Tonvinhvanhoadoc.vn: Cuộc đời người lính không quân không chỉ là chuỗi ngày ngao du trên bầu trời, mà còn là công việc đầy trắc trở, rủi ro và cả những nguy hiểm liên quan đến tính mạng. Chính vì vậy, ngay từ ban đầu, phi công chiến đấu là công việc chỉ dành cho những người ưu tú nhất, can đảm nhất, chịu đựng được môi trường khắc nghiệt nhất. Câu chuyện về các anh luôn trở thành bản hùng ca trong trái tim nhân dân.

Khi cả nước đang ngóng chờ tin lành từ biển cả, ngóng chờ 9 sĩ quan phicông và cán bộ trên chiếc máy bay CASA 212 trở về, Tôn vinh văn hóa đọc xin giới thiệu chùm bài viết về những người lính không quân của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, để quý vị có thể hình dung được phần nào công việc của các phi công quân đội.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

 


Buổi chiều của những ngày đầu tháng 4 năm nay không khí ẩm thấp vẫn treo lơ lửng trên bầu trời Hà Nội. Con đường Trường Chinh đang có công trình ngổn ngang đất cát lầy lội. Trước cổng Tổng công ty Trực thăng Việt Nam là cả đoạn đường đang làm dở dang. Khúc cong của cung đường mà dư luận đang quan tâm uốn đúng đoạn này.

Tôi không mấy hy vọng sẽ hài lòng trong việc thu thập tài liệu qua cuộc gặp vị Thiếu tướng, nhân vật số 1 của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, nhân vật bận rộn số 1; không mấy hy vọng về việc sẽ được ngồi nói chuyện thoải mái, khi ra về sẽ có đủ tư liệu để viết một bài chân dung đầy dặn về anh. Thời gian này tôi gần như không dám đi đâu xa, bởi lẽ đã nhận lời sẽ trực tiếp gặp và viết về Tổng giám đốc, đành kiên nhẫn đợi anh thu xếp công việc để gặp dù chỉ là nửa tiếng, mà nửa tiếng ấy thôi cũng thật khó.

Bên trong sân của Tổng công ty cũng đang sửa sang gì đó, cũng lại đất cát. May thay, trời ẩm nên bụi không có cách gì bay lên…

Bước qua cánh cửa phòng Tổng giám đốc, tôi thấy anh đang loay hoay chỉnh lại cái gì đó trên tường. Rồi ngoái ra mời khách.

“Vào đi. Vào đi. Ơ, tưởng anh chàng nhà báo nào định mời uống rượu. Viết lách tôn vinh về các bác đi trước thôi, chứ tôi thì viết làm gì”

Tổng giám đốc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Thiếu tướng Hà Tiến Dũng nhìn tôi tươi cười.

“Hóa ra là một cô gái à? Tôi đã chuẩn bị rượu rồi đấy chứ”

Tôi cười:

“Em cũng có thể còn hơn một anh chàng nhà báo nào đó đấy ạ”

Như vậy là cuộc nói chuyện đã được xác lập. Tôi hỏi anh:

“Có thể cho em gặp được bao nhiêu lâu ạ?”

Vị thiếu tướng còn khá trẻ nhìn đồng hồ, phán một câu:

“Cứ thoải mái nhé”

Dĩ nhiên tôi cũng không lạm dụng. Bởi cuộc trò chuyện luôn bị ngắt quãng bởi những người ra vào xin chữ ký, rồi điện thoại bàn, di động… Nhưng ấn tượng nhất trong tôi là giọng nói ấm áp, sang sảng, đầy truyền cảm, vẻ mặt tươi cười và thái độ chân tình.

Có thể Tổng công ty Trực thăng Việt Nam cất cánh nhẹ nhàng và dũng mãnh trên bầu trời, một phần cũng nhờ cái “vía” nhẹ nhõm của các vị lãnh đạo trong Tổng công ty mà đứng đầu là vị Tổng giám đốc đang cười nói hào sảng trước mắt tôi…

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà chụp cùng thiếu tướng Hà Tiến Dũng

 

TRÚNG TUYỂN PHI CÔNG TỪ NĂM 14 TUỔI

Quê ở xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Tuổi thơ của anh có rất nhiều những kỷ niệm như bao người con đất tổ. Mảnh đất Phú Thọ dường như lưu giữ trong lòng khí thiêng của thủa cha ông dựng nước. Vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn trên mảnh đất này, khi vẫn còn lưu truyền những tập tục, những bí quyết làm nèm, làm bùa ngải, những đền chùa miếu mạo, những bóng núi và rừng đại ngàn cổ xưa.

Từ nhỏ cậu bé Dũng đã thuộc loại “ăn to nói lớn”. Không cuộc chơi nào mà cậu không đứng đầu cầm chịch. Nhưng lại là người luôn biết nhường bạn bè. Dũng rất thông minh nên học giỏi đều các môn, đặc biệt là những môn tự nhiên như toán, lý…

Năm 1972, học đến lớp 8, thì có đoàn 573 của Không quân đến trường khám sức khỏe tuyển phi công. Thế nào mà cậu bé Dũng lại trúng, trong số hàng mấy chục bạn cùng trường. Nhưng nhà đã có hai anh và một chị gái đi bộ đội rồi. Vì thế Dũng không được đi.

Không ngờ 3 năm sau, năm 1975, lại có đoàn về tuyển. Lại khám và lại trúng. Lúc này anh mới học xong học kỳ 2 của lớp 10, chưa kịp thi tốt nghiệp. Nhưng vì trúng phi công nên được đặc cách tốt nghiệp. Cả lớp, toàn những cô bé cậu bé học rất giỏi so với các lớp trong trường, ai nấy cũng nhìn Dũng với con mắt ngưỡng mộ. Ờ, hóa ra phi công là từ những người bạn như bạn của mình đây mà đào luyện ra. Với lũ trẻ thì việc trở thành một phi công thực sự quả rất anh hùng.

Dũng được về Trường dự bị bay của Quân chủng Không quân ở Bạch Mai, Hà Nội. Ở đó, anh bắt đầu làm quen với những thứ vô cùng xa lạ với một cậu bé ở nông thôn, Làm quen với những thuật ngữ, với những thứ máy móc mà sau này đã gắn liền với cuộc đời và định mệnh của anh.

Tháng 11 năm 1975, anh cùng đồng đội bay vào trường Không quân Nha Trang. Được học hành rèn luyện ở trường là niềm vinh hạnh cho những chàng thanh niên đầy nhiệt huyết. Anh luôn giành được điểm cao trong cả lý thuyết và thực hành.

 

BAY CAO

Tháng 6 năm 1977, Hà Tiến Dũng ra trường với tấm bằng đỏ. Anh được phân công về sân bay Hòa Lạc. Điều đặc biệt là anh được cấp trên cho vào vị trí lái chính luôn.

Những chuyến bay đưa cấp trên đi công tác, hoặc những chuyến bay vận chuyển hàng hóa đã cho anh những kinh nghiệm nhất định của tay lái trực thăng. Năm 1980, với quân hàm trung úy, anh đã được phân công lái chính chở các lãnh đạo quân đội đi lên biên giới phía Bắc. Anh đã đưa các đồng chí Lê Trọng Tấn, Phùng Thế Tài bay lên và tập kết ở vị trí chỉ huy, chỉ đạo những hoạt động của quân đội chống lại việc gây hấn ở biên giới phía Bắc. Lúc này cuộc chiến tranh biên giới đã qua giai đoạn khốc liệt, nhưng việc chỉ huy của lãnh đạo trung ương vẫn vô cùng cấp thiết. Và mỗi chuyến bay lại cho anh thêm kinh nghiệm phục vụ, hoàn thành nhiệm vụ với cấp trên. Bây giờ phải cấp tá mới được bay phục vụ lãnh đạo. Còn ngày ấy, cấp úy trình độ cơ trưởng đã rất dày dặn và vững vàng, nên anh luôn được phân công lái chính trong những chuyến bay đặc biệt như vậy.

Cuối những năm thập niên 70 và đầu năm 1980, Việt Nam phải đưa rất nhiều lực lượng tinh lực, vũ khí, lương thực và thực phẩm giúp đỡ cho bạn để chiến đấu chống lại nạn diệt chủng của bè lũ Pôn Pốt.

Thời kỳ đầu những năm 80, tình hình nước bạn Campuchia tuy đã gần đánh tan bè lũ Pôn Pốt, nhưng vẫn có nhiều biến động. Năm 1981, Liên Xô (cũ) cho 2 chiếc trực thăng Mi-8. Ban đầu bên Nga còn cho kèm thêm phi công sang. Mặc dù phi công Nga rất giỏi, nhưng để lái theo địa hình bên này không phải đơn giản. Phi công Việt Nam như trung úy Hà Tiến Dũng là một trong những phi đội trưởng vừa chỉ huy phi đội rất chuẩn xác, vừa trực tiếp lái ở những địa hình và điều kiện khí hậu biến động, nắm được cách luồn lách theo địa hình và khí hậu vùng nhiệt đới. Anh nhận nhiệm vụ sang nước bạn, lái phục vụ cho Tổng bí thư và Chủ tịch của Campuchia. Ngài Hun-sen khi đó làm Bộ trưởng ngoại giao. Sau này gặp lại ông ta vẫn nhận ra người phi công dũng cảm năm nào chở ông và các vị lãnh đạo Campuchia đi thăm các vùng, chớ lương thực đi tiếp tế, và nhiều khi là chở tiền đến các tỉnh.

Năm 1982, anh được phong thượng úy.

Năm 1983, bước vào tuổi 25, với những giờ bay đạt hiệu quả cao, anh được đề bạt là Phi đội trưởng. Khi đó anh là phi đội trưởng trẻ nhất trung đoàn. Người phi đội trưởng dũng cảm trẻ trung này đã liên tục đưa “quân” đi đánh nhau với bọn diệt chủng Khơ me Đỏ.

Năm 1985, anh được phong đại úy. Thời gian này anh được phân công phục vụ tuyến đặc khu Quảng Ninh, chở đạn và lương thực cho bộ đội.

Sau đó anh được cấp trên cho vào trường Không quân Nha Trang để học tiếng Nga. Chuẩn bị cho sau đó, vào năm 1986, anh được cử sang Nga học nâng cao.

Ở Nga, suốt 4 năm trời, anh miệt mài học và bổ túc thêm nhiều vốn kiến thức đặc biệt về trực thăng.

Có được tấm bằng đỏ, năm 1996, anh về nước và được đề bạt Trung đoàn phó Trung đoàn ở Hòa Lạc.

Tháng 1 năm 1994, Hà Tiến Dũng được đề bạt lên Trung đoàn trưởng, trở thành vị Trung đoàn trưởng trẻ nhất, sôi động nhất, quyết đoán nhất trong số các Trung đoàn trưởng của Không quân.

 

NHỮNG KỶ NIỆM KHÔNG THỂ QUÊN

Nếu so với tất cả các thời kỳ của các Trung đoàn trưởng tiền nhiệm, thì thời kỳ của Trung đoàn trưởng Hà Tiến Dũng đã để lại những dấu ấn rất đặc biệt. Là thời kỳ mà các vị chức sắc đã nghỉ hưu nhắc đến “là thời kỳ hoành tráng nhất”. Khi kể về thời kỳ này, thậm chí chính thiếu tướng Hà Tiến Dũng còn rất hồ hởi, niềm vui hiện rõ trong ánh mắt nụ cười và ngay cả giọng nói hào hứng của anh.

Đó là kỷ niệm về cuộc họp đặc biệt của Chính phủ vào năm 1996. Năm đó, Thủ tưởng quyết định đưa cuộc họp này lên Trung đoàn… Có thể qua cân nhắc, Thủ tướng thấy cuộc họp được tổ chức ở đây có những mặt thuận lợi. Nhưng thuận lợi nhất là nơi ăn chỗ nghỉ của các vị lãnh đạo được đảm bảo an ninh và rất sạch sẽ tiện nghi như ở trong khách sạn. Việc ăn uống không thành vấn đề. Nhưng cái chính, cái cốt lõi là vị Trung đoàn trưởng đã rất có công trong việc gây dựng một trung đoàn trực thăng mạnh mẽ tiềm năng, có nhiều bước cải tổ hợp lý trong thời kinh tế thị trường mở cửa. Và các vị lãnh đạo cấp cao nhà nước muốn được tận mắt nhìn thấy sự lớn mạnh ấy.

Kỷ niệm nữa là chuyến bay anh trực tiếp chuyên chở Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi Mèo Vạc, Đồng Văn. Rồi từ Đồng Văn đi Sa Pa. Khi đó đồng chí Vũ Đức Đam đang là thư ký riêng cho Thủ tướng. Sau này thi thoảng anh có gặp lại anh Vũ Đức Đam, và họ vẫn nhắc với nhau về chuyến đi đầy kỷ niệm đó với Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Ấn tượng của anh về vị Thủ tướng huyền thoại này là phong cách rất dễ chịu, giản dị dễ gần. Đó là một con người thông minh bẩm sinh, nhân cách cao vời vợi.

Trên những chặng nghỉ ngơi, anh được nghe bác Kiệt kể về câu chuyện liên quan đến công tác an ninh bảo mật. Đó là câu chuyện về việc tạo tình huống giả cho ông Lê Duẩn hoạt động bí mật. Năm đó, mọi người trống giong cờ mở đưa tiễn đồng chí Lê Duẩn ra Bắc. Mục đích để lừa địch, sau sẽ đưa đồng chí quay lại bí mật hoạt động lãnh đạo cách mạng miền Nam. Lúc đó sẽ chỉ có một mình Võ Văn Kiệt đón và chèo thuyền chở đồng chí Lê Duẩn vào mật khu của cách mạng. Nhưng đồng chí Lê Duẩn phát hiện ra vấn đề và bảo:

“Cả lục tỉnh ai cũng biết mặt chú. Mà chú lại đích thân chèo thuyền, thì mọi người nhận ra ngay người đó chỉ có thể là tôi. Hỏng!”

Thủ tướng kể về người chỉ huy của mình một cách hào sảng.

Rồi câu chuyện về đá đỏ ở Quỳnh Châu, Nghệ An.

Năm đó tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân Nghệ An rất muốn xin phê duyệt dự án mua trực thăng phục vụ công tác khai thác đá đỏ. Anh chở Tổng bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt lên tận nơi khảo sát tình hình. Đá đỏ chất cả đống, vốc lên tay như vốc sỏi răm.

Về kinh phí với lượng đá đỏ khai thác ấy, thì thừa sức mua trực thăng. Nhưng anh suy nghĩ kỹ và trình bày với hai đồng chí về những điều kiện để có thể sử dụng trực thăng, không phải có tiền là có thể dùng được. Sau đó, các đồng chí lãnh đạo đã cho dừng dự án mua trực thăng riêng này.

Rồi kỷ niệm đưa đồng chí Lê Đức Anh đi công tác Điện Biên. Hôm đó trời rất xấu. Khi trở về Hà Nội, bắt buộc phải xin hạ cánh ở Nội Bài. Nhưng bộ phận tiếp nhận ở Nội Bài không tiếp nhận. Không thể chậm trễ, anh quyết định cứ cho hạ cánh mà không có chỉ huy mặt đất. Cách 25m từ trên cao mới nhìn thấy dường băng. Và máy bay đã hạ cánh an toàn. Quả là một cuộc hạ cánh để đời.

 

CHUYẾN BAY QUA MƯA MÙ

Cả mấy ngày của cái năm 1993 ấy bầu trời u ám sũng nước. Ai nấy đều kêu mệt mỏi. Hơi nước trùm phủ vạn vật như trêu ngươi thách đố lòng kiên nhẫn dưới cái vẻ thâm trầm của không gian có màu sương.

Vậy mà anh nhận được lệnh lên đường. Khi đó anh đang là Tham mưu trưởng của Trung đoàn, đóng quân tại sân bay Gia Lâm.

Kíp phục vụ làm việc khẩn trương và lặng lẽ. Dường như họ muốn dồn toàn bộ tâm huyết và khả năng kỹ sư máy móc vào từng chi tiết bộ phận chiếc trục thăng này.

Không được phép sốt ruột và hối thúc. Lần này anh sẽ đưa bác Nguyễn Hữu Thọ về thăm lại Mường Nhé, vùng đất xưa gắn bó với bác một cách trớ trêu và kỳ lạ.

Sau này anh mới được bác Thọ tâm sự, rằng có hai nơi mà bác luôn khao khát được về thăm lại, đó là Mường Nhé và khu trại giam ở Tuy Hòa. Có một việc mà bác quyết tâm sẽ thực hiện xong, đó là viết cuốn sách “Chung một bóng cờ”. Bác cười nói vui: cuốn sách này người muốn đọc thì không có tiền, mà người có tiền thì lại không mua.

Sau này cuốn sách hoàn thành. Anh không bao giờ quên cái cảm xúc hôm đó, khi nhìn thấy vị lãnh đạo đã già, ngồi trên xe lăn, tay run run ký tặng anh cuốn sách như ông đã hứa. Bây gờ cuốn sách đó như một kỷ vật thiêng liêng trong gia đình anh.

Đợt đó, mặc dù mưa nặng hạt lướt thướt đã mấy hôm. Nhưng nghe đâu trên Mường Nhé đã cả tuần nay, rất nhiều người dân, đủ các sắc tộc Kinh, Mường, Thái, Tày, Nùng, Dao… từ khắp nơi rủ nhau về cắm lều trại để đợi gặp ông quan kinh sắp về thăm.

Không mấy ai sau này hiểu được vì sao bác Nguyễn Hữu Thọ lại được dân vùng trên đó mong ngóng gặp lại như vậy.

Những năm của thập niên 40-50 của thế kỷ 20, với đế quốc Pháp, Nguyễn Hữu Thọ được coi là một trong những nhân sĩ kháng Pháp. Ông bị bắt và bị đưa đi quản thúc trên vùng núi cao Mường Nhé. Bị quản thúc, nhưng chính quyền bảo hộ không dám hành hạ đối xử thô bạo với ông. Chính quyền bảo hộ nói với Tù trưởng Đèo Văn Long: ông ta nếu không ngược với chính kiến của chúng ta, thì ông ta còn hơn một Tù trưởng.

Khi bị áp giải lên vùng núi cao này, dân chúng đã nghe thông báo. Họ tìm mọi cách để tiếp cận vị nhân sĩ tri thức, đồng thời là nhà hoạt động cách mạng chống bọn xâm lược và tay sai. Chính vì lòng dân như vậy nên cả chính quyền bảo hộ và cả đám gia nhân hầu cận Tù trưởng đều phải rất thận trọng đối xử với nhà yêu nước Nguyễn Hữu Thọ. Chúng bố trí cho ông ở trong khu nhà gần nhà Vua. Có mấy người phục vụ cơm nước thuốc thang. Đặc biệt có hai cô gái Thái hầu hạ ngày đêm. Khi ấy ông chừng 40 tuổi, rất đẹp trai và lịch lãm. Thật là hình ảnh đáng ngưỡng mộ cho bà con vùng cao. Khi đó ở miền Nam, luật sư Trịnh Đình Thảo bao năm cũng chỉ giữ chức Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, chờ ông ra tù để giữ vị trí Chủ tịch.

Học rộng, uyên bác và khéo léo, thời gian bị quản thúc lại là thời gian cho ông nhiều trải nghiệm để rút ra những bài học đấu tranh cách mạng. Đồng thời, ông cũng dạy cho dân trong vùng nhiều kiến thức trong cuộc sống hàng ngày, những ứng dụng chăn nuôi cấy hái, nhất là dạy chữ quốc ngữ. Nhiều người sau này học hành lên và trở thành những hạt nhân của phong trào đấu tranh cách mạng.

Nhưng nói về cái hôm đưa bác Thọ lên lại Mường Nhé, với người chỉ huy của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam hôm nay, đường như đó là một trong những kỷ niệm không thể nào quên của anh.

Hôm đó, khi cắt cánh ở Gia Lâm, trời tối và mưa giăng mù mịt. Trong lòng cảm thấy bất an, nhưng anh cùng đồng đội cố gắng trấn tĩnh. Bác Nguyễn Hữu Thọ khi ấy là Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội. Bao nhiêu năm bận rộn công việc, mãi đến khi ấy mới được toại nguyện về thăm lại nơi bị quản thúc xưa. Bác Thọ quay lại dặn mấy người thư ký và phục vụ: Nếu có gì ở nhà thắp cho tôi một nén hương.

Máy bay bay lên Mường Nhé, hạ cánh ở sân của Biên phòng Lai Châu. Mưa tầm tã. Mà đi lên đúng điểm ngày xưa bác Thọ bị quản thúc thì phải bay. Chờ mãi, vẫn cứ mưa như trút. Quay nhìn thấy bác Thọ chảy nước mắt nhìn trời, anh quyết tâm bay. Lại bay tiếp lên cao. Có lẽ trực giác đã giúp anh hạ cánh được xuống cái eo núi kẹp giữa mấy ngọn núi sừng sững của Mường Nhé. Không nhìn thấy gì. Khi máy bay đã hạ cánh an toàn, lái phụ và toàn tổ máy vẫn còn không biết là cơ trưởng đã hạ cánh xuống đâu.

Dân vẫn căng lều chờ la liệt quanh hẻm núi. Xưa có 8 người lính canh, thì nay đã chết 6, chỉ còn 2 người và gia đình con cháu họ. Rồi những người đã từng có cơ hội gặp gỡ, học hỏi năm xưa.

Người Mông đón bác Thọ trong nước mắt.

“Cụ yên tâm, Cụ khỏe là chúng con mừng”

“Con khỉ sống được thì người Mông sống được”

Bác Thọ nắm tay những cụ già bạn xưa kia, những người đã từng được bác dạy dỗ, những người đã phục vụ bác, nước mắt lưng tròng, khiến cho anh và cả đội bay cảm thấy mình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Có hai cụ bà xưa đã từng phục vụ cho bác Thọ. Cả ba người gặp nhau cảm động không nói nên lời. Xưa kia họ là hai cô gái xinh đẹp. Nay người có 7 con, người có tới 9 con. Cả hai bà tranh nhau ngồi hai bên bác Thọ. Mãi sau anh đành đến nhắc họ, rằng có rất nhiều người muốn gặp bác, và cũng sắp đến giờ phải bay…

Sau chuyến đi này về, trong đợt họp Hội nghị Trung ương, bác Nguyễn Hữu Thọ bị tai biến mạch máu não. Một năm sau đó, anh cùng đội bay được bác Thọ mời ăn cơm cùng đoàn công tác. Và anh đã được nhận món quà là cuốn sách mà bác đã hứa tặng trong chuyến đi.

 

NHỮNG CON SỐ KHÔ KHAN

Tổng công ty Trực thăng Việt Nam – Binh đoàn 18 là doanh nghiệp quốc phòng – an ninh, được thành lập ngày 1/6/1989 theo Nghị định 58/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Sự ra đời của Tổng công ty là do đòi hỏi khách quan của tình hình, Đại hội đại biểu lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976) xác định “Triển khai mạnh việc tìm hiểu, thăm đo dầu mỏ và khí đốt trên đất liền và ngoài biển, tạo điều kiện xây dựng nhanh ngành công nghiệp dầu khí4; tình hình đó, đặt ra yêu cầu sự cần thiết phải có trực thăng phục vụ cho việc thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi; theo đó, chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm đảm bảo, Quân chủng Không quân được giao nhiệm vụ sử dụng một phần lực lượng không quân làm kinh tế; ngày 31/1/1979 chuyến bay trực thăng UH-1 đầu tiên đã thực hiện nhiệm vụ chuyên chở các nhà chức trách Việt Nam hạ cánh tàu khoan DANQUEEN của Bow Valley để làm thủ tục nhập cảnh.

Tiếp tục quán triệt các quan điểm của Đảng về đổi mới phát triển kinh tế, thực hiện Nghị quyết của Bộ chính trị về nhiệm vụ sản xuất làm kinh tế của quân đội, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, Bộ Quốc phòng đề nghị Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) thành lập Tổng công ty Bay dịch vụ Việt Nam (nay là Tổng công ty Trực thăng Việt Nam).

Tổng công ty có chức năng kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hàng không đồng thời sẵn sàng thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng được giao. Cụ thể là: Tự chủ sản xuất kinh doanh đúng hướng, đúng pháp luật đạt hiệu quả kinh tế cao. Đối với nhiệm vụ quân sự quốc phòng: làm nhiệm vụ bay chuyên cơ, tìm kiếm cứu nạn; kết hợp bay thương mại với quan sát vùng biển, bảo vệ thềm lục địa, sẵn sàng hoàn thành các nhiệm vụ được giao, các nhiệm vụ theo kế hoạch B. Khi có tình huống chiến tranh: sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ theo quyết tâm A, vận chuyển các cơ quan của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, đồng thời làm nhiệm vụ vận chuyển, vũ khí đạn dược, cứu thương, phục vụ chiến đấu và tham gia chiến đấu.

Từ thực tiễn quá trình hình thành và phát triển của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam hơn hai mươi năm qua; giai đoạn 1989-1998 là quá trình tích lũy để làm chủ thị trường bay phục vụ dầu khí trong nước, năm 2000 Tổng công ty vươn ra cung cấp dịch vụ trực thăng cho hoạt động thăm dò dầu khí ở nước ngoài. 16 năm trong đội hình trực thuộc quân chủng Phòng không – Không quân, thời kỳ 1996-2003 Tổng công ty bao gồm các công ty bay dịch vụ và cả 03 công ty xây dựng; đây là giai đoạn Tổng công ty thường xuyên quán triệt và thực hiện tốt quan điểm kết hợp kinh tế gắn với quốc phòng, góp phần xây dựng cùng các lực lượng khác của quân chủng Phòng không – Không quân hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. Từ năm 2005 đến nay Tổng công ty được điều chuyển tách ra từ Quân chủng Phòng không – Không quân về trực thuộ Bộ Quốc phòng, đã thực sự cởi trói về mặt cơ chế quản lý, bỏ qua nhiều khâu trung gian về thủ tục hành chính, giúp Tổng công ty tập trung thời gian vào sản xuất kinh doanh, xây dựng lực lượng phù hợp; vì vậy tốc độ tăng trưởng, sức phát triển của Tổng coongt y tăng lên rất nhanh; quy mô, vị thế của Tổng công ty được khẳng định. Quán triệt sâu sắc và đầy đủ các quan điểm của Đảng về kết hợp phát triển kinh tế gắn với quốc phòng; tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Binh đoàn lần thứ V (tháng 10/2010) xác định: “Giũ vững vị thế là doanh nghiệp quốc phòng – an ninh, dẫn đầu về cung cấp dịch vụ trực thăng, đáp ứng các yêu cầu xây dựng phát triển kinh tế đất nước, đồng thời tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của đất nước”5.

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng trong Đảng bộ Binh đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các công ty, đơn vị thành viên thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, gắn với đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh; trong đó nhiệm vụ quốc phòng được đặt lên hàng đầu và được triển khai bằng nhiều biện pháp đồng bộ.

Một là, đẩy mạnh công tác giáo dục, chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức trách nhiệm về nhiệm vụ quốc phòng của Tổng công ty (Binh đoàn) cho cán bộ, công nhân viên chức.

Đặc điểm hoạt động của Tổng công ty là phải thực hiện nhiệm vụ phân tán trên phạm vi cả nước, thường xuyên đảm nhận tác nghiệp ở những địa bàn khó khăn (bay phục vụ MIA ở vùng sâu, vùng xa, biên giới; bay phục vụ dầu khí trên biển, bay chuyên cơ…), trong điều kiện khí hậu, thời tiết phức tạp, tiếp xúc và làm việc với nhiều đối tác là người nước ngoài. Vì vậy, giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ quốc phòng cho cán bộ, công nhân viên là một trong những nội dung có ý nghĩa quan trọng quyết định. Đây là vấn đề có ý nghĩa nền tảng, cơ sở để phát huy trách nhiệm chính trị của mọi người trong đơn vị. Để thực hiện yêu cầu đó, công tác giáo dục chính trị tư tưởng thường xuyên phải đổi mới về nội dung hình thức, cách thức tiến hành; đã coi trọng việc quán triệt cho đội ngũ cán bộ công nhân viên có nhận thức sâu sắc cá quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, mà trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX về chiến lược bảo vệ Tổ Quốc trong tình hình mới và những định hướng cơ bản về phát triển kinh tế – xã hội gắn với tăng cường quốc phòng – an ninh và đối ngoại trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Trên cơ sở đó đã từng bước cụ thể hóa các định hướng, quan điểm của Đảng vào thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và phát triển kinh tế trong từng cơ quan, đơn vị thành viên thời kì hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay, trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới, khu vực; sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”; tình hình Biển Đông… Tổng công ty đã tăng cường tuyên truyền giáo dục làm cho cán bộ chiến sĩ thấu suốt nhiệm vụ cách mạng của Quân đội, của đơn vị, cũng như âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, xác định rõ “đối tượng”, “đối tác” linh hoạt xử lý trong mọi tình huống. Đồng thời, để mọi người thấy rõ, hoạt độngbay của Tổng công ty của trên các mũi, các hướng, trên từng địa bàn, từng thời điểm là sự hiện diện để khẳng định chủ quyền đất nước; mỗi lần làm nhiệm vụ là một lần bảo vệ từng tấc đất, tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc. Từ đó, đòi hỏi mỗi người, mỗi tổ bay phải nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công tác giáo dục chính trị thực sự đã góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Tổng công ty; tiếp tục khẳng định trách nhiệm chính trị của mọi cán bộ công nhân viên trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng.. Hiện nay, hàng ngày hoạt động của Tổng công ty trên biển với hàng chục chuyến bay, với thời gian bay 40 – 50h, đã kịp thời đáp ứng mọi hoạt động kinh tế biển (chủ yếu là thăm dò khai thác dầu khí); quá trình bay các phi công, nhân viên kỹ thuật trên không đã làm tốt việc quan sát biển kịp thời phát hiện và báo cáo xử lý mọi hoạt động không bình thường của các “đối tượng – đối tác”6. Việc tham gia vận chuyển ngành công nghiệp dầu khí vừa khẳng định chủ quyền, vừa góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của Quốc gia; đồng thời khẳng định năng lực, tính sẵn sàng của Tổng công ty trong mọi tình huống. Từ năm 1998, với sự nỗ lực cố gắng vượt bậc, Tổng công ty đã hoàn toàn làm chủ việc cung cấp dịch vụ bay bằng trực thăng cho tất cả các công ty dầu khí đang hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam với kết quả 100% chuyến bay, hàng trăm nghìn giờ bay an toàn. Đây là một chỉ số khẳng định chất lượng, thương hiệu của Tổng công ty và đã được khách hàng trên thế giới đánh giá là một hãng trực thăng bay phục vụ dầu khí hàng đầu khu vực Châu Á về tiêu chí đội máy bay và chỉ số an toàn. Từ năm 2009 Tổng công ty được mang phiên hiệu quân sự Binh đoàn 18 cũng là sự khẳng định tính chất, nhiệm vụ của doanh nghiệp quốc phòng – an ninh. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty có nhiều đối tác nước ngoài, trong đó có cả Mỹ, nhưng từ sự nhận thức đầy đủ, đúng đắn ý nghĩa kinh tế, quốc phòng, có hợp tác, có đấu tranh; hòa nhập nhưng không hòa tan… Mỗi năm Tổng công ty có khoảng gần 40% lượt quân số đi học tập công tác nước ngoài, có nhiều trường hợp độc lập công tác dài ngày, nhưng không để xảy ra bất cứ trường hợp nào vi phạm.

Hai là, tập trung xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Tổng công ty trong tình hình mới. Đây là vấn đề rất quan trọng, là động lực đảm bảo cho Tổng công ty phát triển nhanh, bền vững và đủ sức cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh hội nhập. Với nhận thức đó, những năm qua Tổng công ty luôn chủ động đẩy mạnh việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, tự chủ nguồn nhân lực, nhất là cán bộ chỉ huy, quản lý, phi công và nhân viên chuyên môn kỹ thuật7, bảo đảm chất lượng, số lượng và cơ cấu hợp lý, được tổ chức biên chế và sử dụng phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an toàn bay, giữ vững thị trường trong nước, vươn ra thị trường quốc tế và đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng trong mọi tình huống. Trên cơ sở kế hoạch từng năm và giai đoạn, tổng công ty chủ động tạo nguồn, tuyển chọn cán bộ, nhân viên để gửi đi đào tạo ở các cơ sở trong và ngoài nước. Cán bộ được bổ nhiệm ngoài các tiêu chí về bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm phải giỏi về chuyên môn và phải được đào tạo, hoặc bổ túc tại các Học viện Quân sự. Chủ trương của Tổng công ty: đối với phi công, phải được đào tạo cơ bản và chuyên sâu, giỏi về ngoại ngữ, sử dụng thành thạo nhiều loại máy bay trực thăng hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới; đồng thời, thích ứng môi trường cạnh tranh trogn quá trình hội nhập, nhằm đáp ứng yêu cầu cao của nhiệm vụ quốc phòng – kinh tế. Nhận thức đầy đủ ý nghĩa của việc huẩn luyện đào tạo là đàu tư cho phát triển; mỗi năm Tổng công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho huấn luyện đội ngũ phi công , nhân viên công tác trên khoogn đủ tiêu chí được Cục Hàng không cấp khả phi bay thương mại, nhiều đồng chí đạt tiêu chuẩn bằng cấp quốc tế. Nhiruf phi công có số giờ bay trên 10 nghìn giờ, tích lũy nhiều kinh nghiệm đã góp phần đảm bảo an toàn tuyệt đối trong bay phục vụ thăm dò, khai thác dầu khí. 100% phi công khi được giao nhiệm vụ bay chuyên cơ hoặc nhiệm vụ quân sự quốc phòng, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống lụt bão8… đều hoàn thành xuất sắc được cấp trên ghi nhận  biểu dương, khen thưởng. Chỉ tính riêng giai đoạn 2007 -2012 Tổng công ty đã phối hợp tuyển chọn, đầu tư huấn luyện cả trong nước và nước ngoài để có đội ngũ phi công , nhân viên kỹ thuật hàng không tăng gấp 2 lần, đủ tiêu chuẩn thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Đây cũng chính là lực lượng nòng cốt để tạo thêm những giá trị mới trong sản xuất kinh doanh (giờ bay tăng 245%, doanh thu, lợi nhuận tăng gần 300% so với 2005). Năm 2012, sau nhiều năm tích lũy, chuẩn bị và được Bộ Quốc phòng cho phép Tổng công ty đã thành lập Trung tâm huấn luyện là đơn vị trực thuộc. Việc này, có ý nghĩa rất quan trọng đánh dấu sự trưởng thành, bước phát triển mới của Tổng công ty và công tác huấn luyện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đầu tư phát triển tốt công tacshuaans luyện là thực hiện chiến lược phát triển kinh tế đồng bộ theo thế “chân kiềng” (hoạt động bay; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; sữa chữa; đại tu máy bay), đồng thời cũng là chủ trương xây dựng lực lượng cho tăng cường tiềm lực thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Vừa qua Tổng công ty đã bế giảng kết thúc khóa huấn luyện phi công trực thăng EC – 120 đầu tiên cho hơn chục phi công (trong đó có 06 đồng chí phi công của Quân chủng Hải quân); đây là một việc mới chưa có tiền lệ. Quá trình huấn luyện chuyển loại đạt hiệu quả kinh tế cao; đúng đủ quy trình, quy định, an toàn tuyệt đối, đẩy nhanh tiến độ, tận dụng quỹ thời gian, tiết kiệm chi phí huấn luyện 35 – 40%; đồng thời nâng được năng lực tổ chức, tăng tính tự chủ trong tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; lớn hơn, xa hơn là sự phát triển trong tương lai huấn luyện phi công và thợ kỹ thuật ở cả trong nước và trong khu vực đạt trình độ quốc tế, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhiệm cụ quân sự.

Trong quá trình huấn luyện, chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành, huấn luyện bay và huấn luyện mặt đất, bay thương mại và bay thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; phối, kết hợp với Quân chủng Hải quân, Phòng không – Không quân, phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu y tế và bay biển, đảo9…; đặc biệt coi trọng huấn luyện định kỳ cho phi công bay buồng tập và bay xử trí các tình huống phức tạp về quốc phòng – an ninh ở trên không và trên biển, đảo. Huấn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ ngoại ngữ, tin học, pháp luật và văn hóa ững xử10… Phấn đấu hằng năm huấn luyện đào tạo mới và chuyển loại từ 10 đến 15 phi công, bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.

Ba là, nâng cao khả năng bảo đảm kỹ thuật hàng không, bảo đảm sẵn sàng cất cánh làm nhiệm vụ trong mọi tình huống. Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không, sản phẩm dịch vụ mang hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, cùng với nhân tố quyết định là con người, việc đảm bảo kỹ thuật hàng không cóa vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ. Hiện nay, Tổng công ty có đội máy bay trực thăng hiện đại, được sử dụng liên tục với tần suất lớn, cường độ cao; do vậy việc nâng cao và bảo đảm hệ số kỹ thuật trong sử dụng là yêu cầu bắt buộc, bất luận trong mọi hoàn cảnh nếu điều kiện thời tiết cho phép là sẵn sàng cất cánh để thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, cùng với thực hiện Cuộc vận động giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông của Bộ Quốc phòng, thực hiện đúng đủ quy trình, quy định nghiêm ngặt trogn hoạt động kỹ thuật hàng không; Tổng công ty thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có trình độ chuyên môn giỏi, có trách nhiệm chính trị cao, tự trọng yêu nghề, khát khao cống hiến; đồng thời với việc chủ động đầu twmua sắm các trang thiết bị tiên tiến, đồng bộ. Hiện nay, lực lượng kỹ thuật đủ trình độ, năng định để tiến hành bảo dưỡng, sữa chữa, đại tu máy bay hệ MI; thực hiện phần lớn các nội dung kỹ thuật của trực thăng hiện đại như Super Puma L2, EC 225… vừa chủ động trong khai thác sử dụng, nhưng cũng đồng thời góp phần rất quan trọng nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo lợi thế trong cạnh tranh.

Bốn là, Chủ động “đi tắt, đón đầu” đổi mới công nghệ, đầu tư phát triển đội máy bay phù hợp với từng giai đoạn, từng bước làm chủ thị trường bay dịch vụ trực thăng phục vụ dầu khí tại thị trường Việt Nam. Vươn ra thị trường quốc tế học hỏi, tích lũy nâng cao kiến thức toàn diện, vừa chủ động trong cạnh tranh, vừa tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.

Từ những năm đầu thập niên 80, Tổng công ty chủ yếu sử dụng máy bay MI do Liên Xô sản xuất để bay phục vụ nhu cầu của Liên doanh dầu khí Vietsovpetro; giai đoạn này thực hiện Hiệp ước hợp tác hữu nghị toàn diện Việt Nam – Liên Xô, mọi hoạt động kinh tế của Tổng công ty đã gắn liền với quá trình đầu tư, xây dựng nâng cao cao tiềm lực quân sự quốc phòng của đất nwocs sau chiến tranh. Những năm đầu thập niên 90 thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Luật đầu tư nước ngoài (1987) các nước trên thế giới đã nhận ra tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam. Do vậy, thời gian 1993 -1997 các công tydaauf khí Phương Tây ồ ạt đầu tư vào thăm dò khai thác dầu khí tại Việt Nam, quá trình đó họ chỉ sử dụng trực thăng mới, hiện đại của phương tây; trước tình hình đó đặt ra yêu cầu và Tổng công ty đã quyết định đầu tư mua các loại trực thăng hiện đại ( Super Puma L2) cùng nguồn lực đã được chuẩn bị để chiến đấu thầu và thắng thầu, từng bước giành lại các hợp đồng từ các công ty trực thăng nước ngoài. Đến năm 1998, Tổng công ty đã giành lại toàn bộ các hợp đồng và làm chủ hoàn toàn thị trường dịch vụ trực thăng dầu khí trong nước mang nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước, không để cho phi công nước ngoài hoạt động bay dầu khí tại vùng biển Việt Nam. Do có nguồn lực và uy tín, Tổng công ty tiếp tục đầu tư để phát triển thêm các dòng trực thăng bay biển mới, hiện đại bậc nhất hiện nay như máy bay EC – 155B1 và EC – 225. Đây là giai đoạn phát huy nội lực, huy động tối đa nguồn lực, từ kết quả sản xuất kinh doanh, Tổng công ty đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, trang bị hiện đại. Trong giai đoạn tới, tổng công ty sẽ tiếp tục đầu tư phát triển đội máy bay, nguồn lực và đề xuất với Bộ Quốc phòng, Chính phủ để hoàn thiện cơ cấu tổ chức cũng như cơ chế để phù hợp và theo kịp với tình hình phát triển mới, nhằm không ngừng đáp ứng tốt hơn nhu cầu dịch vụ trực thăng bay dầu khí, cạnh tranh thắng lợi, giữ vững và phát triển thị trường góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí đất nước. Góp phần tăng cường tiêm flecj sức mạnh của lực lượng trực thăng quân đội sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ quốc phòng được giao, đặc biệt là xử lý tình huống trên biển Đông.

Thực hiện tư tưởng “chủ động trong cạnh tranh”, từ năm 1994, Tổng công ty đã phối hợp liên danh, liên kết gửi các phi công, kỹ thuật vào làm việc tại các liên doanh, các công ty nước ngoài, đặc biệt là hợp đồng trao đổi phi công, kỹ thuật với Helikopter Service (Na uy) thực chất là để huấn luyện đào tạo nguồn nhân lực  nên năm 2000 – 2011, Tổng công ty đã tổ chức thực hiện 05 Hợp đồng bay tại nước ngoài: Na uy, Ấn Độ, Malaysia, Đông Timo với doanh thu hàng chục triệu USD. Đồng thời với việc cung cấp sản phẩm giờ bay cho khách hàng, khẳng định trình độ, vị thế của phi công trực thăng Việt Nam; trong những năm qua Tổng công ty đã đầu tư xây dựng phát triển 01 công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật trực thăng đạt hiệu quả kinh tế cao, đã cung cấp dịch vụ sữ chữa, đại tu máy bay hệ MI cho nhiều nước trên thế giới như Lào, Campuchia, Ấn Độ, Úc, Nga, Băng-la-đét, Srilanka… và đang hướng tới tiếp thi công nghệ sữa chữa, đại tu hệ trực thăng phương tây loại mới. Đây là việc làm không chỉ có ý nghĩa kinh tế xã hội, còn đồng thời có ý nghĩa chiến lược lâu dài là xây dựng phát triển lực lượng nhân viên kỹ thuật hàng không đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trogn tình hình mới.

Năm là Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chủ động tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ quân sự quốc phòng.

Hơn hai mươi năm qua là quá trình phát triển bền vững của Tổng công ty, từ buổi ban đầu trang bị còn lạc hậu, ít ỏi, (gồm 02 chiếc máy bay trực thăng MI-8 cũ do Liên Xô sản xuất và 03 tổ bay); đến nay có đội ngũ hàng trăm phi công, cán bộ quản lý, nhân viên kỹ thuật giàu kinh nghiệm; bằng kết quả sản xuất kinh doanh Tổng công ty tự đầu tư trang bị đội máy bay hiện đại hơn hai mươi chiếc11, hệ thống cơ sở hạ tầng, đường băng sân đỗ, trang thiết bị hiện đại đồng bộ. Khi cần thiết toàn bộ trang thiết bị, lực lượng này nhanh chóng chuyển sang làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong tình hình kinh tế khó khăn, một số doanh nghiệp thua lỗ, nhiều doanh nghiệp hàng không trên thế giới phải phá sản, nhưng Tổng công ty vẫn ổn định và phát triển, doanh thu, lợi nhuận, thu nộp ngân sách hàng năm tăng nhanh, hiệu quả kinh tế cao, năng suất lao động bình quân năm 2011 đạt trên 2,85 tỷ đồng/người/năm; đời sống cán bộ, công nhân viên không ngừng được cải thiện. Đã tự tích lũy bổ sung, phát triển tăng nguồn vốn hàng chục lần. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, tổng công ty đã bay phục vụ chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam đạt 108 đợt, đây vừa là hoạt động kinh doanh vừa là việc làm có ý nghĩ nhân văn cao cả, thực hiện chính sách nhân đạo, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; đã đóng góp tích cực trong xúc tiến nhanh bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ; nhưng đồng thời cũng gián tiếp thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia. Trong thực hiện các nhiệm vụ bay chuyên cơ, nhiệm vụ đặc biệt Tổng công ty luôn hoàn thành xuất sắc12. Hiện nay, thực hiện nhiệm vụ Bộ Quốc phòng giao,  tổng công ty đang hỗ trợ tích cực giúp Quân chủng Hải quân xây dựng lực lượng trực thăng (đàm phán mua máy bay, huấn luyện chuyển loại cho phi công, chuyển giao kỹ thuật…). Trong thời gian tới tiếp tục hỗ trợ xây dựng phát triển lực lượng trực thăng của Bộ Công an và các ngành khác khi có yêu cầu.

Quá trình xây dựng trưởng thành, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc được Đảng, Nhà nước, Quân đội ghi nhận đánh giá cao và tặng hưởng nhiều phần thưởng cao quý; đặc biệt được tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2008; các công ty thành viên đều được tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác. Có được những kết quả đó, là sự nỗ lực cố gắng quyết tâm cao của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, sự đóng góp tích cực quan trọng của đội ngũ cán bộ, công nhân viên; sự chỉ đạo quan tâm của lãnh đạo các cấp, sự tin tưởng ghi nhận của khách hàng… Từ thực tiễn, Tổng công ty rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm quý bái; trong đó bài học có ý nghĩ lỹ luận và thực tiễn sâu sắc đó là: Phat huy tinh thần chủ động vượt khó vươn lên; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế gắn với quốc phòng – an ninh. Phát triển kinh tế là tăng cường củng cố, nâng cao tiềm lực quốc phòng; thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự quốc phòng là quá trình tạo sự ổn định để phát triển kinh tế. Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xay dựng bản lĩnh chính trị, giác ngộ nhiệm vụ cho mọi cán bộ, công nhân viên; tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất kinh doanh và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Đầu tư cho huấn luyện, đào tạo nguồn nhân lực là đầu tư cho phát triển; trước hết, tập trung bồi dưỡng, xây dựng lực lượng phi công, nhân viện kỹ thuật, phải vừa giỏi về chuyên môn, vừa có phẩm chất, bản lĩnh của người quân nhân cách mạng. Trong điều kiện bình thường, đây là những người lao động giỏi, tạo ra nhiều giá trị vật chất cho xã hội; trong tình huống phức tạp, cấp thiết theo yêu cầu của nhiệm vụ, là những cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp dũng cảm, can trường, vì nước quên thân, vì dân phục vụ; sáng mãi phẩm chất “ bộ đội Cụ Hồ”. Sẵn sàng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn ven lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị và an ninh quốc gia, an toàn xã hội.

 

CHUYỆN RIÊNG TƯ KHÔNG VƯỚNG BẬN

Tính cách quyết liệt dám làm dám chịu. Năm 2008, Hà Tiến Dũng lên vị trí Tổng giám đốc, khi đó còn gọi là Tổng công ty bay dịch vụ Việt Nam. Cuối năm 2009 đổi tên là Binh đoàn 18, sau khi đón nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Sau đó, anh đổi tên Tổng công ty Trực thăng Việt Nam.

Việc đổi tên cũng nói lên tính cách quyết liệt và tư tưởng cấp tiến hợp thời đại của vị Tổng giám đốc. Anh trình bày quan điểm của mình với lãnh đạo: Thứ nhất, tên Tổng công ty bay dịch vụ Việt Nam không nói lên hết nhiệm vụ quốc phòng, mà chỉ đơn thuần về kinh tế. Thứ hai, tên đó khi viết sang tiếng Anh và viết tắt, thế giới nghe không hiểu. Theo thông lệ quốc tế, nước nào cũng có một công ty trực thăng của nhà nước. Nếu gõ tên tắt là VNH thì sẽ ra Tổng công ty Trực thăng Việt Nam ngay. Chứ nếu gõ chữ tắt của tên cũ thì thế giới sẽ không hiểu là công ty gì.

Việc nữa là anh quyết định không đầu tư máy bay cánh bằng. Việc này sau được kiểm chứng, nếu đầu tư sẽ bị thâm hụt nặng. Và anh cùng tập thể lãnh đạo quyết định cho Tổng công ty hoạt động theo 3 hướng chiến lược: Bay; Huấn luyện; Sửa chữa bảo dưỡng kỹ thuật. (Và bộ phận kỹ thuật được đưa từ Biên Hòa về Vũng Tàu rất nhanh và gọn).

Những đường hướng chiến lược này được Bộ trưởng Phùng Quang Thanh ủng hộ quyết liệt.

Tổng giám đốc mới đã sắp xếp lại mọi trật tự, đội ngũ nhân sự hoạt động doanh nghiệp, và hoạt động trong các nhiệm vụ khác. Với anh, người nào cũng có thể sử dụng được hết, phải biết phát huy thế mạnh của từng cá nhân.

Anh đã từng kiên quyết đề nghị Bộ Quốc phòng, rồi trực tiếp trình bày với Thủ tướng, mà trình bày đến mấy lần cho đến khi Thủ tướng đồng ý, về mô hình hoạt động hiện nay cho Tổng công ty.

Nói về chuyện công việc thì hào hứng. Thậm chí tôi còn phì cười khi anh hăng say nói về những dự định của mình, chân tay khuỳnh ra như đang chỉ huy chiến trận.

Nhưng khi tôi hỏi anh về gia đình riêng, anh chỉ cười.

“Tôi có con trai đầu sinh năm 1986, hiện đang học Quản trị kinh doanh ở Mỹ. Con gái thứ hai sinh năm 1990, đang học ở Anh. Còn bà xã trước làm ở Tổng cục 2, nay đã về hưu”

Tôi hỏi anh chị gặp nhau trong tình huống nào?

Anh cười bảo: bí mật!

Hôm chúng tôi vào gặp các nhân vật của Tổng công ty hiện sống và làm việc ở Vũng Tàu, được những lái xe đưa đón rất nhiệt tình. Rồi khi ngồi ăn trong phóng ăn của nhà khách, nhà văn Nguyễn Đình Tú phát hiện phòng ăn có những bức tranh khá ấn tượng. Hỏi ra mới biết đó là tranh của vợ một chàng lái xe vẽ, người đã rất tận tình đưa đón chúng tôi.

Tận khi đưa đoàn chúng tôi về thành phố Hồ Chí Minh, lúc chia tay anh chàng lái xe mới tiết lộ: chú ruột em là chú Hà Tiến Dũng.

Tôi nhớ ra chuyện này, hỏi anh sao lại để cháu dâu thì làm bếp, mà cháu trai thì vất vả xa quê?

Anh cười bảo: tôi còn đồng ý cho nó đi lái tận biên giới ấy chứ. Mãi sau chỉ huy của cháu mới biết nó là cháu tôi. Biết rồi thì cũng phải rèn luyện. Cháu dâu mà giỏi hội họa thì nó sẽ phát huy được trong công tác của phòng chính trị thôi.

Tôi đề nghị anh: nếu có chuyến bay ra Trường Sa, anh nhớ cho em đi “nhờ” một chuyến.

Vị Tổng giám đốc cười rất trẻ, nụ cười của một người không chịu lùi bước trước bất cứ khó khăn nào:

“Được thôi. Trực thăng của chúng tôi vẫn bay ra làm nhiệm vụ ngoài đó mà”

Tôi bước ra khỏi căn phòng của Thiếu tướng Hà Tiến Dũng, thấy nắng đã bừng lên rực rỡ.

Hình như ẩm thấp và bụi bặm đã sắp tan.

14/4/2014

VTXH