Nguyễn Thị Mai Phương

Đôi chân yếu ớt của Hòa Bình đi như không chạm đất. Tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu mà lại èo uột trong cái thân xác như rau nhúng qua nước sôi vậy ư? Nước da trắng và hai núm nhô cao trên ngực áo, dấu hiệu cho người ta biết rằng Bình đúng là con gái.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Còn khuôn mặt thì người làng vẫn bảo: “bọn bệnh đao này giống nhau”. Nhưng Hòa Bình không phải bệnh đao. Lúc mới sinh ra, Bình cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng càng lớn lên Bình càng tong teo, hóp hép đi. May mà Bình không mất trí. Lũ trẻ con trong làng luôn nhìn hai ống quần lụa phất phơ trong đôi chân như hai ống sậy của Bình mà cười cợt. Bình chẳng buồn để ý. Bình buộc phải quen dần với những ánh mắt dò xét của người đời. Quên luôn cả cơn đau âm ỉ, buồn bực lan khắp người. Người ta vẫn bảo, nhà nào cũng phải có một người sứt sẹo, thua thiệt để gánh “tội” cho cả nhà. Cha già con cọc. Mẹ Bình tối ngày mò mẫm ngoài đồng với vài sào ruộng khoán. Cha lụi hụi đạp xe đi đưa thư trong làng ngoài xã. Bình mải mê sống với dằng dặc những dự cảm, những phấp phỏng trong lòng. Mấy hôm nay, Bình cứ cảm giác sắp có cơn bão tràn qua.

Đêm ấy, Bình mơ người ta cột Bình lại gốc cây trám đầu làng, cắt trụi mái tóc dài đen óng ả của mình. Từng mớ tóc rơi xuống đất cùng tiếng la hét thất thanh. Tỉnh dậy, Bình cứ thấp thỏm lo âu một thứ gì đó hãi hùng đang đến. Không gọi tên được nhưng Bình thấy buồn lắm. Nỗi buồn như cái ngày ngồi bên cửa sổ nhón tay bắt con bọ ngựa rồi bỗng khuỵu xuống đất. Từ đấy hai cái chân đâu còn là cái chân người. Nó hệt như lưỡi dao sắc ngọt đâm trong cơ thể, đau đến không thể cất lời. Hôm đó, cha Bình đã bế con gái lên, lặng đi một hồi rồi quay mặt đi. Không sao, miễn hai đứa em của Bình khỏe mạnh. Mỗi ngày Bình đều dậy thật sớm, thắc thỏm ngồi bên giường thằng Độc Lập và cái Hạnh Phúc xem chân hai đứa có bị sao không. Ngồi thật im lặng, mỗi tiếng thở là một âu lo dồn lại, mỗi ngày trôi qua, Bình lại thở phào một cái. Hai nhóc ấy một học lớp năm, một theo lớp chín. Nhưng cả một con đường chưa đi phía trước, ai biết đâu. Bình nhất quyết nghỉ học khi qua lớp tám, phần vì khác biệt các bạn, phần vì muốn làm gì đó đỡ mẹ. Mẹ giấu những ẩn ức sâu xa khó nói vào trăm ngàn việc của đàn bà.

Còn cha Bình, sau một ngày giông gió dữ dội đã trở nên khó tính, dễ bẳn gắt, ông hầu như không thể xóa nổi kí ức chiến tranh trong lòng mình. Mỗi bữa cơm, mỗi giấc ngủ đều vẫn như có tiếng đại bác ầm ì. Ông cảnh giác cao độ trước mỗi việc làm của một người nào đó, cứ như thể đang thực hiện chiến dịch tâm lí chiến với kẻ thù. Hàng xóm gọi ông là “Trọng khùng”. Ông làm bất cứ việc gì cũng căn ke giờ giấc chuẩn từng phút. Vợ bảo thì ông quát: “Ai cũng như bà thì vào trận, kẻ thù nó bắn tan xác. Làm việc gì cũng phải tính toán thời gian cẩn thận mới có ngày nay…” Rồi ông thất thần kể cho cả nhà nghe về một trận bom ác liệt hồi còn ở Quảng Trị. Đại đội của ông hành quân qua rừng núi, trước đó đã có một đơn vị đi trước. Trời đất mù mịt bởi mưa bom B52 dội xuống. Chừng hơn chục phút trôi qua, khi đơn vị ông đến, cả một trung đội đi trước đã bặt tăm, tan vào đất đá. Đến máu cũng không còn, những mảnh thịt xương bết lại trên khóm cây cháy sém. Ông và đồng đội ông không còn nước mắt để khóc. Người lính trẻ hai mươi tuổi nhảy xuống cái hố nhỏ tránh đạn, nhưng linh cảm hình như không ổn, anh nhảy lên sang chỗ khác. Vừa hay, người trong nhóm của anh nhảy thế vào. Ùm một cái, chưa kịp chớp mắt, tuổi thanh xuân bay thành bụi đất. Anh lính trẻ ôm lấy ngực gọi “ối u ơi” thay cho lời khóc bạn.

Giờ đây, sau mấy mươi năm, hình như ông Trọng còn nguyên cảm giác gọi u ơi ngày ấy, nhất là lúc ông tự tay ngồi vùi xác đứa con giữa nghĩa địa mịt mùng. Cái ngày giông gió đó mãi không chịu trôi đi trong lòng mấy người nhà Bình. Mẹ sinh em gái sau thằng Độc Lập. Cha vui lắm nấu đủ món cho mẹ ăn. Bình ngày ngày sờ nắn đôi tay trắng trẻo của em, thích nhất cái bàn tay có vẻ tiểu thư của em bé. Nhưng mỗi ngày trôi qua, da em bé cứ vàng rực, người khô héo dần. Rồi chiều tối, mây đen kéo đầy trời vần vũ, gió thổi ù ù mang theo hàng đám mây muỗi qua sân. Mẹ bế em, ngước đôi mắt tuyệt vọng lên trời niệm Phật. Em không còn trên đời, như chiếc lá héo khô trên tay mẹ. Cha Bình ngồi bất động ôm ngực, hai hàng nước mắt âm thầm bò xuống hai má sạm đen. Bình không biết làm gì, vừa khóc vừa chạy đi châm đèn. Nếu trời sáng chắc Bình sẽ nhìn rõ mấy ngón tay của mẹ run bắn lên. Mẹ gạt nước mắt, gọi thêm chú Út đến mang em ra đồng. Chú kể, tưởng anh Trọng không về nổi, ngoài đó gió to quá, trời tối như bưng, anh cứ ngồi như đá mãi. Nỗi đau ấy còn hơn trăm ngàn mảnh đạn bom găm vào da thịt. Cuộc chiến ấy đã qua đi. Ông đặt tên con gái là Hòa Bình nhưng hình như điều đó chưa về trong căn nhà ông.

Hôm hai cha con lên bệnh viện huyện khám bệnh. Ông cầm tờ kết quả xét nghiệm bệnh của Bình trong câm nín. Bình lấm lét ngồi sau xe nghe hơi thở của cha cứ ngộp lên qua lần áo đẫm mồ hôi. Khi qua hiệu sách, người cha vào mua cho con gái cuốn “Không gục ngã” coi như mua lời động viên chính mình để gượng dậy đi tiếp. Hồi mưa bom bão đạn, sống trong rừng rú, ngâm mình dưới sình lầy, râu tóc để như người rừng, ăn rau rừng, uống nước suối cũng đâu thấy đau khổ như thế này. Anh chàng Trọng hồi đó ào ào lên đường trong cơn rung chuyển của phong trào tòng quân, “tiếng hát át tiếng bom”, “đường ra trận mùa này đẹp lắm”… Không khí náo nức ấy khiến người nào không lên đường là thấy lẻ loi, ngoài cuộc. Chỉ đến khi vùi trong cơn sốt rét, qua một đêm, hôm sau đã thấy người ngủ cạnh võng mình đã bị một đàn mối khổng lồ bu kín, Trọng mới thấu cái khốc liệt của sống chết. Đúng cái ngày người mẹ già đang làm giỗ con thì Trọng vác ba lô từ ngõ đi vào gọi tướng lên “u ơi, con còn sống”. Họ hàng làng xóm ùa đến, cười nói tưng bừng… Người mẹ già sau một hồi khóc nức nở bảo, chiến tranh xong sống khỏe mạnh trở về mới anh hùng chứ chết thì còn nói làm gì.

Nhưng ông vẫn đủ can đảm để sinh thêm những đứa con. Đúng là hồi ấy, đơn vị đề nghị phong anh hùng mà ông ngần ngừ không nhận. Giờ đây, giữa đời thường đủ trò lừa gạt, xỏ xiên, ông mới hay, mình chỉ anh hùng trong cuộc chiến đó thôi. Ơn trời Phật, thằng Độc Lập và cái Hạnh Phúc ra đời lớn lên mạnh khỏe như bao trẻ khác. Không nói ra nhưng vợ chồng ông hồi hộp từng ngày. Bình nữa, Bình cũng đánh dấu vào quyển lịch túi của mình. Mỗi lần sinh nhật các em, Bình đều tất tả từ sớm đi chợ mua đỗ đen về hì hụi nấu chè, bổ xoài hay bưởi làm tiệc cho em. Hai nhóc con sờ vào chân chị cười nắc nẻ. Bình còn đứng rung rung ống quần trêu chúng. Lúc ấy mặt ông Trọng giãn ra, nụ cười đến từ nơi nào rất xa làm vui lây người khác.

Bình lọ mọ quảy đôi quang gánh toòng teng đi khắp làng nhặt phân trâu bò rơi vãi về cho mẹ ủ bón ruộng, trồng rau.
Mày nhặt thứ đó về trộn cơm à?
Giọng khê nồng của gã đàn ông cuối làng, Bình không thèm nói lại. Lão Toan nổi tiếng xỏ lá ba que. Cái mắt chột của lão luôn dò xét cuộc sống gia đình Bình. Lão vẫn vênh vác với lũ trẻ con rằng mình là thương binh chống Mỹ nhưng mỗi khi giáp mặt cha Bình, lão cúi gằm mặt, nhìn chỗ khác lấm lét. Ông Trọng thường bảo “thằng phản động, tao mà có chứng cứ thằng đó chết luôn”.

Trưa nay nắng tràn qua giàn gấc, đổ đầy sân. Cha Bình mở cái va li cũ mèm lấy một nắm giấy tờ đưa cho anh cán bộ xã. “Bây giờ người ta xét chế độ da cam ngặt nghèo lắm bác ạ. Mà bác biết đấy, đi lại bây giờ tốn kém, chầu chực, còn chẳng biết có được việc không.” – anh thanh niên nói liên hồi, tay vuốt vuốt mấy tờ giấy.

“Tôi nói cho anh biết nhé, chúng tôi tham gia chiến trận vào sinh ra tử cho đất nước này cho những người như các anh được sống. Anh nhìn con tôi xem, như thế chưa phải là đủ tiêu chuẩn à?” – cha Bình nóng mắt, nói xẵng. Gã cán bộ xã hạ giọng: “ Ấy không, ý cháu là bác nên có chút bồi dưỡng cho những người giúp mình, cháu sẽ kết nối…” Ông Trọng ớ người ra: “Anh nói đến tiền ấy phỏng”? Mẹ Bình cảm thấy trận cuồng phong sắp nổi lên, đi từ trong buồng ra bảo: “Cháu cứ giúp bá đi, rồi bá gửi.” Rồi bà quay sang chồng: “Ông gửi cho cháu nó ít tiền làm lộ phí.” “Bà còn nói thế à, cha Bình gắt, tôi không đi mua chế độ nhé, lẽ ra phải làm cho tôi lâu rồi mới đúng chứ, bao lần gửi giấy tờ đều mất hút.” Rồi ông quát lên: “Anh kia, mời anh cút xéo khỏi nhà tôi, tôi không tiếp loại cán bộ như anh nhá!”

Khi tiếng xe máy nổ giòn tan đi khuất, Bình thấy cha mang con dao găm, kỉ vật thời chiến ra lau đến sáng loáng. Cả nhà thót tim. Mỗi khi bực bội điều gì ông thường làm thế, rồi lại cất con dao vào ngăn kéo cuối giường. Có hôm, ông thức thật khuya nghe đài, ghi chép, gọi điện thoại người này người khác vẻ nghiêm trọng lắm.

Thằng Độc Lập và cái Hạnh Phúc có vẻ rất thích thú mấy đồ vật cũ của cha và hay chơi trò chiến tranh. Thằng Lập cầm cành củi khô làm súng chĩa vào người con Phúc kêu đoàng một cái. Con Phúc ngã lăn ra giả vờ chết. Sau đấy hai anh em ôm nhau cười như nắc nẻ. Bình thấy sờ sợ. “Hay gì trò bắn giết nhau”, cha Bình thì im lặng lúc lâu rồi nói, “mấy cái đứa này, cha mày đi đánh nhau cả đời không chán sao, đừng chơi trò đấy nữa, hỏng người lúc nào không hay”. Bình vẫn thấy cái kí ức khủng khiếp một thời trên gương mặt cha mỗi khi ông ngồi bất động trên cái phản gỗ giữa nhà. Thỉnh thoảng, lúc cha ngủ say, Bình vẫn lén thức dậy mò mẫm đi thật nhẹ vào giường để nhìn mặt ông. Nhiều lần Bình thấy má ông giật giật, vẻ thảng thốt. Có đêm, Bình vừa đặt chân vào buồng, tiếng ông hỏi: “Con Bình hả, không ngủ đi mò mẫm ăn trộm gì đấy. Tao vừa mơ sợ quá, thằng Mỹ to cao máu me bê bết đổ ập vào người.” Rồi ông ngồi dậy, kể cho Bình nghe cái trận ông và đội trinh sát rơi vào ổ phục kích của địch, trong trận giáp lá cà, ông đã giết tay lính Mỹ bằng một nhát dao thấu tim. Giữa sống chết, bom đạn, máu đổ, chết chóc là thường. Nhưng ông đâu ngờ sau chiến tranh, những cái chết đó vẫn về gọi ông hàng đêm…

*
* *

Bình ngồi đun nắm lá cháy rèo rèo trong bếp. Ông Trọng ngồi trên ghế xem ti vi đưa tin về ngày giải phóng Sài Gòn. Ông bỗng bảo:
“Tao lại nhớ tối hôm ấy, sau trận bom của địch…”

Hôm đó, đơn vị ông bị thương hàng chục chiến sĩ. Giữa vùng đầm lầy, một cái lán được dựng lên làm trạm cấp cứu tiền phương. Ngọn đèn soi được treo lên nóc lán. Trung, anh chàng lẻo mép hát hay nhất trung đội máu me bê bết, đôi mắt nhắm nghiền. Một chân Trung bị dập nát. Sáu chiến sĩ khỏe mạnh, lấm lem bùn đất đứng hai bên giường bệnh theo dõi ca phẫu thuật. Sau khi tiêm thuốc tê cho Trung, không ai dám nhìn bác sĩ cưa chân đồng đội. Bỗng Trung kêu lên: “Tôi mất chân rồi!” Bác sĩ lấy hai tay cầm cái chân sưng tấy vừa bị cắt bỏ để uỵch một cái vào xô. Không ai bảo ai, sáu con người òa lên nức nở. Mọi người ôm lấy Trung… Vậy là mơ ước khi hòa bình sẽ về làm ca sĩ của Trung tan biến. Trọng và đồng đội đi chôn cái chân của Trung dưới gốc cây rừng…

*
* *

Cả nhà không ai cản nổi chuyến đi miền Trung của cha Bình. Bác Thanh ở xã bên đến cùng đi. Hai ông già hai cái ba lô lỉnh kỉnh đủ thứ. Ông Trọng mang theo con dao găm sáng loáng. Bình chột dạ. Họ đi gặp lại đồng đội cũ để hàn huyên lại chuyện chiến trường sao mà mang nhiều thứ thế, cả mấy lá thư ố vàng, nét chữ đã nhòe đi. Bác Thanh nói với mẹ Bình là đi gặp lại người mà ông Trọng đã nhường cho họ thành anh hùng để hỏi vài chuyện.

Bình thấp thỏm, lo lắng. Lúc gọi điện, ông Trọng cười sang sảng bảo: “Tao chưa chết đâu mà lo, bảo mẹ mày là bọn già này đến nơi rồi.” Trời âm u, nặng nề như có bão. Cơn bão dường như ẩn nấp dưới mấy cái vòm cây im lìm kia. Tịnh không một gợn gió. Bình ngủ một giấc từ sáng đến chiều, bỏ cả cơm trưa trên cái giường bên cửa sổ. Mẹ bảo: “Bố mày về rồi, cùng hai ông bạn đồng ngũ đi tuốt vào làng, chả hiểu gặp ai, không nghỉ ngơi gì luôn.” Bình có cảm giác điều lo sợ đã đến. Bình ra khỏi nhà, men theo bờ cỏ bên con sông máng vào làng. Nhà lão Toan ở một mình trên quả đồi ngay gần rừng sim. Bình gặp chú trưởng thôn. Chú quát: “Con bé này, ai cho đến mà đến, hỏng việc.” “Việc gì chú? Chú có gặp bố cháu không?” “Ơ, mày mà biết chuyện là bố mày mắng chú không ra gì đâu, nhưng thôi, đã đến thì nhanh chân lên, núp kín vào…”

Trên sân nhà lão Toan có sáu người đàn ông tất cả. Ông Trọng, bác Thanh, người thương binh già nhất nói giọng miền Trung là bác Vĩnh, chú trưởng thôn, lão Toan cùng con trai lớn của lão. Lão Toan có dáng điệu khác hẳn ngày thường. Lão run rẩy, giọng lập cập: “Tôi… tôi.. xin các ông tha tội.” Ba người lính khi xưa ngồi trên mấy chiếc ghế cũ. Bác Thanh giọng chậm rãi: “Ông có thấy xấu hổ khi cướp công của đồng đội của mình không? Ông bị thương binh bao giờ hả?” Bác Vĩnh lên tiếng: “Bây chừ ông hối cải đi, ông đừng tưởng giả dối trên xương máu đồng đội thì trời đất dung tha nhé.” Ông Trọng đứng nhìn lão Toan, hai mắt như nổ lửa. Lão Toan rũ xuống giọng lạc hẳn đi: “Tôi tự bắn vào chân. Xin các ông…”

Nhà Hòa Bình chật kín mấy chiếu ngồi. Khách là các cựu chiến binh trong làng, những người già nghe thấy bảo đồng đội cũ của ông Trọng đến chơi nên qua hỏi chuyện. Bác Vĩnh bảo: “Tớ anh hùng đếch gì, may có cậu Trọng nhường đấy chứ, cậu này mới thật sự xứng đáng.” Bác vỗ tay bồm bộp vào lưng ông Trọng. Mấy ông già đế thêm vào: “Chiến tranh ác liệt mà bọn mình vẫn sống, thế là anh hùng hết, giờ còn những cuộc chiến gay hơn nữa cơ…” Cha Bình ngồi im lặng, dường như ông không muốn nói gì lúc này. Bác Vĩnh ở lại chơi mấy hôm, suốt ngày rỉ rả nhỏ to cùng bạn cũ.
Bình biết, hai ông đánh dấu những chấm đỏ xanh trên tấm bản đồ kia, lau chùi những kỉ vật cũ và chuẩn bị lên đường tìm mộ đồng đội. Chưa bao giờ Bình thấy cha vui vẻ như bây giờ. Bình nghe đài thấy dự báo có những cơn bão xa nhưng lòng Bình thấy nhẹ nhõm lạ kì…

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version