Năm qua, lần đầu tiên ở Đức ra mắt hai cuốn sách liên quan tới cuộc đời của nữ nhà văn nổi tiếng người Thụy Điển Astrid Lindgren – người đã sáng tạo nên Pippi tất dài – nhân vật văn học làm say mê nhiều thế hệ trẻ em trên thế giới.
Nữ nhà văn Astrid Lindgren đã sống cuộc đời của một người phụ nữ hiện đại, tự chủ và tự do về tư tưởng- Ảnh: sweden.se |
Theo Spiegel, nhà văn Astrid Lindgren từng viết về cuộc sống của nhiều người nhưng lại rất khiêm tốn khi nói về mình.
Hai cuốn sách đã ra mắt độc giả, một cuốn viết về tiểu sử nhà văn của tác giả Jens Andersen và một cuốn là nhật ký viết trong thời chiến của bà, sẽ giúp độc giả có được hình dung đầy đủ hơn về chân dung nhà văn có tinh thần khoáng đạt, yêu chuộng hòa bình, người đã dùng văn phong và khiếu hài hước để đối diện với những trở ngại trong cuộc sống và đương đầu với những sự thật khủng khiếp của chiến tranh.
Viết nhật ký để hiểu hơn cuộc đời
Sau rất nhiều năm trù trừ, gần đây, gia đình bà Lindgren mới quyết định sẽ xuất bản các tập nhật ký của bà. Trong những năm xảy ra thế chiến thứ hai, bà đã viết tới 17 cuốn nhật ký.
Trong đó, bên cạnh những ghi chép hàng ngày còn có những mẩu báo cắt dán, những phiếu giảm giá đồ ăn và cả những tờ rơi quảng cáo. Bà đã cần mẫn ghi chép nhật ký trong sáu năm, đan cài giữa các vấn đề của đời sống riêng tư với những sự kiện chính trị thế giới đương thời.
Trong phần đầu tiên đề ngày 1-9-1939, bà viết: “Hôm nay chiến tranh đã bắt đầu nổ ra. Không ai muốn tin điều đó”. Trong phần cuối cùng, vào dịp Lễ mừng năm mới năm 1945, bà viết: “Tôi chúc bản thân có một năm mới hạnh phúc! Cho tôi và cho gia đình tôi! Và cho toàn thế giới, nếu có thể, nhưng như thế có lẽ là đòi hỏi quá nhiều”.
Vào thời điểm bà Lindgren bắt đầu ghi nhật ký, bà vẫn chưa nổi tiếng. Do đó để mưu sinh, bà phải làm việc ở bộ phận kiểm duyệt thư tín thuộc cơ quan tình báo Thụy Điển năm 1940. Mặc dù do tính chất công việc đương nhiên bà phải giữ bí mật hoàn toàn với những gì đọc được, nhưng dù sao chúng cũng gây ấn tượng nhất định với bà.
Dùng tiếng cười đối chọi bạo lực
Hơn một thập kỷ sau ngày nhà văn của thiếu nhi từ giã cõi đời (bà mất năm 2002), các độc giả hôm nay mới có dịp hiểu hơn về tác giả của họ. Một người phụ nữ rất quan tâm tới chính trị, người phụ nữ trưởng thành phải chèo lái một gia đình với hai con và một ông chồng không hề đơn giản. Mùa thu năm 1939, bà viết: “Quá tồi tệ khi không có ai bắn chết Hitler”. Cuốn nhật ký đánh dấu điểm khởi đầu cho hành trình tận tụy suốt đời của bà hướng tới hòa bình.
Pippi tất dài là tác phẩm của một người vợ và một người mẹ thích đọc sách, do đó, những trải nghiệm và học vấn của bà đã thấm vào tác phẩm. Bà cho phép mình chịu sự ảnh hưởng của lòng nhiệt tình từ các thính giả nhỏ tuổi đầu tiên của câu chuyện, và bà cũng luôn cho rằng cần hết mực tôn trọng trẻ em. Bản thảo đầu tiên của Pippi đã được bà Lindgren gửi tới nhà xuất bản Bonniers, nhưng năm tháng sau người ta gửi trả lại bà kèm theo bức thư từ chối. Bà đã bắt tay viết lại với những chỉnh sửa thêm. Sau đó bản thảo đầu tiên cũng đã được xuất bản và tư tưởng cách mạng của nó vượt xa hơn so với nội dung Pippi Tất dài ấn bản lần đầu tiên. |
Thông qua những trang nhật ký, tài năng cũng như phong cách văn chương của bà dần định hình. Người ta có thể nhận ra giọng văn không thể nhầm lẫn với ai của bà ở sự giao hòa giữa sự rõ ràng, tinh tế và chất hài hước chua cay trong phần viết đề ngày 5-9-1942: “Cuộc chiến tranh vừa bước sang năm thứ ba nhưng tôi đã không kỷ niệm ngày sinh của nó”.
Khi bà Lindgren xuất bản cuốn Pippi tất dàinăm 1945 – thời điểm vừa kết thúc thế chiến thứ hai, cuốn sách là sự kiện mang tính nhạy cảm rất rõ. Đó là tác phẩm viết về một nhân vật nữ anh hùng có thể ăn cả một chiếc bánh cùng lúc, treo cả đám con trai khó chịu lên các nhành cây, và trong rạp xiếc đánh bại được cả Mighty Adolf – người khỏe nhất thế giới.
Mùa hè năm 1944, khủng hoảng xảy đến với cuộc hôn nhân của bà. Chồng bà, ông Sture, đã phải lòng một phụ nữ khác. Bà viết: “Một trận lở đất đã sập xuống cuộc đời tôi”. Đó có thể nói là những dòng nhật ký riêng tư nhất của nhà văn, và cũng vì những đoạn đó mà gia đình bà từng ngần ngại xuất bản tập nhật ký.
Rõ ràng những gì được viết trong Pippi tất dài đã đảo lộn một trật tự đã được thiết lập trước đó khi nhà văn xây dựng hình tượng nhân vật một cô bé như vị nữ anh hùng mạnh mẽ hơn và thông minh hơn rất nhiều so với bất cứ người lớn nào khác.
Từng có rất nhiều nghiên cứu và tọa đàm học thuật về việc nhà văn Lindgren đã làm thế nào để xây dựng nên nhân vật văn học trẻ em vừa hiện đại vừa có tính cách mạng như vậy.
Một cảnh trong phim Pippi Tất dài với nữ diễn viên Thụy Điển Inger Nilsson thủ vai Pippi năm 1969 – Ảnh: DDP |
Cuộc đời và những đổ vỡ
Năm 17 tuổi bà quyết định học nghề báo tại tòa soạn nhật báo Vimmerby Tidning. Vào đầu những năm 1920, đó là nghề không bình thường với một cô gái trẻ tại thành phố nhỏ.
Nhưng thực tế là bà Astrid Lindgren – lúc đó vẫn còn có tên là Astrid Ericsson – vốn đã nổi tiếng là một thiếu nữ phi truyền thống tại quê nhà Vimmerby.
Nhà văn viết tiểu sử Jen Andersen đã dành hơn 100 trang sách kể về phần cuối trong thời thanh niên và những năm đầu lứa tuổi 20 của bà Lindgren, khoảng thời gian đánh dấu hành trình gia nhập kỷ nguyên hiện đại của bà.
Tháng 9 năm 1926 bà rời khỏi tờ báo khi chưa tới 19 tuổi, vì lúc đó bà đang mang bầu đứa con với ông tổng biên tập đã có gia đình, vị sếp lớn hơn bà tới ba mươi tuổi.
Nhà văn Andersen miêu tả những năm tháng tiếp sau đó giống như một cuộc đổ vỡ đã nhào nặn cuộc đời bà Lindgren. Bà chuyển tới Stockholm và tham gia một chương trình huấn luyện với vai trò thư ký kiêm nhân viên tốc ký.
Tuy nhiên bà đã không muốn sinh con tại Stockholm và cha đứa trẻ cũng dính vào phiên tòa xử ly hôn khó khăn. Sau khi tham vấn, nhà hoạt động nữ quyền Eva Andén đã khuyên bà sinh con tại Đan Mạch.
Cuối tháng 11 năm 1926, bụng mang dạ chửa với cái thai đã lớn, bà Lindgren một mình tới Copenhagen. Ở đây bà đã tìm được một gia đình nhận nuôi đứa con trai tên Lars bà sinh ra sau đó.
Tôi hạnh phúc nhất khi viết văn |
Nhà văn Astrid Lindgren |
Nhìn bề ngoài, có vẻ như sự sắp xếp đó ổn thỏa, nhưng người mẹ trẻ đã phải gánh chịu nỗi đau vô bờ sau cuộc chia lìa. Khoảng thời gian khó khăn còn kéo dài suốt ba năm. Chỉ tới khi bà gặp được ông Sture Lindgen tại Stockholm và hai người kết hôn vào mùa xuân năm 1931, bà mới có thể đưa con trai về nhà.
Từ lâu ông Lindgren vẫn im lặng về phần đời này của vợ mình, và chỉ đề cập tới nó trong cuộc trả lời phỏng vấn với nhà báo Margareta Strömstedt vào những năm 1970. Nội dung trao đổi đó cùng với việc xuất bản nhật ký chiến tranh lần này của nữ nhà văn đã giúp chúng ta có một hình dung trọn vẹn hơn về cuộc đời của bà Lindgren. Nó giúp ta hiểu hơn tấm lòng đồng cảm sâu sắc của bà với trẻ em và cả sự quyết liệt của bà.
Dù không hề chủ định, nhưng nữ nhà văn Thụy Điển Lindgren đã sống cuộc đời của một người phụ nữ hiện đại, tự chủ và tự do về tư tưởng. Bà nhìn nhận về việc mang thai khi còn quá trẻ, cuộc chiến tranh thế giới thứ hai và cuộc hôn nhân sóng gió với Sture Lindgren giống như những thách thức của cuộc đời. Sau khi ông Sture qua đời năm 1952, họ không tái giá nữa nhưng không hề thấy buồn vì đã quyết định như vậy.
“Tôi hạnh phúc nhất khi viết văn”, bà đã viết như vậy trong cuốn nhật ký chiến tranh vào tháng ba năm 1945.
Theo D.Kim Thoa – Báo Tuổi Trẻ Online