Kể từ năm 1994, sau khi được Bill Gates mua lại với giá hơn 30 triệu USD, không một cuốn sách nào có thể soán được danh hiệu cuốn sách đắt nhất thế giới của “Codex Leicester”.
The Tales of Beedle the Bard (J.K. Rowling) – 3,98 triệu USD
Xuất hiện trong Harry Potter và Bảo bối Tử thần như một món quà từ biệt của cụ Albus Dumbledore để lại cho Hermione trong bản di chúc của mình, The Tales of Beedle The Bard (Những chuyện kể của Beedle người hát rong) là tuyển tập những câu chuyện cổ quen thuộc đối với những đứa trẻ được lớn lên trong thế giới phù thủy do tác giả J.K Rowling sáng tạo.
Vì thế, đây là một cuốn sách quá đỗi bình thường đối với Ron nhưng lại vô cùng xa lạ đối với Harry và Hermione. Và quan trọng hơn cả đó là câu chuyện kể về ba anh em trong cuốn sách này đã giúp Harry khám phá ra nguồn gốc của Bảo bối Tử thần.
Cuốn sách có giá trị gần 4 triệu USD này là một trong bảy bản được làm thủ công do chính tay tác giả Rowling viết và minh họa. Cả bảy cuốn đều được bọc bằng da dê thuộc màu nâu, trang trí thủ công hoa văn bằng bạc và được gắn những viên đá loại vừa do hãng làm bạc và đá quý Hamilton & Inches tại Edinburgh chế tác.
Sáu bản của cuốn sách đã được tác giả Rowling dành tặng cho những người bạn thân thiết của mình và cuốn còn lại này đã được Amazon nhanh chóng giành được với giá 3,98 triệu USD trong buổi bán đấu giá cho chiến dịch từ thiện The Children’s Voice năm 2007 và trở thành bản thảo đương đại đắt giá nhất hiện nay.
Traité des arbres fruitiers (Henri Louis Duhamel du Monceau) – 4,5 triệu USD
Liệu có ai nghĩ rằng một cuốn sách có nội dung về cây ăn quả lại có giá trị lên đến cả triệu USD? Vậy mà bản sao của bộ gồm 5 cuốn với nội dung và hình minh họa tuyệt vời viết về cây ăn quả này đã được bán với giá 4,5 triệu USD năm 2006.
Đây là cuốn sách được viết bởi nhà thực vật học Pháp Henri Louis Duhamel du Monceau, minh họa bởi Pierre Antoine Poiteau và Pierre Jean Francois Turpin, xuất bản năm 1768.
The Gutenberg Bible – 4,9 triệu USD
Đây là cuốn sách đầu tiên được in bằng máy in ở phương Tây. Cuốn sách tượng trưng cho sự khởi đầu của ngành in ấn và là một cột mốc mang tính cách mạng trong lịch sử nhân loại.
Hiện nay, Thánh kinh Gutenberg chỉ có 49 bản còn tồn tại và nằm trong số những cuốn sách có giá trị nhất trên thế giới. Bản Thánh kinh Gutenberg được bán với giá 4,9 triệu USD năm 1978 này là bản chưa hoàn thiện và chỉ có chương đầu.
Mr. William Shakespeare’s Comedies, Histories & Tragedies – 6 triệu USD
Tuyển tập 36 vở kịch của Shakespeare do Henry Condell và John Heminges xuất bản năm 1623. Hiện nay chỉ còn 228 bản cuốn sách này trên thế giới.
Năm 2001, nguyên bản của cuốn sách đã được bán cho nhà đồng sáng lập Microsoft, Paul Allen tại buổi đấu giá Christie ở New York. Giá khởi điểm cho cuốn sách lúc bấy giờ chỉ là 1 bảng Anh, tuy nhiên hiện nay, giá trị của nó đã cao hơn gấp nhiều lần trong giới sưu tầm sách.
The Canterbury Tales (Geofrey Chaucer) – 7,5 triệu USD
Truyện cổ thành Canterbury của nhà thơ, nhà triết học nổi tiếng Geoffrey Chaucer bao gồm những câu chuyện đa dạng của những người từ mọi tầng lớp xã hội khác nhau và được coi là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất nước Anh thời Trung Cổ.
Năm 1998, bản bổ sung đầu tiên của tập truyện được in vào thế kỷ thứ 15 đã được bán với giá 7,5 triệu USD trong buổi bán đấu giá Christie ở London. Được biết hiện nay chỉ còn 12 bản in gốc.
The Birds of America (John James Audubon) – 11,5 triệu USD
The Birds of America là cuốn sách tranh màu vẽ tay, khổ lớn của họa sĩ, nhà tự nhiên học John James Audubon. Cuốn sách dày 91 cm bao gồm 435 bản vẽ tay miêu tả kích thước thật nhiều loài chim ở Mỹ, kể cả 6 loài đã bị tuyệt chủng kể từ thời điểm xuất bản. Trong số 119 bản hoàn chỉnh có sẵn hiện nay, ba cuốn đắt nhất được bán với giá 11,5 triệu USD, 8,8 triệu USD và 7,9 triệu USD.
Gospels of Henry the Lion – 11,7 triệu USD
Được coi là một kiệt tác của thế kỷ 12, Gospels of Henry the Lion là cuốn phúc âm duy nhất, không có bản sao thứ hai, được in năm 1175, gồm 226 trang, trong đó có 50 trang minh họa.
Năm 1983, cuốn sách này đã được chính phủ Đức mua lại tại buổi bán đấu giá Sotheby ở London với giá 11,7 triệu USD. Đây là cuốn sách đắt nhất thế giới cho đến khi Bill Gates mua cuốn Codex Leicester vào năm 1994.
Rothschid Prayerbook – 13,4 triệu USD
Đây là một cuốn kinh cầu nguyện tiếng Hà Lan được biên soạn bởi một số nghệ sĩ, gồm 254 trang với kích thước mỗi trang là 228×160 mm. Năm 2014, cuốn sách này đã được mua lại bởi một doanh nhân người Australia tên là Kerry Stokes trong buổi bán đấu giá ở New York với giá 13,4 triệu USD và hiện được trưng bày trong Thư viện Quốc gia Australia.
Bay Psalm Book – 14,165 triệu USD
Bay Psalm Book là cuốn sách đầu tiên được in ở Mỹ vào năm 1640 thời còn là thuộc địa của Anh. Cuốn sách dày 300 trang bao gồm những bài Thánh ca được dịch từ tiếng Do Thái sang tiếng Anh. Đây là được coi là cuốn sách có ý nghĩa vô cùng to lớn như một tuyên ngôn độc lập của New England với Giáo hội Anh.
Trong tổng số 1.700 cuốn được in vào thế kỷ 17, hiện nay chỉ còn 11 cuốn được lưu trữ tại các trường đại học lớn như Havard, Yale và các thư viện ở New York và thư viện Quốc hội Mỹ. Năm 2013, David Rubenstein đã mua một bản của cuốn sách từ Nhà thờ Old South ở Boston với giá 14,165 triệu USD.
St Cuthbert Gospel – 14,3 triệu USD
St Cuthbert Gospel là cuốn sách phúc âm bỏ túi được viết bằng tiếng Latin ra đời vào đầu thế kỷ thứ 8, với kích thước 138 x 92 mm, được bọc da và trang trí tinh xảo.
Đây là một trong số những cuốn sách xuất hiện sớm nhất ở phương Tây và có chất lượng không hề thua kém so với những cuốn sách ngày nay. Từ tháng 4/2012, cuốn sách này đã chính thức trở thành tài sản của Thư viện Anh.
Magna Carta – 21,2 triệu USD
Magna Carta hay Magna Carta Libertatum (tiếng Latin: Đại Hiến chương về những quyền tự do) là một văn kiện thời Trung cổ được soạn thảo lần đầu bởi tổng giám mục Canterbury, Stephen Langton và được vua John của Anh thuận chuẩn.
Hiến chương ra đời với mục đích hạn chế quyền hạn của nhà vua, cam kết bảo vệ quyền lợi của giáo hội, quý tộc và các cá nhân. Cuốn sách này là một biểu tượng quan trọng của quyền tự do và quyền dân sự và được nhà luật học thế kỷ 20 Alfred Denning gọi là “tài liệu mang tính hiến pháp vĩ đại nhất mọi thời đại, nền tảng của quyền tự do cá nhân chống lại quyền lực độc đoán của những bạo chúa”.
Năm 2007, tài liệu quý giá này đã thuộc về một doanh nhân ở Washington với giá 21,2 triệu USD.
Codex Leicester (Leonardo Da Vinci) – 30,8 triệu USD
Codex Leicester là cuốn sách nổi tiếng nhất trong 30 cuốn sổ ghi chép của Leonardo Da Vinci trong thời kỳ Phục Hưng. Điều đặc biệt của cuốn sách này là Da Vinci đã ghi chú lại nhiều đề tài khoa học vượt xa hiểu biết của thời kỳ ông đang sống.
Cuốn sổ cũng chứa phác thảo nền của bức họa nổi tiếng Nụ cười nàng Mona Lisa. Một điểm thú vị nữa là nếu muốn đọc nó ta phải dùng một chiếc gương vì toàn bộ nội dung đều được tác giả viết ngược.
Người sở hữu cuốn sổ tay đắt nhất thế giới này chính là Bill Gates. Ông đã mua cuốn sổ này tại trung tâm đấu giá Christie’s ở New York năm 1994 và kể từ đó đến nay, chưa có ấn phẩm nào có thể đánh bật Codex Leicester ra khỏi vị trí cuốn sách đắt nhất thế giới.
Hồng Tâm
Nguồn: Zing.vn
Lê Thị Hồng Nhung đăng bài