Lolita, Cuốn theo chiều gió, Mặt trời vẫn mọc… là những cuốn tiểu thuyết rất quen thuộc với hàng triệu bạn đọc trên khắp thế giới. Tuy nhiên, ít ai biết rằng chúng đã từng trải qua vô vàn khó khăn mới đến được với bạn đọc
Lolita của Vladimir Nabokov
Ngày 18/8/1958, cuốn tiểu thuyết Lolita được xuất bản tại Mĩ và nhanh chóng trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Tuy nhiên, con đường để cuốn sách này đến với độc giả trong thực tế rất dài.
Trong nhiều năm, Vladimir Nabokov liên tục gõ cửa nhiều nhà xuất bản với các bản thảo về Lolita. Tuy nhiên, câu chuyện về mối tình của một người đàn ông trưởng thành và một biên tập viên tuổi teen thời bấy giờ được xem là không đúng chuẩn mực và bị từ chối thẳng thừng.
“Phi thực tế”, “những giấc mơ thần kinh”, “nên chôn sâu ý tưởng này thêm một ngàn năm nữa”… chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều đánh giá tiêu cực mà các nhà xuất bản dành cho Nabokov. Cuối cùng, một nhà xuất bản tại Pháp đã “liều” xuất bản tác phẩm này.
Sau khi được phát hành tại Mĩ, Lolita nhanh chóng tạo ra một tiếng vang trên toàn thế giới và đưa tên tuổi của Nabokov lên một tầm cao mới, còn các nhà xuất bản đã từng từ chối nó trước đó chắc hẳn đều thấy hối hận và nuối tiếc.
Lord of the Flies (Chúa ruồi) của William Golding
Tiểu thuyết ngụ ngôn giành giải Nobel Văn học này có lẽ sẽ không thể đến được với độc giả nếu Golding không có lòng kiên trì. Chúa ruồi đã bị từ chối xuất bản tới 21 lần cho đến khi nhà sách của Anh – Faber & Faber đồng ý giúp Golding với điều kiện phải cắt bỏ đi trang đầu, trong đó mô tả sự kinh hoàng của chiến tranh hạt nhân.
Ban đầu, nhà xuất bản Faber & Faber đã xem quyết định của mình là một sai lầm và mô tả cuốn sách của Golding là nhàm chán và vô lý bởi trong năm đầu tiên Chúa ruồi chỉ tiêu thụ được 3.000 bản.
Tuy nhiên, sau đó một vài năm, cuốn sách đột nhiên trở nên đặc biệt thu hút người đọc và nhanh chóng trở thành cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất năm 1960. Chúa ruồi còn được đưa vào giảng dạy trong nhiều trường cao đẳng và trường học và thậm chí là lọt vào danh sách 100 cuốn sách hay nhất mọi thời đại.
The Sun Also Rises (Mặt trời vẫn lặn) của Ernest Hemingway
“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu bạn đã viết câu chuyện này trong khi đang ngồi ở hộp đêm với một tay cầm bút và một tay cầm cốc rượu… Nhà xuất bản của chúng tôi chỉ đăng tải những bản thảo độc đáo và ấm áp. Tôi e rằng thứ bạn viết không đáp ứng được tiêu chí này” – đó là câu trả lời mà Ernest Hemingway nhận được từ nhà xuất bản Peacock & Peacock về bản thảo của tiểu thuyết Mặt trời vẫn lặn.
Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, nhà xuất bản này đã phải thấy hối tiếc vì những lời nhận xét thiển cận và quyết định từ chối xuất bản cuốn tiểu thuyết đem lại cho Hemingway giải Nobel.
War of the Worlds (Chiến tranh liên hành tinh) của HG Wells
War of the Worlds xuất hiện lần đầu trên tạp chí Pearson vào tháng tư năm 1897, sau khi nó đã được in thành sách. Đường đến với các độc giả của cuốn sách gây chấn động thế kỉ XX này rất dài. Bởi một loạt các nhà xuất bản lúc bấy giờ không thấy câu chuyện về lịch sử các cuộc xâm lược của người ngoài hành tinh trên trái đất có gì thú vị.
Thậm chí một số nhà xuất bản còn mô tả cuốn tiểu thuyết này “khủng khiếp”, tác giả của nó “không có tài văn chương”.
Gone with the wind (Cuốn theo chiều gió) của Margaret Mitchell
Câu chuyện về cuộc tình đầy lãng mạn của Scarlett O’Hara và Rhett Butler trong cuốn tiểu thuyết dài 1000 trang Cuốn theo chiều gió đã từng bị 38 nhà xuất bản từ chối trong những năm 1930.
Nhưng khi Macmillan Publishers mạnh bạo in nó, số lượng sách bán ra đều nhanh chóng phá vỡ các kỉ lục. Chỉ trong sáu tháng, hơn một triệu bản đến tay độc giả và tạo nên một cơn sốt trên khắp nước Mĩ và toàn thế giới. Cuốn theo chiều gió đã giành được giải thưởng Pulitzer.
Slaughterhouse-Five (Lò sát sinh số 5) của Kurt Vonnegut
Với cuốn tiểu thuyết kinh điển này, Vonnegut cũng đã từng bị nhiều nhà xuất bản từ chối với lí do “không thích hợp”. Tuy nhiên, sau khi được xuất bản, nó cũng nhanh chóng tạo được tiếng vang và thậm chí được dựng thành phim vào năm 1972.
Slaughterhouse-Five (Lò sát sinh số 5), xuất bản năm 1969, là tác phẩm phản chiến mang ý nghĩa đả kích, châm biếm nổi tiếng của Vonnegut. Cuốn sách từng được coi là Thánh Kinh của những người Mĩ phản đối chiến tranh tại Việt Nam lúc bấy giờ. Nhưng trong một bài viết trên tờ News-Leader, Wesley Scroggins – giáo sư Đại học Missouri – cho rằng, tác phẩm của Vonnegut chứa đựng “quá nhiều ngôn từ tục tĩu, báng bổ”.
Lò sát sinh số 5 cũng đã từng bị cấm lưu trữ tại một số thư viện trường đại học ở Mĩ. Tuy nhiên, do sự phản đối dữ dội từ phía sinh viên, cuốn sách sau đã được đưa trở lại kệ, nhưng trong khu vực hạn chế.
Jonathan Livingston Seagull (Hải âu Jonathan Livingston) của Richard Bach
Nhà văn Mĩ đã từng 18 lần bị từ chối khi đi tìm một nhà xuất bản cho cuốn tiểu thuyết dụ ngôn của mình. Các nhà xuất bản nói rằng họ không muốn sản xuất một cuốn sách so sánh người với loài chim.
Cho đến năm 1970, khi Macmillan quyết định cho cuốn sách một cơ hội đến với độc giả, nó đã không làm họ thất vọng. Jonathan Livingston Seagull ngay lập tức trở thành một tác phẩm yêu thích của tất cả các sinh viên tại các trường đại học Mĩ.
Harry Potter và Hòn đá phù thủy của JK Rowling
JK Rowling đã mất rất nhiều thời gian để tìm một nhà xuất bản cho cuốn Harry Potter đầu tiên. Thất nghiệp, làm mẹ đơn thân, Rowling vẫn tiếp tục nuôi dưỡng hi vọng và lòng kiên trì sau khi bị 12 nhà xuất bản từ chối vì lí do cuốn sách “quá dày” so với những đứa trẻ lười đọc ngày nay.
Số phận của Harry Potter được quyết định bởi cô con gái 8 tuổi của chủ nhà xuất bản Bloomsbury. Nhờ những nhận xét của cô bé sau khi đọc bản thảo, nhà xuất bản này đã đồng ý phát hành tập đầu tiên của Harry Potter.
Trái với những dự đoán trước đó, Harry Potter đã mang lại cho tác giả của nó cả sự nổi tiếng và tiền bạc. Từ nghèo khổ, Rowling nhanh chóng trở thành một trong những phụ nữ giàu nhất nước Anh và một trong những người có ảnh hưởng nhất thế giới.
Theo Hà Nguyên – Văn nghệ trẻ