Những bức thư của tác giả cuốn tiểu thuyết O Pioneers! (tạm dịch: Ôi, những người tiên phong) sẽ được xuất bản rộng rãi.


Hơn 65 năm, sau ngày nhà văn Willa Cather qua đời năm 1947, các nhà biên tập sẽ cho xuất bản những bức thư chọn lọc của nhà văn người Mỹ được nhiều độc giả yêu mến vào tháng tới, bất chấp mong muốn của tác giả My Antonia (tạm dịch: Nàng Antonia)
Nhà văn Willa Cather được độc giả biết đến qua tác phẩm đề cập đến các người khẩn hoang trong quá khứ như: My Antonia và O Pioneers! và khẳng định được danh tiếng của mình thông qua tác phẩm Death Comes for the Archbishop (tạm dịch: Cõi Chết đến với Vị Tổng Giám Mục). Death Comes for the Archbishop được xếp hạng xuất sắc, được viết căn cứ trên các nhân vật lịch sử, nói về 2 nhà truyền giáo người Pháp lặn lội trong miền New Mexico sau cuộc chiến tranh Mexico. Trong di chúc của mình, bà mong muốn không xuất bản những bức thư riêng của bà, vì bà muốn độc giả yêu mến mình thông qua những tác phẩm chứ không phải qua những bức thư. Nổi tiếng là một người kín đáo, bà đã cố gắng đốt tất cả những bức thư của mình. Tác giả Hermione Lee viết trong cuốn tiểu sử về nhà văn Willa Cather rằng: “Chỉ là bà không muốn người khách nào tới và làm hỏng những nơi mà bà yêu quý, vì vậy, bà không muốn đời tư của bà được tiết lộ”. Nhưng sau cái chết của cháu trai và cũng chính là người phụ trách các tác phẩm của nhà văn Willa Cather vào năm 2011, Quỹ Willa Cather đã cho phép hai học giả nghiên cứu về nhà văn Willa Cather là Andrew Jewell và Janis Stout xuất bản một tuyển tập gồm 566 bức thư của tác giả O Pioneers!. Số lượng 566 chỉ chiếm gần 20% trong tổng số những bức thư của bà.

Bìa hai cuốn sách của Willa Cather

Trong lời nói đầu của tuyển tập này, hai nhà học giả Andrew Jewell và Janis Stout đã thừa nhận rằng, việc in ấn những bức thư của nhà văn Willa Cather là trái với mong ước của bà trong di chúc, nhưng hai học giả cũng khẳng định rắng: “Những bức thư ấy sẽ không làm tổn hại đến danh tiếng của bà”, thay vào đó, những bức thư ấy còn khiến độc giả hiểu rõ hơn về con người tác giả Willa Cather “phức tạp, vui tính, thông minh, cứng rắn, nhạy cảm, và đôi khi khiến cho người khác phải bối rối”.
Nhà xuất bản Knopf cho biết, những bức thư này được chọn lọc từ “khi nhà văn Willa Cather vẫn còn ở tuổi thiếu niên, bà viết những mẩu chuyện vui (hầu hết bị viết sai chính tả) về cuộc sống ở thị xã Red Cloud trong những năm 1880” tới những năm cuối đời 1940.
Nhà xuất bản cho biết: “Những bức thư đã tiết lộ về cuộc sống hằng ngày của một ngươi phụ nữ và cũng là một nhà văn có niềm đam mê nói chung tới văn học, con người và nghệ thuật. Những bức thư ấy chỉ là một khía canh, độc giả có thể biết về con người nhà văn qua những tác phẩm của bà: tự tin, thanh lịch, cẩn thận, cởi mở, tốt bụng, quan tâm đến những tư tưởng sâu sắc, nhưng cũng đôi khi vui vẻ, ủy mị và mỉa mai, châm biếm”.
Trong trích đoạn mới đăng trên New York Times, có bức thư nhà văn Cather viết cho nữ nhà văn người Mỹ Sarah Orne Jewett, thể hiện sự quan tâm của bà tới nghiệp viết văn vào năm 1908. Ở thời điểm đó, bà đang là một nhà báo và biên tập viên của tạp chí McClure, bà viết: “Ông chủ McClure nói với tôi rằng, ông ấy không nghĩ tôi có thể làm được nhiều ở lĩnh vực viết văn, rằng tôi là một người điều hành giỏi và tốt hơn là tôi nên dừng việc đó lại”. Tuy nhiên, “Đôi khi, tôi cũng nghĩ có khi ông ấy nói đúng…”
Bốn năm sau, bà xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay Alexander’s Bridge (tạm dịch: Cây Cầu của Alexander) vào mùa thu năm 1911 mang ảnh hưởng từ các tác phẩm của Henry James và Edith Wharton, là hai văn hào mà Willa ngưỡng mộ. Và vào năm 1913, bà xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ hai O Pioneers!, cuốn tiểu thuyết này được đánh giá là một kiệt tác của bà.
Một lá thư trước đó được viết vào năm 1893 khi bà mới 19 tuổi, kể về việc bà cùng anh trai bị mắc kẹt trên đỉnh một chiếc cối xay gió cao hơn 15 mét khi cơn bão đang tới gần.

Và một bức thư viết năm 1938 cho anh trai, được trích đăng trên tờ New York Times thể hiện sự đau đớn của bà đối với cái chết của Isabelle McClung – con gái của một vị thẩm phán uy tín, người phụ nữ được cho là tình yêu của nhà văn. Hai người gặp nhau tại thành phố Pittsburgh, dù cho không phải là một nghệ sĩ, Isabelle là một người đam mê nghệ thuật và đã tìm thấy ở Willa Cather một người giống mình, nên đã khuyến khích nữ văn sĩ trong việc viết văn. Mùa xuân năm 1901, Isabelle cho sửa lại căn phòng gần mái và mời Willa tới cư ngụ chung nhà, rồi tình bạn giữa 2 người bền lâu mãi mãi.
Trong những năm từ 1913 đến 1920, bà chủ yếu viết về hai thể loại: loại tiểu thuyết đề cập đến những người khẩn hoang trong quá khứ, như O Pioneers! My Antonia, và một loại truyện thứ hai thực tế hơn, nói về sự tương phản giữa người nghệ sĩ và thế giới của người đó: The Song of the Lark (tạm dịch: Tiếng hót của con chim sơn ca) và các truyện ngắn trong tập Youth and the Bright Medusa (tạm dịch: Tuổi trẻ và Nữ Quái Medusa).
Nhà văn Willa Cather luôn luôn đề cao các giá trị truyền thống như sự quan trọng của gia đình, phẩm cách con người, niềm hy vọng và lòng cam đảm, đặc biệt còn tạo nên các nhân vật nữ trong các truyện với sức mạnh và lòng cương quyết, hai thứ mà các nhà văn trước kia chỉ dànhcho nam giới.
Trong 15 năm cuối đời, Willa Cather vẫn sống độc thân trong căn nhà tại địa chỉ số 570 Đại Lộ Park, thành phố New York, rồi qua đời vào ngày 24-4-1947 vì bị xuất huyết não, hưởng thọ 73 tuổi. Tình yêu đối với đất đai của Willa Cather, phản ảnh qua tác phẩm “Nàng Antonia” bằng câu văn được khắc trên ngôi mộ của nữ văn sĩĩ: ” … hạnh phúc là được hòa tan vào thứ gì toàn hảo và vĩ đại” ( … that is happiness; to be dissolved into something complete and great).
Willa Cather đã nhận được nhiều phần thưởng văn chương, 9 văn bằng danh dự từ các trường đại học Columbia, Yale, Princeton, University of California … cùng với Huy Chương Vàng của Hàn Lâm Viện Nghệ Thuât và Mỹ Tự Hoa Kỳ (the American Academy of Arts and Letters).

NGỌC ANH (theo The Guardian)