Quê hương ai cũng có một dòng sông với hai bờ uốn cong chạy dài tít tắp. Có mấy ai lớn lên từ quê mà lại không có những vui buồn kỷ niệm với dòng sông. Việt Nam chúng ta có tỷ lệ sông ngòi rất lớn do đó đi đâu ta cũng gặp sông.

Từ trên máy bay nhìn xuống, những dòng sông như những sợi dây rừng chằng chịt nối các cánh đồng, con đường làng mạc. Đẹp biết bao khi từ trên cao nhìn xuống thấy những dòng sông ôm gọn cánh đồng lúa đang chín vàng hay những cánh đồng bông rộng dài đang mùa hoa nở trắng. Vì sao lại nhiều sông như thế? Vì trái đất của chúng ta là “ba phần tư nước mắt” đó em.

Trên đất nước chúng ta, thật tự hào khi ngay từ thưở xa xưa, mỗi dòng sông đều được gắn với những chiến công lịch sử hào hùng. Đi qua bao nhiêu năm, những câu chuyện lịch sử ấy vẫn như mới lại trong từng bài học. Một dòng Nguyệt Đức lơ thơ hiền hòa bên cạnh những bãi mía nương ngô hay những thảm rau xanh mùa nào thức ấy chạy dài quanh hai triền sông đã từng một thời hét lên những câu thơ Thần đẩy lùi quân Tống. Một Thanh Hóa kiên cường bên dòng sông Mã với tấm gương rạng ngời của người thiếu niên anh hùng Nguyễn Bá Ngọc đã quên mình cứu em nhỏ. Một dòng sông La cứ xanh trong rười rượi như những mái tóc của các cô gái thanh niên xung phong xõa xuống lòng sông nơi Ngã ba Đồng Lộc, để những ai qua đây không khỏi bùi ngùi tưởng nhớ đến chiến công của họ. Một cái tên Bạch Đằng Giang vẫn lặng lẽ theo bóng người chiến sỹ trên đường đi giữ nước. Khi đất nước hòa bình, cái tên Bạch Đằng Giang ấy vẫn lao xao con cá nhảy hiền hòa từng con sóng, nhưng khi sự yên bình của đất nước bị đe dọa thì những con sóng ấy bỗng chốc lại chồm lên như những cọc nhọn Bạch Đằng. Hai bờ Hiền Lương đã chứng kiến biết bao nhiêu cuộc chia tay từ máu và nước mắt. Nơi xứ Huế mộng mơ có một dòng sông Hương mượt mà, êm đềm trầm mặc để mãi ngàn năm cho núi Ngự ẩn mình. Đi xa hơn nữa là sông Tiền, sông Hậu. Là dòng Mê-kông luôn dang rộng hai cánh tay ôm lấy vựa lúa của Miền Nam để làm nên những kỳ tích mà con đường “Mê-kông ký sự” đã đi qua.

Còn có biết bao nhiêu những dòng sông quê thân thương nữa. Hai chữ Thu Bồn như được sinh ra để trả nợ cho những bãi dâu, nong kén. Bất cứ ai đi qua cầu Long Biên đều sẽ nhìn thấy dòng Sông Hồng như người mẹ hiền ôm lấy đứa con của mình là cả một dải đồng bằng Bắc Bộ thẳng cánh cò bay. Không biết vì đâu, từ bao giờ nước của dòng sông ấy cứ đỏ ngầu phù sa ngàn năm chở nặng. Phải chăng vì lòng mẹ bao la. Một người con gái đã chứng tỏ tình yêu của mình bằng cách nhảy xuống dòng sông Nhật Đức để cho bất cứ ai đó đi qua nơi này đều muốn hỏi: “Tên em, ai đổi là Thương”? Đẹp biết bao khi đứng giữa thành phố Ngã ba sông vào buổi tối dưới ánh điện nhạt nhòa để có thể thấy được hết vẻ đẹp hùng vĩ của non sông đất nước. Ôi! Kể sao hết những dòng sông quê khác vẫn cứ lặng lẽ miệt mài bên những chiếc nón trắng, áo nâu cặm cụi. Từ bờ sông quê ấy, bên này sông mẹ tôi gom từng hạt nắng, cha tôi nhặt từng mặn nhạt mồ hôi, chị tôi kiếm từng nỗi nhớ chơi vơi giữa mùa nước cạn. Bên kia sông, em lớn lên cùng cái cua con hến. Sáng sáng tay em lại khỏa những sải chèo vượt con nước mênh mông, đến lớp học trường làng để học từng con chữ. Rồi từ đó, tôi cùng em lớn lên với những chiều hè ven sông ngai ngái phù sa, ngọt ngào hương ngô mát dịu. Tôi đã cùng em khóc, cùng em cười, cùng em chơi những con diều giấy để lòng sông khi ấy sóng cứ hát lao xao, cho gió thổi miên man. Bốn mùa lặng lẽ trôi như từng ước mơ tuổi trẻ. Trong cơn mơ ấy, tôi là Hạ, em là Thu. Hạ đem từng cơn mưa rào đến cho đồng chiều khô nứt nẻ. Thu ùa về mang cái nắng hanh hanh cho vạt hoa cúc bên sông đến độ lại nở vàng…

Bây giờ, trở lại sông quê, đi qua những dòng sông ấy ta ít gặp những con đò với tiếng gọi ời ời tha thiết cuối chiều đông. Đâu đó đã không còn những chuyến phà xình xịch chạy trên sông mà thay vào đó là những cây cầu bằng bê tông vắt vẻo chênh vênh nối hai bờ thương nhớ. Đêm đêm nghe câu hát “dòng sông quê em dòng sông quê anh, sóng xanh như mắt trẻ, sao giống nhau đến thế” đã làm cho ta không nguôi nghĩ về những dòng sông quê ấy. Nơi đã chắt chiu từ những mặn nhạt cuộc đởi và cho ta những củ khoai, củ sắn, khúc mía lùi ngọt ngào để lớn lên. Yêu nhiều lắm hai tiếng “sông quê” đã cho ta biết bao nhiêu kỷ niệm để nhớ về. Nó đã cho ta biết rằng dù bắt nguồn từ đâu, đi qua những đâu thì tất cả những dòng sông ấy đểu đổ ra biển lớn. Nhưng, yêu hơn hết ở nơi quê hương đó còn có những dòng sông cạn mà vẫn chảy miệt mài theo năm tháng. Đó là trái tim cha với những chở che, bao bọc. Đó là lòng mẹ bao la với những yêu thương tha thiết vỗ về. Những dòng sông cạn ấy vẫn cứ cần mẫn chảy, dõi theo bóng những đứa con xa nhà để rồi lặng lẽ nổi lên từng con sóng cạn, ngọt ngào nâng những bước chân xa.

Nguồn: Dân trí