”Cao su đi dễ khó về
Khi đi trai tráng khi về bủng beo.”
Câu ca dao năm nào được học trên ghế nhà trường cứ ảm ảnh tôi, và bộ phim Đông Dương thúc đẩy trí tò mò của tôi về những cây cao su… Những tư liệu về trấn chiến An Lộc khốc liệt năm nào của quân giải phóng cứ hiển hiện trong đầu tôi ! Tôi đã tự hứa với lòng mình sẽ dành dịp đến viếng thăm Bình phước, một khu công nghiệp giờ đây đang chọn cây cao su làm trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh. Và lần này về nước, tôi đã thực hiện được ước nguyện của mình.
Từ Sài gòn, xe chạy băng băng trên quốc lộ 13. Mấy làn đường thênh thang thoáng đãng khiến tôi mê mải ngắm nhìn cảnh vật cứ lướt loáng hai bên đường. Xe chạy qua thành phố Bình Dương sầm uất với những khu đô thị đang xây dựng, những tòa nhà cao tầng mọc lên khắp nơi, rồi tiếp tục chạy ngược lên thị xã Bình Long. Người nhà đã dặn tôi là chỉ đi đến ngã ba Xa Cát thì rẽ vào một con lộ nhỏ hơn, mà anh tài xế ta xi nói đùa là con lộ không tên. Đường bằng phẳng mặc dù hơi hẹp nhưng cũng bắt đầu trở nên gồ ghề với những «ổ voi». Nhưng cũng vì đi trên con đường ấy mà tôi được mục sở thị những cánh rừng ngút ngàn, xanh thẳm dưới ráng chiều, đây đó thấp thoáng những khu trồng sắn mà bà con nơi đây gọi là cây mỳ… Xa xa là dãy núi Bà Đen trong ánh hoàng hôn đã trở nên đen thẫm. Hai bên đường, một phía là cánh rừng cao su đậm đặc ngút ngàn, còn một bên thì quang đãng, thấp thoáng những thửa rau. Khi xe gần đến nơi thì trời đã nhập nhoạng tối, lại vừa đổ mưa. Những cơn mưa nơi đây cũng lạ, trời vừa nắng đó, xong lại mưa ngay, sối sả chừng mười lăm phút rồi tạnh hẳn. Những con đường đất đỏ lại khô ráo, nhưng trên đường vẫn hằn những hố sâu ũng nước. Cậu lái xe đất Sài thành không quen đường, xe bị ngụp xuống một cái hố và ngập ngang bánh xe…
Cảm giác đầu tiên của tôi là nản… vì chúng tôi đã phải nhờ người dân gần đó đem xe kéo đến cẩu xe lên, rồi sau đó tiếp tục bằng mô tô để về nhà.
Nhưng cảm giác nản của tôi qua mau khi trăng lên. Ánh trăng mảnh mai, sáng vẳng vặc trải dài trên lớp lá cây còn đọng nước, khiến chúng trở nên long lanh như mắt thỏ ngọc hay lấp lánh như kim cương. Những con tắc kè hoa to như cổ tay lảnh lót cất tiếng kêu gọi bạn đâu đó… Quang cảnh thật yên bình, không gian thật thoáng đãng, khác hẳn với cảnh ồn ào náo nhiệt và những ánh đèn nhấp nháy của Sài Gòn mà chúng tôi vừa thăm hôm trước.
Sáng hôm sau, trời quang mây tạnh, nắng chiếu chan hòa. Đến lúc đó thì tôi mới nhìn thật rõ những cánh rừng cao su. Những cây cao su to, thẳng đứng và được trồng thành hàng thẳng tắp. Cánh lá cao vút đan xen nhau, mỗi khi có gió thổi tới, chúng đung đưa, những đọt nắng xẻ nhỏ rơi rắc đầy đường tựa như những cánh hoa ti gôn mong manh. Tôi say sưa ngây ngất với những khung cảnh thật nên thơ. Rồi đến những vườn điều, vườn thanh long bát ngát, và cà phê bạt ngàn… Nhưng con sóc đuổi nhau chạy ràn rạt trên cành cây… Lấy xe mô tô đi thăm những khu vực lân cận, tôi đến thị trấn An Lộc mà bây giờ đã trở thành thị xã Bình Long.
An Lộc B. Trong tôi còn hiển hiện những dòng tư liệu hừng hực khí thế của trận chiến đấu kéo dài mấy chục ngày đêm (13-4/15-05-1972). Chuyện kể rằng chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt, một bên là quân ta quyết tâm giải phóng Bình Long, còn phía địch cũng quyết giữ Bình Long bằng mọi giá, nên đã tập trung vào trận đấu này tất cả những binh lực có trong tay, còn điều cả máy bay đến oanh tạc, rải bom cày nát mặt đất. Chúng còn dội bom vào cả bệnh viện An Lộc, nơi rất nhiều dân thường kéo đến lánh đạn, và cũng tại đây đang điều trị cho rất nhiều thương binh Cộng hòa, khiến cho cả hàng ngàn người thiệt mạng, nhà cửa công trình hư hại nặng nề… Tôi cúi xuống bốc lên một nắm đất. Tôi cảm tưởng như linh hồn những người quá cố vẫn lẩn quất đâu đây, bảng lảng trong gió. Tôi đứng lặng, run run thắp mấy nén nhang trước tấm bia đề mộ chôn tập thể của ba ngàn người… Ngày 6/12/1989, ngôi mộ tập thể này đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử khắc sâu tội ác dã man của Mỹ- Ngụy đối với nhân dân Bình Long. Tiếp tục con lộ, tôi thấy lác đác những nhóm nhỏ phụ nữ và trẻ em ăn mặc khác người, vẻ nhếch nhác, đen đúa, rành, giỏ đeo bên hông hay cắp bên sườn thoắt ẩn thoắt hiện bên những gốc cây cao su, lượm những đám mủ trắng vãi trên mặt đất giờ đã đông lại. Giây phút ngỡ ngàng trước trang phục kỳ lạ của họ qua nhanh khi tôi chợt nhớ Bình Phước là nơi tập trung đông đúc của đồng bào Thượng, thuộc các sắc tộc Stiêng, Mọa, Tà Mun, người Việt gốc Chàm hay gốc Khmer…
Tôi nhận thấy tại đây, trong các thôn ấp, đa phần bà con nông dân còn khá nghèo, nhưng hầu như họ đều áp dụng canh tác Vườn Ao Chuồng. Từng đàn gà nhởn nhơ bới tìm giữa các luống cây trong vườn. Xa xa là những bờ ao được đắp bồi khá kiên cố, cá quẫy, bơi lội lượn lờ dưới làn nước. Đất rộng người còn thưa, từ nhà này sang nhà khác cũng khá xa, những ngôi nhà lọt thỏm trong các vườn cây.
Đi xa chút nữa, đến chợ An Lộc năm nào giờ đã trở thành chợ Bình Long. Một khu chợ có vẻ đông vui, nhộn nhịp tấp nập kẻ đến người đi, nhưng vẫn để lộ ra cảnh lam lũ của một thị xã trẻ miền trung du đang đà phát triển. Trung tâm thị xã có những con lộ thẳng tắp, rộng thênh thang. Phía tây thị xã đang được xây dựng hối hả, bụi bốc mù mịt khắp hướng. Những ngôi nhà lụp xụp đang dần được phá đi, xe ủi làm việc hết vận tốc. Phía đông thị xã thì yên tĩnh hơn. Hai bên đường, những hàng cây đang lớn đã bắt đầu tỏa bóng. Lẫn dưới vài cây cổ thụ là những quán cà phê yên tĩnh, đậm chất thơ của Bình Long. Người dân nơi đây không xô bồ ồn ã, mà nhẹ nhàng, cả những lời phát ra cũng thì thầm khẽ khẽ.
Đêm xuống, cảnh vật yên tĩnh, tầm 2h sáng, mọi người đã chìm trong giấc nồng, tôi bỗng tỉnh giấc vì có nhiều tiếng xe chạy đâu đó vẳng lại từ xa xa. Mở cửa sổ, tôi nhận ra nhiều ánh đèn pha loang loáng giữa những thửa cao su quanh đó. Tôi đóng cửa, rón rén vào phòng lay anh trai dậy, đòi anh cho đi xem rừng cao su trong đêm. Hôm trước tôi đã nói ý định này, nhưng anh cho là đùa. Dù hơi ngại, nhưng anh vẫn dậy, mặc áo quần và lấy xe đưa tôi đi.
Xe chạy lướt đi trên con đường nhỏ tối mờ len lỏi giữa các hàng cây. Tôi bảo anh dừng lại trong một lô bất kỳ và tiến đến gần một người đang thoăn thoắt gọt vỏ cây cao su. Một lưỡi dao có mũi đánh khoằm xuống, được gắn chặt với một đầu cây gậy dài gần hai mét. Chỉnh cho rãnh vỏ vừa khoét thật chuẩn, sao cho mủ cao su có thể chảy thẳng vào bát bên dưới, người thợ lật ngược chiếc bát sứ được treo trên một chiếc giá đỡ quấn bằng sợi sắt mỏng quanh thân cây. Dòng mủ trắng như sữa từ từ chảy vào bát. Trong đêm yên tĩnh, một tiếng động nhỏ cũng khiến vang đi rất xa. Tôi rón rén bước lại gần, bỗng bị một luồng đèn pha rọi thẳng vào mắt, với một câu nhỏ nhẹ nhưng sắc lẻm của một phụ nữ: «Ai vậy hè?». Chiếc đèn pha đó được chị đeo trên trán hệt như một thợ mỏ vậy. Nhưng có lẽ chỉ thấy tôi tay cầm khư khư một máy ảnh, một máy quay, chị tiếp tục, giọng dịu xuống : «Đêm khuya, chị ra đây làm chi mô?” Tôi nói chỉ muốn xem chị làm việc và nói chuyện với chị một lát. Chị nói đã biết tôi rồi!!! Tôi ngạc nhiên, thì chị nói ngay rằng chiều hôm trước khi đi chợ Bình Long mua áo quần cho con trai, đã nhìn thấy tôi: “Chị có hai con nhỏ dễ thương ghê à_ chị nói thêm!” Tôi thấy vui vui, và lại nghĩ “trái đất quả là bé tí!”. Thấy tôi nói giọng Bắc, chị hỏi tôi là nhà báo hay nhà văn, tôi đáp đáp mình chỉ là một khách du lịch, và tôi muốn hiểu thêm chút công việc của những “con đom đóm” giữa đêm của rừng cao su bạt ngàn này. Lúc đầu chị bẽn lẽn không muốn kể chuyện mình, nhưng từ chuyện nọ ra chuyện kia, chị đã thổ lộ tên là Phạm Thị Hồng T., hai mươi bảy tuổi, có chồng và một con trai bốn tuổi. Chồng chị cũng làm nghề cạo mủ. Gia đình chị thực sự không phải người vùng này, nhưng bố mẹ chị đã di cư vào đây từ những năm 80 của thế kỷ trước…. Miệng nói tay thoăn thoắt làm việc, chân dịch chuyển nhanh từ gốc cây này sang gốc cây khác, chị cho biết “… Cuộc sống của người công nhân cạo mủ gần đây cũng đã được cải thiện rất nhiều. Tiền lương, nếu đi làm đều đặn cũng đủ trang trải cuộc sống. Ngoài ra còn có thưởng hàng năm”. Chị háo hức: “… năm trước, đã có người được thưởng đến tám mươi triệu đồng lận…” Khi được hỏi mỗi đêm chị gọt được bao cây, chị nói từ ba trăm đến ba trăm năm mươi cây. Chị bảo gọt xong, đợi cho mũ chảy hết xuống bát thì còn phải đi trút mủ và công đoạn này có vẻ mệt và phức tạp nhất, rồi lại còn phải canh chừng, vì có một số dân sống quanh đó thường đi trút trộm mủ của công nhân công trường… Tôi nhìn chị ái ngại và nói ra suy nghĩ thật của mình về công việc đi làm sớm và một mình giữa rừng khuya như thế này, đối với phụ nữ thật nguy hiểm. Vì với khoảng cách ba bốn trăm gốc cây, thì giữa người nọ với người kia cũng rất xa. Chị nói hồi đầu kể cũng sợ, nhưng làm lâu thành quen, giờ thì không còn sợ nữa !
Tôi trở về nhà khi trời bắt đầu sáng, trong đám công nhân đã có người đi trút mủ. Trên cành cây, chim đã hót líu lô đón chào một ngày mới. Trong đầu tôi lại hiển hiện những bóng đèn pha loang loáng, hệt như những bông hoa bừng nở vậy !
Tôi được anh Lê Tuấn Minh, cán bộ phụ trách hội cựu chiến binh của xã Minh Đức đưa đi thăm nghĩa trang Bình Long. Anh Minh cũng là một cựu chiến binh, đã từng chiến đấu tại chiến trường Căm Pu Chia nhiều năm, xuất ngũ, về lập nghiệp tại xã Minh Đức này. Cả một nghĩa địa bạt ngàn những nấm mộ chạy theo hàng thẳng tắp. Đa phần là con em của đất Bình Long, Bình Dương, Đồng Xoài…, nhưng đâu đó cũng có những người có quê từ những miền xa lắc. Anh Minh cúi xuống thắp vài nén nhang và cắm lên những ngôi mộ. Thang thang giữa những dãy mộ thẳng tắp, đã đen sẫm lại vì sương gió, mắt tôi va phải những hàng chữ khắc trên bia mộ, loáng thoáng quê quán Hà Tây, Hà Nội (cùng quê hương với tôi). Tôi rút vội sổ ra ghi lại những cái tên mà anh Minh nói có thể gia đình những liệt sỹ nằm đây vẫn chưa biết các anh đang yên nghỉ tại nơi này. Qua bài viết, tôi cũng mong có thể gia đình các liệt sỹ có tên sau đây sẽ có cơ may tìm được và đưa họ về quê.
Bạch Quốc Lộc: sinh năm 1942 tại Phù Xuyến, Ái Quốc, Hà Tây. Hi sinh ngày 12/05/1970
Ngô Hữu Hạo: Hà Tây. Hi sinh ngày 21/03/1968
Nguyễn Văn Trọng: Phú Túc, Phú Xuyên, Hà Tây. Cấp bậc Trung sĩ, a trưởng. Hi sinh ngày 13/05/1972.
Nguyễn Chính Tâm: Yên NGhĩa, Hà Đông, Hà Tây. Nhập ngũ năm 1967 thuộc đơn vị c20, b2. Hi sinh ngày 10/05/1970
Trần Anh Quân : Đan Phượng Hà Tây
Vũ Khắc Điệp : Đan Phượng Hà Tây
Nguyễn Duy Lưu: sinh năm 1948, tại Trị Giang Ba Vì Hà Tây
Nguyễn Duy Phong: sinh 1949 tại Đức Phong Hoài Đức Hà Tây. Cấp bậc Thượng sĩ, a trưởng, hi sinh ngày 20/04/1972.
Phạm Đình Non: sinh năm 1949 tại An Xá Đan Thụy Hà Tây. Cấp bậc H3, thượng sĩ, b trưởng. Hi sinh ngày 20/04/1972
Nguyễn Danh Sở: sinh năm 1949 tại Hà Tây. Cấp bậc trung sĩ. Hi sinh ngày 04/04/1972.
Lê Văn Tình: sinh năm 1949 tại Hà Tây. Hi sinh ngày 04/04/1972
Ngỗ Đức Hạnh: sinh năm 1944 tại Thắng Lợi Thường Tín Hà tây. Cấp bậc trung sĩ, a trưởng. Hi sinh 04/04/1972.
Trần Ninh Hải: sinh năm 1950 tại Phú Túc, Phú Xuyên Hà Tây. Hi sinh ngày 21/04/1972.
Đào Văn Thiên: sinh năm 1950 tại Phú Túc Phú Xuyên Hà Tây. Hi sinh ngày 24/04/1972
Đoàn Văn Dũng Trung Trâu Đan Phượng Hà Tây. Hi sinh ngày 24/04/1972.
Nguyễn Tiến Nghi. Liên Ninh Đan Phượng Hà Tây. Cấp bậc chánh văn phòng. Hi sinh ngày 16/06/1972.
Nguyễn Văn Dụng: sinh năm 1950 tại Phú Thọ Bắc Môn Hà Tây. Cấp bậc trung sĩ, a trưởng. Hi sinh ngày 23/04/1972
Phạm Văn Xuân: sinh năm 1951 tại Ba vì Hà Nội. Hi sinh ngày 12/05/1972.
Nguyễn Tiến Lần : sinh năm 1951 tại Võng Xuyên Phúc Thọ Hà Tây. Đơn vị : đội 16 KB. Hi sinh ngày 15/05/1972.
Đặng Huy Hưng : sinh tại Tiền Nội, Ứng Hòa, Hà Tây. Chức vụ : bí thư. Hi sinh ngày 12/05/1972
Lê Văn Tung: sinh tại Thạch Thất Hà Tây. Cấp bậc a trưởng. Hi sinh ngày 15/03/1973.
Dương Xuân Bình : sinh năm 1937 tại Nam Phương, Tiến Chương, Hà Tây. Cấp bậc: a trưởng. Hi sinh ngày 12/05/1972.
…
Ánh nắng như đổ lửa của buổi trưa và độ nóng hầm hập bốc lên từ mặt đất, khiến tôi không đủ sức đọc nữa. Những cái tên khác đành khất các anh vào dịp khác.
Khi về đến nhà, tôi lần tìm những thông tin về ngành Giáo dục tỉnh Bình Phước và tôi rất vui khi đọc thấy rằng năm học 2009-2010, bộ Giáo Dục và đào tạo thông báo kết quả kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc thì tỉnh Bình Phước có ba mươi tám em học sinh bậc trung học phổ thông đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp quốc gia, trong số đó có đến chín em đạt giải nhì, mười tám giải ba và mười một giải khuyến khích. Đây là năm thứ hai liên tiếp, tình Bình Phước có số học sinh giỏi cao nhất từ trước đến nay và tiếp tục dẫn đầu khu vực miền đông Nam bộ.
Một tuần qua đi nhanh chóng. Chính tôi cũng không ngờ mình đã nán lại nơi này lâu đến thế, bởi hàng ngày tôi thường nhận được nhiều cú điện thoại của bạn bè, người thân hỏi tôi và các con đang ở đâu, hình như ai cũng ngạc nhiên khi tôi trả lời vẫn còn đang ở Bình Phước. Khi lên xe trở về thành phố, tôi ngoái lại nhìn những con đường đất đỏ, những hàng cây cao su, cà phê, điều… rì rào trong gió tựa như một lời thì thầm «Hẹn gặp lại!»
Paris 01/03/2012
Hiệu Constant