Khi tôi sinh ra và lớn lên, đất nước đã ngưng tiếng bom đạn. Những người lính – trong đó có cha tôi – trở về quê nhà, cởi áo nhà binh khét cháy mùi mồ hôi và thuốc súng, gác chiếc balô mầu cỏ úa lên nóc tủ; bắt đầu cuộc đời một người dân thời bình. Những người đồng đội của cha cũng lần lượt trở về, người bám lấy đồng ruộng, người miệt mài trên những công trường, người trở về làm nghề gõ đầu trẻ… Mỗi người mỗi việc, nhưng chung một tâm niệm: tất cả cùng nỗ lực cho công cuộc phục hồi đất nước sau chiến tranh. Công việc ấy cũng cần kíp như chiến trường khi xưa cần tăng viện đạn dược và lương thực tiếp tế. Bởi đó là yêu cầu sống còn cho sự tồn tại và phát triển của quốc gia. Trong hai chữ “quốc gia” rộng lớn ấy, là sự yên bình của mỗi gia đình.
Sau ròng rã hai mươi năm chiến tranh, bom đạn giặc thù trút xuống đất này đủ san phẳng tất cả. Tính riêng ở Vĩnh Linh, mỗi người dân phải gánh trung bình 7 tấn bom. Vậy mà lạ kì thay, người dân vẫn kiên cường bám giữ đất, một tấc không đi, một li không rời. Sự sống đòi quyền được hồi sinh trên đổ nát và chết chóc. Chiến tranh qua đi, những làng mạc, trường học, bệnh viện, hệ thống đường xá, cầu cống… cần phải được dần hồi phục để bắt đầu một cuộc sống mới. Bởi vậy sự trở về của cha tôi, và những người đồng đội, câu chuyện chiến tranh của ngày hôm qua tạm khép lại. Dù phải bắt đầu cuộc sống mới bằng hai bàn tay trắng, nhưng họ đều ý thức được may mắn mình đang được hưởng; trong khi biết bao nhiêu người đồng chí đồng đội đã vĩnh viễn không thể trở về. Được sống đã là một niềm hạnh phúc lớn lao.
*
Thật kì lạ, từ khi còn là một đứa trẻ đến tuổi trưởng thành, biết yêu biết nhớ nhung, câu chuyện chiến tranh luôn đi theo tôi. Dù cha đã gấp lại chiếc áo trận mạc thuở nào, cất sâu trong đáy tủ; dù mẹ đã gói ghém lại tập ảnh cũ đã sờn mép và mốc lỗ chỗ, cùng những lá thư tay của đồng đội cũ là thanh niên xung phong – người còn người mất, thì những kỉ vật ấy vẫn thao thức trong ngôi nhà của chúng tôi, đi theo suốt những năm tháng tuổi thơ của tôi. Những ngày chớm lạnh, cha vẫn lấy chiếc chăn dù chiến lợi phẩm đắp cho tôi. Ngày trở rét, mẹ vá lại chiếc áo bông chần, khoác lên vai con trước lúc đến trường. Lọ đường nhà tôi làm từ hộp pháo sáng. Thi thoảng, những người đồng đội cũ của cha mẹ lại ghé thăm nhà, và cùng nhau xem lại những kỉ vật thời chiến. Những mái đầu ngả bạc run run bên vai nhau, miệng ai nấy đều cười mà nước mắt ngân ngấn.
Làng tôi ở, những cựu chiến binh vẫn họp nhau vào mỗi ngày 30 tháng 4. Ngày 27- 7, khói hương nghi ngút khắp làng. Trong khói hương cay xè mắt, là tiếng khóc hời gọi con của bà mẹ tuổi ngoài 90, sức lực chỉ còn mong manh như tàn tro. Bom trút xuống đúng nơi con mẹ đang làm nhiệm vụ. Khói bom tan đi, chỉ còn hố đất sâu hoắm, nát vụn. Biết tìm con mẹ ở đâu?
Tôi đã đi nhiều ngôi làng như thế trên đất nước này. Trên những nấm mộ liệt sĩ có tên và chưa tìm được tên tuổi rải rác khắp cả nước, dường như ai có điều kiện ghé thăm, đều muốn tự mình thắp lên một nén nhang, để tưởng nhớ và tri ân. Nghĩa cử của người đang sống liệu phần nào an ủi được những người nằm yên dưới đất sâu?
Trên những chặng đường ấy, tôi cũng gặp nhiều những hố bom ở Quảng Bình, ở Hà Tĩnh, Nghệ An… Những hố bom dù cỏ đã phủ xanh rì, nhưng lạ thay chúng không hề bị bồi lấp bởi biến động địa chất tự nhiên. Chúng vẫn hiện diện đó bất chấp thời gian, như những dấu chấm lặng, nằm ưu tư trên mặt đất. Tôi tự hỏi, liệu ai có thể thống kê được có bao nhiêu hố bom đã là mồ chôn chung những người lính, những thanh niên xung phong tuổi đời còn mơn mởn. Người còn sống tiếp bước người vừa ngã xuống, nối lại những con đường bom cày đạn xới, thông cho xe qua để kịp vào chiến trường miền Nam. Những dấu chấm lặng ấy vẫn đã và còn mãi nhức nhối trong lồng ngực những người còn đang sống đây.
*
Gần bốn mươi năm sau chiến tranh, đường bộ từ Bắc vào Nam, bên cạnh quốc lộ 1A có nguy cơ quá tải, đường Hồ Chí Minh đã kịp thời được xây dựng đưa vào sử dụng. Đường thênh thang, đủ rộng cho những đoàn xe nối nhau Nam tiến. Đặc biệt, đi giữa mùa thu này, con đường Hồ Chí Minh thơm nức mùi rơm – mùi của sự yên bình và no ấm.
Thật may, đường cao tốc, chưa bị nguy cơ nhà cửa xô nhau san sát dọc hai bên, đua nhau cửa hàng, cửa hiệu, biển to biển nhỏ mà ngăn mất mọi tầm nhìn. Hình như, đi trên con đường ấy, cảm nhận được rõ ràng hơn về nhịp sống sinh sôi trên những vùng miền của đất nước. Và cũng thấy yêu hơn đất nước mình qua màu xanh cây trái, trải dài bên những cung đường, phủ xanh những vạt đồi thuở xưa bom đạn cày nát.
Mỗi lần đi trên con đường ấy, thật tình cờ, tôi đều bắt gặp những chuyến xe chở hài cốt liệt sĩ. Xe chạy miệt mài chạy trên đường thiên lý, chở bên trong những cỗ quan tài phủ cờ đỏ sao vàng. Người ngồi trên xe, khuôn mặt cũng đã úa nhàu với thời gian. Nhưng niềm vui thì sáng lên trong đôi mắt ngang dọc vết chân chim. Cuộc đoàn tụ, dẫu muộn cũng còn hơn.
Còn bao nhiêu những bộ hài cốt liệt sĩ rải trên khắp chiến trường Bắc Trung Nam, rồi cả các chiến trường Lào, Campuchia, biết đến khi nào mới thôi không lưu lạc? Vẫn biết, hỏi thì cũng để hỏi mà thôi vì cuộc chiến đã cướp đi biết bao người con trai con gái tuổi đôi mươi. Chiến tranh lạnh lùng và tàn nhẫn. Những nấm mồ chôn chung những người đồng đội, những nấm mồ không toàn vẹn… vẫn còn nhiều lắm trên đất này.
Kí ức thuở trước giờ nằm lại trong trí nhớ của một thế hệ đã lên ông, lên bà, và có nguy cơ bị mai một. Thế hệ sinh ra và lớn lên sau năm 1975, đặc biệt là thế hệ sinh cuối thế kỉ XX, bắt đầu nghe về chiến tranh như nghe những câu chuyện thần thoại, thật khó có thể hình dung hay tưởng tượng, dù sách vở, phim ảnh đã phần nào dựng lên được quá khứ lẫm liệt ấy. Nhưng những trải nghiệm sống còn của thời chiến, thì vĩnh viễn thế hệ sau này không bao giờ có được.
Tôi hiểu được tâm trạng của một cựu thanh niên xung phong, nay là Trưởng ban liên lạc Thanh niên xung phong của tỉnh Nghệ An, khi kể lại câu chuyện về Truông Bồn, về sự hy sinh của 11 cô gái và 2 chàng trai của tiểu đội C317 trong buổi sáng “định mệnh” – ngày 31-10-1968 năm ấy – rằng: những gì xảy ra ở Truông Bồn đều là thật, chiến đấu thật, hy sinh thật. Đó tuyệt đối không phải là huyền thoại. Vì huyền thoại thì có thể có những sự thêm thắt, thêu dệt, nhưng những gì đã diễn ra ở Truông Bồn, không cần thêm thắt bất kì điều gì, nó cũng xứng đáng để người ta nhắc nhớ, và ghi tâm khắc cốt.
Chiến tranh không phải là huyền thoại. Nó là những dấu chấm lặng, nằm lại với thời gian, nhắc nhở những thế hệ hậu sinh.
Truông Bồn – Hà Nội, tháng 10 – 2012
Nguồn: vannghequandoi.com.vn