Quần đảo Hoàng Sa:
Quần đảo Hoàng Sa gồm trên 30 đảo, đá, cồn san hô và bãi cạn, nằm trên vùng biển có diện tích khoảng 16.000km2, cách Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi – Việt Nam) khoảng 120 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 140 hải lý. Quần đảo Hoàng Sa chia thành hai nhóm An Vĩnh (Còn gọi là nhóm Đông – Bắc) và Trăng Khuyết (Còn gọi là nhóm Tây).
– Nhóm An Vĩnh: Nguyên là tên một xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Theo sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên quyển 10 ghi chép về xã này như sau: “Ngoài biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 100 cồn cát… chiều dài kéo dài không biết tới mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn Lý Hoàng Sa châu. Hồi Quốc Sơ đầu triều Nguyễn đặt đội Hoàng Sa gồm 70 người lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm cứ đến tháng 3 cưỡi thuyền ra đảo, ba đêm thì tới nơi…”.
Nhóm đảo An Vĩnh bao gồm các đảo tương đối lớn, Đảo Phú Lâm, Đảo Cây, ĐẢo Linh Côn và các bãi ngầm chính, trong đó lớn nhất là đảo Phú Lâm và đảo Linh Côn (khoảng 1,5km2).
– Nhóm Trăng Khuyết (hay còn gọi là cụm Lưỡi Liềm): Có hình cánh cung hay lưỡi liềm gồm có các đảo Hoàng Sa, Hữu Nhật, Huy Mộng, Quang Ảnh, Quang Hòa, Bạch Quỷ, Tri Tôn và các bãi ngầm, trong đó đảo Hoàng Sa về yếu tố quân sự là đảo chính, nhưng không phải là đảo lớn nhất. Nhiều nhà quân sự cho rằng đảo này có vị trí quan trọng nhất, hơn cả đảo Phú Lâm trong việc phòng thủ bờ biển Việt Nam, trong thời gian chính quyền Việt Nam Cộng Hòa quản lý, ở đảo này có nhà cửa, căn cứ quân sự, đài khí tượng, hải đăng, miếu Bà, cầu tàu và bia chủ quyền. Bia chủ quyền do người Pháp dựng lên năm 1938, ghi nhận lại chủ quyền chính thức của Việt Nam từ 1816. Cơ sở quân sự được thiết lập từ đầu thập niên 1930. Sang thập niên 1950, 1960 nhà cửa được xây cất thêm, tạm đủ cho sự trú phòng của một tiểu đoàn (thiếu) Thủy Quân Lục Chiến. Bia chủ quyền Việt Nam được đặt gần nơi giữa đảo. Nhà Nguyễn đã chính thức đặt chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa năm 1816.
Quần đảo Hoàng Sa nhờ nằm giữa Biển Đông nên khí hậu điều hòa, không lạnh quá về mùa Đông, không nóng quá về mùa Hè nếu so với những vùng đất cùng vĩ độ trong lục địa, lượng mưa ngoài biển qua nhanh, lượng mưa trung bình trong năm 1.170mm, mưa nhiều nhất trong tháng 10; ở Hoàng Sa không có mùa nào ảm đạm kéo dài, buổi sáng cũng ít khi có sương mù. Ở cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa, độ ẩm đều cao, ít khi nào độ ẩm xuống dưới 80%. Trung bình vào tháng 6, ở Hoàng Sa độ ẩm tương đối khoảng 85%.
Quần đảo Hoàng Sa tuy chỉ gồm một số đảo nhỏ giữa Biển Đông, có một thời không được các nước trong khu vực chú ý, không có cư dân sinh sống thường xuyên, chỉ có người Việt ra khai thác theo mùa các tài nguyên như phân chim, tổ yến, san hô, đánh cá trong hàng thế kỷ. Nhưng cùng với sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, sự xuất hiện các khái niệm về chủ quyền lãnh hải, sự ra đời của luật biển, khả năng khai thác tài nguyên biển, nhất là dầu khí v.v… thì các quốc gia có tiềm lực và tầm nhìn xa bắt đầu nhòm ngó quần đảo này như một cơ sở khí tượng thủy văn, quan trọng hơn là một cơ sở hậu cần và là căn cứ quân sự chiến lược trong tương lai có khả năng khống chế Biển Đông, đường giao thông trên biển và cả trên không trong khu vực, một cơ sở luật pháp để bành trướng chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải trên phần lớn Biển Đông cho phép khai thác các tài nguyên biển, nhất là dầu lửa và khí đốt.
Quần đảo Trường Sa:
Quần đảo Trường Sa nằm giữa Biển Đông về phía Đông Nam nước ta, phía Bắc là quần đảo Hoàng Sa, phía Đông giáp biển Philippin, phía nam
Giáp biển Malaixia, Brunay và Indonexia. Từ trung tâm quần đảo Trường Sa đến biển của Malaixia khoảng 250 hải lý, đến biển Philipin khoảng 210 hải lý, đến biển Brunay khoảng 320 hải lý, đến đảo Hải Nam khoảng 585 hải lý và đến đảo Đài Loan khoảng 810 hải lý, cách Cam Ranh 243 hải lý, cách Vũng Tàu 440 hải lý. Quần đảo Trường Sa gồm trên 100 hòn đảo nhỏ và bãi san hô với diện tích vùng biển rộng 160.000-180.000 km2. Được chia làm 8 cụm (Song Tử, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên), đảo cao nhất là Song Tử Tây (khoảng 4-6m). Khoảng cách giữa các đảo cũng khác nhau, gần nhất từ đảo Song Tử Đông đến Song Tử Tây khoảng 1,5 hải lý, xa nhất từ Song Tử Tây (phía Bắc) đến An Bang (phía Nam) khoảng 280 hải lý.
Khí hậu thời tiết rất khắc nghiệt, nước ngọt hiếm, 1 năm có tới 131 ngày bão, gió từ cấp 6 trở lên, mỗi tháng có từ 13-20 ngày gió mạnh. Chỉ có tháng 4, tháng 5 là ít gió nhất, từ tháng 6 đến tháng 9 là thời kỳ thịnh hành của gió Tây Nam. Quần đảo Trường Sa án ngữ đường hàng hải quốc tế nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, giữa Châu Âu, Châu Phi, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản, với các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á, một tuyến đường huyết mạch có lưu lượng tàu thuyền tấp lập vào hàng thứ hai trên thế giới (chỉ sau Địa Trung Hải). Trung bình mỗi ngày có từ 250 đến 300 tàu thuyền các loại đi qua Biển Đông, trong đó có 15-20% tàu lớn trọng tải trên 30.000 tấn. Hiện nay, trên các đảo và bãi san hô đã có một số công trình kiên cố và nhà ở, một số đảo có đèn biển, có luồng vào, trên luồng có thiết bị phao dẫn luồng và phao buộc tàu tạo thuận lợi cho tàu thuyền vào tránh giông bão. Tuy nhiên việc điều động tàu vẫn khó khăn vì luồng hẹp, độ sâu hay thay đổi nên tàu thuyền ra vào phải nhằm thời tiết tốt và vào ban ngày.
Trên thềm san hô quần đảo Trường Sa có nhiều loại hải sản quý như hải sâm, rùa biển, cá ngừ, tôm hùm, rong biển và các loại ốc có giá trị dinh dưỡng cao, nếu được khai thác, chế biến tốt sẽ mang lại thu nhập lớn cho nhân dân và làm hàng hóa xuất khẩu thu lợi nhuận cao cho Nhà nước. Với vị trí ở giữa Biển Đông, quần đảo Trường Sa có thế mạnh về dịch vụ hàng hải, nghề cá đối với tàu thuyền đi lại và đánh bắt hải sản trong khu vực. Đồng thời là địa điểm du lịch hấp dẫn trong và ngoài nước. Trong một vài thập kỷ tới, tốc độ phát triển kinh tế cao của các nước trong khu vực (dự báo khoảng 7% năm), khối lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông sẽ tăng gấp 2, 3 lần hiện nay, khi đó Biển Đông nói chung, vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa nói riêng có vai trò to lớn trong thương mại quốc tế. Đặc biệt sau khi xây dựng xong kênh KRA (ở Thái Lan) sẽ thu hút thêm một lượng tàu biển quốc tế lớn đi qua đây, tạo cơ hội để chúng ta chia sẻ cơ hội thị phần vận tải biển quốc tế, khi đó vùng biển Việt Nam và quần đảo Trường Sa sẽ trở thành chiếc “cầu nối” cực kỳ quan trọng để phát triển thương mại quốc tế và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Sự liên kết giữa các đảo, cụm đảo, tuyến đảo của quần đảo Trường Sa tạo thành lá chắn quan trọng phía trước vùng biển và dải bờ biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ, bảo vệ sườn phía Đông của đất nước, tạo thành một hệ thống cứ điểm tiền tiêu để ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động lấn chiếm của tàu thuyền nước ngoài. Vì thế từ lâu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa luôn được các nhà quân sự, khoa học, chính trị đánh giá cao. Sau khi xâm lược nước ta và đánh giá cao vị trí chiến lược của quần đảo Trường Sa, người Pháp đã tổ chức khảo sát, đo đạc, biên vẽ bản đồ vùng Biển Đông trong đó có quần đảo Trường Sa. Trước khi tiến hành chiến tranh ở Thái Bình Dương, Nhật Bản đã chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa làm bàn đạp đánh chiếm Đông Dương, Singapo, Indonexia. Sau hiệp định Gionevo 1954, Mỹ can thiệp đưa quân vào miền Nam Việt Nam đã ủng hộ và tạo điều kiện cho chính quyền Ngụy Sài Gòn đóng giữ quần đảo Trường Sa, ép chính phủ Philipin cho Mỹ lập căn cứ hải quân và không quân trên lãnh thổ Philipin để khống chế lực lượng quân sự của các nước trong khu vực và đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông. Bàn về Biển Đông, nhiều nhà quân sự thế giới cho rằng: Ai làm chủ Trường Sa sẽ làm chủ Biển Đông.
(Theo tài liệu nội bộ)