1.

Chữ hiếu trong xã hội đơn giản, thiết thực, bất kỳ ai cũng có thể thực hiện được, chỉ cần có tấm lòng hiếu thảo từ trong tâm. Đó là sự quan tâm, chăm sóc, cầu mong cha mẹ khoẻ mạnh, sống lâu, vui vẻ. Đó cũng là những cố gắng gìn giữ, phát huy nề nếp, gia phong, là sự biết ơn ông bà tổ tiên và sự chăm sóc gia đình vợ (chồng) con cái, các thế hệ sau… Cứ thế, giá trị đạo hiếu được tiếp nối, duy trì không chỉ trở thành truyền thống ngự trị trong tinh thần người Việt, mà còn được phát huy, tiếp cận đến giá trị là cội nguồn, là cơ sở bền vững của lòng yêu nước, thương dân.

“Đường ngoài kia muôn nẻo, không con đường nào đẹp bằng con đường về với Má, Má ơi..!”

Ý nghĩa sâu sắc đó được thể hiện rất rõ nét trong tư tưởng và nhân cách Hồ Chí Minh. Việc nước bộn bề là thế, nhưng trong tâm khảm dường như Hồ Chủ tịch chưa từng vơi nỗi nhớ thương về cụ thân mẫu quá vãng sớm của mình. Giữa lòng phố Paris tráng lệ, nơi căn phòng nhỏ, người con Nguyễn Sinh Cung đã biến chiếc bàn làm việc của mình thành chiếc bàn thờ thắp những nén hương trĩu nặng lòng nhớ Mẹ vào ngày giỗ của bà. Đạo làm con với Hồ Chí Minh xuất phát từ tận tấm lòng, và được nâng lên thành Trung và Hiếu, trở thành cặp phạm trù đạo đức được Người sử dụng đi đôi với nhau và coi như chuẩn mực cao nhất trong hành vi của con người. “Trung với nước, hiếu với dân” – trong tư tưởng Hồ Chí Minh, phạm trù hiếu không còn bó hẹp trong phạm vi trọn đạo làm con với cha mẹ mình, mà ở đây là hiếu thảo với nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ. Không chỉ thương yêu cha mẹ mình mà còn phải thương yêu cha mẹ người; phải yêu thương những người xung quanh bằng tình thương của một người cha người mẹ dành cho con. Vì vậy, chỉ có ở Việt Nam ta mới vang lên hai tiếng “Đồng bào” đầy niềm tự hào và yêu thương.

2.

Những ai đã mất Mẹ, hẳn không thôi khắc khoải mỗi khi ký ức chợt ùa về những kỷ niệm ấu thơ, những kỷ niệm tuổi trẻ, khi mẹ còn kề bên, như bức tường thành vững chãi, cho ta tựa vào Người, cho ta hơi ấm tình mẫu tử, cho ta tất cả sông dài biển rộng non cao.

Tôi không quên được cái cảm giác ước muốn đến kiệt cùng cho Mẹ có thể ngồi dậy đi lại, khi chuyến xe từ Hà Nội về nhà ở Huế năm ấy, thấy một bà cụ lưng đã còng, không ăn được bao nhiêu, vẫn leo lên được chuyến xe giường nằm; được con dâu đỡ nằm xuống cái giường nhà xe gập ghềnh… Bà cụ nhiều tuổi hơn mẹ tôi hàng chục niên, vậy mà vẫn đi lại hàng ngàn cây số. Còn mẹ đang nằm thiêm thiếp trong căn nhà ở Vỹ Dạ. Không bao giờ nữa, không bao giờ mẹ có thể đứng dậy để đi lại. Trái tim mẹ đã mỏi mệt cõi thế. Bệnh tật đã bào mòn dần từng hơi thở từng thớ thịt đường gân mẹ.

Những dòng chữ dành cho Mẹ là sự bất lực của đứa con nhìn Mẹ dần rời xa dương thế:

Không thể gọi MẸ trên cõi sống bởi tiếng gọi của con đã tan chảy đã bay lên như những vầng bong bóng ngũ sắc
dưới ánh Mặt Trời
Con gọi MẸ với nỗi khắc khoải không nguôi của Trái Đất mồ côi
của Dòng Sông chảy âm thầm da diết
của đỉnh Non Cao trầm mặc nỗi đau hồi sinh hay chết rụi dưới tầng tầng Cát Bụi…
MẸ
Niềm kiêu hãnh của con.

Tôi không biết vì lý do gì, có những người con được sinh ra, lại có thể hành hạ, có thể bỏ mặc cha mẹ mình trong những căn phòng dưỡng lão, mỏi mòn đếm tháng năm trôi qua nhạt nhòa. Càng không hiểu vì sao có những cảnh con cái đánh mắng cha mẹ già tàn tệ. Điều gì đã khiến họ đày ải chính các đấng sinh thành vào địa ngục ngay giữa trần gian.

Đức Phật dạy tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Lời dạy ấy đã nhắc nhở chúng sinh tầm quan trọng của tâm hiếu, hạnh hiếu trên bước đường làm người.

Những ai đã làm cha làm mẹ đều hiểu rằng đối với cha mẹ thì con cái là tài sản quý giá nhất trên đời. Những đứa con khi còn thơ dại, gắn bó với cha mẹ bằng tâm thức người con. Khi lớn lên gắn bó với cha mẹ không chỉ bằng tâm thức người con, mà còn bằng lý trí và sự giáo dưỡng.

Đại đức Dhammananda Thero Thích Phước Ngọc hội kiến Đức Dalai Lama thứ 14,
tại dinh thự Dalai Place, Dharamsala, Ấn Độ.

Chùa Từ Hiếu nổi tiếng ở Huế được vua Tự Đức lập ra từ một câu chuyện có thật. Một vị hòa thượng ngày nào cũng ra chợ mua một con cá lóc mang về nấu cháo cho mẹ già lâm bệnh nặng. Người kẻ chợ nhìn vị hòa thượng với con mắt coi thường. Nhưng rồi mọi người cũng hiểu. Sự hiếu thảo đó đã đến tai vua Tự Đức, một vị vua tài hoa và hiếu lễ. Khi biết được chuyện hiếu của vị sư, Đức Vua đã cho lập tại khu vực đó ngôi chùa Từ Hiếu.

Ở đời người hiểu thì “Khứ lai tự tại”. Người không hiểu thì “Sanh Tử bì lao”. Tùy hoàn cảnh. Tùy duyên. Có nhiều khi thân tại gia mà tâm xuất gia. Tâm hiếu, hạnh hiếu không cần chứng với thiên hạ. Tâm hiếu, hạnh hiếu tự thân tỏa sáng.

3.

Như một luồng ánh sáng từ hiếu chiếu rọi, làm lay động tâm can tôi.
Một hữu hạnh, thiên tiên từ bi. Những dòng thơ động vọng lời một hài nhi khóc Mẹ.

Lần cuối này thôi, xin lần cuối này thôi…!
Cho con được khóc như thời thơ bé
Cho con được yếu đuối như một đứa trẻ
Thức dậy nhìn quanh, không còn thấy bóng dáng Mẹ hiền

Phòng Hồi sức tích cực của một Bệnh viện trung ương tại Hà Nội những ngày thu tháng 8 của năm 2020 nghiệt ngã vì dịch bệnh covid lan tràn thế giới.

Những bệnh nhân già đang cận kề cái chết và người nhà của họ; những bác sĩ, y tá, điều dưỡng… không ai là không chú ý đến một bà cụ được chuyển ra từ tận miền tây xa xôi Vĩnh Long và những người con của bà. Câu chuyện về những người con của bà, đã vượt nghìn cây số để đưa mẹ từ Nam ra Bắc chạy chữa đã thấu cảm lòng người nghe đến vậy, nhưng từng cử chỉ tình cảm chăm mẹ của hai người con trai của bà tại viện lão khoa thì trở thành những bản Kinh vô tự xứng đáng cho người đời lưu dấu. Vì sao tôi lại so sánh đó là một bản Kinh, vì hai người con trai của bà là những nhà sư, giống như câu chuyện của chùa Từ Hiếu. Một người được bà lúc sinh thời gọi là hài nhi Phước Ngọc, một người là hiếu tử Phước Bửu. Bà cụ tên là Trương Thị Sáu, do di chứng nặng nề của cơn xuất huyết não cách đó 6 tháng đã khiến cho bà liệt người, mọi phản xạ giác quan đều tiên lượng tệ dần. Thế nhưng, hai người con trai của bà, thay nhau chăm mẹ không rời. Họ nâng niu mẹ như sự trân trọng hết mực từng giây phút quý báu còn được sống bên mẹ. Bản kinh vô tự về tứ hiếu mà hai vị sư đã hiển bày thiết thực qua sự đồng hành cùng mẹ đến bến bờ tử nghiệp, như một sự khai sáng làm bừng tỉnh những người con khác, và tôi tin cũng như tôi, tất cả đều trọng kính họ những như bậc chân tu Từ Hiếu một thời.

Trong bài tưởng nhớ đến người mẹ kính yêu của Đại Đức Dhammananda Thero Thích Phước Ngọc, Tiến sĩ Polgaswatte Paramananda, Quyền Tổng biên tập Viện biên soạn từ điển tiếng Sinhala (Trụ sở chính của chùa Galahitiyawa Purana, Colombo, Sri Lanka) viết: 

“Nếu có những người vĩ đại trên thế giới này, đó là bởi vì họ được sinh ra và lớn lên bởi những người Mẹ vĩ đại. Mẹ Trương Thị Sáu là một người mẹ như vậy. Bà quê ở một làng nhỏ ven sông thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, Nam Bộ, sinh được 6 người con. Bà đã cúng dường người chồng, 2 con trai và cháu đích tôn cho Đức Phật để họ đi tu. Con trai út của bà là Đại Đức Dhammananda Thero Thích Phước Ngọc đã trở thành một tăng sĩ Phật giáo quốc tế được công nhận trong các hoạt động ngoại giao, từ thiện xuất sắc của mình tại nhiều quốc gia. Ông hiện là tu sĩ thuộc tăng già Phật giáo Sri Lanka, là chính khách của quốc đảo Sri Lanka với cương vị Đặc phái viên Quốc tế của Ủy ban Tuyên dương Phật giáo của Chính phủ Sri Lanka, và là Chủ tịch của Trung tâm Phát triển Quỹ dành cho Trẻ em có tên Isuru Sevana”

Đại Đức Dhammananda Thero Thích Phước Ngọc, cũng là người đã sáng lập Cô nhi viện đầu tiên của Phật giáo tại Việt Nam (tại tỉnh Vĩnh Long), một vị Đại Đức đã có phước hạnh được rước xá lợi của đức Phật do đức Tăng thống và Chính phủ Sri Lanka ấn ký trao tặng. Suốt hơn 20 năm trên tinh thần phụng sự theo lý tưởng “Đạo Pháp – Dân Tộc – Chủ Nghĩa Xã Hội” ở Việt Nam, ông đã cống hiến những thành tựu to lớn cho Phật giáo đồ và góp phần cùng Đảng, nhà nước chăm lo thiết thực cho đời sống an sinh xã hội. Ông đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ nước CHXHCN Việt Nam, Huân chương lao động hạng 3 của Chủ tịch nước, bằng khen của các Bộ Lao động Thương Binh và Xã Hội, TW MTTQ Việt Nam…

Học tập theo tấm gương của Hồ Chính Minh, bước chân hoằng pháp của Đại Đức đã đặt đến rất nhiều miền đất trên thế giới. Mỗi bước chân đi, những năm tháng đằng đẵng phụng sự nghĩa cả, đều không quên hướng về Mẹ, dành cho Mẹ những tình cảm da diết và nhớ thương. Với rất nhiều đóng góp cho Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Thế giới, nhưng dường như đối với Đại Đức, khi về bên Mẹ, người vẫn chỉ là đứa con nhỏ bé cần hơi ấm của Mẹ vô vàn.

Bao năm trời con hoằng hóa xa xăm
Là bấy nhiêu mùa nhớ nhung hằn lên đôi mắt Má
Ở ngoài kia, đường đời chia vạn ngả
Đâu con đường nào đẹp bằng về với Má, Má ơi!

Xa xôi về bên Mẹ giữa mùa đại dịch, Đại Đức Dhammananda Thero Thích Phước Ngọc cùng anh chị em trong gia đình đã kịp chăm sóc Mẹ những ngày cuối cùng.

Tôi không muốn nói đến sự cao vời mà Đại Đức đã đạt được trong suốt quãng thời gian tu tập, hoằng hóa. Lòng tôi thực sự bị thuyết phục bởi vẻ đẹp tỏa sáng, như hương thơm của hoa sen Đất Phật, khi chạm đến những câu thơ khóc Mẹ, chạm những giọt nước mắt hiếu hạnh tựa đấng Mục Kiền Liên tái thế:

Cửa quan tài chầm chậm khép lại rồi

Câu Kinh cuối…. Hài nhi kính tiễn Má

Vu Lan Bồn, ngoài kia về rộn rã

Trong lòng con, hoa trắng nát tan lòng!

Lời cho tất cả những ai có phúc phận còn cha mẹ trên Cõi Thế: Hãy chạy về bên Cha bên Mẹ, khi còn có thể. Mặt Đất sẽ nở những bông hoa hiếu hạnh, những bông hoa của tình yêu thương, che chở và chắp cánh cho những ước mơ.

           Cầm Kỳ – 12/09/2020 – Một nén hương dâng Trời Phật