Trong số 18 hội viên nữ Hội Nhà văn Việt Nam thuộc Hội đồng Lí luận phê bình thì có đến 13 người xuất hiện từ sau 1975. So với các hội viên nữ ở Hội đồng Thơ hay Hội đồng Văn xuôi thì các cây bút nữ lí luận phê bình chiếm tỉ lệ thấp, với con số khiêm nhường kể trên. Nhưng nếu tính quá trình phát triển của đội ngũ lí luận phê bình từ trước 1975 đến nay, thì sự hiện diện của 13 cây bút lí luận phê bình nữ của Hội Nhà văn Việt Nam, một mặt cho thấy sự phát triển của chuyên ngành lí luận phê bình, mặt khác cho thấy sự khó khăn của chuyên ngành không chỉ với các cây bút nữ mà cả giới nghiên cứu, lí luận phê bình nói chung. Nhìn lại ngày nào, trong đời sống phê bình, các nhà nghiên cứu, phê bình nữ là hội viên Hội Nhà văn có thể đếm được trên đầu ngón tay: Thiếu Mai, Ngọc Trai, Đặng Anh Đào, Vân Thanh, Lê Thị Đức Hạnh, thì nay, một thế hệ kế cận đã tiếp nối, với Mai Hương, Tôn Phương Lan, Bích Thu, Lưu Khánh Thơ, Nguyễn Thị Minh Thái, Lý Hoài Thu, Trần Thị Việt Trung, Cao Thị Hồng, Trần Huyền Sâm, Trần Thị Trâm, Chu Thị Thơm, Lê Thị Bích Hồng, Hỏa Diệu Thúy. Đấy là chưa kể đến những cây bút chuyên tâm, chung thủy với công việc nghiên cứu, lí luận, phê bình và giảng dạy văn học hiện đại từ sau 1975 như các phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Lê Dục Tú, Tôn Thảo Miên… Song ở đây khi nhắc tới thế hệ những người cầm bút sau 1975, bên cạnh các nhà văn, nhà thơ nữ, không thể không nhắc đến các nhà nghiên cứu phê bình nữ của Hội Nhà văn Việt Nam. Nếu như trước đây các cây bút phê bình nữ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tập trung ở Hà Nội thì nay đã tỏa nhánh đến các vùng miền: Hà Nội, Huế, Thái Nguyên, Thanh Hóa; tuy chưa “phủ sóng” đến cả nước nhưng sự hiện diện của các chị trên các địa bàn nói trên đã phần nào cho thấy sự cần thiết của nghiên cứu, lí luận, phê bình trong đời sống văn học đương đại, trong đó có sự góp mặt của các cây bút nữ đã cầm trên tay tấm căn cước của Hội Nhà văn Việt Nam.

Song sự xuất hiện của các cây bút phê bình nữ sau 1975 liệu đã được đồng nghiệp nam nói riêng và những người làm nghề nói chung nhìn nhận một cách công bằng, khách quan và thấu đáo? Dù cùng một điểm xuất phát nhưng so với nam giới, chị em ở lĩnh vực nghiên cứu, lí luận, phê bình đôi khi như bị lãng quên. Khi điểm danh những nhà phê bình sau 1975, phần lớn các cây bút phê bình nữ phải nấp sau ba dấu chấm lửng, như những kẻ tàng hình. Nhưng, dẫu bị khuất lấp thế nào đi nữa, những cây bút phê bình nữ sau ba dấu chấm lửng vẫn lặng lẽ, cần mẫn và tâm huyết trước những trang sách, trang viết của mình. Bởi họ tự nhận biết, nơi này quên thì nơi khác nhớ. Là những người được đào tạo bài bản, họ đều đã cố gắng tự vượt lên chính mình để trở thành những nhà nghiên cứu, lí luận phê bình chuyên sâu, và hơn nữa, họ đều có ý thức tự đào tạo để không lạc hậu với lí luận và thực tiễn văn học trong nước và thế giới đang ngày càng diễn ra sôi động, đa dạng và phức tạp. Các cây bút phê bình nữ sau 1975 đều may mắn được sống và làm việc trong những môi trường, không gian văn hóa mang tính học thuật, lại có những quan hệ thân thiện, tốt đẹp giữa giới sáng tác và giới nghiên cứu phê bình, với sự đồng cảm và sẻ chia, lắng nghe và thấu hiểu trong quá trình sáng tạo và tiếp nhận của đôi bên nên dường như đã tránh được những bất đồng, những vách ngăn giữa hai giới đã từng tồn tại trước 1975. Vậy, với chị em làm công tác nghiên cứu hay giảng dạy, nhất là với những người nghiên cứu, việc viết là việc duy nhất phải làm. Song khác với các thể loại thơ hay văn xuôi, loại hình lí luận phê bình đòi hỏi thời gian, sau sự đọc là nghiền ngẫm, tích lũy rồi mới tạo được cảm hứng, say mê, kích thích sáng tạo. Và vì vậy, các công trình, các cuốn sách tiểu luận phê bình phải đợi đến hàng chục năm mới ra mắt người đọc, mới trình diện làng văn. Đó là cái khó, cái nhọc nhằn, để “chầm chậm tới mình” của người nghiên cứu, phê bình. Vào cuối thập niên 90 của thế kỉ trước đến những năm đầu thế kỉ XXI, hàng loạt tập tiểu luận phê bình của các nhà nghiên cứu phê bình nữ lần lượt ra đời: Đối thoại mới với văn chương (1996), Con mắt xanh (2005), Đánh đường tìm hoa (2010), Mặt người mặt hoa (2012) của Nguyễn Thị Minh Thái; Theo dòng văn học (1998), Văn học Việt Nam hiện đại – sáng tạo và tiếp nhận (2015) của Bích Thu; Văn học – một cách nhìn (1999) của Mai Hương; Phong cách nghệ thuật Nguyễn Minh Châu (1998, 2002), Văn chương và cảm nhận (2005) của Tôn Phương Lan; Thơ và một số gương mặt thơ Việt Nam hiện đại (2005) của Lưu Khánh Thơ; Đồng cảm và sáng tạo (2006), Thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám 1945 (2007), Văn nhân quân đội (2015) của Lý Hoài Thu; Tiếng nói thi ca (2002), Lí luận văn học: tự sự học (2009) của Trần Huyền Sâm; Lịch sử phê bình văn học Việt Nam hiện đại (giai đoạn từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945) (2002, 2010, 2015) của Trần Thị Việt Trung; Từ cõi ảo (2004), Văn học và thời luận (2007) của Chu Thị Thơm; Hoàng Ngọc Phách, người đổi mới tiểu thuyết (2003), Từ nguồn cội văn chương (2006), Ẩn sau từng con chữ (2014) của Trần Thị Trâm; Một chặng đường đổi mới lí luận văn học Việt Nam (1986-2011) (2011), Lí luận phê bình văn học đổi mới và sáng tạo (2013) của Cao Thị Hồng; Truyện ngắn hiện đại Việt Nam 1945-1975 (2007, 2010) của Hỏa Diệu Thúy; Thơ với cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước (2010), Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình (2011), Bản sắc văn hóa Tày trong tản văn Y Phương, Những người tự đục đá kê cao quê hương (2015) của Lê Thị Bích Hồng. Đó là những cuốn sách đứng tên chủ thể viết, chưa kể hàng loạt công trình, cuốn sách in chung mà các chị làm chủ biên, đồng chủ biên hoặc tham gia, có tác động đáng kể đến giới nghiên cứu và giảng dạy văn học nghệ thuật, là những cuốn sách công cụ, lâu nay đã trở thành tài liệu tham khảo, tra cứu hữu ích và thiết thực cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh cùng bạn đọc quan tâm đến văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến nay: Nữ văn sĩ Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, Tự lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc, Nguyễn Minh Châu toàn tập, Từ điển tác phẩm văn xuôi – từ 1975 đến 2000… (Mai Hương); Trang giấy trước đèn, Di cảo Nguyễn Minh Châu, Ngô Tất Tố – về tác gia và tác phẩm… (Tôn Phương Lan); Xuân Diệu – về tác gia và tác phẩm, Văn học trong nhà trường – tác gia, tác phẩm, Thơ mới – tác giả, tác phẩm, Lưu Quang Vũ – thơ và đời… (Lưu Khánh Thơ); Nam Cao – về tác gia và tác phẩm, Đường chúng ta đi, Từ điển tác phẩm văn xuôi – từ cuối thế kỉ XIX đến 1945, từ 1945 đến 1975… (Bích Thu); Phát huy ưu thế văn học trong sáng tạo tác phẩm báo chí, Văn học dân gian trong xã hội hiện đại… (Trần Thị Trâm); Sân khấu và tôi, Phê bình văn học nghệ thuật trên báo chí (Nguyễn Thị Minh Thái); Bản sắc dân tộc trong thơ ca các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nghiên cứu lí luận phê bình văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì hiện đại – diện mạo và đặc điểm… (Trần Thị Việt Trung).

1451200650 nguyen thi minh thai luu khanh tho 1431482301686

thom1(1) Các nhà phê bình: Nguyễn Thị Minh Thái, Lưu Khánh Thơ, Chu Thị Thơm, Tôn Phương Lan, Lý Hoài Thu. ly hoai thu

Các nhà phê bình: Nguyễn Thị Minh Thái, Lưu Khánh Thơ, Chu Thị Thơm,
Tôn Phương Lan, Lý Hoài Thu. Ảnh: TL

Điểm mặt rồi điểm tên tác phẩm của các cây bút nghiên cứu phê bình nữ (có thể còn vắng mặt một vài cuốn sách mà tôi chưa kịp cập nhật), dễ nhận thấy với quân số chỉ hơn tiểu đội các chị đã sánh bước cùng các cây bút khác giới làm nên một đội ngũ nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp sau 1975, song hành với văn học đổi mới và hội nhập nói chung và với loại hình nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học nghệ thuật nói riêng. Với những cách tiếp cận, cách nhìn ở góc độ khác nhau, các công trình, cuốn sách nói trên của các cây bút nghiên cứu phê bình nữ đều góp phần ghi nhận những chuyển động và đổi mới của văn học nghệ thuật Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến nay. Đặc biệt tập trung vào tìm hiểu, nhận diện văn học Việt Nam hiện đại trên các bình diện sáng tạo và tiếp nhận qua các hiện tượng, trường hợp, khuynh hướng văn học, các vấn đề về thể loại, loại hình văn học, nghệ thuật; và thực tiễn sáng tác của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học nghệ thuật đã có những đóng góp đáng kể đối với đời sống văn học nghệ thuật nước nhà qua các thời kì, đặc biệt thời kì Đổi mới và hội nhập văn học, văn hóa hiện nay. Trong các cuốn sách của mình, các tác giả không chỉ khám phá cái đẹp, tìm ra những nét đặc sắc, khẳng định phẩm tính của đối tượng, của khách thể thẩm mĩ mà còn ở phía chủ thể cảm thụ và tiếp nhận. Bởi không chỉ với những người sáng tác mà với những người nghiên cứu, phê bình cũng phải đổi mới tư duy nghiên cứu cùng đổi mới lối viết cho phù hợp với tâm thế thời đại, với ngữ cảnh sáng tạo và cộng đồng tiếp nhận đương đại. Dễ nhận thấy, các cây bút nghiên cứu ở Viện Văn học và các trường đại học thường chuyên sâu vào văn học hiện đại và đương đại, tỏa hướng nghiên cứu vào loại hình (thơ, văn xuôi, kịch bản sân khấu) rồi bóc tách theo từng thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, kí hay trường hợp tác giả tiêu biểu của văn học nước nhà như Hoàng Ngọc Phách, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hữu Mai, Nguyễn Đình Thi, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Hữu Thỉnh, Y Phương… cùng đông đủ các nhà văn, nhà thơ xuất hiện sau 1975,  nhất là sau 1986. Đó thực sự là những “gương mặt thân quen” mà họ tiếp xúc, gặp gỡ trên những trang văn và trong cả cuộc sống thường ngày với mối liên hệ, giao lưu khá thân thiện của những người có một ngôi nhà chung là Hội Nhà văn Việt Nam, một không gian chung là đời sống văn học, văn hóa đương đại. Và để có cách nhìn nhận, thẩm định văn học thời kì sau 1975, các nhà nghiên cứu phê bình nữ không thể không có những trải nghiệm và nhận thức mới với văn học cùng thời. Đó là những vấn đề, đề tài thường gặp trong các tập phê bình tiểu luận của Mai Hương, Tôn Phương Lan, Bích Thu, Lưu Khánh Thơ, Lý Hoài Thu. Trong số các cây bút lí luận phê bình nữ cũng có một số người do chuyên môn giảng dạy ở các giảng đường đại học chi phối và do thiên tư đã mở rộng “đường biên” nghiên cứu đến bộ môn nghệ thuật học, đi sâu vào sân khấu và báo chí như Nguyễn Thị Minh Thái, vào văn học dân gian và báo chí theo hướng văn dụng học như Trần Thị Trâm, vào văn học dịch như Trần Huyền Sâm, vào phê bình văn học trên báo chí như Chu Thị Thơm, vào mảng văn học các dân tộc thiểu số như Trần Thị Việt Trung, Lê Thị Bích Hồng, vào lí luận như Cao Thị Hồng, vào văn học vùng miền như Hỏa Diệu Thúy. Dù chuyên sâu vào lĩnh vực, vấn đề, hiện tượng, tác giả hay các giai đoạn khác nhau của tiến trình văn học Việt Nam hiện đại, các cây bút đều tâm huyết với lĩnh vực chuyên môn mà mình lựa chọn. Trong bối cảnh của công cuộc đổi mới và hội nhập, các chị đã không chịu đi những lối mòn, tự tìm cho mình một khuôn mặt mới. Các cây bút nghiên cứu phê bình nữ đều cố gắng bắt kịp những vấn đề học thuật mới mẻ, đổi mới cách tiếp cận và tiếp nhận ngõ hầu có được những công trình, cuốn sách, bài viết mang tinh thần đổi mới, nâng trang viết của mình ngang tầm với không khí học thuật và thực tiễn văn học hôm nay.

Là những người luôn có ý thức đồng hành với đời sống văn học đương đại, các nhà nghiên cứu phê bình nữ sau 1975 phần lớn đã đến độ tuổi “vào thu”, song dường như trở thành quán tính, như thói quen nghề nghiệp, họ vẫn hàng ngày đọc và viết… Những tác phẩm của họ vẫn lần lượt ra mắt công chúng và ít nhiều nhận được những đánh giá, nhận định khá công tâm của bạn đọc và dư luận. Không thật nhiều nhưng cũng không ít trong số những tác phẩm kể trên của họ đã nhận giải thưởng, tặng thưởng hàng năm của các hội nghề nghiệp trung ương và địa phương. Đối với những người làm nghề, giải thưởng, tặng thưởng nào cũng mang tính động viên khích lệ, đem tới niềm tin niềm vui trên con đường nghiên cứu, lí luận, phê bình mà họ đã dấn bước trong nhiều thập niên qua. Đó là Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội năm 2011 cho cuốn Đánh đường tìm hoa của Nguyễn Thị Minh Thái; Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000 cho tập tiểu luận Văn học – một cách nhìn của Mai Hương; Giải thưởng (về lí luận phê bình văn học) của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2011 cho cuốn Một chặng đường đổi mới lí luận văn học Việt Nam, năm 2013 cho cuốn Lí luận, phê bình văn học đổi mới và sáng tạo của Cao Thị Hồng; Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2014 cho cuốn Nghiên cứu lí luận, phê bình văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì hiện đại – diện mạo và đặc điểm của Trần Thị Việt Trung; Giải thưởng tác phẩm phê bình xuất sắc năm 2003 của Hội Nhà văn Thừa Thiên – Huế cho cuốn Tiếng nói thơ ca của Trần Huyền Sâm; Tặng thưởng loại A của Hội đồng Lí luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương năm 2015 cho cuốn Văn học Việt Nam hiện đại – sáng tạo và tiếp nhận của Bích Thu, tặng thưởng loại B cho cuốn Văn nhân quân đội của Lý Hoài Thu.

Như trên đã nói, các cây bút lí luận phê bình sau 1975 dù có thâm niên nghề nghiệp đến đâu cũng không thể tránh được những giới hạn của tuổi tác, của thời gian. Như lẽ tự nhiên “tre già măng mọc”, các cây bút nghiên cứu phê bình nữ thế hệ 7x, 8x, được ươm từ các môi trường đại học, các viện nghiên cứu đang kế tiếp họ. Lớp trẻ này, vừa tiếp thu các lí thuyết mới của nước ngoài, vừa bắt nhanh với thực tiễn sáng tác đương đại, với cái nhìn tinh nhạy, với cách diễn ngôn của thế hệ phê bình hôm nay đã nhận được sự đón đọc của cộng đồng tiếp nhận đương đại. Bên cạnh tập tiểu luận phê bình mang tính chuyên nghiệp Âm thanh của tưởng tượng của Lê Hồ Quang (Đại học Sư phạm Vinh) đoạt Giải thưởng (về lí luận, phê bình) của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015 là các chuyên luận gây nhiều chú ý của các gương mặt nghiên cứu trẻ: Tác giả hàm ẩn trong tu từ học tiểu thuyết của Cao Kim Lan (Viện Văn học), Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI – cấu trúc và khuynh hướng của Hoàng Cẩm Giang (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), Những đổi mới của tiểu thuyết Việt Nam trong 15 năm cuối thế kỉ XX của  Nguyễn Thị Mai Nhân (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh), Thơ trẻ Việt Nam 1965-1975 – khuôn mặt cái tôi trữ tình của Bùi Bích Hạnh (Đại học Đà Nẵng), Tiểu thuyết Việt Nam 1900-1930 của Lê Tú Anh (Đại học Hồng Đức)… Đó là chưa kể những cuốn sách hoài thai từ những luận án tiến sĩ sẽ trình diện giới nghiên cứu phê bình trong nay mai như Tiểu thuyết có khuynh hướng tự truyện của Đỗ Hải Ninh, Truyện ngắn Việt Nam từ sau 1986 dưới góc nhìn thể loại của Lê Hương Thủy (Viện Văn học).

Kế thừa và phát triển là quy luật của sự vận động. Kế thừa lớp đàn chị trong nghiên cứu phê bình trước 1975, các cây bút nghiên cứu phê bình nữ sau 1975 là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nói riêng và làm nghề nói chung đã tạo nên một “dàn viết” tự tin trên con đường mà mình đã chọn, và tự hào là “những người đàn bà viết” đang đồng hành với đội ngũ những người làm nên nền văn học Việt Nam sau 1975

Theo Nguyễn Bích Thu – Văn nghệ quân đội