Tonvinhvanhoadoc.vn: Cuộc đời người lính không quân không chỉ là chuỗingày ngao du trên bầu trời, mà còn là công việc đầy trắc trở, rủi ro và cả những nguy hiểm liên quan đến tính mạng. Chính vì vậy, ngay từ ban đầu, phi công chiến đấu là công việc chỉ dành cho những người ưu tú nhất, can đảm nhất, chịu đựngđược môi trường khắc nghiệt nhất. Câu chuyện về các anh luôn trở thành bản hùng ca trong trái tim nhân dân.
Khi cả nước đang ngóng chờ tin lành từ biển cả, ngóng chờ 9 sĩ quan phi công và cán bộ trên chiếc máy bay CASA 212 trở về, Tôn vinh văn hóa đọc xin giới thiệu chùm bài viết về những người lính không quân của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, để quý vị có thể hình dung được phần nào công việc của các phi công quân đội
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà
Tôi đến Trung tâm huấn luyện thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Bộ Quốc phòng) tại sân bay Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu vào một buổi sáng tháng 3. Mùa xuân vẫn còn tràn ngập trên vùng đất biển, nắng dường như dịu hơn, gió mang hơi biển đổ lên đất liền. Vũng Tàu quả đúng là vùng đất lý tưởng cho những phi công tập những đường bay đầu tiên…
Đại tá Nguyễn Văn Vinh dẫn tôi đi tham quan một vòng cơ ngơi của Trung tâm huấn luyện. Lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy một cơ ngơi đào tạo huấn luyện phi công, thật hấp dẫn với một người viết.
Cơ ngơi của Trung tâm gồm: Đội máy bay huấn luyện của VNH gồm các trực thăng hiện đại, mới nhất sản xuất tại Pháp và Nga: MI 172, Super Puma AS332-L2, EC 155B1, EC 225, EC 120; Phòng học tập, phòng giảng bình, thư viện và phòng Lab hiện đại với đầy đủ các trang thiết bị hỗ trợ học tập như máy chiếu, mạng vi tính kết nối, các chương trình phần mềm giảng dạy cung cấp hình ảnh sinh động, thực tế; Phòng buồng tập giả định; Khu thể thao: sân quần vợt, sân bóng chuyền và bóng đá trong khuôn viên của tổ hợp VNH và VNHS; Khu nhà ở tiện nghi cho phi công…
Giám đốc- đại tá Nguyễn Văn Vinh còn rất trẻ. Anh vừa giới thiệu cho tôi những hoạt động của Trung tâm huấn luyện, vừa kể câu chuyện cuộc đời của anh với những thăng trầm thử thách.
Đại tá phi công Nguyễn Văn Vinh, giám đốc huấn luyện bay
TUỔI THƠ KHÔNG ÊM Ả
Tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Văn Vinh cũng như bao đứa trẻ khác của vùng quê Bắc Bộ. Cũng hăng bắn bi, chơi khăng, chơi đá gà, rồi lặn xuống ao, dìm nhau xuống nước cho sặc… Những cậu bé miền thôn quê Bắc Bộ có trò chơi tổ ong: lấy bùn đắp kín đầu, rồi ngụp tại chỗ cho người vỗ vào đầu để tổ ong vỡ ra, sau đó đuổi theo để dìm người vừa bị vỡ tổ ong xuống ao. Trò chơi này dường như đã luyện cho đầu người chơi sự chịu đựng dẻo dai cho thần kinh và khi bị dìm xuống ao thì trạng thái đó lại giúp người chơi có thêm sức chịu đựng ở trạng thái môi trường thay đổi.
Cha mẹ làm ruộng, nhưng ước mơ được đi đâu đó xa xa luôn đầy ắp trong tâm hồn cậu bé Vinh, khi cậu đứng thả diều, hay lấy bèo làm thuyền rồi đẩy thuyền đi ra xa. Nơi đây là Tân Phú, Phổ Yên, Thái Nguyên, một vùng quê Bắc Bộ trù phú giáp Sóc Sơn, Hà Nội và Hiệp Hòa, Bắc Giang. Vùng quê có con để chạy dài. Đứng trên đê thả diều tưởng như con người được nối gần thêm với trời. Ngửa cổ ngắm diều bay trên trời xanh, tai nghe khúc nhạc diều vi vu trong những chiều hè. Cậu bé Vinh chỉ cảm nhận và ghi nhớ mãi, mà không làm sao tiến bộ hơn khi học môn Văn. Rồi những trò tập bơi, cho chuồn chuồn cắn rốn. Có lần suýt chết đuối, được mọi người kéo từ ao làng lên… May mắn là gia đình cha mẹ luôn hướng cho Vinh và mấy anh chị em trong gia đình cần phải lấy kiến thức làm hành trang vào đời. Thời ấy, nếu không đi học xa, ở nhà làm ruộng thì có thêm nhân công và được tính suất lao động trong Hợp tác xã, được chia công điểm. Để đi học lên, là cả một sự nỗ lực lớn của mỗi gai đình. Nhà có 4 anh em trai và một chị cả. Là con thứ 4 trong gia đình, và là con trai thứ 3, cậu có nhiều cơ hội để có thể chọn lựa cho mình một hướng đi an bình, như sau này mấy anh chị trong nhà, đó là làm thầy giáo dạy học hoặc việc an nhàn nào đó.
Một trong những phòng học của phi công
Nhưng việc đi học của những cô bé cậu bé thời kỳ đó không đơn giản như những thế hệ sau này. Để đến trường, phải đội mũ rơm nặng trĩu trên đầu phòng máy bay Mỹ nhào tới ném bom. Những trái bom tấn bom tạ đã đành, hủy diệt biết bao mạng người và cây cỏ, những quả bom bi cũng vô cùng nguy hiểm. Mũ rơm giống như cách bảo vệ đầu của mũ bảo hiểm bây giờ. Lũ trẻ vùng quê Vinh cũng phải đi sơ tán trú ẩn trong những hầm kèo đào sâu dưới lòng đất. Quê Vinh có nhà máy gạch và gần tuyến quốc lộ 3 với cầu Đa Phúc một trong những điểm trọng yếu, nên thường xuyên bị máy bay Mỹ oanh tạc. Mỗi lần xong một trận ném bom, lũ trẻ lóc ngóc kéo lên mặt đất. Nhìn tường nhà bị bom, cái đổ, cái thủng lỗ chỗ. Rồi thì cũng quen, không còn biết sợ nữa. Có lúc nghe tiếng máy bay, người lớn hô: Xuống hầm ngay. Thì bom đã nổ trước đó rồi. Sau này làm phi công mới biết với tốc độ siêu âm khi nghe được tiếng máy bay, thì nó đã lao qua rồi. Và từ cái bụng độc ác nhả ra từng chùm bom hủy diệt sự sống. Và còn nghe được tiếng hô coi như còn sống. May mắn nó không ném trúng, chứ không thể nghe tiếng máy bay mà tránh được bom.
Có những kỷ niệm thời thơ ấu không bao giờ quên được, dù chỉ như những vệt sao băng xoẹt ngang qua bầu trời và không để lại dấu vết. Kỷ niệm mà lần đầu tiên cậu bé Vinh cảm thấy mình được làm thằng con trai đúng nghĩa, đó là lần cùng mấy thằng bạn vào nhà thầy giáo chủ nhiệm chơi, thầy rót rượu mời uống. Chút cay sặc ở cổ đó đã theo Vinh đi suốt cuộc đời trai trẻ.
Mô hình một chi tiết động cơ trực thăng
Lại cũng có những kỷ niệm không xóa nổi, cứ in hằn lên chính thân thể như một chứng nhân của một thời trẻ con dại dột. Đó là vết xăm trên tay. Mấy cậu bé mới học lớp 5, lấy được ít mực tàu của mấy bác thợ mộc mài trên mảnh chén vỡ, rồi lấy kim cuốn chỉ vào, chấm mực và xăm cho nhau. Kim châm đến đâu, mực theo chỉ ngấm xuống đến đó. Đau cũng nghiến răng lại chứng tỏ mình dũng cảm. Vinh xăm ngày tháng năm sinh của mình trên bắp tay trái: 2.8.1960.
Hôm đó về nhà cậu bị thầy (bố) đánh cho một trận. Tay sưng lên đau, u cậu xót con, lén pha cho cốc nước đường.
Chuyện xăm tay tưởng chỉ là trò nghịch trẻ con, rồi sẽ qua đi khong có ảnh hưởng gì. Nhưng năm ấy, khi thi vào đại học, thực lòng Vinh rất mong được làm công an. Đã thi qua những vòng đầu, đến khi chuyển sang phòng khám nội, bác sĩ lắc đầu:
“Cháu không được học công an rồi. Vì nghề công an là không được để lại dấu vết trên người như thế này”
Thế là mất đi một mơ ước. Hay nói đúng hơn, đó chính là một bước ngoặt của định mệnh.
Sau này anh cứ ngẫm nghĩ về những cơ hội của cuộc đời. Con người ta, mỗi người đều có một vài cơ hội ở đời. Nếu không tiếp cận được thì nó sẽ đi qua. Khi nhỏ ở nhà, chứng kiến cảnh làm nông vất vả của thầy u mình, anh cứ mong ước thoát ra cảnh khổ đó bằng mọi giá, để giúp thầy u và gia đình được nhiều hơn.
Vinh tiếp tục thi vào đại học Nông nghiệp 3 Thái Nguyên. Nhưng lại một lần nữa, số phận không mỉm cười với anh. Điểm vào trường là 13, Vinh bị thiếu điểm. Cứ ngồi nhà chờ năm sau thi lại thật chán nản. Anh quyết định đi học công nhân cơ điện trưởng Cơ điện Việt Bắc.
Vào trường rồi mới biết mình đã chọn cái nghề quá vất vả. Lúc mới xách đồ đạc đến nhập trường, nghe mọi người hô: Rèn rồi; khi ấy mới biết cái tên gọi bộ môn nghiệp vụ nghe có vẻ oách là “Gia công áp lực nóng”, thực chất chỉ là nghề rèn. Tuy nhiên khi học cũng rất áp lực và nghiêm ngặt. Anh được học lý thuyết đại cương rất kỹ, học về an toàn công nghiêp, rồi vừa học lý thuyết vừa thực hành chuyên môn gò, nguội, điện…
Về sau ngẫm lại, cũng thấy may. Thời gian học nghề “Gia công áp lực nóng” cứ như dọn đường cho anh đi những bước vững chãi của một phi công thực thụ sau này. Sau này anh cũng phải đụng chạm nhiều đến những chuyên môn đó cho việc chinh phục máy móc kỹ thuật của một chiếc máy bay.
Định mệnh đã đặt những bước chân đến bằng những cách rất lạ lùng.
Vùng quê của anh chợ phiên họp vào ngày 3, 5, 8, 10. Lũ con trai hay la cà ra chợ mua bi. Dịp tết thì ngày 23 ông công ông táo là phiên chợ tết đầu tiên. Cánh con trai dịp này hay ra chợ để chờ săn pháo rẻ để mua, theo từng phiên chợ tết sau đó vào ngày 25, 28, 30. Chợ tết năm đó, mấy anh em mua được một bức tranh 4 mùa. Thời trẻ thơ, cậu trai nào cũng rất ngưỡng mộ phi công. Bức tranh đó rất có ý nghĩa, vì ca ngợi anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy. Giờ đây, đã qua mấy chục năm mà anh vẫn còn nhớ những câu thơ cháy lòng cậu bé Vinh ngày ấy:
Ngày hòa bình Bảy đi tập kết
Rời quê hương Sa-đec mến thương
Được vào học lớp không quân
Lòng như cánh én trời xuân rộn ràng
Đang chiến đấu đột nhiên trúng đạn
Máy bay hư Bảy chẳng nhảy ra
Lao lên vun vút lấy đà
Đủ tầm cao mới là là về sân…
Thuộc nằm lòng từng câu thơ về người anh hùng phi công, cũng là sự ngưỡng mộ của cậu bé với cái hình ảnh phi công trên bức tranh 4 mùa đó.
Năm học lớp 10 cuối cấp ba, đoàn giám định y khoa của bệnh viện Không quân về trường cấp 3 Phổ Yên tuyển phi công. Học sinh nữ thì ngồi yên trong lớp. Còn học sinh nam thì xếp hàng chờ khám sức khỏe. Cơ hội đến làm Vinh quá hồi hộp. Chính vì vậy nên tim mạch không chuẩn. Khi bác sĩ hạ câu: không đủ sức khỏe, cậu như muốn khụy xuống.
(Lần đó chỉ có duy nhất một người qua được. Sau người đó được đi học ở Nga, nhưng lại kết thúc việc bay sớm hơn).
Cơ duyên lại đến với cuộc đời anh.
Hôm đó, đoàn giám định y khoa lại đến trường Cơ điện. Vinh lại được chọn để khám sức khỏe. Lần này đã có kinh nghiệm, nên Vinh rất bình tĩnh khi trải qua tất cả các công đoạn khám. Cuối cùng thì đoàn giám định đã chọn được 6 học viên qua vòng 1. Và hẹn ngày về bệnh viện Không quân khám tiếp vòng 2. Thật vinh dự khi được chọn đi khám tiếp. Khi đó là anh đã vào trường học được 8 tháng.
Có lẽ một trong những kỷ niệm đáng nhớ trong đời, đó là lần đi khám sức khỏe này. Đang ở trường ăn uống kém, khi đi về bệnh viện Phòng không, ở đó 2 tuần để khám lần lượt từng khoản mục, các học viên được chăm sóc ăn uống rất ngon. Cứ một ngày đến lượt khám, một ngày chờ. Lần này thì Vinh đã qua được. Tuy nhiên, anh chỉ lọt được vào vòng thấp nhất. Nghĩa là những người được xếp hạng sức khỏe 1A sẽ học lái máy bay phản lực, 1B học lái máy bay vận tải, 5A bay trực thăng. Cứ thế phân loại trở xuống. Vinh lọt vòng 5B, nghĩa là nhân viên trên không, và trong hồ sơ của anh có dòng chữ kết luận của bác sĩ: Ưu tiên thời chiến, cần nhân viên trên không thì lấy.
Khi đoàn Giám định về địa phương để điều tra lý lịch, lúc đó thầy anh mới biết anh tự trốn đi khám phi công. Trong lòng người cha, tuy không nói rõ cụ thể, nhưng anh biết, ông luôn cho cái nghề phi công là nghề «thất đức», không tốt vì phi công ngồi trên thả bom xuống hủy diệt con người. Đó là bởi vì quá nhiều người bị bom Mỹ chết, chính ông đã phải nhiều lần tránh bom bi của máy bay Mỹ khi đang làm ngoài đồng. Căm thù phi công Mỹ, ông ghét lây cả cái nghề lái máy bay.
Trong thời gian này nỗi bất hạnh ập đến gia đình anh.
Hôm đó có người bà con tìm đến trường anh để đón về bảo nhà có việc. Thời ấy không có thông tin gì để báo cho anh biết u anh bị cấp cứu đi bệnh viện. Bà bị đau đầu dữ dội, và mất đột ngột khi mới ở tuổi 48. Về đến nhà mới biết mẹ đã không còn trên cõi đời. Nỗi đau mất mẹ nặng trĩu trong lòng anh suốt những năm tháng học tập gian nan, những khi cất cánh bay lên cao xanh, dường như anh vẫn nhìn thấy u đang lầm lụi ngoài đồng với tấm áo tơi những ngày mưa phùn gió bấc, hay cái khăn mỏ quạ trùm kín mặt khi khom lưng giữa trời nắng tháng sáu ngoài đồng.
Một thời gian sau, vào tháng 10 năm 1978 thì có giấy báo tuyển học phi công. Trong số 6 người đi khám tuyển thì có 3 người được gọi. Thầy anh tuyên bố, đi thì cứ đi, nhưng ông sẽ không làm cơm chia tay.
Anh nói với thầy mình:
«Con xác định rồi, sau khổ con cũng không dám kêu»
Tuy nói vậy, nhưng trước ngày anh đi, thầy anh vẫn làm bữa cơm mời bà con lối xóm đưa tiễn anh. Bạn bè chủ yếu chỉ có đám bạn trẻ trâu ngày nhỏ đến chào tạm biệt. Anh cũng chưa hề có một cô bạn gái nào tặng cho chiếc khăn tay khi lên đường nhập ngũ như nhiều bạn khác. Tuổi thơ bị gán ghép với ai là đã ngượng ngùng tránh bằng được. Giờ tuy đi học trường chuyên nghiệp rồi mà anh vẫn ngộc nghệch như cậu bé con.
Thầy anh cho con 50 đồng để tiêu. Mãi sau này, anh vẫn không biết tiêu gì. Hồi đó 50 đồng rất to. Mỗi tháng anh lính binh nhì được cấp phát mấy đồng, cũng chỉ biết để dành mua tem viết thư, thi thoảng mua vé xe về phép thăm nhà, rồi cũng có chút quà cho thầy và các anh chị em cùng lối xóm.
Đài chỉ huy bay
BẦU TRỜI RỘNG LỚN
Ngày 3 tháng 10 năm 1978, Nguyễn Văn Vinh nhập học Trường Dự khóa Bay Hà Nội.
Suốt mấy tháng đầu tiên chỉ toàn tập tành tất cả các bài tập luyện của tân binh, rèn sức khỏe và kỷ luật quân đội. Đến ngày 07 tháng 2 năm 1979 các anh được chuyển trường từ Ngã Tư Sở lên Vó Ngựa – Thái Nguyên. Trong thời gian này lại chỉ rèn luyện và trồng sắn cao sản.
Ngày 08 tháng 3 năm 1979, cả lớp phi công gồm quân số của 2 đại đội được lệnh lên đường. Họ được đưa lên cùng một chuyến Bowing 707, và không được biết bay đi đâu. Sáng sớm hôm đó, khi có lệnh báo động, cả lớp vội vàng thu xếp tư trang cá nhân, mang theo đồ ăn sáng, và tất cả là sự nghiêm trang chấp hành mệnh lệnh.
Chiếc Bowing 707 cất cánh lên cao. Trong lòng những học viên trẻ tuổi vô cùng hồi hộp và phấn khích. Lần đầu tiên được bay cao bay xa. Trong khoang máy bay nhìn ra ngoài ô cửa nhỏ, thấy tầng tầng lớp lớp những đám mây vần vũ, đẹp và hớp hồn đến kỳ lạ. Mặc dù không ghi chữ nào vào nhật ký, nhưng không bao giờ anh quên được cái cảm giác choáng ngợp, nó ập đến tâm hồn người con trai 19 tuổi như lần đầu tiên được biết ánh mắt của mối tình đầu.
Máy bay đáp xuống đường băng Tân Sơn Nhất, khi đó mọi người mới được biết mình đã có mặt ở Sài Gòn. Tất cả lớp lại được chuyển quân sang chiếc máy bay C130 để bay đi. Cho đến khi máy bay hạ cánh xuống sân bay, hỏi bảo vệ mới biết các anh đã được tập kết ở Phan Rang, đến Trung đoàn của Trường Không quân. Hôm đó tiết trời miền Bắc vẫn lạnh, nhưng ở Phan Rang đã là cuối mùa khô và xa lạ với những chiếc áo ấm dày phía Bắc.
Suốt thời gian là giai đoạn gối đầu, toàn khoá học chỉ mỗi việc đi lấy củi, giúp bếp, đào Ao cá Bác Hồ. Họ được tập kết ở đồi Chuẩn tướng, nước tắm cũng thiếu, có khi phải đi hàng 5,6 cây số để ra sông tắm.
Cuối cùng thì cũng được nhập trường. Tuy ban đầu trong hồ sơ khám sức khoẻ của anh ghi có thể xếp làm nhân viên trên không, nhưng Vinh vẫn được xếp học cùng tất cả những người có sức khoẻ tốt hơn.
Nhờ được luyện trong môi trường của trường dạy nghề, nên việc tiếp thu lý thuyết về máy móc với anh không mấy khó khăn. Mà thấy dạy cũng rất linh hoạt. Các bộ phận máy bay được treo lên tường. Thầy giáo giảng đến đâu chỉ từng chi tiết đến đó rất kỹ. Vì vậy mà học viên nhớ lâu, và coi như được thực hành tháo lắp máy luôn.
Sáu tháng, từ tháng 4 năm 1979 đến tháng 10 năm 1979 học về lý thuyết. Sau đó các học viên được điều chuyển về Trung đoàn 930 thuộc Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Không quân ở Cam Ranh để học thực hành bay.
Rủi ro của người phi công phụ thuộc vào sức khoẻ, rất dễ đứt gánh giữa đường. Để theo được nghề, người phi công ngoài yếu tố khoẻ ra, còn là phản xạ bản năng tự nhiên (năng khiếu bay). Khi ngồi lên máy bay biết cảm nhận thế nào là máy bay nghiêng, khi máy bay tăng giảm tốc độ, hay gặp phải vùng địa lý khác biệt…cách lượng đón cho mỗi động tác. Đó là độ nhạy tự nhiên của thần kinh. Cùng khoá học của anh có những người học lý thuyết rất giỏi, làm toán các bộ môn như Lượng, Đại số toàn được 9, 10 điểm. các bạn cùng lớp vô cùng ngưỡng mộ. Nhưng khi lên máy bay thực hành thÌ như bị đơ. Máy bay mất độ cao, cũng không cảm nhận được, không nhìn thấy. Một khi không thể hoàn thành bài tập bay theo đề cương học viên có thể bị cắt bay khi thực hành hoặc chỉ có thể trở thành lái phụ. Với người có năng khiếu chỉ bay 80 đến 100 giờ đã có thể được cấp bằng lái chính. Vì vậy để kéo dài tuổi bay ngoài sự chăm lo chung của đơn vị cho Phi công, mỗi người cần phải tự rèn luyện liên tục để có được thể lực dẻo dai,
Nhưng cả một lớp đào tạo 40-50 học viên, nay khóa của anh chỉ còn lại 8-9 người còn lái.
Năm 1981, anh hoàn thành khoá học, trở thành phi công chính, và được giữ lại nhà trường làm giáo viên bay.
Kèm cặp được mấy khoá học viên thì năm 1985 anh được trên điều động vào Sân bay Vũng Tàu, được phiên vào Phi đội Dầu khí e917. (Ở tuổi 25 với anh đây là một thực sự là một thách thức mới, cái mà anh dành dụm lúc này là kinh nghiệm làm thầy còn khiêm tốn, nhưng bù lại anh có đầy đủ sự trẻ trung nhiệt huyết để sẵn sàng tìm tòi, nghiên cứu và chinh phục khó khăn, thử thách mới.
Nhận nhiệm vụ mới, mục tiêu mà anh hạ quyết tâm với bản thân là phải học tập thật nỗ lực để có thể sử dụng thông thạo ngoại ngữ và điều chỉnh tư duy nghề nghiệp của một phi công quân sự cho phù hợp với nhiệm vụ của phi công thương mại. Cuối cùng, lòng quyết tâm, nhiệt huyết, khả năng sẵn có và sự rèn luyện bền bỉ của anh cũng đến lúc nhận được kết quả. Chỉ sau hơn một năm bay ở vị trí lái phụ anh đã được huấn luyện trở thành phi công lái chính. Khi ấy anh trở thành phi công trẻ nhất của Công ty trên loại trực thăng Mi8, được phép thực hiện nhiệm vụ ra các giàn khoan cố định ngoài khơi trong điều kiện thời tiết giản đơn ban ngày.
Đại tá Nguyễn Văn Vinh tâm sự:
“Đúng là phải cảm ơn Liên doanh Dầu khí Việt Xô vì đã phát triển thăm dò và khai thác nhanh chóng với tốc độ áp lực để các phi công trẻ chúng tôi có nhiều thời gian bay tích lũy kinh nghiệm và trưởng thành trong nghề nghiệp”.
Năm 1986, đất nước bắt đầu thực hiện chính sách mở cửa, đón hoạt động đầu tư từ nước ngoài. Lúc ấy, cánh phi công trẻ cùng lứa với Vinh vô tư lắm, còn đang ngỡ ngàng, chưa hiểu điều gì sẽ xảy ra. May mắn, các thế hệ phi công đàn anh đã sớm hướng dẫn cho họ biết rằng chỉ trong thời gian rất gần nữa thôi, các nhà tư bản nước ngoài chắc chắn sẽ đầu tư vào Việt Nam, các hãng dầu của Anh, Pháp, Mỹ,vv… sẽ có mặt, rằng hơn lúc nào hết tư duy của người phi công cũng cần phải thay đổi, nhất định phải biết tiếng Anh, nhất định phải chuyển loại sang trực thăng hệ 2 (hệ trực thăng tư bản).
Năm 1989, sau khóa học tiếng Anh, anh được trên cử đi học chuyển loại trên máy bay Puma SA 330J do Pháp chế tạo. Khi tiếp cận với công nghệ mới và phương thức mới, ai nấy cũng đều phấn khởi và tiếp thu rất nhanh. Với tinh thần hăng say học hỏi và tiếp cận kỹ thuật mới, chỉ sau một vài tháng anh và các phi công cùng khóa đã làm chủ được loại máy bay thuộc loại hiện đại nhất thế giới.
Thời điểm này các hãng dầu ồ ạt vào thăm dò, khai thác tại thềm lục địa Việt Nam cùng một lúc. Trước nhu cầu bay cao, Tổng Công ty quyết định phải thuê thêm các Công ty trực thăng nước ngoài như Heliunion, Bristow, Helikopter Service… để đáp ứng nhu cầu bay cao điểm. Đây cũng là một cơ hội tuyệt vời cho nghề bay của anh, dù không mấy dễ dàng. Được bay cùng các phi công nhiều kinh nghiệm của bạn, tham gia các khóa học nâng cao nghiệp vụ bay và quản lý an toàn chất lượng hàng không, chỉ sau gần 10 năm các phi công, kỹ sư, thợ máy của Công ty đã hoàn toàn làm chủ dịch vụ bay dầu khí và hoàn toàn thuyết phục được các hãng dầu. Đây là thắng lợi rất đáng khâm phục, là kết quả của trí tuệ, sức người, sự quyết tâm rèn luyện và lòng dũng cảm.
Đến đầu năm 1998, những tổ bay Việt Nam đã chứng minh được người Việt Nam thông minh. Phi công Việt Nam anh hùng trong chiến đấu nhưng cũng thật vững vàng trong nhiệm vụ bay thương mại. Hơn 20 năm, từ một phi công chỉ với hơn 400 giờ bay từ nhà trường, anh đã tích lũy được hơn 6000 giờ bay chuyên gia, công nhân ra vào các dàn khoan và thực hiện an toàn tuyệt đối các chuyến bay quân sự, chuyên cơ cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội trên Đất liền, ra Giàn khoan, ngoài Đảo xa.
Bước lên từ những bước đi vững chắc theo các cung bậc của nghề nghiệp từ phi công lái phụ đến lái chính, sau đó trở thành Giáo viên bay, rồi Đội trưởng Đội bay, Trưởng phòng An toàn – Huấn luyện, Phó Giám đốc Huấn luyện –Điều hành của Công ty bay dịch vụ Miền Nam và đảm trách nhiều cương vị khác nữa, đến nay với nhiệm vụ là Giám đốc Trung tâm Huấn luyện – Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam, anh tiếp tục khẳng định lòng hăng say, yêu nghề của mình bằng cánh bay vững chắc bên những lứa học trò phi công thân yêu và vẫn miệt mài tâm huyết với công tác lãnh đạo của đơn vị.
Khi các anh bay ra giàn khoan, đường bay hoàn toàn chưa được định vị và dẫn đường một cách chi tiết cụ thể. Chỉ là bay bằng kinh nghiệm của người lính với bộ quân phục và khả năng thích ứng nhận biết địa hình phức tạp. Giàn khoan ở ngoài biển. Mỗi giàn khoan lại có những vị trí hạ cánh và điều kiện địa hình khác nhau. Vậy mà anh đã cùng đồng đội lần nữa chinh phục được đối tác. Quả thật công việc nặng nề cân não không kém việc lái máy bay chiến đấu. Vì chỉ một sai lầm nhỏ, sẽ dẫn đến việc cháy máy bay, khi đó cả giàn khoan cũng sẽ cháy và phát nổ không cách gì cứu vãn nổi.
Năm 2006, Nguyễn Văn Vinh lại được trên điều ra Bắc làm Giám đốc Công ty Bay Miền Bắc. Nhiệm vụ chính của anh lúc này là thiết lập hệ thống bay từ mô hình xã hội chủ nghĩa sang mô hình của xã hội tư bản cho phù hợp với nền kinh tế thị trường.
Giai đoạn ở Công ty bay dịch vụ miền Bắc anh đã tập trung tìm ra hướng quản lý phù hợp và đã tỉa rút ra những điều về các vấn đề và khả năng quản lý một công ty bay. Anh có thế mạnh khi tiếp cận cái mới, thiết lập hệ thống quản lý bay. Thời gian này thực sự vất vả nhưng anh cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với những gì mình đã làm được.
Thời gian sau, anh lại được chuyển sang làm Trưởng phòng quản lý chất lượng và an toàn của Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam.
BẾN ĐỖ YÊU THƯƠNG
Những ngày học ở Trường Sĩ quan chỉ huy Kỹ thuật Không quân, vào ngày nghỉ, các anh thường ra ngoài chơi. Nhất là ở đó lại gần trường Cao đẳng Sư phạm. Các anh “lính phi công” xa nhà, lại gặp được những giáo sinh cũng xa nhà, dễ chia sẻ với nhau.
Anh gặp cô giáo sinh Nguyễn Thị Hải Yến trong những ngày nghỉ được ra nghỉ ở Trung tâm điều dưỡng của đơn vị. Khi đó anh mới 23 tuổi.
Cô gái ở Nha Trang, nhưng có giọng nói pha cả Bắc và Trung. Thì ra ba Hải Yến người Ninh Hoà, tập kết ra Bắc và lấy mẹ cô là người Quảng Bình. Hải Yến lại sinh ra ở nông trường Tây Hiếu, Nghệ An.
Cuối năm 1984, Vinh báo cáo đơn vị và họ tổ chức đám cưới. Cuộc sống gia đình bắt đầu từ đây. Thời gian này cả nước gặp khó khăn. Khi anh có quyết định chuyển vào Vũng Tàu, chưa đưa được vợ vào, chị phải lo toan một mình để chuẩn bị cho đứa con đầu lòng ra đời.
Rồi thì anh cũng xin được cho chị chuyển vào cùng. Địa phương cũng rất tạo điều kiện cho gia đình những phi công của sân bay Vũng Tàu.
Ban đầu chị làm ở Công ty Du lịch, chủ yếu làm nhân viên bán hàng ăn ở Bãi Sau. Hàng ngày chị đạp xe đi làm. Nhưng mắt thì luôn dõi lên bầu trời nhìn những chiếc trực thăng cất cánh, mong sao cho những cánh bay được an toàn.
Bạn bè và hàng xóm rất ngưỡng mộ những gia đình phi công. Nhưng không phải ai cũng thấu hiểu sự hy sinh thầm lặng của những người vợ phi công. Chỉ khi nhìn thấy người chồng trở về với nụ cười trên môi, khi đó người đàn bà của gia đình mới tạm thở phào. Với những người phi công, dĩ nhiên nhiệm vụ luôn đặt hàng đầu. Họ rất bận rộn, không những bận công việc mà việc rèn luyện trau dồi tham gia các buổi thực hành huấn luyện bay cũng là một nhiệm vụ thường xuyên. Mỗi khi chuẩn bị cất cánh thì tâm lý phải ổn định. Lúc đó người vợ cần có đức hy sinh chịu đựng, cho dù có bất cứ chuyện gì không hài lòng, thì cũng phải nhẫn nại với gánh nặng gia đình, nhẫn nại và giữ thái độ vui vẻ khi chồng sắp đi làm nhiệm vụ, nếu không sẽ bị ảnh hưởng tâm lý trong quá trình bay. Thậm chí phải rất chiều chồng, ngay cả chuẩn bị bữa ăn cũng phải cẩn thận chu đáo. Họ phải nhẫn nại như vậy, và có gắng để không lo lắng quá mỗi khi chồng lên đường, nhất là những chuyến bay đêm.
Đây là những tâm sự của đại tá Nguyễn Văn Vinh, khi anh nói về cuộc sống riêng của người phi công. Nhưng một điều cơ bản là sống trong môi trường của một khu tập thể các gia đình phi công, hầu như không có tệ nạn xã hội tràn vào. Đó là điều khiến cho các anh rất yên tâm khi đi làm nhiệm vụ.
Bây giờ hai con trai của anh chị đã trưởng thành. Con trai đầu tốt nghiệp đại học Giao thông vận tải đã lập gia đình đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Con trai thứ hai làm kỹ thuật bảo dưỡng thiết bị an toàn máy bay ở Công ty Trực thăng Việt Nam. Không ai theo nghề phi công của bố, âu cũng là lẽ thường tình. Còn chị thì đang làm nhân viên thống kê của phòng Chính trị thuộc Công ty Trực Thăng Miền Nam.
TRUNG TÂM HUẤN LUYỆN BAY
Thực hiện quyết định của Bộ Quốc phòng, ngày 13 tháng 8 năm 2004, Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân đã ra Quyết định số 622/QĐ-PKKQ thành lập Trung tâm huấn luyện của Tổng Công ty Bay dịch vụ Việt Nam. Chức năng nhiệm vụ chủ yếu là huấn luyện, đào tạo chuyển loại phi công trực thăng và nhân viên kỹ thuật hàng không, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của Tổng Công ty. Đối tượng chủ yếu là học viên được lựa chọn, tuyển dụng từ Trường Sĩ quan Không quân Nha Trang, và các phi công, kỹ thuật viên mới từ các đơn vị chuyển về Tổng Công ty.
Sở dĩ phải có Trung tâm huấn luyện vì khi có Tổng Công ty thì hoạt động độc lập, theo Luật Hàng không Việt Nam, phi công phải có bằng lái do Hàng không Việt Nam cấp. Và việc kiểm tra định kỳ yêu cầu phải có huấn luyện lại và huấn luyện định kỳ.
Theo quy định của Cục Hàng không, một khóa đào tạo phải đủ 750 giờ học lý thuyết, 150 giờ bay thực hành.
Mà đào tạo phi công, như hiện nay tính chi tiết, theo hợp đồng đào tạo (với thủ tục thanh toán chi phí qua Tổng Công ty) trung bình một phi công, theo phương án huấn luyện cũ phải tốn từ 6 đến 8 tỉ cho một phi công ra trường.
Thường lộ trình đào tạo là đưa vào học tại trường Không quân 2 năm, và chỉ sử dụng máy bay nhỏ thì kinh phí hết 4 tỉ cho một phi công. Học xong 2 năm thì quay về Trung tâm học 1 năm lý thuyết, 1 năm thực hành. Và cuối cùng quay về trường Không quân để thi tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp sĩ quan Không quân, lại quay về Trung tâm làm thủ tục với Cục Hàng không. Khi đó mới được cấp bằng lái phi công thương mại. Sau đó nếu được lái thì phải có chuyên gia bay kèm. Và phải được cấp phép thì mới được bay chuyên chở khách. Và thường xuyên phải được huấn luyện tay nghề cũng như rèn luyện sức khỏe.
Trên thực tế, trình độ đội ngũ phi công già và trẻ cách nhau cả độ dài. Số người lái có kinh nghiệm chuẩn bị về hưu nhiều. Số trẻ cần đào tạo tăng cường mới có thể đủ cung ứng cho nhu cầu ngày càng cao cả về số lượng và chất lượng. Trung tâm huấn luyện ngoài việc đào tạo mới và huấn luyện lại, huấn luyện định kỳ, còn đào tạo phi công cho các đối tác nước ngoài, các đơn vị tư nhân… Phi công lái máy bay ra giàn khoan là phi công được huấn luyện tiêu chuẩn cao nhất.
Trung tâm còn có các khóa huấn luyện và nâng cao cho nội bộ như huấn luyện thường xuyên cho bay thời tiết, bay trong địa hình phức tạp… Huấn luyện và đào tạo lớp phi công trẻ, huấn luyện cho đội ngũ phi công bên hải quân, công an. Mỗi năm trung bình phải đào tạo được 15 phi công. Toàn bộ số phi công của Tổng Công ty chỉ có gần 80 người, nên rất thiếu.
Thời gian đầu, Trung tâm huấn luyện hoạt động trực thuộc Công ty Bay dịch vụ Miền Nam. Đến năm 2007 mới có biên chế tổ chức riêng.
Đến 6 tháng 1 năm 2012, Trung tâm tách ra trở thành một đơn vị sự nghiệp của Tổng Công ty. Và trên đã điều động đại tá Nguyễn Văn Vinh vào làm Giám đốc Trung tâm huấn luyện.
Khi ra Bắc nhận nhiệm vụ, gia đình anh phải thuê nhà ở và vẫn đóng cửa căn nhà ở Vũng Tàu. Vì vậy khi lại chuyển vào, mọi việc hầu như đều thuận lợi.
Vào làm Giám đốc Trung tâm huấn luyện bay, với những kinh nghiệm và thành tựu đã có, đại tá Nguyễn Văn Vinh bắt tay ngay vào việc xây dựng một lộ trình dài hơi, Dự án phát triển đào tạo và huấn luyện bay từ năm 2013 cho đến 2020.
Anh vẫn thường nói vui năm 25 tuổi anh rời nghề thầy dạy bay để rồi năm 52 tuổi anh lại quay về với nó.
Chiến lược của Tổng Công ty là chiến lược chân kiềng. Đó là: Khai thác dầu khí; Khai thác về đào tạo và huấn luyện bay; Khai thác về bảo dưỡng máy bay.
Nếu bài toán kinh tế tốt thì Dự án khai thác đào tạo và huấn luyện bay sẽ thành công.
Tính ra, nếu thuê phi công thương mại nước ngoài chuyên phục vụ cho các giàn khoan, thì phải tốn ít nhất 15000 USD/ một tháng. Nhưng nếu phi công Việt Nam, thì chỉ phải chi lương khoảng 1500 đến 2.500 USD/ một tháng. Kinh tế thị trường thì cần phải hạch toán một cách rạch ròi như vậy.
Người đứng đầu một Trung tâm huấn luyện bay luôn phải suy nghĩ về việc tạo điều kiện về môi trường, cải thiện đời sống cho anh em phi công và đội ngũ giảng viên, kỹ thuật viên.
Trong năm 2012-2013, Trung tâm huấn luyện đã mạnh dạn đề xuất phương án sử dụng trực thăng loại nhỏ EC120B thay cho các loại trực thăng lớn mà Tổng Công ty vẫn sử dụng để huấn luyện và được Tổng Công ty và Bộ Quốc phòng nhất trí. Trung tâm đã cùng với các cơ quan, đơn vị trong Tổng Công ty nhanh chóng hoàn thành dự án thuê máy bay EC102B của Eurocopter thủ tục chặt chẽ, nhanh gọn, bay chuyển sân về Việt Nam an toàn, kịp thời đưa vào khai thác, sử dụng huấn luyện đạt hiệu quả cao. Thực tế hiện nay mỗi giờ bay huấn luyện trên EC102B đã tiết kiệm được khoảng 1/3 chi phí so với trước đây.
Việc tổ chức huấn luyện chuyển loại và bay tích lũy cho các phi công Quân chủng Hải quân đã đạt hiệu quả rõ rệt; phát huy tốt trình độ của các giáo viên và khả năng tiếp thu của học viên, khắc phục được hạn chế về ngoại ngữ của học viên; rút ngắn thời gian đề cương bay; tiết kiệm đáng kể kinh phí cho Quân đội Nhà nước.
Ngoài ra Trung tâm đã tập trung xây dựng đề án đào tạo phi công trực thăng cơ bản, báo cáo Tổng Công ty hoàn thiện và được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt ngày 25 tháng 7 năm 2013. Hiện nay Trung tâm huấn luyện đang phối hợp với Trường Sĩ quan Không quân triển khai thực hiện.
Thực hiện Đề án này sẽ chủ động được đầu vào, rút ngắn thời gian đào tạo, tiết kiệm chi phí; phi công sau khi ra trường là sỹ quan, đạt trình độ bay thương mại theo tiêu chuẩn của Cục Hàng không Việt Nam và bay các nhiệm vụ khác.
Đại tá Nguyễn Văn Vinh chỉ đạo cán bộ Trung tâm chú trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành nhiệm vụ xây dựng hệ thống tài liệu, giáo trình huấn luyện cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt giúp giáo viên và học viên thuận tiện trong khai thác sử dụng để học tập, nghiên cứu. Hiện nay Trung tâm huấn luyện đã cơ bản hoàn thành hệ thống tài liệu, giáo trình huẩn luyện chuẩn ATO mức 1 trình Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt.
Trung tâm cũng chủ động phối hợp, liên kết với các trung tâm huấn luyện trong nước và quốc tế trong công tác huấn luyện đào tạo, đồng thời đang triển khai thực hiện Dự án mua hai máy bay Cabri-G2 để phù hợp hơn nữa cho nhiệm vụ huấn luyện nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, giảm giá thành giờ bay và chi phí huấn luyện, đào tạo phi công trực thăng.
Năm 2012-2013 Trung tâm huấn luyện đã tổ chức thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo phi công, nhân viên kỹ thuật hàng không.
Nổi bật trong năm 2013, lần đầu tiên Trung tâm huấn luyện tổ chức thành công khóa huấn luyện bay bằng thiết bị (IFR) cho 07 phi công mới trên trực thăng EC120B giúp các phi công có đủ trình độ bay trong điều kiện khí tượng phức tạp, thay vì trước đây phải đưa ra nước ngoài đào tạo, vừa tiết kiệm chi phí, khẳng định năng lực tổ chức huấn luyện, đào tạo của Trung tâm, đồng thời mở ra mô hình mới, cách làm hiệu quả trong đào tạo, phát triển nguồn lực phi công của Quân đội và Đất nước.
Năm 2012 Trung tâm huấn luyện đã được Tư lệnh Binh đoàn 18 tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”; “Đơn vị văn hóa”; Danh hiệu “Đơn vị điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 2011-2013”
Trong hai năm 2012-2013 Trung tâm huấn luyện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, xây dựng đơn vị Vững mạnh toàn diện; Đơn vị đi tiên phong trong lĩnh vực huấn luyện, đào tạo phi công trực thăng nói chung và phi công trực thăng quân sự nói riêng. Kết quả thành công trong việc sử dụng loại máy bay trực thăng EC120 huấn luyện phi công đã mang lại hiệu quả thiết thực, việc thực hiện “Đề án phát triển Trung tâm huấn luyện – Binh đoàn 18 giai đoạn 2013-2020” và sử dụng loại máy bay phù hợp hơn nữa mở ra một hướng mới cho cho việc xây dựng và phát triển một Trung tâm huấn luyện Phi công trực thăng hàng đầu của quân đội và ngành Hàng không Việt Nam.
Về xây dựng đơn vị Vững mạnh Toàn diện:
Cùng Đảng, Đoàn và Công đoàn làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đẩy mạnh phong trào thi đua, xây dựng tổ chức Đảng, các tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng vững mạnh hoạt động đúng chức năng phát huy hiệu quả. Xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định và cụ thể hóa các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên tổ chức thực hiện công tác quản lý đơn vị từng bước ổn định hoạt động có nề nếp. Gương mẫu để giáo dục, động viên cán bộ công nhân viên, học viên nêu cao ý thức tự giác chấp hành tốt kỷ luật Quân đội, pháp luật nhà nước và các chế độ quy định của đơn vị, đặc biệt chú trọng đảm bảo an toàn bay, an toàn giao thông. Trong năm 2012-2013 đơn vị không có trường hợp nào vi phạm kỷ luật, mất an toàn phải xử lý.
Bên cạnh đó, tích cực củng cố đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phục vụ công tác huấn luyện và bảo đảm đời sống cán bộ công nhân viên: Trong năm 2013 đơn vị đã triển khai thực hiện và hoàn thành dự án xây dựng, lắp đặt nội thất nhà học tập cho Trung tâm tại sân bay Vũng Tàu, đồng thời đang triển khai xây dựng nhà ở công vụ cho học viên, cán bộ công nhân viên; Tiến hành khảo sát xây dựng 02 bãi đáp trực thăng để phục vụ huấn huyện.
Anh cũng chỉ đạo sát sao việc xây dựng và bảo vệ quỹ lương, đề nghị cơ quan nghiệp vụ cấp trên và lãnh đạo, chỉ huy Tổng Công ty xét phê duyệt. Quan tâm chăm sóc bảo đảm tốt các chế độ, tiêu chuẩn, kịp thời thăm hỏi động viên về vật chất và tinh thần đối với cán bộ công nhân viên, tạo điều kiện để họ yên tâm công tác.
Điều quan trọng và tiên quyết, đó là chú trọng tiến hành có hiệu quả công tác Đảng, công tác xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của cấp ủy, chi bộ. Lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị các bước tiến hành nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TW4, Khóa XI về xây dựng đảm bảo đúng nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Tổng kết năm 2012, có 3/3 tổ chức quần chúng đạt vững mạnh; phân tích chất lượng đảng viên, tổ chức Đảng có 100% đảng viên đạt tiêu chuẩn hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (trong đó có 21,4% đạt tiêu chuẩn Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ); chị bộ được Đảng ủy Binh đoàn công nhận đạt tiêu chuẩn là chi bộ Trong sạch vững mạnh.
*
Đại tá Nguyễn Văn Vinh trầm ngâm nhìn ra cửa sổ, nơi từ đây có thể nhìn ra được phía sân bay. Nơi ấy tiếng động cơ trực thăng vẫn vọng vào. Từng chuyến bay cất cánh hướng ra biển Đông.
“Đấy, để có một giờ bay, chúng tôi phải chuẩn bị mất 7 giờ từ hôm trước và trước giờ cất cánh. Thiếu giáo viên nên mỗi giáo viên của Trung tâm đều rất bận rộn. Ngoài giờ giảng và hướng dẫn thực hành bay, còn phải có thời gian soạn bài giảng. Trung tâm hiện có 7 phi công giáo viên chính thức, có 24 phi công làm giảng viên thuộc Công ty Trực thăng Miền Nam, có 26 giáo viên kỹ thuật. năm 2013 đã bay được 600 giờ bay huấn luyện, 3.200 giờ bay thương mại. Mỗi giờ bay là chi phí hết 2.000 USD. Vì vậy phải hết sức cố gắng không để phí phạm”
Khi nói về những dự định của mình và đơn vị, anh hào hứng:
“Lực lượng phi công trực thăng Việt Nam tốt nhất đang tập trung ở đây. Một phi công thương mại phải có tiếng Anh trình độ nâng từ trước đây là 450 toeic lên 550 toeic. Ở trường Không quân dạy tiếng Nga, nên thời gian đào tạo ở Trung tâm tính ra nhiều hơn, vì phải cho học viên tập trung học tiếng Anh. Nhưng chúng tôi áp dụng phương pháp ban đầu giảng kỹ bằng tiếng Việt, sau đó mới bổ sung bằng tiếng Anh.
Trung tâm đã nhận huấn luyện cho phi công các nước như Hồng Kông, Mã Lai… Sẽ tiếp tục tìm kiếm đối tác để ký hợp đồng đào tạo huấn luyện phi công cho các nước bạn. Và tới đây cũng có những anh em sẽ được gửi đi nước ngoài để học hỏi thêm”
Tôi hỏi anh:
“Anh có luôn nghĩ đến trường hợp xếp hạng sức khỏe của mình khi tuyển học viên cho Trung tâm không?”
Đại tá Nguyễn Văn Vinh lắc đầu:
“Thực ra, trường hợp như tôi cũng không phải cá biệt, cá nhân tôi được như hôm nay đã là may mắn lắm rồi, hiện nay Trung tâm không trực tiếp đi tuyển học viên, mà thông qua hợp đồng với Bệnh viện Y học hàng không QCPKKQ. Các quy trình tuyển chọn vẫn được duy trì khắt khe như trước đây thậm chí còn khó khăn hơn bởi ngoài sức khỏe tốt, lý lịch rõ ràng các cháu còn phải thi đầu vào Hệ Đai học theo quy định của Bộ GDĐT, các học viện nhà trường trong Quân Đội. Là một giáo viên, rồi làm quản lý, tôi rất biết rõ bài học trước đây của chính mình.Tôi hy vọng với điều kiện tuyển chọn đầu vào như hiện nay cộng với sự rèn luyện kiên trì, niềm say mê nghề nghiệp các cháu sẽ trưởng thành và gặt hái nhiều thành công hơn thế hệ chúng tôi”.
Người phi công có cả mấy chục năm điều khiển máy bay, chinh phục những đường bay bất kể ở những địa hình khác nhau, giờ đây đang có trọng trách lớn đối với các thế hệ phi công của thời đại mở rộng cửa ra bốn phương. Anh còn khá nhiều thời gian để có thể giúp cho rất nhiều phi công thực hiện được ước mơ chinh phục bầu trời và chinh phục những tầm cao.
– 3/2014 –
VTXH