Hoạt động kỷ niệm 1300 năm sinh (712-2012) của nhà thơ nổi tiếng đời nhà Đường Đỗ Phủ (712-770), các cơ quan quản lý văn hoá, các đoàn thể văn học nghệ thuật, trên một vạn cư dân mạng Trung Quốc, đã tổ chức nhiều phương thức hoạt động kỷ niệm phong phú: Thi sáng tác thơ từ quốc tế “cúp Thi Thánh”; Thi sáng tác ngâm vịnh thơ “cúp Đỗ Khang tửu”; Hội thảo về giá trị hiện thực chủ nghĩa của thơ Đỗ Phủ; Du lịch tìm hiểu hành trình cuộc đời của Đỗ Phủ; Sưu tầm danh ngôn của các danh nhân ca ngợi con người và thơ Đỗ Phủ; Tổ chức “Hội thảo kỷ niệm 1300 năm sinh Đỗ Phủ” tại Matscơva (6/4/2012); v.v…
Trên hành trình tìm hiểu cuộc đời của Đỗ Phủ, sách báo Trung Quốc bước đầu đã giới thiệu những danh lam thắng cảnh kỷ niệm Thi Thánh Đỗ Phủ, trên đất nước Trung Hoa từ xưa đến nay: là Đỗ Công từ, ba ngôi mộ của Đỗ Phủ (tại Bình Giang, Lỗi Dương và Củng Nghĩa), hai khu nhà kỷ niệm Đỗ Phủ thảo đường (ở Thành Đô và ở Huyện Thành), Nhà ở cũ của Đỗ Phủ, thôn Đỗ Khang (nơi Đỗ Phủ đã từng uống rượu, sáng tác và ngâm thơ), Đỗ Phủ giang các, Đỗ Phủ tây các, v.v…
Nhà ở cũ của Đỗ Phủ (Đỗ Phủ cố lí)
Nhà cũ của Đỗ Phủ ở xóm Nam Đào, cách thành cổ của thành phố Củng Nghĩa (tỉnh Hà Nam) về phía đông một km. Ngôi nhà này lưng dựa vào núi Giá Bút, phía trước là cánh đồng rộng màu mỡ, dòng sông Đông Tứ chảy qua đây, rồi đổ vào sông Lạc Thuỷ. Nhà thơ nổi tiếng đời nhà Đường Đỗ Phủ (712-770) đã sinh ra tại ngôi nhà gạch ngói ở chân núi Giá Bút. Ông nội của Đỗ Phủ, tên là Đỗ Y Nghệ, từng làm quan Huyện lệnh huyện Củng. Phụ thân Đỗ Thẩm Ngôn là thi nhân đầu nhà Đường. Hồi nhỏ nhà thơ Đỗ Phủ đã sống với gia đình tại đây.
Vùng này đất đai màu mỡ, sông núi tráng lệ, đã nuôi dưỡng nhà thơ trưởng thành, đào luyện phẩm cách của thi nhân. Năm 1962, nhà cũ của Đỗ Phủ được trùng tu tôn tạo, khôi phục nguyên dạng.
Nhà văn hoá trứ danh Quách Mạt Nhược đã đề từ “Đỗ Phủ cố lí kỷ niệm quán”.
Đỗ Phủ thảo đường huyện Thành
Đỗ Phủ thảo đường, còn gọi là Đỗ Công từ, ở cạnh bên phải cửa thung lũng Phi Long Hiệp, dưới chân núi Phượng Hoàng, cách huyện lị huyện Thành 4 km về phía đông nam.
Năm Càn Nguyên thứ 2, triều nhà Đường (759) Đỗ Phủ từ Tần Châu đến Đồng Cốc (huyện Thành, tỉnh Cam Túc ngày nay), “xây dựng một ngôi nhà tranh để dung thân”.
Thảo đường được trùng tu tôn tạo vào thời đại Bắc Tống. Năm Vạn Lịch thứ 46, triều Minh (1618), lại được trùng tu tôn tạo. Ngôi nhà hiện còn là công trình kiến trúc đời nhà Thanh. Nhà hướng đông, chiều bắc nam rộng khoảng 10 mét, chiều đông tây rộng khoảng 30 mét. Hiện còn 3 gian 2 trái. Trước đây có tượng Đỗ Phủ, đã hư tổn từ lâu. Sân vườn cây cổ thụ xanh tốt, bia đá la liệt. Phía trước nhà có núi đá nhọn hoắt, có hai tảng đá đứng đối diện kề nhau, hình thành một ngôi nhà, truyền thuyết kể rằng có chim phượng hoàng đậu trên đó, nên có tên là “Phượng Hoàng đài”.
Trong bài thơ “Phượng Hoàng đài”, Đỗ Phủ có viết “đường đá tuyệt vời, núi đá hùng vĩ. Như cây thang vạn trượng, để ngài leo lên đầu”.
Ngôi nhà tựa vào vách Tiên, hai ngọn đối xứng, giống như hai nho sĩ, dân chúng gọi là “đỉnh Tú Tài”. Trên núi có nhiều cây tùng bách, hoè, hải đường, trúc vằn, v.v…
Theo “Thành huyện huyện chí” ghi chép, nhiều bài thơ của Đỗ Phủ, như “Phượng Hoàng đài”, “Phát Đồng Cốc huyện”, “Thạch lũng”, “Nê Công sơn”, “Tích thảo lĩnh”, … đều làm tại đây.
Đỗ Phủ thảo đường Thành Đô
Rất nhiều người Việt Nam đã biết đến tuyệt tác của nhà thơ Trung Quốc đời Đường Đỗ Phủ. Đó là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt “Tuyệt cú”
Lưỡng cá hoàng lệ minh thuý liễu,
Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên.
Song hàm Tây Lĩnh thiên thu tuyết,
Môn bạc Đông Ngô vạn lý thuyền.
Tạm dịch là:
Đôi oanh vàng hót xanh cành liễu,
Một đàn cò vạch trắng trời xanh.
Tuyết phủ Non Tây lồng cửa sổ,
Thuyền xuống Đông Ngô đậu cổng nhà.
(Bản dịch của Vũ Phong Tạo)
Bài thơ này viết vào mùa xuân năm Quảng Đức thứ nhì (764), khi Đỗ Phủ mới trở về Thảo Đường, là giai tác tả cảnh trong kho báu thơ Đỗ Phủ.
Bốn câu thơ này đều đăng đối, thất ngôn tuyệt cú mỗi câu một cảnh, giống như một bức tranh màu sinh động sặc sỡ: Oanh vàng, liễu biếc, cò trắng, trời xanh, sắc điệu đàm nhã hài hoà, hình ảnh có động có tĩnh, thị giác từ gần đến xa, lại từ xa đến gần, chỉnh thể bức tranh đem lại cho người ta cảm thụ đã tế nhị lại rộng mở. Câu kết, cũng bộc lộ ẩn ý của nhà thơ khi ấy có dự định muốn đi thuyền xuống Đông Ngô.
Đó cũng là một bài thơ tả cảnh tuyệt vời của Thi Thánh gắn liền với Di tích lịch sử văn hoá “Đỗ Phủ thảo đường Thành Đô”.
Đỗ Phủ thảo đường tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, hiện nay là Viện Bản tàng Đỗ Phủ thảo đường Thành Đô; Là viện bảo tàng kỷ niệm Đỗ Phủ, nhà thơ hiện thực chủ nghĩa vĩ đại Trung Quốc đời Đường; Là nơi ở của Đỗ Phủ năm xưa khi ngụ cư tại Thành Đô, do người đời sau trùng tu tôn tạo để bảo tồn và trở thành địa điểm hành hương chiêm ngưỡng “Thi Thánh” Đỗ Phủ.
Đỗ Phủ thảo đường (Viện Bảo tàng Đỗ Phủ thảo đường Thành Đô) ở bên bờ suối Cán Hoa, ngoài Cửa Tây thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, là nơi ở cũ của Đỗ Phủ. Mùa đông năm 759, nhằm tránh xa cuộc khởi nghĩa của An Lộc Sơn và Sử Tư Minh nổi lên chống lại triều đình nhà Đường, mà lịch sử Trung Hoa gọi là “An Sử chi loạn”, Đỗ Phủ dẫn gia đình chạy loạn vào đất Thục, xây dựng nhà tranh tại Thành Đô để cư trú, gọi là “Thành Đô thảo đường”. Đỗ Phủ lần lượt cư trú tại đây gần bốn năm, sáng tác trên 240 bài thơ còn lưu truyền đến nay. Bài thơ “Nghe tin quân triều đình thu hồi Hà Nam Hà Bắc” trong số đó, hiện tại trở thành bài học bắt buộc của học sinh nhiều vùng đất Trung Quốc.
Thảo đường cố cư được coi là “Thánh địa” trong lịch sử văn học Trung Quốc. Năm xưa khi đến Thành Đô, Đỗ Phủ cảm thấy Thành Đô cảnh sắc dễ chịu thích nghi với con người, bèn định cư tại đây, tự mình xây dựng Đỗ Phủ thảo đường, do khi ấy gia cảnh nghèo khó, ông còn phải viết không ít thơ để đổi lấy giống cây hiếm hoa cỏ quý của những danh gia vọng tộc tại địa phương, rồi tự tay trồng tỉa chăm sóc cây bóng mát và cây cảnh. Ông rất mê một khoảnh đất quý bên bờ suối Cán Hoa, nên quyết định xây cất ngôi nhà ở ngay bên bờ suối.
Lịch sử hình thành của thảo đường khá lâu dài. Mùa đông năm 759, nhằm tị nạn “An Sử chi loạn”, Đỗ Phủ dắt gia đình từ Lũng Hữu (miền nam tỉnh Cam Túc ngày nay) chạy vào đất Thục đến Thành Đô. Mùa xuân năm sau, được sự giúp đỡ của bạn bè, xây dựng một ngôi nhà tranh bên bờ suối Cán Hoa phong cảnh đẹp như tranh vẽ, tại ngoại ô phía tây Thành Đô để cư trú. Mùa xuân năm thứ hai, ngôi nhà tranh hoàn thành, gọi tên là “Thành Đô thảo đường”. Ngôi nhà nhắc đến trong thơ của ông “ngôi nhà tại phía tây cầu Vạn Lý, làng phía bắc đầm Bách Hoa” chính là Thành Đô thảo đường.
Ông đã cư trú ở đây gần bốn năm, vì đã từng được thụ phong hàm “Kiểm hiệu Công bộ Viên ngoại lang”, nên ông còn được dân chúng gọi là Đỗ Công bộ. Tại đây, ông đã để lại trên 240 bài thơ, như “Xuân dạ hỉ vũ”, “Thục tướng”, v.v…trong đó bài “Nhà tranh bị gió thu thổi đổ” là một tác phẩm “thiên cổ tuyệt xướng”. Trong thời gian ngụ cư tại Thành Đô, Đỗ Phủ đã giao du rộng rãi, kết nhiều bạn thân, cùng nhau làm thơ phú, đề từ thư hoạ, những tác phẩm hay liên tục ra lò. Năm 765, Nghiêm Vũ (một người bạn thân thời thơ ấu của Đỗ Phủ, làm Tiết độ sứ tại Thành Đô, thường xuyên giúp đỡ Đỗ Phủ về tinh thần vật chất) ốm chết, Đỗ Phủ mất đi chỗ dựa duy nhất đành phải di chuyển gia đình đi khỏi Thành Đô, hai năm sau đi qua Tam Hiệp rồi sống lưu lạc tại nhiều nơi như Kinh Châu, Hồ Nam.
Sau khi Đỗ Phủ rời khỏi Thành Đô, thảo đường bèn không còn nữa, sau đó Vi Trang, nhà thơ đất Thục, thời Ngũ Đại tìm thấy di chỉ thảo đường, dựng lại nhà tranh, khiến cho thảo đường được bảo tồn. Trải qua các triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Đỗ Phủ thảo đường được nhiều lần trùng tu tôn tạo, trong đó có hai lần trùng tu lớn nhất là vào năm 1500 (năm Hoằng Trị thứ 13 triều Minh) và năm 1811 (năm Gia Khánh thứ 16 triều Thanh), về cơ bản đã tôn tạo định hình được quy mô và bố cục của Đỗ Phủ thảo đường, diễn biến dần rồi trở thành một viện bảo tàng đã thống nhất phong cách bố cục của một từ đường kỷ niệm với phong cách diện mạo một nơi ở cũ của nhà thơ; một thánh địa văn hoá nổi tiếng, với những công trình kiến trúc cổ kính chất phác điển nhã, vườn rừng thanh u tú lệ.
Đỗ Phủ thảo đường gần đây đã trải qua những cột mốc đáng nhớ:
Tháng 3 năm 1961 được Quốc vụ viện (chính phủ trung ương) công bố là Đơn vị bảo hộ văn vật trọng điểm toàn quốc đợt đầu tiên.
Tháng 5 năm 1985 thành lập Viện Bảo tàng Đỗ Phủ thảo đường Thành Đô.
Tháng 12 năm 2006 được Tổng cục Du lịch quốc gia Trung Quốc bình chọn công nhận là Khu danh thắng du lịch cấp 4 sao quốc gia.
Tháng 5 năm 2008 được Tổng cục Văn vật quốc gia bình chọn công nhận là Viện Bảo tàng cấp I quốc gia đợt đầu tiên.
Viện Bảo tàng Đỗ Phủ thảo đường Thành Đô là một cơ sở quy mô lớn nhất, bảo tồn hoàn hảo nhất, đặc sắc nhất và nổi tiếng nhất trong những Di tích về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Đỗ Phủ được bảo tồn đến hiện nay.
Địa chỉ hiện tại của Bảo tàng Đỗ Phủ thảo đường Thành Đô: Số 38, đường Hoa Thanh, thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên.
Thời gian mở cửa: Mùa hè: 7:30 – 19:00; Mùa đông: 8:00 – 18:00
Giá vé vào cửa: Người lớn 60 tệ, Học sinh 30 tệ (1 nhân dân tệ tương đương 3.000 VNĐ).
Miễn vé người già bản địa có thẻ Hội viên người cao tuổi, miễn vé người già nơi khác 70 tuổi trở lên (trừ những ngày lễ tết).
Tình hình giao thông: Các tuyến xe buýt nội thị chạy qua đây: 301, 82, 84, 35, 17, 59
Đỗ Công từ (Thiểm Tây)
Đỗ Công từ cách thành phố Tây An 12 km về phía tây bắc, trước đây thuộc huyện Trường An, tỉnh Thiểm Tây.
Năm Gia Tĩnh thứ 5, triều Minh (1526) xây dựng từ đường để kỷ niệm Đỗ Phủ. Sau đó, hai lần trùng tu tôn tạo, vào năm Vạn Lịch thứ 5 (1577) và năm Khang Hy thứ 41, triều Thanh (1702). Văn nhân học sĩ hai triều Minh, Thanh đến đây cúng viếng và đề vịnh thơ ca, qua thơ ca của họ có thể thấy được tình hình thay đổi của Đỗ Công từ.
Năm Gia Khánh thứ 6, triều Thanh (1804), lại được trùng tu tôn tạo, sau đó lại qua 2 lần trùng tu, quy mô khá lớn.
Sau khi thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, được trùng tu tôn tạo toàn diện, đến năm 1978 thành lập “Nhà kỷ niệm Đỗ Phủ”.
Đỗ Phủ có đến 8 ngôi mộ
Đỗ Phủ sinh ra tại Củng Nghĩa (Hà Nam); thời trẻ đã từng du lịch các miền Giang Nam, Sơn Tây; sau phiêu bạt ở vùng Cam Túc, Tứ Xuyên; cuối cùng lưu lạc ở các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam; năm 770 ốm chết trong nghèo khó, tại Hồ Nam, khi ấy mới 59 tuổi. Nhưng, nơi chôn cất ông tại đâu, vẫn đang tồn tại 8 luận thuyết, nghĩa là Trung Quốc hiện nay có đến 8 ngôi mộ của Đỗ Phủ: 1 ngôi ở Hồ Bắc (Tương Dương), 2 ngôi ở Hà Nam (Yển Sư, Củng Nghĩa), 2 ngôi ở Hồ Nam (Lỗi Dương, Bình Giang), 2 ngôi ở Thiểm Tây (Lộc Châu, Hoa Châu), 1 ngôi ở Tứ Xuyên (Thành Đô).
Học giả Khương Hải Khoan, Phó chủ tịch Hội Nghiên cứu Đỗ Phủ thuộc Viện Khoa học xã hội tỉnh Hà Nam, nói: “Phía sau một nhân thân có 8 ngôi phần mộ, song mộ thật chỉ có 1 ngôi. Nơi an táng cuối cùng nên tại Củng Nghĩa.”
Chúng tôi giới thiệu 3 ngôi mộ của Đỗ Phủ, một ngôi ở thành phố Củng Nghĩa, tỉnh Hà Nam; Hai ngôi mộ ở tỉnh Hồ Nam, đã được in trong bộ sách “Trung Quốc danh thắng từ điển” do Thượng Hải từ thư xuất bản xã, ấn hành tháng 7 năm 1997, gồm 1104 trang khổ 19×26 cm, với dung lượng 2.496.000 chữ Hán.
Ngôi mộ Đỗ Phủ ở tỉnh Hà Nam, an táng trên núi Vong Lĩnh, phía tây thôn Khang Điếm, các thành cổ thành phố Củng Nghĩa khoảng 6 km, về phía tây bắc.
Mộ địa nhìn về hướng nam, từ tây sang đông có ba ngôi mộ đất theo thứ tự: Mộ Đỗ Phủ, mộ trưởng nam Tông Văn, mộ thứ nam Tông Vũ.
Mộ địa hình đấu úp, cao 10 mét, chiều dài khoảng 72 mét.
Mùa xuân năm 1980, trên mộ và chung quanh trồng các loại cây xanh cả mùa đông và cây bách, hè đông đều xanh mát. Trước mộ có hai tấm bia, cao 2 mét. Bia trước viết chữ khải “Đường, Đỗ Thiếu Lăng tiên sinh chi mộ”. Tấm bia sau đề “Đỗ Thiếu Lăng mộ bi”.
Năm Đại Lịch thứ 5, triều Đường (770), trên đường đến Tương Giang, Hồ Nam, Đỗ Phủ ốm chết (có thuyết nói chết ở Lỗi Dương), vì người nhà không có khả năng an táng, linh cữu quàn tạm tại Nhạc Châu (huyện Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam ngày nay). Năm Nguyên Hoà thứ 8 (818), cháu đích tôn của ông là Đỗ Tự Nghiệp mới di chuyển hài cốt ông về an táng tại huyện Củng (thành phố Củng Nghĩa ngày nay). Có thuyết nói di chuyển về an táng ở chân núi Thủ Dương, Hà Nam, dưới núi Thủ Dương ngày nay cũng có mộ Đỗ Phủ. Tại Lỗi Dương và Bình Giang (Hồ Nam) cũng có mộ Đỗ Phủ.
Mộ Đỗ Phủ ở Hồ Nam, có hai ngôi.
Một ngôi tại ngoại thành gần Tiểu Điền, huyện Bình Giang (huyện lị Xương Giang, đời nhà Đường). Bia mộ đá bạch ngọc dựng thời nhà Hán ghi trên bia mộ: “Đường, Tả thập di Công bộ viên ngoại lang Đỗ Văn Trinh công mộ”.
Mộ xây bằng gạch và đá, cao 1 mét, đường kính 2,6 mét, nhà mồ gồm một gian hai trái, đều xây bằng gạch xanh hình thang. Bên cạnh có nhiều người họ Đỗ cư trú, là hậu duệ giữ mộ cha ông.
Đỗ Phủ (712-770), tự Tử Mỹ, nhà thơ nổi tiếng đời nhà Đường, nguyên quán Tương Dương (Hồ Bắc ngày nay), khi ông nội di cư đến huyện Củng (thành phố Củng Nghĩa, tỉnh Hà Nam ngày nay), Đỗ Phủ đã từng làm quan Tả thập di, Kiểm hiệu Công bộ viên ngoại lang. Mùa xuân năm Đại Lịch thứ 5, triều Đường (770), Đỗ Phủ tị nạn “Tàng Giới loạn”, mà đi vào Hoành Châu (huyện Hoành Dương ngày nay), đã đi thăm Nam Nhạc, sau đó đi thuyền xuống Kinh Châu (huyện lị Giang Lăng, Hồ Bắc ngày nay), chết tại đây, hưởng dương 59 tuổi, an táng nhờ tại Nhạc Dượng.
Một ngôi mộ khác an táng bên trong Trường học Đỗ Lăng, huyện lị Lỗi Dương, Hồ Nam (trường Trung học số 1 của huyện hiện nay). Có bia mộ đá hoa cương, trên bia khắc “Đường, Công bộ Đỗ Công chi mộ”, nghi mộ này là mộ mũ áo. Năm Cảnh Định thứ 4, triều Nam Tống (1263) mộ được trùng tu.
Hai ngôi mộ của Đỗ Phủ ở tỉnh Hồ Nam đều được bảo tồn hoàn hảo, du khách thập phương thăm viếng rất đông.
Đỗ Phủ tây các và Đỗ Phủ giang các
Ngoài ra, còn hai điểm du lịch văn hoá kỷ niệm nhà thơ Đỗ Phủ cũng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.
Đỗ Phủ tây các được dân chúng đời sau cải tạo nâng cấp lầu Mãn Nguyện, động Quan Âm, dưới chân núi Bạch Đế (thuộc huyện Phụng Tiết, tỉnh Tứ Xuyên) thành điểm du lịch văn hoá kỷ niệm Đỗ Phủ. Bởi vì, nơi đây ngày xưa có tên là Quỳ Châu, nơi Đỗ Phủ đã ngụ cư 1 năm 9 tháng, làm trên 440 bài thơ.
Đỗ Phủ giang các ở đầu cầu Tây Hồ (Trường Sa, Hồ Nam), bên sông Tương Giang, nơi Đỗ Phủ đã tạm trú trên đường xuống Kinh Châu. Điểm du lịch văn hoá kỷ niệm Đỗ Phủ này chính thức mở cửa phục vụ công chúng vào tháng 10 năm 2005, với diện tích đất vườn rộng trên 6.000 mét vuông, diện tích kiến trúc trên 3.800 mét vuông, khu nhà gồm 4 tầng, cao 18 mét. Hoành phi viết 4 chữ lớn “Đỗ Phủ giang các”.
Hội thi thơ Đỗ Khang
Tại vùng đất Hà Lạc địa linh nhân kiệt, có “Đỗ Khang thôn”, cách huyện lị Nhữ Dương, tỉnh Hà Nam 25 km về phía bắc. Tương truyền đây là nơi Đỗ Khang nấu rượu. Theo truyền thuyết, Đỗ Khang là người phát minh ra nghề nấu rượu, rượu nấu ra được mệnh danh là “Đỗ Khang tửu”, đã có trên 2.500 năm lịch sử.
Trong thi phẩm “Đoản ca hành”, Tào Tháo – nhà chính trị, nhà thơ thời Tam Quốc – đã từng ca tụng “Có thể giải sầu, chỉ có Đỗ Khang”. “Rượu Đỗ Khang đã làm say Lưu Linh” cũng là một giai thoại được lưu truyền sâu rộng.
Năm 1994, tại đây đã xây dựng “Đỗ Khang tiên trang”, với tổng diện tích 1.500 mét vuông, trong đó có “Viện Bảo tàng rượu Trung Quốc”, trưng bày trên 5000 loại rượu trong và ngoài nước; trên 300 hiện vật văn hoá về dụng cụ nấu rượu, uống rượu trong lịch sử Trung Quốc; hàng ngàn tư liệu lịch sử, tranh ảnh làm rõ phong cách diện mạo lịch sử 5.000 năm văn hoá rượu Trung Quốc.
Đỗ Phủ và Đỗ Khang cùng nguồn cội sâu xa. Đỗ Phủ sinh ra tại thành phố Củng Nghĩa, thuộc vùng đất Hà Lạc; Đỗ Khang nấu rượu ở huyện Nhữ Dương, cũng thuộc vùng Lạc Dương, Hà Nam; cự ly giữa hai nơi chỉ khoảng 100 cây số, lại cùng thuộc dòng tộc họ Đỗ.
Là nhà thơ hiện thực chủ nghĩa vào thời kỳ Thịnh Đường, Đỗ Phủ lo cho nước lo cho dân, thường lo trước nỗi lo của thiên hạ, ông cũng thường uống rượu Đỗ Khang để tiêu giải ưu sầu trong lòng, đã từng để lại câu thơ “Đỗ tửu tần lao khuyến” (rượu Đỗ Khang đã nhiều lần giải mệt tiêu sầu).
Công ty cổ phần Đỗ Khang Lạc Dương đã mời những người Hoa yêu thơ trên toàn cầu tham gia “Hội thi thơ Đỗ Khang” kỷ niệm 1300 năm sinh “Thi Thánh” Đỗ Phủ, bắt đầu từ ngày 31 tháng 3, kết thúc vào ngày 31 tháng 5 năm 2012, tại khu Kim Thuỷ, thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
VŨ PHONG TẠO lược dịch
(Theo sách báo Trung Quốc)