1. Đời sống tâm linh – từ nhu cầu con người đến chất liệu văn học


André Malraux, tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng La Condition Humaine (Thân phận con người), ngay từ giữa thế kỉ XX đã tiên đoán: “Khoa học của thế kỉ XXI phải là khoa học tâm linh, nếu không sẽ không làm gì còn khoa học nữa”. Thời điểm nhà văn người Pháp này đưa ra tiên đoán cũng chính là lúc cả nhân loại đang rơi vào cuộc khủng hoảng niềm tin vô cùng lớn sau hai cuộc thế chiến tàn khốc. Thậm chí có người đã tuyên bố “Chúa đã chết” (Friedrich Nietzche), “Lịch sử đã cáo chung” (Fredric Fukuyama), càng khiến cho thế giới trở nên hỗn độn, mất phương hướng. Hình ảnh con người buồn rầu, lo âu, bất an, lạc lõng xuất hiện thường trực trong các sáng tác của thế hệ nhà văn tiêu biểu cho thời Hiện đại (chớm sang Hậu hiện đại) như F.Kafka, A.Camus, J.P.Sartre, E.Hemingway, S.Beckett, E.Ionesco, J.Borges, G.Márquez… Hơn lúc nào hết, trong một thế giới thừa mứa vật chất, quá nhiều ham muốn, danh vọng, con người chợt nhận ra sự thiếu vắng một cội nguồn tâm linh khiến cuộc sống của họ ngày càng trở nên bất hạnh và lạc lõng. Đây cũng chính là lúc thế giới chứng kiến hành trình tìm về với đức tin ở bề rộng lẫn chiều sâu, nơi con người có thể đạt được cuộc sống cân bằng, an lạc, bao dung và phong phú hơn.


4 đội gạo lên chùa gian thieu vo thi hao sachhay tải xuống

Ở Việt Nam, sau năm 1986, trong không gian sáng tạo mới, tâm linh trở thành chất liệu mới, một thành tố nghệ thuật quan trọng trong tư duy của nhà văn. Sự xuất hiện đầy dụng ý của những yếu tố tâm linh trong các sáng tác của Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Nguyễn Trí Huân, Võ Thị Hảo, Nguyễn Xuân Khánh, Châu Diên, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Ma Văn Kháng, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Việt Hà, Đoàn Minh Phượng, Thùy Dương, Nguyễn Đình Tú, Uông Triều… ngày càng thu hút được sự quan tâm, đón đợi của người đọc. Một mặt, đó không chỉ là ánh xạ của những vấn đề văn hóa, xã hội, khung tri thức, thẩm mĩ thời đại mà còn là một trong những biểu hiện của sự thay đổi quan niệm thẩm mĩ về thế giới và con người, làm nên dấu ấn đặc biệt của tiểu thuyết đương đại. Mặt khác, tâm linh được dùng làm chất liệu sáng tạo mới đã mang lại những chân trời rộng mở cho chủ thể sáng tạo cũng như cộng đồng diễn giải. Ở phương diện chủ thể sáng tạo, nó biểu hiện sâu sắc sự thức tỉnh của cái tôi, góp phần làm biến đổi kĩ thuật tự sự, trong đó lối viết kì ảo hóa, huyền thoại hóa đã trở thành phương thức nghệ thuật đắc dụng để mỗi nhà văn thể hiện quan niệm về hiện thực và con người của mình. Ở bình diện cộng đồng tiếp nhận, những biểu hiện của yếu tố tâm linh trong mỗi thành tố nghệ thuật càng kích thích trí tưởng tượng, giúp nuôi dưỡng tinh thần, thanh lọc tâm hồn, làm phong phú trí tuệ qua những tri nhận về những vùng đất bí ẩn mà khoa học chưa thể giải thích. Ở đây, chúng tôi tập trung làm rõ yếu tố tâm linh như một thành tố nghệ thuật có khả năng mở rộng biên độ phản ánh hiện thực và khám phá chiều sâu thế giới nội tâm con người.

2. Chiều kích không gian – sự mở rộng biên độ phản ánh hiện thực


Tâm linh là một hiện tượng văn hóa, tồn tại lâu dài và có tính chất phổ biến. Nó là cái thiêng liêng cao cả trong cuộc sống trần thế, gắn với thế giới vô hình hay siêu hình. Khi văn học nhận thức và miêu tả những vùng đất đa dạng ấy, đồng nghĩa với việc các nhà văn đã mở rộng khái niệm hiện thực do diễn ngôn tâm linh kiến tạo. Hiện thực không chỉ là hiện tượng có thể tri giác trực tiếp (mắt thấy, tai nghe, tay chạm), mà còn là tất cả những gì con người có thể linh giác theo cách thế giới đó được cảm nhận từ góc nhìn “bản thể” của nó.

Nhiều tác phẩm trong giai đoạn này tái hiện thế giới tâm linh trong đời sống tín ngưỡng, phong tục, tôn giáo thiêng liêng. Một số nhà văn đã tìm cho mình một nẻo đi riêng, kiếm tìm và giải mã đời sống văn hóa, tâm linh người Việt qua tín ngưỡng bản địa (Mẫu Thượng Ngàn – Nguyễn Xuân Khánh), qua những làn điệu dân ca ngọt ngào, những ngón đàn mê hoặc, tiếng hát tài hoa chứa chan nỗi đau thế thái nhân tình tự ngàn đời của dân tộc (Đất trời – Nam Dao, Đàn đáy– Trần Thu Hằng). Nhiều nhà văn đã tạo dựng không gian linh thiêng, màu nhiệm của tôn giáo với niềm tin cứu rỗi, thanh tẩy, cảm hóa, hướng thiện con người (Đội gạo lên chùa – Nguyễn Xuân Khánh, Cõi người rung chuông tận thế – Hồ Anh Thái, Giàn thiêu – Võ Thị Hảo, Ngày hoàng đạo – Nguyễn Đình Chính, Ngược mặt trời – Nguyễn Một, Mưa ở kiếp sau – Đoàn Minh Phượng). Ở một nẻo đường khác, một số tác giả đã xây dựng những hình ảnh, hình tượng, biểu tượng có tính luận giải, đối thoại, “giải thiêng” triết thuyết và niềm tin tôn giáo: luật nhân – quả báo ứng, luân hồi của Phật giáo (Cõi người rung chuông tận thế, Đức Phật, nàng Savitri và tôi – Hồ Anh Thái, Giàn thiêu – Võ Thị Hảo, Thoạt kì thủy, Người đi vắng – Nguyễn Bình Phương,Lời nguyền hai trăm năm – Khôi Vũ); mặc khải đức tin, mặc khải trừng phạt, mặc khải thánh thể, mặc khải bóng tối, khổ nạn và đức tin của Thiên Chúa giáo (Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn– Nguyễn Việt Hà, Ngược mặt trời – Nguyễn Một, Ngày hoàng đạo – Nguyễn Đình Chính).

Để thể hiện cảm quan mới về hiện thực, các nhà văn đã sử dụng những yếu tố kì ảo, quái đản, ma mị, bí ẩn, dị thường, hoang đường, phi lí mang đậm dấu ấn tâm linh như là một trong những cách thức tiếp cận, khám phá, luận giải hiện thực trong tính nhiều chiều, phức tạp của nó. Trong các tiểu thuyết của Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh), Nguyễn Khắc Trường (Mảnh đất lắm người nhiều ma), Dương Hướng (Bến không chồng), Võ Thị Hảo (Giàn thiêu), Nguyễn Bình Phương (Những đứa trẻ chết già, Thoạt kì thủy, Ngồi, Người đi vắng, Mình và họ), Đoàn Minh Phượng (Mưa ở kiếp sau), Tạ Duy Anh (Đi tìm nhân vật, Giã biệt bóng tối), Hồ Anh Thái (Cõi người rung chuông tận thế, SBC là săn bắt chuột), Nguyễn Đình Chính (Ngày hoàng đạo), Thùy Dương (Nhân gian, Chân trần), Nguyễn Đình Tú (Xác phàm, Hoang tâm), Uông Triều (Tưởng tượng và dấu vết, Sương mù tháng Giêng), Nguyễn Quang Lập (Tình cát), Tô Hải Vân (Người thứ hai)…, thế giới thực và ảo hòa quyện, nhiều khi khó tách bạch một cách rõ ràng, thực lồng ảo, ảo thấm thực. Làng Đông trong Bến không chồng của Dương Hướng là không gian thực, tồn tại song song với không gian tâm linh được tạo nên trong các câu chuyện kinh dị, hoang đường về “hồ mắt tiên”, ba ba thuồng luồng, con ma mắt đỏ… Vùng đất Linh Nham bí ẩn, dị thường, ma quái như một lớp trầm tích tích tụ hết đời này đến đời khác, luôn trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Bình Phương. Thế giới trong Tưởng tượng và dấu vết của Uông Triều là thế giới pha trộn đến quái đản giữa thực và mơ. Những hình ảnh, biểu tượng cùng mảng hiện thực mộng ảo, phi lí mang màu sắc tâm linh được khai thác trong tác phẩm đã mở ra không gian cho những suy tư triết học – nhân sinh của nhà văn về con người.

Biên độ của hiện thực trong sáng tác của các tiểu thuyết gia đương đại còn được mở rộng sang thế giới bên kia – thế giới của những linh hồn. Thế giới người đang sống và thế giới người chết có một mối quan hệ đặc biệt do quan niệm “vạn vật hữu linh”. Từ đó mở ra những không gian vô tận để mỗi nhà văn tiếp cận, chiếm lĩnh và khám phá. Cách trở âm dương (Vũ Huy Anh),Người sông Mê (Châu Diên), Mưa ở kiếp sau (Đoàn Minh Phượng), Mình và họ (Nguyễn Bình Phương), Xác phàm, Hoang tâm (Nguyễn Đình Tú), Ngày hoàng đạo (Nguyễn Đình Chính),Nhân gian, Chân trần (Thùy Dương), Tình cát (Nguyễn Quang Lập)… đã hé mở những bí ẩn của thế giới sau cái chết. Người chết chỉ có thân xác là tan biến, còn linh hồn được tách ra và tiếp tục tồn tại trong thế giới siêu linh. Nhờ vào khả năng “thông linh”, con người có thể bước vào thế giới ấy, trò chuyện với các linh hồn. Nam trong Xác phàm, một cá thể không giới tính, một sinh thể phi tính dục, “một xác phàm không chứa đựng linh hồn” có một năng lực đặc biệt: thần thức. Vong linh người cha đã nhập vào thân xác anh để kể về mười một ngày chiến đấu anh dũng của cha và đồng đội. Khi tìm được hài cốt của cha, thần thức người cha được giải thoát, Nam chỉ còn là xác phàm, rồi đón nhận cái chết. Thông qua lối tự sự đa chủ thể, với ba giọng kể xưng “tôi”: “tôi” – linh hồn liệt sĩ Hoàng (người anh em song sinh với Hải), “tôi” – vợ Hải, và “tôi” – cô gái trẻ với lối sống hiện đại và hiện sinh, thế giới tâm linh trong Nhân gian mang màu sắc huyền bí, gắn với hành trình đi tìm mộ em trai của Hải. Chân trần tiếp nối mạch củaNhân gian, đi vào cõi sâu kín của phận người, lí giải những tấn bi kịch nhân sinh của đời người. Hai người đàn bà, một là nhà báo với cuộc sống hiện đại bộn bề, phức tạp, một là vợ ba của một ông đốc tờ Tây học những năm bốn mươi. Hai người hai thế hệ, hai hoàn cảnh, hai thế giới, chỉ duy có liên lạc máu mủ rất xa xôi nhưng gần kề về đường dây tâm linh. Như là tiền kiếp của nhau, nữ nhà báo “thông linh” với người vợ lẽ kia bằng những giấc mơ chắp nối, tái hiện trong tiềm thức cả một chiều dài tao loạn của thời đại, qua lịch sử thăng trầm của một dòng họ, sự đa đoan của một kiếp người. Họ đang cùng đi chân trần mong manh trong cõi thế bất an.

Với việc đưa những yếu tố tâm linh vào văn học, các tiểu thuyết gia đương đại đã thể hiện quan niệm thẩm mĩ mới về hiện thực. Hiện thực được mở ra vô tận ở bất kì nơi đâu mà trí tưởng tượng của con người có thể vươn tới. Sự mở rộng biên độ chiếm lĩnh, khám phá hiện thực về phía tâm linh sẽ là tiền đề để văn học làm một cuộc hành trình lớn lao hơn, nhân văn hơn – hành trình khám phá chiều sâu bản thể, thế giới tâm hồn con người.

3. Chiều kích bản thể – hành trình khám phá thế giới nội tâm con người


Trong văn học đương đại, yếu tố tâm linh đã đem lại “sự phong phú trong cấu trúc nhân cách nhân vật và góp phần xây dựng một quan niệm toàn diện về con người”(1). Với nỗ lực tiếp cận, giải mã “những con người khác nhau” bên trong một con người, tiểu thuyết đương đại đã mở rộng khả năng chiếm lĩnh thế giới nội tâm phong phú, phức tạp, mới mẻ của con người bằng con đường trực giác, tâm linh. Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Châu Diên, Võ Thị Hảo, Đoàn Minh Phượng, Thùy Dương, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Danh Lam, Uông Triều, Tô Hải Vân… trong các tác phẩm của mình đã làm nên những cuộc hành trình thăm dò tâm hồn con người ở bề sâu của những bí ẩn tâm linh, những góc khuất nơi tâm hồn, những trạng huống tâm lí phức tạp, nơi có sự giao tranh của vùng sáng và vùng tối, ý thức và vô thức, thực tại và hư ảo. Chính sự đan cài các yếu tố hữu thức và vô thức, logic và phi logic, trật tự và hỗn độn, tất yếu và ngẫu nhiên, giấc mơ và thực tại… khiến câu chuyện của các nhà văn như màn sương nhạt nhòa lúc ẩn lúc hiện trong cõi tâm linh đầy bí mật của nhân vật. Ngồi (Nguyễn Bình Phương), Và khi tro bụi (Đoàn Minh Phượng),Người sông Mê (Châu Diên), Người thứ hai (Tô Hải Vân), Hoang tâm (Nguyễn Đình Tú), Tưởng tượng và dấu vết (Uông Triều)… là những chuyến phiêu du hư ảo, vô định, không có điểm dừng trong thế giới tâm linh con người. Và khi tro bụi khám phá cõi tâm tư “mịt mù khói sương” của An Mi sau cái chết đột ngột của chồng. “Thiếu quê hương”, “mất nơi ở”, bơ vơ, lạc lõng trên những chuyến tàu và những cung đường không định trước, người đàn bà ấy đi “nhặt nhạnh lại mình”, trả lời cho câu hỏi “mình là ai?” trước khi chết. Nhân vật bước đi trong vô thức, mỗi bước chân trong những hành trình ngắn ngủi in dấu những suy tư mang tầm triết học về hư vô, bản thể, tồn tại, cái chết, tình yêu, cội nguồn… Người thứ hai bắt đầu bằng cuộc hành trình giả tưởng của nhân vật “tôi” kiếm tìm “một chỗ đứng” trên chuyến tàu siêu hình, vừa thực vừa ảo. Song song với chuyến du hành trong môi trường “vật chất tối” ấy là chuyến tàu cuộc đời của Viễn, một trí thức trẻ, mang trong mình bầu nhiệt huyết tuổi thanh xuân với khát vọng sống và cống hiến. Không chỉ phơi trải cái ý thức hiện hữu, Viễn còn khám phá, phô diễn những ám ảnh vô thức, những ý nghĩ thầm kín, thành thật trong sâu thẳm tâm hồn mình. Suốt cả hành trình, anh luôn day dứt, băn khoăn về một sức mạnh vô hình nào đó luôn kiểm soát khiến anh không còn là mình nữa. Hai cuộc đời phân thân – một thực một hư ảo, tuy khởi hành trong những khoảng không gian và thời gian khác nhau, nhưng lại chung một mục đích – truy tìm bản thể để sống đúng với con người mình dù là trong thế giới tưởng tượng hay thế giới tâm linh, siêu linh. Nhân vật chính xưng “tôi” trong Tưởng tượng và dấu vết được khám phá như một phức thể của tính cách, tâm lí – tâm linh. Hành động không phải là bình diện chủ yếu, hàng đầu khi nhà văn khắc họa nhân vật này. Tác giả không chú tâm xây dựng nhân vật trên những mối quan hệ xã hội rộng lớn, với những mâu thuẫn, xung đột bên ngoài mà tập trung tái hiện một thế giới tâm lí – tâm linh đầy những hồi tưởng, dằn vặt, ẩn ức, mặc cảm, ám ảnh… Tác phẩm hiện ra như một bản khảo trạng nội tâm phức tạp, một “tiểu tự sự” về nội tâm và khát vọng cá nhân của con người. Cái vô tận của thế giới bên ngoài được thay thế bằng cái vô tận của tâm hồn.

Hành trình kiếm tìm bản thể cũng chính là hành trình trở về với đức tin thiêng liêng, nhằm giải thoát con người khỏi những ám ảnh, mặc cảm cứ đeo đẳng, bám riết họ trong cuộc sống hiện tại (Kiên – Nỗi buồn chiến tranh, Khẩn – Ngồi, Hiếu – Mình và họ, Từ Lộ – Từ Đạo Hạnh – Lý Thần Tông – Giàn thiêu, An Mi – Và khi tro bụi, “anh” – Hoang tâm, bác sĩ Cần – Ngày hoàng đạo, Nguyễn Chạc – Ngược mặt trời, “tôi” – Tưởng tượng và dấu vết, Trần Khánh Dư – Sương mù tháng Giêng, Viễn – Người thứ hai…). Suối nguồn tâm linh đã cảm hóa, thanh lọc tâm hồn, cứu vớt họ khỏi nỗi buồn, sự lo âu, niềm cô đơn, hoang hoải, khỏi sự sa ngã và đọa lạc để vươn tới sự thanh sạch, đẹp đẽ, cao quý, thuần khiết của tâm hồn. Trở về với đức tin, khám phá ra những bí ẩn trong cuộc sống nội tâm, những góc khuất tâm hồn, mỗi cá nhân sẽ giữ được cá tính, bản ngã, sự cân bằng, hài hòa trong đời sống riêng giữa một thế giới hỗn độn, bấp bênh, khủng hoảng.

Một khi những hiện tượng tâm linh (tín ngưỡng dân gian, đức tin tôn giáo, những hiện tượng bí ẩn, dị thường…) còn là một phần của cuộc sống, là chất liệu, nguồn cảm hứng trong các sáng tác văn học, thì con người (nhà văn và người đọc) còn có cơ hội tự soi mình, tự phản tỉnh, để nhận diện, đối thoại với chính bản thân mình, để trải nghiệm, được sống trong nhiều chiều của hiện thực, với nhiều cuộc đời, nhiều số phận. Tiếng nói tâm linh bao giờ cũng là tiếng nói hướng đạo, hướng thiện, hướng mĩ. Lắng nghe, thấu hiểu, sẻ chia tiếng nói ấy, các nhà văn đã thực hiện sứ mệnh cao cả ấy của tâm linh một cách mạnh mẽ, quyến rũ và trọn vẹn nhất.

Nguyễn Văn Hùng
——
1. Nguyễn Thị Bình, Văn xuôi Việt Nam sau 1975, Nxb Đại học Sư phạm, H., 2012, tr.70.

Văn nghệ quân đội