Đã có không ít tác phẩm văn chương đề cập tới chủ đề trầm cảm thậm chí tự tử. Nhưng không phải lúc nào đó cũng là những câu chuyện tối tăm, ám ảnh người đọc.
Yêu người tử tù – Gong Ji-yong
Yoo Jeong là giảng viên thanh nhạc của một trường đại học danh tiếng Hàn Quốc nhưng cô đã trải qua ba cuộc tự tử bất thành khi không thể giải quyết mối bất hòa với chính người mẹ ruột.
Giữ lời hứa với người cô là một nữ tu, Yoo Jeong đã đến thăm một trại giam ở Seoul để gặp những người tử tù. Qua câu chuyện của Yoon Soo – một kẻ giết người bị kết án tử hình, cô đã nhận ra ý nghĩa của cuộc đời và khao khát được sống hơn bao giờ hết.
Gong Ji-young là một trong những nhà văn nữ hàng đầu của làn sóng mới văn học Hàn Quốc những năm 1980-1990. Các cuốn sách của bà đã được xuất bản ở Việt Nam bao gồm Dù con sống thế nào, mẹ cũng luôn ủng hộ, Yêu người tử tù, Ngôi nhà vui vẻ và Cá thu.
Gong Ji-young viết cuốn tiểu thuyết Yêu người tử tù sau khi đi trại giam tham gia những buổi cầu nguyện dành riêng cho những phạm nhân nữ. Cuốn sách là một trong hai tác phẩm hiếm hoi của bà được dịch sang tiếng Anh và đã được trao giải Special Media của Tổ chức Ân xá Quốc tế khi góp phần phản đối án tử hình.
Năm 2006, bộ phim Mandy Thurday chuyển thể từ cuốn sách với sự tham gia của hai diễn viên nổi tiếng là Kang Dong-won và Lee Na-young xếp thứ 7 trong số những bộ phim Hàn Quốc xuất sắc nhất của năm.
Chết đi cho rồi, Leonard Peacock – Matthew Quick
Cậu bé Leonard tài giỏi nhưng lập dị gặp nhiều rắc rối ở trường học và ở nhà. Cậu quyết định sẽ giết người bạn thân một thời của mình và sau đó tự sát bằng khẩu súng của ông nội trong chính ngày sinh nhật.
Trước khi chết, Leonard đã tặng ba món quà cho ba người cậu yêu quý nhất: cậu bạn thiên tài chơi violin, cô gái mà cậu thầm thích và thầy giáo cậu luôn ngưỡng mộ. Nhưng bằng tình yêu thương, người thầy giáo đã nhận thấy sự khác biệt trong hành xử của Leonard và gieo lại trong tâm hồn cậu niềm tin vào cuộc sống.
Matthew Quick là một trong những nhà văn trẻ Mỹ chuyên viết sách về đề tài thanh thiếu niên. Ông cũng là tác giả của Về phía mặt trời, cuốn sách đã được chuyển thể thành phim và nhận được 8 đề cử Oscar cho những hạng mục quan trọng nhất.
Chết đi cho rồi, Leonard Peacock sử dụng thủ pháp flashback để tạo kết cấu truyện lồng trong truyện, xen lẫn những câu chuyện về bạn bè Leonard và những bức thư gửi từ tương lai.
Tác phẩm nhận được nhiều lời khen ngợi từ phía các nhà phê bình khi đặt ra những câu hỏi thực tế về thế hệ trẻ, về hệ thống giáo dục và cách nhìn nhận trẻ con của người lớn. Cuốn sách khiến người đọc nhớ đến những tác phẩm đình đám như Bắt trẻ đồng xanh, Vũ điệu bên lề và Mysterious Skin.
A Long Way Down – Nick Hornby
Bốn con người xa lạ leo trên tầng thượng một tòa nhà cao tầng vào đêm Giao thừa, mỗi người đều mang theo lý do riêng để quyên sinh. Nhưng kế hoạch của họ đều bị phá hủy khi 4 người tình cờ gặp nhau, kể cho nhau những câu chuyện riêng của mỗi người.
Cứ như thế, họ trì hoãn việc tự tử đến 90 ngày sau. Trong vòng 90 ngày, những điều kỳ diệu đã xảy ra và bốn con người nhận ra cuộc đời đối xử với họ cũng quá tệ.
Nick Hornby là nhà văn, nhà biên kịch người Anh. Ông nổi tiếng nhất với cuốn tự truyện Fever Pitch và cuốn tiểu thuyết About a Boy. Ông chính là nhà biên kịch của hai bộ phim nổi tiếng Wild và Brooklyn. Tính tới năm 2013, các cuốn sách của Hornby đã bán được hơn 5 triệu bản trên toàn thế giới.
A Long Way Down được viết năm 2005 và nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía các nhà phê bình. Năm 2014, cuốn sách được chuyển thể thành bộ phim cùng tên và được công chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin lần thứ 64. Bộ phim đã chiến thắng giải Voice Award của Hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần và lạm dụng chất gây nghiện của Bộ Y tế Mỹ.
All the Bright Places – Jennifer Niven
Mỗi sáng, cậu thiếu niên Finch đều thức dậy với câu hỏi “Liệu hôm nay có phải là một ngày đẹp trời để chết?” Nhưng mỗi lần đều có một điều gì đó tốt đẹp, dẫu chỉ nhỏ bé ngăn cậu khỏi ý định tự kết liễu chính cuộc đời mình. Violet, ngược lại, là một cô gái học cách sống vì tương lai sau cái chết của người chị gái. Hai con người trẻ tuổi gặp nhau, bấu víu lấy nhau, bù đắp cho nhau để tiếp tục sống trên đời.
Jennifer Niven viết All the Bright Places dựa trên chính trải nghiệm của bà về vụ tự sát của những người thân xung quanh. Theo bà, các ý nghĩ tiêu cực chủ yếu xuất phát từ những điều khó nói. Vậy nên, nếu gặp điều gì đó không ổn, lời khuyên của bà là hãy cố gắng nói ra. Có như vậy bạn mới nhận ra mình không đơn độc.
All the Bright Places được khen ngợi khi so sánh với Elenor & Park của Rainbow Rowell và Khi lỗi thuộc về những vì sao của John Green. Cuốn sách đã chiến thắng giải Goodreads Choice năm 2015 cho thể loại văn học trẻ. Bộ phim chuyển thể từ cuốn sách sẽ ra mắt vào năm 2018 với sự tham gia của nữ diễn viên nổi tiếng Elle Fanning.
It’s Kind of a Funny Story – Ned Vizzini
Craig Gilner, 15 tuổi, là một thiếu niên tài giỏi nhưng lại gặp khủng hoảng trầm trọng từ những áp lực hàng ngày cậu gặp phải. Sau một lần tự tử bất thành, cậu đến gặp bác sĩ tâm lý và được đưa vào phòng điều trị tâm thần.
Tại đây, cậu đã gặp những con người quái dị và một cô gái kỳ lạ, người đã thay đổi hoàn toàn cách cậu suy nghĩ về những mối bận tâm của mình. Sau những ngày tháng điều trị, dù vẫn chưa hoàn toàn khỏi nhưng Craig đã bắt đầu trân trọng những điều nhỏ bé khiến mình hạnh phúc.
It’s Kind of a Funny Story ra mắt vào năm 2006 và được viết dựa trên 85% sự thật từ cuộc đời của chính Ned Vizzini. Năm 2004, Vizzini cũng đã phải trải qua quá trình trầm cảm nghiêm trọng nhưng anh đã không vượt qua khỏi căn bệnh ấy một lần nữa vào năm 2013 khi Vizzini tự kết liễu đời mình.
It’s Kind of a Funny Story được Hiệp hội Thư viện Mỹ trao tặng giải Cuốn sách hay nhất cho thanh thiếu niên năm 2007. Tác phẩm được chuyển thể thành bộ phim cùng tên và được công chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Toronto năm 2010.
Thu Hoài
Nguồn: Zing.vn
Lê Thị Hồng Nhung đăng bài