Trong các loài vật, khỉ được xếp hạng “thông minh” nhất. Điều này chúng ta có thể kiểm chứng trong thực tế, nhất là ở các chương trình tiết mục xiếc – nơi phô diễn khả năng của các con vật đã được thuần phục. Chính bởi vậy, mặc dù không thật thân gần với đời sống thường nhật của con người như trâu, bò, gà, lợn, chó, mèo, song hình tượng khỉ cũng được đề cập khá dày trong các tác phẩm văn chương nghệ thuật, thậm chí chúng xuất hiện và “đóng đinh” vào văn học sử bởi những dấu ấn tính cách của mình…
Khỉ trong truyện ngụ ngôn của Aesop:
Aesop là nhà viết truyện ngụ ngôn nổi tiếng người Hy Lạp. Ông sinh vào khoảng năm 620 và mất năm 564 trước Công nguyên. Trong kho tàng truyện ngụ ngôn của ông xuất hiện nhiều loài vật. Căn cứ vào cuốn “Truyện ngụ ngôn Aesop” do Ý Nhi biên dịch, NXB Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2006 thì có tới 6 truyện Aesop lấy nhân vật trung tâm là loài khỉ. Đó là các truyện “Cáo và khỉ”, “Vua khỉ và hai người bạn”, “Thần Jupiter và con khỉ”, “Khỉ làm vua”, “Khỉ và lạc đà”, “Khỉ và cá heo”.
Nếu như ở truyện “Cáo và khỉ”, tác giả cho thấy một con khỉ tính tình khoác lác, thích tự cao tự đại khiến con cáo đi cùng đường đã phải lên tiếng nhắc nhơ: “Này anh bạn, đừng có dối trá như vậy. Anh vẫn được an toàn vì tôi chắc rằng chẳng có tổ tiên nào của anh sống lại để vạch trần những lời nói dối đó của anh” thì ở truyện “Thần Jupiter và con khỉ”, tác giả đã dựng lên một câu chuyện cảm động thể hiện tình mẫu tử sâu nặng giữa hai mẹ con nhà khỉ.
Chẳng là, khi đưa con tham gia cuộc thi “Ai tạo ra những con thú đẹp nhất”, mặc dù chú khỉ con được khỉ mẹ bồng theo bị các vị thần (Ban giám khảo) chê cười là xấu xí, song trước sau khỉ mẹ vẫn khẳng định: “Thần Jupiter có thể trao giải cho bất kỳ ai mà ngài thích, nhưng tôi vẫn luôn cho rằng con mình là đẹp nhất trong tất cả”.
Khỉ trong tiểu thuyết “Guliver du ký” của Jonathan Swift:
Jonathan Swift (1667-1745) là một nhà văn kiệt xuất người Anh, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Guliver du ký” được tìm đọc rất nhiều trên thế giới suốt mấy thế kỷ qua (tác phẩm đã được dịch in và trở nên quen thuộc với đông đảo bạn đọc Việt Nam từ lâu – những đoạn dẫn dưới đây trích từ bản dịch của Nguyễn Văn Sỹ, sách do NXB Kim Đồng ấn hành năm 2007). Cuốn tiểu thuyết có tính giả tưởng, “thuật lại” bốn chuyến đi biển của nhân vật Guliver, trong đó ở chuyến thứ hai, tác giả để cho nhân vật dạt vào xứ sở của những người khổng lồ, nơi núm vú của người phụ nữ bản địa to bằng cả… cái đầu của Guliver, còn cái miệng của đứa bé con thì có thể nuốt chửng anh ta. Chính tại đây, Guliver đã gặp một con khỉ và đó là thời điểm hiểm nguy nhất mà nhân vật này gặp phải tại xứ sở của những người có vóc dáng dị thường.
Những hình ảnh và đoạn đối thoại này khiến người đọc rơi nước mắt.
Theo lời kể của Guliver thì con khỉ ấy to bằng con voi. Hôm đó, trong khi Guliver đang ngồi suy nghĩ bên bàn thì con khỉ đột nhiên xuất hiện. “Tôi lùi lại vào một góc xa cửa nhất, nhưng con vật nọ, một con khỉ cứ nhìn khắp phòng khiến tôi sợ hãi quá, không còn sáng ý mà trốn xuống gầm giường, như tôi có thể làm rất dễ dàng. Con khỉ nhăn mặt, nhăn mũi, nhảy nhót kêu chí chóe khá lâu, rồi nó thấy tôi, nó thò một cẳng qua cửa ra vào hệt như một con mèo đùa giỡn với một con chuột nhắt, mặc dù tôi đã thay đổi chỗ nấp luôn luôn để tránh nó. Cuối cùng, nó tóm được một vạt áo chẽn mặc ngoài của tôi… nó kéo tôi ra. Nó ôm tôi trong bàn chân phải, như một chị vú nuôi ôm trẻ để sắp cho bú, cũng y như tôi đã từng thấy loài khỉ này ở châu Âu khi ôm một con mèo. Khi tôi giãy giụa, nó ép tôi chặt quá khiến tôi nghĩ, tốt nhất là cứ đành chịu để rồi tùy nó muốn làm gì thì làm. Tôi cũng có chút lý do để tin rằng nó coi tôi như một con khỉ con, vì nó lấy bàn chân kia khẽ vuốt ve mặt tôi”.
Đã có nhiều phương án được người dân ở xứ sở khổng lồ đưa ra nhằm ứng cứu Guliver. Thoạt đầu, một số người lấy đá ném con khỉ, lừa cho nó leo xuống, song rồi có lệnh không được ném đá như vậy vì sợ Guliver bị “vỡ sọ”. Cuối cùng, mọi người phải dùng thang áp tường trèo lên, tình thế buộc con khỉ phải thả nạn nhân xuống một cái máng nước rồi chạy mất.
Sau khi giải cứu Guliver thoát khỏi con khỉ, mọi người quay sang sơ cứu cho anh ta, bởi khi ấy, Guliver gần như chết ngạt vì những đồ bẩn mà con khỉ nhét vào họng mình. “Sau khi cô chủ dùng một chiếc kim nhỏ moi vào họng làm cho tôi nôn ra, tôi thấy trong người phần nào dễ chịu. Tôi mệt quá và xây xát khắp mình vì bị con vật ghê tởm nọ kẹp chặt nên đã phải nằm liệt giường đến nửa tháng”.
Số phận con khỉ táo tợn nọ sau đó đã được định đoạt. Không chỉ ra lệnh giết chết con khỉ, Nhà vua của vương quốc những người khổng lồ đã ra lệnh không ai được nuôi con vật nào loại ấy ở gần khu vực hoàng cung.
Khỉ trong tiểu thuyết “Không gia đình” của Hector Malot:
Hector Malot (1830-1890) là nhà văn nổi tiếng của nước Pháp. Tiểu thuyết “Không gia đình” đã đưa ông vào hàng những nhà văn viết cho thiếu nhi (và không chỉ thiếu nhi) được đông đảo bạn đọc trên thế giới yêu mến. Tác phẩm này từng được dịch in rất sớm ở Việt Nam và trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc nước ta.
Bìa tiểu thuyết “Sans Famille” (Không gia đình) với sự xuất hiện của chú khỉ Joli Cueur. Tranh minh họa cảnh nhân vật Guliver bị đe dọa bởi một con khỉ dữ.
Đọc cuốn tiểu thuyết (bản dịch của Huỳnh Lý, NXB Văn học, 2002), bạn đọc rất ấn tượng với các nhân vật trong gánh xiếc rong của cụ Vitalis, đặc biệt là với các “diễn viên xiếc” gồm chú khỉ Joli Cueur và 3 chú chó: Capi, Dolce, Zerbino. Có thể nói, qua trang sách của Hector Malot, chú khỉ Joli Cueur hiện lên như một con vật rất thông minh và đáng yêu. Trải qua một đêm trốn trên ngọn cây để lánh nạn chó sói (đã vồ chết hai chú chó Dolce, Zerbino), Joli Cueur bị cảm lạnh.
Khi cụ Vitalis, chủ gánh xiếc rong cho gọi thầy thuốc đến, ông này thoạt đầu đã phẫn nộ vì tưởng được mời đến chữa cho người, hóa ra lại là cho một chú… khỉ. Tuy nhiên, sau khi nghe cụ Vitalis phân trần: “Đành rằng bệnh nhân chỉ là một con khỉ, nhưng một con khỉ như thế nào? Một con khỉ thiên tài. Ngoài ra, nó còn là một người bạn đường, một người anh em thiết cốt của chúng tôi. Tôi không đành giao một nghệ sĩ sân khấu xuất sắc như vậy cho một anh thú y tầm thường cứu chữa.
Vả chăng, tuy khỉ chỉ là một con vật đấy, nhưng theo các nhà sinh vật học thì nó gần với giống người hết sức, cho nên bệnh của nó cũng không khác bệnh của người”, nhất là sau khi chứng kiến hành động khôn ngoan, “biết ý” của Joli Cueur (khi cụ Vitalis nói thì có hơn 10 lần nó thò tay ra ý chừng để ông thầy thuốc… chích máu), điều đó khiến ông thầy thuốc cảm động. Ông thầy thuốc cầm cánh tay nhỏ xíu mà chú khỉ luôn luôn chìa ra và thọc vào mạch máu. Joli Cueur không kêu rên một tiếng. Chú biết người ta làm như thế là để chữa cho chú lành bệnh.
Đỉnh điểm của sự xúc động mà Joli Cueur gây được cho người đọc chính là hành động “tử ư nghệ” của chú. Lần ấy, mặc dù đang ốm nặng, nhưng khi phát hiện thấy cụ chủ Vitalis chuẩn bị tổ chức một buổi biểu diễn (để lấy tiền trả nợ ông chủ phòng trọ), Joli Cueur đã gắng gượng nhỏm dậy, đòi được tham gia. “Chú khỉ muốn đứng lên, tôi phải hết sức giữ chú lại. Rồi thì chú đòi bộ quân phục cấp tướng nước Anh của chú: cái áo cài lon vàng, cái quần viền vàng, cái mũ đại lễ đính chòm lông trắng. Chú chắp tay lại, chú quỳ xuống để van xin cho thiết tha hơn. Khi thấy rằng van xin không ăn thua gì, chú xoay qua ngón giận dữ, cuối cùng thì tuôn nước mắt ra để làm cho tôi mủi lòng”.
Joli Cueur không được tham gia đêm diễn. Chú phải nằm nhà trong tình trạng ốm nặng. Và chú đã ra đi trong tình cảnh chỉ có một thân một mình. Đây là nhưng gì cụ chủ Vitalis và bé Remi (nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết) chứng kiến sau khi tất tưởi rời sân khấu trở về.
“Chúng tôi thu dọn rất chóng và lát sau thì về đến quán trọ. Tôi leo lên các bậc thang trước ai hết và chạy xổ vào buồng. Lửa chưa tắt nhưng không còn ngọn nữa. Tôi lấy làm lạ sao không nghe tiếng động của Joli Cueur, bèn vội vã châm vội ngọn nến rồi đưa mắt tìm con khỉ. Joli Cueur nằm dài trên chăn. Nó diện bộ quân phục cấp tướng và có vẻ như đang ngủ. Tôi cúi xuống và nắm nhè nhẹ tay nó để nó khỏi giật mình. Cái bàn tay ấy lạnh ngắt.
Vừa lúc ấy cụ Vitalis bước vào buồng. Tôi quay lại cụ:
– Ông ơi! Con Joli Cueur lạnh ngắt.
Cụ Vitalis cúi xuống bên tôi:
– Ôi thôi! Nó chết rồi!”.
Theo Phạm Mạnh Quân – Văn nghệ công an