(Minh họa của họa sỹ Phạm Trần Quân)


Bệnh tâm thần có gene không, nghe nói là có, dù sự lặn – trội khác nhau. Nhưng có lẽ điều ám ảnh để tác giả viết “Những con sóng” – dù là cái tên truyện ngắn này cũng chẳng xác đáng và hay lắm – có thể là tình yêu thương, trách nhiệm của con người, ít nhất là trong một gia đình với nhau. Có lẽ tình yêu thương đã khiến người mẹ khỏi bệnh điên. Và đây là điều tác giả trẻ này thêm một lần nhắc nhở rằng: “Sống một ngày đau đớn cũng là sống”. Y.T

Tôi vừa ra tới Hà Nội thì bố gọi. “Con gặp Đức chưa?”. “Lát nữa con sang”. “Đã bảo ra gặp anh ngay rồi điện thoại cho bố mà sao giờ vẫn chưa. Sao con vô tâm vậy?”. Tôi tắt điện thoại. Cả đêm trên tàu không ngủ được, muốn tranh thủ nghỉ chút để tỉnh táo tới cơ quan nhưng cuộc gọi của bố làm tôi nổi nóng. Anh Đức kể có gặp muộn một ngày cũng có sao đâu. Anh vẫn nằm dài đấy thôi, như bao năm bao tháng đã qua. Bố thì làm được gì ngoài vài tháng gọi một cuộc điện thoại ra chỉ đạo tôi nên phải thế này thế kia. Bố ra Hà Nội, ghé thăm vài chục phút, thậm chí chẳng dám nhìn vào mắt anh. Tôi nhắn tin cho bố: “Vâng, con là đứa vô tâm. Nếu bố đã nói vậy thì từ nay có chuyện gì đừng gọi con nữa”.

Dạo này tôi rất dễ kích động, không đủ kiên nhẫn để nói cả những lời xã giao. Tôi hiểu bố nôn nóng muốn biết anh Đức có ổn không khi tôi cả tuần không có mặt ở Hà Nội. “Ổn” với anh nghĩa là nằm im trong nhà, không gây ra chuyện gì kinh động. Nhưng lúc này tôi chỉ muốn hét lên, chính bố mới là người vô tâm, ngay cả một cuộc gọi điện cho con trai bệnh tật cũng muốn đẩy cho người khác. Ngày đó, nếu bố không đưa người đàn bà ấy về diễu trước mặt thì mẹ có lên cơn rồi thành như thế không.

Mẹ tôi bị tâm thần vì di truyền từ bà ngoại. Nếu bố không là tác nhân cho mẹ phát bệnh thì mẹ vẫn có thể tỉnh táo chăm sóc anh Đức ít nhất qua những ngày ấu thơ. Và cuộc đời tôi, cuộc đời anh Đức biết đâu lại theo một ngả khác. Vậy mà chúng tôi ngu ngơ nào có biết gì. Chúng tôi nghe lời bố dặn, dành cho dì những lời xuýt xoa. Dì tốt, dì thay mẹ chăm sóc hai anh em lớn lên. Dì chấp nhận thiệt thòi, làm vợ không hôn thú, chấp nhận những cơn phá phách của mẹ khi trở trời. Chúng tôi ra rả như vậy khắp khu tập thể.

Hai mươi sáu tuổi mẹ đổ bệnh. Cùng năm đó mẹ sinh ra tôi, trong viện tâm thần.

Năm tuổi. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nụ cười của mẹ. Mẹ từ ngoài cổng vào, nhoẻn cười nhìn tôi trìu mến. “Con đấy à?”. Tôi đã nghe giọng mẹ nói. Được mẹ gọi tên. Hồi ba tuổi một lần tôi theo bố vào viện tâm thần nhưng khi đó mẹ chỉ ngồi một chỗ, nhìn xoáy vào tôi nhưng không nói gì, ánh mắt đờ đẫn. Bây giờ mẹ ở đây, vậy là tôi đã có mẹ, bình thường như bao đứa trẻ khác. “Con có sợ mẹ không?”. “Không!”. “Con muốn ngủ với mẹ không?”. “Có”. “Mẹ cũng muốn ngủ với con”.

Tôi mang một tô cơm sang phòng mẹ. Sáng mai đẩy cửa phòng, nếu mẹ ăn hết là đêm qua mẹ có về, nếu bát còn nguyên thì mẹ lại ngủ vật vờ đâu đó ngoài đường. Tôi đưa tô cơm về rang lên ăn đi học. Lang bang chán mẹ lại về. Mẹ lấy trộm đâu được rất nhiều thuốc lá, đóng cửa ngồi trong phòng hút thâu đêm. Phòng bên kia tiếng rầm rì của dì và bố. Mẹ điên của tôi có biết buồn không?

Tôi chuyển bàn học sang phòng mẹ. Trong suốt mười ba năm đó, chỉ một lần bố đến bên mẹ vào ban đêm. Bố ôm mẹ một lúc, không nói năng gì. Bố sợ dì buồn lòng hay bố không còn tình cảm với mẹ nữa. Mẹ vẫn kể ngày xưa họ yêu nhau mặn nồng. Mẹ là cô giáo dạy Văn cấp ba xinh đẹp, lãng mạn, nhiều ước vọng. Mẹ chỉ biết mỗi mình bố nhưng bố thì đa tình, nhiều ham muốn. Sống với dì rồi nhưng bố nhớ thương mẹ. Bố vào viện tâm thần thăm mẹ, cho tôi hình hài trong một góc bệnh viện tối om hôi hám mùi chuột chết và gián nhấm.

Tôi và anh Đức vào đại học thì bố “tống” mẹ ra ở cùng. Ba mẹ con thuê một căn nhà tập thể gần trường tôi học. Hàng ngày mẹ nấu cơm chờ các con về. Một lần đang ngồi trên lớp học chợt nhớ quên khóa cửa tôi lao một mạch về nhà. Mẹ đã đi rồi. Hai anh em chia nhau các ngả đường tìm mẹ. Hai đêm rồi mẹ không về. Mười một giờ đêm tôi và anh Đức vẫn tha thẩn dọc quanh quanh các hồ nước trong thành phố. “Về thôi em, anh đoán mẹ về quê”. Anh khoác thêm cho tôi chiếc áo của anh khi thấy tôi đang run lên vì chưa quen với giá buốt ở Hà Nội giữa trời khuya.

Anh Đức đỗ thủ khoa đại học với ba điểm mười. Năm nào cũng có học bổng. Chưa nhận bằng tốt nghiệp đại học đã có công ty liên doanh Việt – Nhật mời về làm với mức lương ngàn đô. Tôi được công ty cử sang Úc học thêm nhưng không đành khoán cả mẹ cho anh nên xin rút khỏi diện ưu tiên. Hai anh em chúng tôi là hào quang của bố.

*

* *

Tòa hỏi: “Anh chị có tài sản chung không”. “Không có”. “Có con chung không?”. “Không có”. “Tại sao ly hôn?”. “Không hợp”. Xong.

Hoàng đi thẳng ra bãi gửi xe, như thể chậm đi một bước cái nhìn vướng phải tôi. Sau này, là sau đó tám năm, một lần tôi gặp anh trai Hoàng. Anh không nhớ có thời gian tôi từng là em dâu. Tôi thay đổi nhiều đến vậy sao?

Lần đầu tiên đến nhà Hoàng, nhìn thấy mẹ anh vắt cốc nước cam bê lên tầng ba dỗ con trai uống từng ngụm trong lòng tôi đã ngán ngẩm. Dễ hiểu sau này, mỗi lần cãi nhau với tôi, Hoàng lại bỏ về nhà mẹ. Ở với nhau chưa đầy ba tháng Hoàng bỏ về với mẹ dễ cả chục lần. Ra đi, dù trong cảm xúc hỗn loạn nhưng vẫn kịp lèn vào valy hộp sữa mẹ mua riêng bồi dưỡng cho mình. Trước mặt bố, anh Đức và mẹ, Hoàng điềm nhiên xúc đĩa cơm rang vừa mua ngoài quán cơm về, ngồi ngay giữa bàn không bận tâm những người xung quanh chưa ai ăn gì. “Nó trẻ con, nông cạn vậy mới lấy con, chứ đứa biết nghĩ thì…”. Bố luôn tỉnh vậy hay bố cũng tàn nhẫn khi tiêm vào não tôi mặc cảm mình là con của một người tâm thần.

Con một người mẹ như thế sẽ khó lấy chồng. Bởi bệnh này xác suất di truyền cao. “Người ta thương con thật lòng cũng không vượt qua được nỗi sợ đó đâu”. “Vâng bố, con biết rồi”. “Con đừng giận, là bố thương con nên phải nói ra điều đó để mình lựa đường mà sống, đừng đòi hỏi cầu toàn”. “Vâng bố, con hiểu mà”.

Chỉ Hoàng là dại nên mới chống lại bố mẹ, kiên quyết cưới tôi. Bởi vì tôi đẹp. Tôi đẹp như mẹ ngày hai mươi tuổi. Tôi đẹp và tôi biết cách chiều chuộng Hoàng. Tôi bỏ qua tính cách nhỏ mọn nơi anh nhưng lại không chịu đựng nổi bà mẹ chồng lúc nào cũng trực xông vào thiêu rụi tình chồng vợ. Mẹ chồng cho hai đứa ở riêng. Chưa kịp mời bạn bè tới biết nhà, bà đã đăng tin cho thuê căn hộ đấy. Tại sao? “Tại vì tao cần tiền tiêu mà chúng mày thì không có”. “Vậy chúng con chuyển đi đâu?”. Nhà vừa sơn lại đúng màu tôi ưng nhất. Bằng mọi cách bà phải làm cho tôi điên lên mà bỏ đi.

Chúng tôi lếch thếch chuyển đồ đạc sang một phòng trọ khác. Chưa có con nên mọi chi phí trong nhà cưa đôi. Tôi chiều theo mọi quyết định thu chi của Hoàng. Tiền thuê nhà phải chia ba, tôi chịu hai phần, bởi vì thỉnh thoảng anh Đức ở đâu mò tới nằm vật vã mấy ngày mới chịu đi. Anh Đức bỏ đi thì mẹ tới. Mẹ đột nhiên hết bệnh. Nhưng giọng nói mẹ to, vang khắp nhà, Hoàng chói tai không ngủ được. Mẹ tới dọn dẹp căn phòng sạch sẽ, nấu cơm cho mấy đứa con. Rồi cũng đi. Khi mẹ bảo vào chùa chơi với mấy ni cô, khi mẹ về nhà bác Hạ làm vườn. Lần này mẹ về quê chăm cô Thơm đang nằm bệnh. Cô Thơm là em gái bố, không lấy chồng, sống một mình ở ngôi nhà ven sông.

Tôi hết chiều thì Hoàng cũng hết muốn sống cùng tôi. Hoàng viết đơn ly hôn hai lần tôi không ký. Nhưng lần thứ ba tôi chủ động. Mẹ chồng hả hê. Thằng Hoàng mù quáng nhưng có mẹ nó dắt đi. Mấy tháng sau tôi nghe tin Hoàng cưới vợ.

*

* *

“Quay đầu là bờ, tỉnh lại đi em”. “Nó là con hồ ly đấy”. Tôi đã kịp đọc những dòng tin nhắn trước khi Tùng xóa đi trong niềm khoái cảm. Tôi đã làm gì sai? Tội tình gì tôi phải chịu sự kinh hãi của người đời tới vậy?

“Người ta suy nghĩ độc ác quá. Chồng sẽ không bao giờ để cho vợ phải buồn nữa”. Ra khỏi cơ quan là Tùng lao đến với tôi. “Cứ ôm nhau mãi thế này đến hết đời em nhé”. Tôi nói với Tùng rằng mình chỉ cần anh thôi chứ không yêu. Căn phòng trọ 15m2, hai đứa sớm tối đi về. Tôi gọi đó là bình yên.

Thằng bé ra đời, được một tuổi thì bố mẹ Tùng buộc lòng thừa nhận tôi là con dâu.

Bố tôi ngượng ngập khi sang nhà hàng xóm mời dự lễ cưới lần hai của con gái. Tôi không còn là đứa con cho bố niềm hãnh diện từ sau cuộc hôn nhân tan vỡ với Hoàng. Lâu rồi bố né tránh khi ai đó hỏi dạo này tôi sống ra sao. Vâng bố, tại con không biết điều. Tôi ôm con vào lòng, ngủ ngoan nhé, mai mẹ làm cô dâu.

Minh họa của họa sĩ Phạm Trần Quân.

Một ngày Tùng trở về nhà với bộ dạng thê thảm. Công ty bắt chồng chuyển sang phòng tài vụ. Thì sao? Làm sao được, chuyên môn của chồng là thiết kế mà. Anh phải thích nghi thôi, nếu muốn tồn tại ở đó. Không, chồng bỏ việc đấy, vợ nuôi chồng vài tháng nhé.

Nửa năm rồi Tùng vẫn chưa tìm được công việc phù hợp. Đi xa sợ nhớ vợ con. Ngay trong thành phố thì chỉ xin được ship hàng. “Vợ bảo sao, người như chồng mà làm xe ôm đưa hàng cho bọn bán online ư?”. Tùng trố mắt nhìn tôi với một sự thất vọng thảm hại.

Chưa đầy một tháng Tùng tiêu hết ba tháng lương của tôi. Số tiền chỉ phục vụ cho việc đi taxi và ăn nhậu. Tuần cuối cùng trước khi về nghỉ Tết, Tùng mang xe máy đến hiệu cầm đồ lấy tiền mua ba gốc đào thế tặng bạn bè. Mẹ chồng gửi tiền vào tài khoản cho con trai chuộc xe anh chuyển rút hết đưa cho người bạn vừa từ Quảng Ninh lên trốn nợ. Chiều hai tám Tết, tài sản cuối cùng là xe máy của tôi anh cũng tiễn đi.

Biểu hiện này giống như anh Đức khi mới bị bệnh. 27 tuổi đột nhiên anh bị những cơn đau đầu dữ dội và triền miên mất ngủ mà không rõ lý do. Gặp ai anh cũng mở miệng vay tiền. Anh bán hết những gì có thể bán. Điều hòa gắn lên tường anh gỡ ra. Nồi cơm điện, bàn là, máy sấy tóc của tôi. Lần cuối cùng ở nhà trọ cũ, tôi đi làm về thấy anh đang cò kè với bà đồng nát mấy cái rổ nhựa và vỏ chăn cũ. Đến lúc rồi đấy, bố thở dài như sự thể không tránh khỏi. Tôi không biết an ủi anh thế nào.

Có phải tại lấy tôi nên Tùng thành ra thế? Bệnh điên có thể lây lan. Sao không phải tôi mà lại Tùng là người phát bệnh? Tùng đang gánh hạn cho tôi hay đấy là dư chấn mất việc làm? Mẹ chồng rấm rứt khóc. “Bây giờ cả nhà trông cậy vào con. Cần đồ ăn gì mẹ gửi xe ra cho”. “Nhưng đêm qua đang ngủ anh dựng con dậy đòi bóp cổ con, nếu con có làm sao thì ai nuôi thằng bé”. “Con ơi nó bị vong nhập rồi, để mẹ đi tìm thầy”.

Tôi hòa tan thuốc thành bột trộn vào bát cơm. Bữa ăn nào cũng hồi hộp sợ Tùng phát hiện ra. Quan trọng nhất là bệnh nhân thừa nhận tình trạng bệnh và chịu hợp tác, uống thuốc đúng cách. Tôi chăm chú nghe bác sĩ dặn dò.

Tùng bớt đờ đẫn, nói năng không lắp bắp nữa. Hàng ngày ngồi nghiêm trang trong phòng đọc các loại sách. Rồi ghi chép miệt mài. “Vợ à, chồng hết bệnh rồi. Chồng sẽ về quê triển khai dự án trồng rau sạch. Chồng cung cấp rau, còn vợ ở ngoài này lo đầu ra. Đừng bỏ chồng vợ nhé. Đầu óc chồng hồ đồ lắm, khi nào cũng nghĩ vợ sắp bỏ chồng đi”.

Bố lại thúc giục. “Con nhờ người tìm xem có đám nào không, ngẩn ngơ chút cũng được, rồi sắp xếp cho anh”. “Bố, sao bố nhẫn tâm vậy. Điều bố cho rằng tốt chưa hẳn đã như vậy. Mẹ sẽ chăm anh Đức đến hết cuộc đời, và con mới là người anh cần đến”.

Sống một ngày đau đớn cũng là sống. Mẹ nói vậy khi tôi kể cho mẹ nghe cái tin về tòa chung cư bên cạnh có người đàn ông rơi từ tầng 15 xuống. Ai bảo mẹ từng là một người điên.

Phạm Thúy Hà – Lao động cuối tuần