Mùa xuân có ý nghĩa rất lớn với cư dân nông nghiệp đã có một kí ức sinh thành trên cái nôi của nền văn minh lúa nước. Bởi thế mà qua năm tháng, song hành với sự hưng vong của các triều đại, xu thế tư tưởng vẫn còn đó một dòng thơ bộc lộ những nỗi niềm thao thiết trước cảnh tết đến, xuân về phải tha hương, chia ly hay cô đơn giữa mùa xuân mới. Dẫu biết rằng những ý tứ đó không có gì mới mẻ, cho dù thi phẩm đã ra đời khá lâu nhưng mỗi mùa xuân đọc lại cứ ngỡ như đau của ngày hôm qua, vẫn còn đây đây bóng dáng nhân vật trữ tình đau đáu một niềm thương cảm.
Mùa xuân luôn là cảm hứng của nhiều thi sỹ (ảnh: V.K)
Nguyễn Bính là một nhà thơ có nhiều năm tha hương, nhiều chuyến đi trong đời thực và tâm tưởng. Bởi thế, những biểu tượng của sự chia ly xuất hiện nhiều trong thơ ông. Đó là những bến sông, bến mơ, bến nước, xuống bến, đò, sân ga… tạo nên những dấu mốc ngăn cách giữa quá khứ và hiện tại, giữa còn và mất, giữa hạnh phúc và khổ đau. Cũng từ những chuyên đi ấy, người thơ trong thơ ông luôn đơn độc giữa đất khách:
Hỡi ôi! Trời đất vô cùng rộng
Nào biết tìm đâu một mái nhà?
Có như mắt Tịch xanh mà uổng
Đất khách cùng đường ta khóc ta!
Mưa mãi mưa hoài mưa bứt rứt
Đêm dài đằng đẵng đêm bao la…
(Đêm mưa đất khách, Sài Gòn năm 1943)
Dẫu đang sống giữa kinh thành hoa lệ, ông vẫn nghẹn ngào chua chát một nỗi niềm của kẻ ngụ cư (Dang dở một thân nơi đất khách/ Tết này ta lại ngắm hoa suông). Điều mà tác giả luôn khao khát giản đơn chỉ là một mái nhà (Nào biết tìm đâu một mái nhà?). Mái nhà ấy là gì nếu không phải là mái nhà quê hương với bao tục lệ, nghi thức, cảnh vật tạo nên không khí ngày tết với những: Vườn ai thấp thoáng hoa đào nở; Cột nhà hàng xóm lên câu đối; Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng/ Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng… Với Nguyễn Bính, Tết chỉ hiện diện ở quê nhà, chỉ cảm nhận được mùa xuân khi về lại cố hương (Kinh kỳ bụi quá xuân không đến). Bởi thế, xa quê là mất tết, là nỗi đau mát mát, nỗi cô đơn càng được nhân lên khi mất đi cả sợi dây liên hệ với chính gốc gác, căn cội. Câu thơ cất lên như lời gan ruột mà tê tái: “Em uống cho say đến não lòng/ Uống say cười vỡ ba gian gác/ Ném cái chung tình xuống đáy sông” (Xuân tha hương). Nguyễn Bính là thế, thê lương, ai oán mà cũng yêu đời, yêu người tha thiết trong nụ cười ngạo nghễ:
Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc
Ly tán vì cơn gió bụi này
Người ơi buồn lắm mà không khóc
Mà vẫn cười qua chén rượu đầy
(Hành phương Nam)
Khác với Nguyễn Bính trong những cuộc tha hương, nhà thơ trẻ Hoàng Anh Tuấn lại có một tâm sự trong chiều cuối năm không thể về ăn Tết với mẹ già. Có chút gì đó “vân vi” mà tê tái. Không có giặc giã, binh lửa, núi sông ngăn trở nhưng những gánh nặng cơm áo đời thường đã cản bước chân anh trở về:
Bỗng lòng gợn chút vân vi
Hay về thăm mẹ lại đi vội vàng
Còn chè, mứt… biếu họ hàng
Còn đào chen quất nắng sang xuân hồng
Thế rồi có, có rồi không
Con ra hiên vắng vời trông quê nhà
Mẹ nhen bếp lửa chiều xa
Mưa phùn có thấm mẹ ta khóc thầm.
Không nặng về những lời lẽ đay đả, thơ Hoàng Anh Tuấn mang một giọng điệu hồn hậu mà tinh tế. Những gì băn khoăn, âu lo chiều cuối năm như gửi cả vào mấy dòng thơ cũng nghèn ngào như tiếng lòng của người con xa quê.
Khác với Nguyễn Bính, Đồng Đức Bốn không mô tả quê hương trong ngày tết xa quê, nhưng chính khi đang đứng trên mảnh đất quê hương mình mà thấy như thấy xa xôi, trống vắng. Tết chưa qua mà đã thấy cái đói, cái buồn nhan nhản xung quanh. Đó là những mảng màu hiện thực nơi làng quê trong giai đoạn giao thời:
Bây giờ chờ đợi tháng Ba
Tôi ra đứng ở cây đa đầu làng
Khói nhà ai cứ mọc ngang
Con nhà ai cứ lang thang chợ chiều
Lề đường trong những chiếc lều
Có cô hàng xén ngồi vêu cả ngày
Ngả nghiêng mấy bác thợ cày
Rượu say vác cả cối chày nện nhau
(Chờ đợi tháng Ba)
Đó là cảnh cái đói ập đến sau ba ngày Tết, thế cũng đủ biết tết quê nhà mất đi sự đầm ấm, vui tươi như thế nào. Vẫn còn đó khung cảnh quê hương mà hồn vía, sự ấm cúng đã không còn nữa. Những tưởng như ngày tết là sự vui tươi, xum họp, quần tụ thì với anh, Tết là lúc nhìn nhận thấu đáo nhất những mất còn của làng quê. Những câu thơ gan ruột nhất được anh thốt lên trong những ngày xuân như thế.
Dường như, nhắc đến mùa xuân, chúng ta thường nghĩ đến những gì tươi đẹp nhất. Nhưng với lòng yêu đời, yêu quê hương, các nhà thơ vẫn gửi gắm những chân cảm mà đôi khi tạo ra những gam màu buồn nhưng đều hướng tới một sự trân trọng giá trị cuộc sống và lòng yêu đời qua những câu thơ tha thiết của mình.
Theo Việt Phương – Toquoc