Nhiều độc giả có chung cái cảm giác sau tiểu thuyết Một mình một ngựa (2010), nhà văn Ma Văn Kháng sẽ không viết tiểu thuyết nữa, và nhìn chung sẽ ung dung tự thưởng ngoạn những những thành công trong văn nghiệp một thời vang bóng. Nhưng không! Trong hai năm 2011 và 2012, nhà văn lúc này đã ở cữ tuổi “xưa nay hiếm” vẫn khiến độc giả bất ngờ khi ra mắt liền hai cuốn tiểu thuyết Bóng đêm (Nxb Công an nhân dân), Bến bờ (Nxb Phụ nữ) và một tập truyện nhắn Mùa thu đảo chiều (Nxb Văn hoá – Văn nghệ). Gia tài “văn sản” của Ma Văn Kháng tính đến năm 2012 gồm 11 tập truyện ngắn và 14 cuốn tiểu thuyết, 1 tập hồi ký đặc sắc.
Mười hai truyện trong Mùa thu đảo chiều không ghi ngày tháng ở cuối như một dấu hiệu khẳng định của nhà văn về những câu chuyện mình kể với độc giả là chuyện muôn thưở, chuyện của quy luật muôn đời, chuyện của nhân tình thế thái từ xưa tới nay. Đọc 12 truyện ngắn này lại thấy Ma Văn Kháng vẫn đắm đuối, vồ vập với cuộc đời, con người. Dường như có một sức trẻ dồi dào, bất tận trong thân xác một người cao tuổi cầm bút không thôi “cùng xương cùng thịt”, “cùng đổ mồ hôi, cùng sôi nước mắt” không phải với nhân dân nói chung như lâu nay ta quan niệm, mà với con người bình thường, bé nhỏ với những kiếp phận muôn hình muôn vẻ và thường đắng đót của nó. Tôi đọc đâu đó một câu của một tác gia lớn thế giới, đại ý, nhà văn chỉ có thể viết hay được về thân phận con người khi chính anh cũng là một thân phận. Thân phận của nhà văn Ma Văn Kháng, theo tôi nghĩ, là thân phận của một người cầm bút có tinh thần nhập cuộc, dấn thân và sống hết mình với đời sống hiện sinh, vì thế có thể nói về một dấu ấn, hay tinh thần hiện sinh trong văn chương Ma Văn Kháng. Đã nhiều người nhận xét về cảm hứng thế sự trong sáng tác của Ma Văn Kháng, nhưng nếu nói về cảm hứng hiện sinh đời sống, thì theo tôi, sẽ tường minh hơn khi tiếp nhận tác phẩm của nhà văn này. Cốt lõi của cảm hứng này là sự quan tâm phát hiện của nhà văn tìm ra cái phi lí của cuộc đời, cái phi lí chứ không phải cái hợp lí mới là nhân tố, động lực chi phối , điều khiển sự vận hành của đời sống trong các thế đối lập của nó. Ông Tạo dường như bất công trói buộc Nguyệt (Mùa thu đảo chiều), người phụ nữ tài sắc vẹn toàn với một người chồng hèn kém, cùn nhụt đủ mọi thứ. Tác giả dường như nhập vào nhân vật mà kêu lên “Chao ôi là cái oái ăm, cái ác độc, xỏ xiên của ông tơ bà nguyệt!”. Nguyệt với những ham muốn cháy bỏng muốn cải biến được người chồng, cải biến hoàn cảnh nhưng trớ trêu thay “Nàng đã bị trúng đòn hiểm. Nàng đã thất bại hoàn toàn trong mưu toan cải đổi hoàn cảnh sống. Thất bại ê chề đến trong nháy mắt. Thất bại của nàng là thất bại của chính con người”. Tôi và nhiều độc giả khác yêu thích những truyện như Điệu Rumba mê dại, Hoa gạo đỏ, Đồng cỏ nở hoa, Hoa nhài buổi sớm mai, Ngõ hoang, Mùa thu đảo chiều. Trong những truyện này độc giả cảm nhận được đời sống trong toàn bộ tính chất phi lí của nó để rồi tự mình phát hiện ra chân lí, ra sự thật khác với những gì lâu nay ta quen một nếp nghĩ đơn giản, phiến diện, máy móc. Tôi thích nhân vật Hằng (Theo chồng), định ôm con thơ rời bỏ nhà chồng vì biết bao lí do tế nhị mà phận làm dâu, làm vợ khó giãi bày tỏ tường ngay cả với người ruột thịt. Nhưng cái trách nhiệm là một lí do để Hằng trở về nhà chồng, cái lí do khác bí ẩn hơn mới là sự vẫy gọi, đó là đời sống tình cảm (và cả tình dục) của vợ chồng “Ôi cái đời sống vợ chồng, cái hạnh phúc ngạt ngào bí ẩn, cái sinh thú tự nhiên nơi trần thế, cái bầu khí quyển quyến rũ quen thuộc của riêng hai người, chỉ riêng hai người được biết thôi, chỉ cần một đôi nét nhắc nhớ là đã nôn nao sung sướng, đã lộn lạo cả ruột gan, là đã có thể quên hết mọi đắng cay, bức bối, nhọc nhằn, kể cả ở chốn địa ngục trần ai, nơi hang hùm nọc rắn rồi. Thế đấy, cái thân phận đàn bà éo le nghe thì có vẻ khổ sở mà thực ra đâu có phải chỉ là rặt khổ sở”. Bình thường sự giải thích hành vi của con người từ bản năng tính dục, trước đây sẽ là “phạm húy” về lập trường tư tưởng, về gai cấp tính… Ma Văn Kháng là nhà văn luôn luôn cố gắng nhìn con người từ bên trong con người, nói cách khác là từ “tính người” nhìn ra “tính xã hội” của nhân vật, lần này trong Mùa thu đảo chiều, đặc điểm ấy càng nổi trội.
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng (áo trắng)
Đọc Mùa thu đảo chiều, riêng tôi rất ấn tượng về một nhịp điệu (rythme) văn xuôi Ma Văn Kháng. Nhịp điệu giúp nhà văn tạo ra cảm giác vận động của sự sống, chống lại sự đơn điệu, đơn nhất của văn bản nghệ thuật. Trong lĩnh vực văn xuôi, đặc biệt trong truyện ngắn, câu văn dài ngắn, co dãn và độ gấp khúc của nó khi lặp lại cũng có tác dụng tạo nên nhịp điệu cảm nhận đời sống. Đọc Điệu Rumba mê dại, tôi như thấy cả một nhịp điệu mê man chốn thị thành khi mà đời sống phơi mở biết bao phương diện mới mẻ, mời gọi và hấp dẫn con người – trong đó có khiêu vũ. Đó có thể nói là một không gian sống hiện sinh nhập cảng, có lẽ có từ thời người Pháp đến Việt Nam chăng? Và bây giờ thì như nấm mọc sau mưa. Này đây “Người múa đôi với Hoan giờ đây là một trang công tử tuấn tú, hào hoa, đã trở nên gần gụi tới mức có thể thổ lộ tâm tình và càng lúc càng cuốn hút Hoan rồi… Ôi, vũ điệu Rumba mê dại của Hoan! Nàng thấy mình xoay tít và trong chốc lát, không phải do người đàn ông tạo nên, mà là chính nàng trong một ngẫu hứng kì ảo, bỗng nhẹ bẫng, trong suốt, tự mình tung mình lên cao. Rồi liền đó, sau khi như một cánh hoa đậu xuống sàn nhảy, lại gần như chập làm một, dán chặt vào thân thể người đàn ông nọ. Một ngọn lửa khát khao đã bùng cháy. Một con hồ nổi sóng. Một kích thúc dữ dội đẩy ra từ bên trong khiến nàng lúc này bỗng thấy đau tức cả vồng ngực dày như vừa được đắp nặn thêm và căng nhức hai bắp đùi”. Những câu văn dài ngắn khác nhau với độ gấp khúc hết sức linh hoạt đã cho chúng ta cảm nhận cái không khí, cái nhịp sống đầy hiện sinh ở vũ trường (hay bãi nhảy). Đồng thời cũng làm phát lộ cái “điệu tâm hồn” mới nẩy sinh trong con người Hoan, vốn lâu nay đã chán chường chồng là một nhà “khoa học trong tháp ngà”. Hoan là con người của đời sống phồn thực, hiện sinh, năng động đầy biến ảo, và nàng đã những tưởng mình làm được như thế, nhưng nàng đã thất bại ê chề trong cuộc tự giải thoát mình. Nhịp điệu văn xuôi trong trường hợp này thật gấp gáp, giống như vó ngựa phi nước kiệu chuyển sang nước đại. Nhưng có trường hợp nhịp điệu văn xuôi lại chuyển từ nước đại chuyển sang nước kiệu như trong Hoa nhài buổi sớm mai. Đó là khi bất ngờ Tôi (người kể chuyện ) phát hiện ra tình cảm của Nhung “Nhung cầm tay tôi, mân mê rồi thình lình nâng lên và áp nhẹ vào khuôn ngực mình. “Anh xem!”. Vừa hào hển thở nàng vừa lập cập bật hàng khuy áo. Tay tôi lập tức như một sinh vật nhỏ nằm im ngoan ngoãn với cảm giác mát lịm mê man trong khi bên tai tôi là cái giọng chênh chao ngọt lịm của nàng… Run lên từ xúc giác nỗi bàng hoàng kinh dị, tôi đã bắt gặp điều ao ước siêu thường. Khuy áo đã tuột nhết. Hai vạt áo như hai cánh màn toang mở một cung điện giữa thanh thiên”. Cái cảm giác “sốc” đó đã khiến cho “Rất nhiều năm về sau, kể cả khi đã lập gia đình, tôi vẫn không nguôi nhớ thương Nhung… Nhung, một tình yêu nồng nàn và thuần khiết. Nhung, đóa hoa nhài buổi sớm mai”.
Mấy dẫn chứng trên, dù không nhiều và có thể chưa đủ thuyết phục, nhưng tôi tin Ma Văn Kháng có ý thức tìm kiếm một nhịp điệu văn xuôi của riêng mình. Không chỉ có giọng điệu mà cả nhịp điệu cũng là một yếu tố quan trọng của tác phẩm văn chương có thể để lại trong tâm trí độc giả những ám ảnh nghệ thuật sâu sắc và lâu bền.
Nguồn: Vanvn.net