhá, giờ hai năm rõ mười rồi nhá, nó tưởng anh Cả bị dở người nên khinh thường anh, nó bôi tro giát trấu vào mặt nhà mình đây này anh Bốn ơi! Đâu, đâu, khốn nạn, đôi gian phu dâm phụ. Đồ đàn bà lăng loàn trắc nết. Những tiếng la, những tiếng chửi, tiếng chân người thình thịch. Mẹ nằm chết lặng trong tủi nhục, lão Sơn đã vén được nhà thím Viên ra để chạy thục mạng xuống đồi. Để mặc mẹ đối mặt với ông bà nội, với thím Viên, chú Bốn và cơn thịnh nộ của bố.


Cái miệng đứa trẻ bảy tuổi nói ai nghe, thím Viên chửi xoe xóe như tát nước, Dịu nước mắt ngắn dài trút lại. Những cái miệng cứ há to lên, đớp đớp lấy không khí, cắn xé nhừ tử mẹ Dịu, cắn xé lấy cái thần kinh bất ổn của bố kéo bố ra khỏi giấc ngủ, rồi một cơn giận hoang tàn không báo trước, bố quay phắt người lại, túm được chiếc gậy chống rèm. Ông phang, phang, phang tới tấp vào người mẹ, bàn tay mẹ đưa ngang đỡ lấy đầu rồi gục xuống, Dịu chạy lại trùm lấy mẹ, một nhát vào đầu, Dịu chìm trong tối. Cái bí mật nói ra, bị quên mất trong những bi thương, chìm vào trong cái ngăn kéo bí mật của Dịu. Chiến tranh có mặt lần thứ hai, một con bé Dịu lần thứ nhất, nắm tay con bé Dịu nhỉnh hơn chút đỉnh, cùng nhìn theo con Dịu thứ ba đang rảnh rót quay đi. Xa lạ hoàn toàn với hai cái mặt ngơ ngác còn lại.

*
Ngày Dịu rời làng, chỉ có thằng Hùng, cái Ty ra tạm biệt, bóng thằng Ri thấp thoáng phía sau gốc đa, cái nạng chống một bên rười rượi. Chả nói nhiều, Hùng dúi cho mấy cái kẹo bột, cái Ty dúi lại cho cái kẹp tóc được bố mua cho nhân ngày bố vui vẻ reo lên hòa bình rồi anh em ơi! Cái kẹp tóc mà Dịu đổi để được ngồi lên lưng con trâu nhà Ty cả chục ngày. Chả thấy bóng bố đâu, chả có ai bên nhà nội ra nhìn, mặc cho Dịu ngóng ngược ngóng xuôi. Mẹ bặm môi, nhấc Dịu lên chiếc xe ca đỗ xịch, Dịu giật mình khắc khoải, bám lấy cánh cửa để trông, chiếc xe giật lên rồi từ từ lăn bánh, làn khói đèn nhòe bước chân lắp xắp chạy theo của Ty và Hùng, rồi bóng bố với cái áo bộ đội bạc phếch hiện ra, cái bóng nhỏ nhoi và cô độc làm sao. Dịu ngoi ra, gào vọng lại tiếng gọi, mẹ lao theo túm ngang người Dịu bật khóc, đi thôi, đi thôi con. Đừng nhìn lại nữa. Hết rồi, hết rồi Dịu ơi! Có chết mẹ cùng không nhìn lại cái nhà đó, có chết mẹ cùng không về lại cái làng bạc ác này nữa.


Gọi là nhà cũng được vì nó sang trọng và chắc chắn hơn ngôi nhà Dịu và mẹ từng có, nhưng gọi là chòi cũng được vì những người dân trong này gọi nó là chòi rẫy. Cái nhà bé xíu chỉ có một gian, kê tạm vào một cái giường mét hai để nghỉ trưa, còn lại là để cuốc, xạc, dao kéo, vài cái nồi mốc chỏng chơ, đồ đi rẫy đỏ ké, ngào đất nặng trịch. Mùi hôi ải của mồ hôi, của ẩm mốc trên đám quần áo cũ xộc vào khiến cơn say xe cuộn lên, Dịu nhào ra ngoài nôn thốc, cái nhìn ngẩng lên trơ trọi. Xung quanh Dịu thẫm lại màu xanh của cà phê, ngoảnh mặt đi bốn phương tám hướng cũng chỉ đồi, cũng chỉ bạt ngàn cà phê. Trôi hết dốc là ra con đường lộ thì lại cao su, điểm nhanh chỉ thấy bốn năm nóc nhà, mà toàn nhà rẫy, không biết có ai sẽ làm hàng xóm được không, giữa mười héc ta rẫy nương này. Bác Chỉ đã dong xe về, để mặc hai mẹ con trên chiếc chòi rẫy với nửa bao gạo, hai kí cá khô, mắm muối dầu đường, một cái tải nhỏ bỏ chăn gối và vài bộ đồ.
Mẹ và Dịu bắt tay vào dọn dẹp chỗ ở mới, bàn tay mẹ túm nhanh ra sau gáy, cái động tác quen thuộc mỗi khi mẹ định búi mớ tóc dài cho gọn lại để làm, một bàn tay trơ ra, nắm vào không khí trống tênh. Nước mắt mẹ nhòe ra, mẹ bật lên tiếng khẽ, khốn nạn, rồi tức tưởi khóc. Dịu lẩn ra ngoài dọn dẹp một chốc là tươm, vì cái nhà quá nhỏ. Mẹ vẫn hay bị hẫng tay những ngày sau đó, vì mái tóc dài đầy tự hào của mẹ đã bị cắt mất đầy cay đăng và oan ức, nên cái tay hẫng ấy bỗng chốc xiết thành nắm đấm hằn học, Dịu biết chiến tranh vẫn chưa qua.
Hai mẹ con đi vòng quanh rẫy, kéo về được mấy tấm tôn và ván cũ, nhanh chóng buộc tạm sau nhà để làm cái bếp nấu cho đỡ ám khói. Giếng thì cách nhà dăm hàng cà phê, cứ tạm thế đã.
Dịu ghét nơi này, ghét cái miền đất đỏ quạch, bước chân xuống là lấm bẩn, quệt vào áo quần thì chẳng muốn phai ra. Mùa khô thì nắng, thì bụi, lui cui làm cỏ cà phê muốn sụm xuống gốc, đàn kiến, đàn sâu cứ nhung nhúc quanh nhà. Mùa mưa thì dầm dề trời đất, quần áo khô xếp trong mấy lượt giấy báo vẫn ẩm mốc, hôi mù lên được. Nhưng mẹ thích nơi này, mẹ chả thích ai kìm kẹp mẹ, mẹ thích cái thứ đất cứ vãi hạt ra là cây lên tốt ngùn ngụt, rau bầu, rau lang, rau dền, mướp chen kín lối, mẹ bắc dàn, cuốc đất làm việc không ngơi nghỉ. Chẳng bao giờ Dịu nghe mẹ nhắc nhở về bố, về quê hương, mà hình như trí nhớ của Dịu nó cùng bạc lắm. Dịu giũ sạch sẽ bóng dáng bố, ngôi nhà trên đồi, và lửa và chiến tranh. Dịu bắt đầu một cuộc sống mới, thật hòa bình, thật yên ổn dẫu có vất vả một chút cũng chả hề gì.


Công đến giúp như một lẽ tất nhiên, bởi người ta cần đổi công, cần luân phiên khi ngày mùa đến. Cái nụ cười hiền lành, chân chất, sự chịu thương chịu khó của Công, lại thêm mọi người vun vào nên Dịu và Công nhang chóng thành đôi. Có một chút chua chát ngày Dịu về nhà Công, cái tình yêu chín nẫu hương cà phê. Gấu váy nhuộm đất đỏ cùng lời nói của mẹ chồng, vậy chứ ông thông gia không thể vào tham dự được sao? Cái màu đỏ của đất khó phai, lời nói của mẹ chồng cùng vậy, Dịu bần thần nhớ lại khoảng thời gian trắng xóa và mờ mịt trong não. Cứ nghe ong ong, hoi hoi mùi thuốc sâu phun rẫy. Nhưng những bận rộn bên nhà chồng vào ngày mùa khiến cho đôi vợ chồng mới cưới chả còn hơi để tâm tư, cứ quần quật cả ngày ngoài rẫy, đến khi về được lăn ra ngủ là hạnh phúc lắm rồi. Cái tình yêu của Dịu và Công chưa từng bị thử thách, để giờ đây khi đối mặt với chướng ngại đầu tiên bỗng dưng lung lay. Dịu dường như chưa biết đến Công với gương mặt ngầu sực khói thuốc và những lời nói đau lòng này.


Những lời nói trôi tuột đi, cái khoảng rỗng đen ngòm lại nở to ra, nuốt lấy Dịu, không chống cự, Dịu yếu ớt buông xuôi, trôi vào khoảng thời gian ấy. Bước chân Dịu chạy, cái bước chân tí xíu mà chạy nhanh, nhanh lắm, Dịu băng qua bụi chuối, vượt qua rào tre, bóng đêm mịt mù quây lấy, tiếng bố hằn học đứt quãng đằng sau, tiếng mẹ lặng ngắt trong tiếng chửi rủa đang quây chụp lại. Hụp, bước chân hụt xuống một cái hố, Dịu lăn lông lốc, này là cỏ mềm sương, này là sỏi, này là đá dăm, này là mô đất, gai xấu hổ, rồi trời, rồi đất, cứ quay tròn đến tóe lửa. Lửa thật, lửa thật rồi. Lửa bắt lên mái tranh rừng rực cháy, gió thốc lên, cái lưỡi lửa thè ra liếm láp ngôi nhà nhỏ của Dịu. Tiếng mẹ la thất thanh, tiếng bố hú rã rượi, năm bóng người đen đặc cứ chạy vòng quanh ngôi nhà, những gàu nước nhỏ không đủ sức dập lửa, Dịu sững người, trông cảnh vật trong lửa đang nhảy nhót. Rồi gục xuống triền miên giấc ngủ.

*
Sinh thường không được, phải mổ thôi, người nhà sản phụ Dịu đâu? Vào kí giấy nhanh lên. Công đang gục xuống gốc cây phía ngoài sân bệnh viện, vội bật dậy, lập cập chạy về phía y tá, tay anh run rẩy, chiếc bút rơi lên rơi xuống, mãi mới kí được. Chao ơi! Nghiệt ngã, đứa con của anh và Dịu sắp được chào đời sẽ ra sao đây? Cả cuộc đời của Công quẩn lại, cô lại bên gốc cà phê, với những quả ngọt ngày mùa, với cái kìm bấm cành, với chiếc cuốc để banh bồn làm cỏ. Anh nào biết niềm vui nào khác ngoài những vụ mùa cho đến ngày gặp Dịu, cái tình yêu dịu dàng và bé nhỏ khiến anh ngây ngất. Anh đã chờ mong biết bao mùa trái ngọt của mình và Dịu, để có ngày anh muốn chối bỏ, muốn phá hủy cái giọt máu của anh kết thành của anh trong bụng Dịu. Vậy mà giờ đây, anh lại vừa mong chờ, lại muốn bỏ trốn khỏi nơi đây. Cánh cửa phòng mổ khép lại, hỗn độn, mớ cảm xúc cứ duềnh ngược lên trào sóng, Công đấm tay thình thịch vào góc tường, phải làm sao, làm sao đối mặt với sự thật, làm sao để vượt qua đây. Thời gian cứ kéo dài, kéo dài đến vô tận, giọt nước mắt Công rỉ ra, ám ảnh về con cứ khắc trong não. Tiếng bố mẹ thở dài thườn thượt ngay bên cạnh, đi chăm đẻ mà ông bà vào tay không, đến lúc y tá hỏi, cả nhà mới cuống cuồng đi mua đồ cho Dịu và con.
Mẹ nói chiến tranh là một cơn đau, một cơn đau hoang dại. Cơn đau đó Dịu nhớ là tự con rựa trong tay ông bà nội, chặt mạnh xuống mái tóc dài của mẹ. Đĩ thõa. Tiếng gào của bố. Rồi lửa, rồi máu, rồi nước mắt, rồi cơn đau của bố, cơn đau của mẹ, cơn đau của Dịu hòa vào làm một. Xoát tung lên bầu trời vàng khè ám khói đen ngòm. Dịu quẫy đạp dãy dụa trong cơn đau. Mùi thuốc sâu của những ngày mùa mệt nhọc cả mẹ và Dịu cõng trên lưng chiếc bình phun nặng trĩu đến choáng óc, cô mơ màng quay cuồng, đưa tay ra với, cái khoảng không xoáy tít lại, hai đứa trẻ nào đó đứng nhìn cô vô cảm. Dịu bật khóc, tiếng dao mổ leng keng, một cơn đau mơ hồ nơi da thịt rạn vỡ, đôi chân Dịu hẫng, rớt tỏm xuống vòng xoáy, mồm ú ớ như bị nhét giẻ vào, cô quẫy mạnh. Hai bàn tay nào đó bất thần nắm lấy tay Dịu kéo lên, đưa mắt nhìn lên, Dịu kinh hoàng nhận ra, đó là Dịu, là Dịu của những ngày thơ bé, một con bé Dịu ám khói vàng của vụ nổ, một con bé Dịu đỏ lừ như lửa của cuộc cháy nhà, và một Dịu bết bát như con cua bấy trong cuộc vượt cạn đang nắm lấy nhau. Này, sao đứa trẻ không khóc, đầu nó to quá, hay là…Dốc ngược nó xuống, hút hết đờm dãi ra đi. Xoa ngực cho nó nhanh lên. Những tiếng kêu gấp gáp, Dịu nắm chặt tay hai đứa trẻ đỏ vàng, im ắng. Oe, oe, oe… nhãi con, khóc khá quá, xứng với cái đầu to mọc ngạnh. Đem ra đi. Tiếng nói như một mệnh lệnh, Dịu bật dậy, hai đứa trẻ đỏ vàng nhìn Dịu, đôi mắt thấu suốt, rồi vòng xoáy ập tới, cuốn ba người lại mập mờ, lơ lửng vỡ nát, rồi quấn lại một hình hài mới.


Tiếng trẻ khóc, Công nhào tới bên cánh cửa, cố nhìn vào trong mà không có một khe hở, tiếng oe oe mạnh mẽ, tiếng khóc của con, chắc chắn là con bình thường. Dịu đã tin như thế, giờ đây khi nghe tiếng con khóc, Công càng tin hơn đấy là một em bé khỏe mạnh. Không có cớ gì mà con trai của Công lại là một đứa trẻ không bình thường được, toàn thân Công run lên, tiếng chân bước của ai đó và tiếng trẻ khóc đã gần hơn, bất giác Công lùi lại. Không dám đối đầu, Công quay lui, định bỏ chạy. Cánh cửa bật mở, tiếng kêu dáo dác, người nhà của sản phụ Dịu đâu? Đưa em bé xuống phòng chờ, mẹ còn phải nằm ở phòng hồi sức đã. Công ríu người, bước lại, bố mẹ Công cũng chậm chạp đứng lên ở hàng ghế chờ. Chịu đựng là điều quá sức của ông bà. Cô y tá tươi cười, ba cân rưỡi nhá, chim to đầu to, khóc tốt, chắc đói ăn hay sao mà cái miệng sục sạo quá thể. Công đứng sững, nhìn con, Công luống cuống, sao con lại nhỏ thế này, bế tuột mất. Cô y tá vội quay vào trong, mặc Công ngất ngây với kiểu bế con kì dị. Một bàn tay đỡ lấy đầu, một bàn tay đỡ lấy mông, cái khoảng lưng của con nằm vừa khoảng ngón tay đan kín của Công, vội ấp con lại gần ngực, cảm giác như con có thể tuột qua kẽ tay mà rơi mất, Công cứ loay hoay đỡ, loay hoay nhìn con mà nước mắt dàn dụa. Mẹ gạt Công xoay ra, nhìn thằng cháu đích tôn rạng rỡ, chao ôi, con chó tít của bà, nó có sao đâu nào. Nó khỏe mạnh – bà lật ngay cái tã, ôi, chim to chưa này, thế này khỏi lo chết đói. Vậy mà người ta đặt điều, đòi phá nó. Phá cái mả tổ nhà nó ấy, bà là bà cho biết tay. Đỡ lấy thằng cháu đích tôn từ bàn tay kềnh càng của Công, bà cứ luôn miệng hết lời, dường như chính bà cùng quên bẵng mất mình là người đã muốn xúi Dịu phá bỏ cái sự sống nằm đây.


Sống rồi, sống rồi em ơi! Con khỏe mạnh, đẹp trai lắm, giống anh, chỉ là cái đầu hơi to thôi. Nhưng bác sĩ nói không sao rồi, con mình bình thường. Tiếng Công loáng thoáng bên tai, Dịu bừng tỉnh. Con, con đâu anh? Đứa trẻ trong tay Công òa khóc, cái miệng lại chu lên sục sạo, Dịu mặc vết mổ đã hết thuốc tê, gượng chống người dậy để nhìn. Ngàn lần không phải, cái gương mặt thiên thần này hoàn toàn bình thường, không phải là gương mặt, cái đầu mà Dịu đã tập nhìn cho quen trong mấy tháng qua. Một cái đầu hơi to so với trẻ sơ sinh chứ không bị sưng phồng, thằng bé cứ nhắm tịt mắt, mở to cái miệng bé xíu như con chim non ngúc ngoắc không ngừng để tìm mẹ. Công vừa cười vừa khóc, cảm ơn em, cảm ơn em đã sinh ra con, Dịu như trôi trong giấc mơ, cứ ngồi ngây ra nhìn con, mãi mới nghe tiếng Dịu thì thầm, hết rồi, hết rồi, hết chiến tranh rồi con ơi!
Lê Thị Kim Sơn

Exit mobile version