(Dân trí) – “Một ngàn con đường quê” (A Thousand Country Road) là cuốn tiểu thuyết nối tiếp câu chuyện tình “Những cây cầu ở quận Madison” – mối tình đẹp và cao thượng hấp dẫn độc giả toàn thế giới trong 20 năm qua.

Một ngàn con đường quê phiên bản tiếng Anh

Được tác giả Robert James Waller sáng tác năm 2002, 10 năm sau khi Những cây cầu ở quận Madison được xuất bản, Một ngàn con đường quê được tác giả chia sẻ là ra đời chỉ nhằm mục đích thoả mãn trí tò mò và mong đợi bấy lâu của độc giả – những người yêu thích hai nhân vật Robert Kincaid và Francesca Johnson cùng câu chuyện tình ngắn ngủi kéo dài bốn ngày của họ.

Phần 2 này kể về Robert khi đã ở tuổi xế chiều, khi những nồng nàn say đắm của tình yêu tuổi trẻ tưởng như đã ngủ quên và những đau đớn nhức nhối về một tình yêu không thành đã không còn khắc khoải, đúng như câu nói “Tình yêu là sau những nồng nàn, bỏng cháy, khi tất cả đã lắng xuống dịu êm, người ta vẫn muốn nhớ về nhau”.

Chuyện bắt đầu bằng những hồi tưởng của ông cụ Robert sống cô đơn với những kỷ niệm về Francesca và tự hỏi giờ này người yêu năm xưa của mình ra sao. Những trăn trở đó đã thúc đẩy ông, trong những ngày tháng cuối đời mình, làm một điều gì đó có ý nghĩa, vậy là ông lên đường. Một ngàn con đường quê khắc hoạ những cảm xúc và khám phá của ông cụ trong quá trình tìm lại chính mình, ông lại hoá trẻ dại và nhìn ngắm thế giới xung quanh.

Cùng lúc đó, chàng thanh niên trẻ Carlisle McMillan cũng biết được sự thật về người cha mà anh chưa từng gặp mặt (chính là Robert Kincaid), chỉ có một vài manh mối để đi tìm cha nhưng Carlisle vẫn lên đường. Truyện là hành trình của hai người đàn ông và phút tái hợp đầy xúc động của hai cha con.

Trong lời tựa của cuốn tiểu thuyết Một ngàn con đường quê, nhà văn Waller đã chia sẻ rằng trong khoảng thời gian 10 năm sau khi cuốn Những cây cầu ở quận Madison ra đời, ông đã nhận được hàng ngàn lá thư của độc giả gửi tới và mong ông sẽ viết thêm phần 2 để họ được trải nghiệm nhiều hơn cùng hai nhân vật Robert và Francesca.

Nhưng Một ngàn con đường quê có lẽ sẽ phần nào khiến những độc giả ưa lãng mạn và giàu trí tưởng tượng phải “thất vọng” vì nó không phải một câu chuyện tình được viết tiếp. Khi người ta đã ở cái tuổi xế chiều, có lẽ tình yêu cũng mang một hương vị và màu sắc khác.

20 năm sau khi xuất bản, Những cây cầu ở quận Madison đã bán được hơn 50 triệu bản và được dịch ra 35 thứ tiếng, trở thành một hiện tượng văn học, nằm trong số những tiểu thuyết bán chạy nhất mọi thời đại. Theo các nhà phê bình, sự thành công của phần 1 không nằm ở chất lượng sáng tác, chiều sâu tâm lý nhân vật, hay bối cảnh xã hội đặc biệt mà bởi tác giả đã viết ra nó bằng tất cả trái tim mình và đến lượt tác phẩm, nó đã chạm tới trái tim của độc giả.


Hai con người yêu nhau say đắm, chỉ có thể sống bên nhau vỏn vẹn 4 ngày để sau đó mỗi người một ngã rẽ cuộc đời, quay về với những trách nhiệm, bổn phận của mình trước đây. Nó là một cuộc ngoại tình, một lần “đổi gió”, một cơn “cảm nắng”… nhưng nó cũng là những thi vị hiếm có trong đời để cuộc sống này đáng sống, đáng yêu hơn.
Cuốn Một ngàn con đường quê được một số nhà xuất bản xếp vào thể loại truyện tình cảm lãng mạn nhưng đây hoàn toàn là một sự nhầm lẫn. Ngay trong phần 1, Waller đã khẳng định ở đoạn kết rằng sau khi Francesca qua đời, khi thu xếp các di vật của mẹ, các con của bà đã tìm thấy những lá thư của Kincaid được bà nâng niu cất giữ cẩn thận.

Vì vậy, trong phần 2 này, tác giả không xây dựng một câu chuyện tình nào cả. Phần này tập trung khai thác Kincaid, ở tuổi 68, ông cụ chẳng còn gì nhiều bên cạnh ngoài một chú chó nhỏ và những bức ảnh cũ, sống bằng những ký ức của quá khứ. Những kỷ niệm đó đã thôi thúc ông quay lại với cây cầu nơi ông và Francesca gặp nhau lần đầu.

Ông không muốn tìm lại Francesca mà chỉ muốn tìm về cảnh xưa, tìm lại chính mình, làm rõ những suy nghĩ từng một thời rối rắm trong ông. Cây cầu còn đó không? Cảnh cũ năm xưa có còn gây cho ông nhiều xúc động sau ngần ấy năm? Và quan trọng nhất là để ông được “nói chuyện” lại với quá khứ.

Về phần Francesca, sau khi chồng bà qua đời, bà sống lảng tránh và khép kín. Cũng như Kincaid, bà luôn suy nghĩ về những gì đã qua, luôn lưu giữ hình ảnh của người tình năm xưa trong trái tim. Nhưng chẳng ai trong hai người có ý định “vượt rào” lần nữa, họ không gọi điện, không viết thư, không cố gắng làm bất cứ điều gì để níu kéo nhau hơn nữa. Thế nhưng, họ vẫn luôn âm thầm sống chìm đắm trong những ký ức về nhau.

Truyện đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên năm 1995

Thông điệp mà Một ngàn con đường quê gửi tới độc giả vừa đơn giản vừa ý nghĩa mà cũng thật thấm thía: Chúng ta không bao giờ có thể quay lại quá khứ một lần nữa.
Exit mobile version