Ở tuổi 95, tác giả A.E. Hotchner vừa xuất bản một cuốn sách mỏng gồm những câu chuyện mà theo ông đã không được kể trong cuốn Papa Hemingway ra đời cách nay ngót nửa thế kỷ.

Bìa cuốn Hemingway in love: his own story - Ảnh: Amazon

Bìa cuốn Hemingway in love: his own story – Ảnh: Amazon

Lần này ông đặt tên sách là Hemingway in love: his own story.

Lý giải cho việc vì sao phải chờ đợi quá lâu như thế để có thể xuất bản những câu chuyện chưa từng kể, nhà văn Hotchner cho biết khi ông viết cuốn Papa Hemingway, vẫn còn quá nhiều người liên quan tới tác phẩm đang sống và các luật sư của Nhà xuất bản Random House không đồng ý việc in những câu chuyện đó.

Tuy nhiên tới giờ mọi sự đã khác, tất cả họ giờ đã khuất còn ông thì may mắn vẫn sống tới hôm nay. Ông nói: “Giờ đây tôi cảm thấy mình là người bảo vệ những điều mà Ernest muốn thế giới hiểu về ông ấy và những người phụ nữ này”. Đó là lý do ông in cuốn sách.

Năm 1966, A.E. Hotchner xuất bản cuốn Papa Hemingway (Bố già Hemingway) – cuốn hồi ký về tình bạn suốt 13 năm giữa ông và đại văn hào Ernest Hemingway, người đã tự sát vài năm trước đó.

Cuốn sách đó lúc ra đời đã gây tranh cãi, thậm chí khiến người vợ thứ tư của nhà văn Hemingway là bà Mary đã làm đơn yêu cầu tòa án can thiệp, cấm xuất bản sách. Tuy nhiên sau đó bà Mary thua kiện và sách vẫn được ra mắt bạn đọc rồi trở thành tác phẩm thành công về mặt thị trường cũng như được giới phê bình đánh giá cao.

Lý giải vì sao người vợ thứ tư của nhà văn Hemingway đã khởi kiện mình, Hotchner cho biết sau khi tác giả Ông già và biển cả tự tử bằng súng, bà Mary đã liên lạc với nhà báo Leonard Lyons và nhờ ông này nói với báo giới rằng chồng bà trong lúc lau chùi khẩu súng đã không may bị súng cướp cò và tử vong.

Đó là câu chuyện từng lan truyền suốt một thời gian sau cái chết của đại văn hào. Cuốn sách của ông Hotchner lần đầu tiên “nói lại cho rõ” nguyên nhân cái chết của nhà văn Hemingway và đó là điều khiến bà Mary phật ý khi đọc nó.

Ở tuổi gần đất xa trời, nhà văn Hotchner chia sẻ tình bạn giữa ông và “bố già Hemingway” vẫn luôn sống động trong ông, dai dẳng như những ký ức khác của ông với cha, với mẹ. Không phải ngẫu nhiên ông gọi nhà văn là “papa” (bố già), vì đại văn hào thật sự là một người cha về tinh thần với ông Hotchner.

Tác giả 93 tuổi này nhớ lại: “Ông ấy đã dạy tôi cách quay một khẩu súng để tôi biết cách bắn một chú gà lôi. Ông ấy cũng dạy tôi tinh thần lãng mạn của môn thể thao võ sĩ đấu bò tót.

Ông ấy là một người kể chuyện tài hoa và một người thầy tuyệt vời, người dạy tôi cách tận hưởng chứ không phải cách làm, tận hưởng nhiều nhất những việc mình làm”.

Theo D. Kim Thoa – Tuổi trẻ online