Chiến tranh đã qua đi, nhiều người đã ngã xuống và có những câu chuyện về những sự hi sinh ít ai biết đến.

Xây dựng cơ sở chờ thời cơ

Lễ 30/4, kỉ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nam Bắc sum họp một nhà, PV báo Người đưa tin đã có dịp về cụm đảo Hòn Khoai ở cực Nam của Tổ Quốc. Nhắc đến cụm đảo Hòn Khoai (thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), không ít người gọi đây là “viên ngọc” của vùng biển Tây Nam.

Không những thế, nhắc đến Hòn Khoai, người ta còn nhớ đến cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp của thầy giáo Phan Ngọc Hiển hay còn gọi là cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai diễn ra năm 1940.

Cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai đã đi vào lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước, đánh đuổi quân thù nhưng người dân tỉnh Cà Mau và các tỉnh miền Tây vẫn còn nhớ mãi hình ảnh 10 chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai hy sinh vẻ vang với mong muốn giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Pháp.

Hòn Khoai là một cụm đảo nhỏ gồm 5 hòn (hòn Lớn, hòn Tượng, hòn Sau, hòn Đồi Mồi và hòn Khô), cách Mũi Cà Mau khoảng 20km về phía Tây Nam. Ở đây, thực dân Pháp xây dựng một tháp đèn biển để hướng dẫn cho tàu biển qua lại đi ban đêm và phục vụ cho tàu hải quân của chúng tuần tra trên biển.

Chúng bố trí ở đây hai tên thực dân Pháp Olivier và Róc-ker để trông coi đèn biển, đồng thời cai quản cụm đảo và theo dõi nhân dân đất liền ra đảo khai thác lâm sản, chở nước ngọt về dùng. Bọn chúng dùng nhiều hình thức khống chế dân để bắt dân phải lo hối lộ cho chúng. Vì thế nhân dân phản ứng, mâu thuẫn diễn ra giữa dân với bọn chúng ngày càng gay gắt.

Trước tình hình trên, hưởng ứng khởi nghĩa Nam Kỳ đánh đuổi đế quốc Pháp giành lại độc lập, tháng 6/1940, Tỉnh ủy Bạc Liêu (Bạc Liêu, có thời gian đổi tên là tỉnh Minh Hải, nay được tách ra thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau) đã cử ông Phan Ngọc Hiển và 2 quần chúng cốt cán là Ngô Văn Giai và Nguyễn Thị Quyết vượt biển ra đảo Hòn Khoai để xây dựng cơ sở chờ thời cơ, nổi dậy khởi nghĩa.

Tại đây, ông Phan Ngọc Hiển cố gắng tập hợp quần chúng để làm hậu thuẫn cho việc thực hiện nhiệm vụ của Đảng giao. Để tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng, đặc biệt là những nhân viên phục vụ hải đăng, thầy giáo Hiển đến xin phép tên chủ đảo Olivier mở lớp dạy học cho con em ngư dân trên đảo.

Đây được xác định là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với ông Hiển. Không lâu sau đó, thầy giáo Hiển đã cảm hóa được hầu hết nhân viên trên đảo và xây dựng anh em trở thành lực lượng nòng cốt cho khởi nghĩa.

Nghĩa trang 10 liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai. Ảnh Thanh Lâm.

Không chỉ vậy, những ngày hoạt động ở Hòn Khoai, thầy giáo Hiển đã nghiên cứu địa hình, bí mật chọn những hốc đá sâu trong rừng không ai biết để làm điểm cho lực lượng khởi nghĩa khi cần thiết né tránh kịp thời đỡ tổn thất. Đồng thời, tranh thủ mọi thời gian, mọi điều kiện để xây dựng thực lực của ta ngày càng hơn hẳn địch để khi có thời cơ khởi nghĩa giành thắng lợi.

Phát cờ khởi nghĩa

Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra ở nhiều tỉnh, Thuờng vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đã mở Hội nghị Tỉnh Ủy vào ngày 26, 27/11/1940 tại Lung Lá Nhà Thể, ấp Rạch Muỗi, Làng Tân Hưng (nay là ấp Trần Độ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước).

Hội nghị nhất trí chọn Hòn Khoai làm điểm mở đầu cuộc khởi nghĩa trong tỉnh. Bởi ở đây, ta có khả năng giành thắng lợi trọn vẹn, vừa tạo được khí thế ban đầu, vừa có thêm vũ khí để trang bị cho lực lượng khởi nghĩa. Theo dự định, cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai sẽ được diễn ra vào đêm 23/12/1940.

Theo đó, vào ngày 12/12/1940, sau khi nhận được Nghị quyết khởi nghĩa của Tỉnh ủy, thầy giáo Hiển đã tập hợp Đảng viên ở Hòn Khoai cùng với ông Bông Văn Dĩa tổ chức cuộc họp để thảo luận kế hoạch thực hiện.

Tại cuộc họp, lực lượng khởi nghĩa nhận định hành động lúc này là rất thuận lợi. Bởi vì trên đảo chỉ có tên chủ đảo Olivier, còn tên phó đảo Róc-ker đã về Sài Gòn trị bệnh. Cũng tại cuộc họp, ông Hiển tuyên bố kết nạp ông Đỗ Văn Sến và ông Nguyễn Văn Đắc là hai nhân viên phục vụ hải đăng trên đảo vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Chính vì vậy, chi bộ Tân Ân – Hòn Khoai có thêm lực lượng chiến đấu, tạo động lực mạnh mẽ trực tiếp cho cuộc khởi nghĩa sắp diễn ra trên đảo.

Đúng như dự đoán, 21h ngày 13/12/1940, lợi dụng tên chủ đảo Olivier đến phòng điện đài về Sài Gòn, lực lượng của ta chia làm hai nhóm sẵn sàng chiến đấu. Nhìn thấy Olivier vừa đưa bản báo cáo cho nhân viên điện báo để điện về Sài Gòn, ông Phan Ngọc Hiển cùng các đồng chí của ông nhanh chóng vật chủ đảo ngã xuống.

Quá bất ngờ, Olivier không kịp trở tay, hắn cố vùng dậy chống cự điên cuồng liền bị lực lượng của ta khống chế và tiêu diệt ngay tại chỗ. Vợ con tên chủ đảo được lực lượng khởi nghĩa đưa về đất liền. Cứ như thế, cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai kết thúc nhanh gọn. Ta làm chủ hoàn toàn Hòn Khoai.

Sau khi giành thắng lợi, thầy giáo Hiển chỉ đạo lực lượng khởi nghĩa tiến về đất liền. Khi lực lượng khởi nghĩa vương cờ đỏ búa liềm, nhân dân Rạch Gốc (xã Tân Ân) vô cùng phấn khởi tiến ra bãi biển hò reo đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Còn bọn tề ngụy ở đây khiếp sợ chạy trốn vào rừng. Ngay sau đó, đội quân của Hòn Khoai kéo đoàn quân khởi nghĩa về Năm Căn.

Bên trong nghĩa trang 10 liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai. Ảnh Thanh Lâm.

Tuy nhiên, gần suốt đêm 14/12/1940 mà vẫn không nghe thấy hiệu lệnh tấn công và cũng không liên lạc được với Ban chỉ huy khởi nghĩa, thầy giáo Hiển linh hoạt chỉ huy đoàn quân khởi nghĩa kéo đến quận kiểm lâm vào lúc 9 giờ sáng ngày 15/12/1940, làm cho tên Đốc Đông, trưởng kiểm lâm ở tại Thủ Tam Giang hốt hoảng, khiếp sợ, giao nộp toàn bộ vũ khí cho quân khởi nghĩa.

Trưa ngày 16/12/1940, bọn địch ở Cà Mau cho 2 tàu chở lính mã tà tiến vào Rạch Gốc, dùng đại liên bắn trả lại xối xả lên bờ, nhưng không gây thiệt hại cho ta.

“Hy sinh để đồng bào được ấm no”

Nhận định khi nước lớn, hai chiến tàu địch sẽ quay trở lại phản kích, thầy giáo Hiển chủ trương bố trí người ở lại theo dõi tình hình và hướng dẫn đồng bào sơ tán chống sự khủng bố của địch, số còn lại rút vào rừng để bảo toàn lực lượng. Đúng như dự đoán, 16 giờ cùng ngày địch trở lại xua quân bắn bừa vô nhà dân, lùng bắt người và đánh đập, tra khảo dã man, đốt hết nhà cửa, cướp bóc lúa gạo, heo gà của nhân dân Rạch Gốc.

Sáng ngày 22/12/1940, sau nhiều ngày đêm băng rừng, vượt sông, chịu đói, chịu khát, các chiến sĩ ta vừa ngã lưng trên bãi Khai Long đã ngủ thiếp vì quá mệt mỏi, đuối sức. Lúc này, bọn địch bám theo đến vây bắt các chiến sĩ khởi nghĩa: Hiển, Sến, Cự, Luân, Giữ và Nở còn hai chiến sĩ Giai và Búp chạy thoát, nhưng sau đó địch truy lùng bắt được…

Sau hơn 6 tháng giam cầm, tra tấn dã man, các đồng chí vẫn giữ vững khí tiết. Vì thế, bọn thực dân Pháp đem 10 chiến sĩ trực tiếp khởi nghĩa Hòn Khoai ra hành quyết tại sân vận động thị trấn Cà Mau vào sáng 12/7/1941.

Tại pháp trường, thầy giáo Hiển cương quyết không cho chúng bịt mắt và nói lời từ giã đồng bào trước khi vĩnh biệt: “…Chúng tôi là những người cộng sản coi cái chết rất bình thường. Chúng tôi sẵn sàng chết để tranh đấu cho đồng bào được ấm no, nhứt định những người kế tục chúng tôi sẽ tiêu diệt thực dân Pháp! Nhất định Việt Nam sẽ hoàn toàn độc lập!…”.

Ông Quách Văn Phẩm gởi lá thư về gia đình với nội dung: “Con đã làm tròn phận sự, đền xong nợ nước. Nay có chết, cha mẹ, gia đình đừng buồn…”. Các chiến sĩ khởi nghĩa cùng hô vang lẫn trong tiếng súng trả thù đê hèn của bọn thực dân Pháp. Mười chiến sĩ ngã xuống để lại tấm gương bất diệt, vì dân, vì nước, sẵn sàng hy sinh để tô thắm cho ngọn cờ quang vinh của Đảng, của dân tộc.

Nhà báo, thầy giáo Phan Ngọc Hiển

Phan Ngọc Hiển sinh năm 1910 tại phường Thới Bình, TP.Cần Thơ. Cha ông là Phan Văn Vinh, mẹ là bà Trương Thị Cự. Cả hai qua đời lúc Phan Ngọc Hiển mới 10 tuổi. Mồ côi cha mẹ, ông sống với người anh là Phan Văn Thới và chị là Phan Kim Sa. Mặc dù hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, người cậu ruột của ông, ông Trương Quang Đẩu, vẫn cố gắng để Phan Ngọc Hiển tiếp tục học hành và mở trường dạy học. Trong giai đoạn này, ông bắt đầu theo đuổi lý tưởng giải phóng dân tộc bằng bạo lực do Đảng Cộng sản Đông Dương khởi xướng.

Theo tư liệu từ tuần báo Tân tiến, cuối năm 1935, Phan Ngọc Hiển làm phóng viên cho tờ báo có tòa soạn đặt ở Sa Đéc này. Đến cuối năm 1937, Xứ ủy Nam Kỳ điều ông về Sài Gòn và bổ nhiệm ông vào ban biên tập báo Liên đoàn lao động thuộc Công hội đỏ Nam Kỳ. Cuối năm 1938, Tỉnh ủy Bạc Liêu xin điều ông về chuẩn bị nhân sự thành lập cơ quan báo của Đảng bộ. Nhưng sau đó Tỉnh ủy Bạc Liêu hoãn việc thành lập tờ báo này.

Hiện nay, mười liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai gồm: Phan Ngọc Hiển, Đỗ Văn Sến, Nguyễn Văn Đắc, Nguyễn Văn Cự, Đỗ Văn Biên, Nguyễn Văn Cẩn, Ngô Kinh Luân, Nguyễn Văn Đình, Lê Tồn Khuyên, Quách Văn Phẩm được chôn cất tại nghĩa trang 10 liệt sĩ Hòn Khoai (phường 9, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau). Nghĩa trang 10 liệt sĩ Hòn Khoai được UBND tỉnh Cà Mau ra quyết định công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 6/4/2011.

Theo Thanh Lâm – Ngày nay online

Exit mobile version