Chân dung đại văn hào Charles Dickens. Kỷ niệm 200 năm ngày sinh của đại văn hào Anh Charles Dickens (7/2/1812 – 7/2/2012):

Trước nay, nhắc tới Charles Dickens là bạn đọc lại nhớ tới một nhà văn luôn ngợi ca cuộc sống gia đình, với những phương châm xử thế đúng mực thường được đúc kết thành những danh ngôn lời vàng ý ngọc. Tuy nhiên, vào dịp chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông, tác giả Claire Tomalin đã bất ngờ tung ra thị trường cuốn “Charles Dickens – một cuộc đời”, với những nội dung khiến không ít bạn đọc cảm thấy sốc…

Ngày 7/2 này là chẵn 200 năm ngày sinh của đại văn hào Anh Charles Dickens, tác giả những cuốn truyện đến nay vẫn làm say lòng người đọc trên khắp thế giới như “Oliver Twist”, “David Copperfield”, “Bài hát Giáng sinh”… Đây chắc chắn sẽ là dịp để bạn yêu văn học cùng ôn lại những kỷ niệm mà các cuốn sách tuyệt vời nói trên từng gieo vào tâm hồn mình trong những thời khắc có ý nghĩa của cuộc đời, cũng như thêm dịp để tìm hiểu một số dữ kiện liên quan đến cuộc đời nhà văn mà mình ngưỡng mộ. Dù rằng, trong đời thực, Charles Dickens chưa hẳn đã hiện lên đúng như những gì bạn đọc vẫn hình dung về ông qua trang sách…

Trước nay, nhắc tới Charles Dickens là bạn đọc lại nhớ tới một nhà văn luôn ngợi ca cuộc sống gia đình, với những phương châm xử thế đúng mực thường được đúc kết thành những danh ngôn lời vàng ý ngọc. Tuy nhiên, vào dịp chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông, tác giả Claire Tomalin đã bất ngờ tung ra thị trường cuốn “Charles Dickens – một cuộc đời”, với những nội dung khiến không ít bạn đọc cảm thấy sốc.

Theo như những gì mà Tomalin muốn chứng minh sau 15 năm dày công sưu tầm nghiên cứu các tư liệu liên quan đến cuộc đời của tác giả “David Copperfield” thì trong đời thực, Dickens chưa hẳn đã là người chồng mẫu mực, người cha lý tưởng. Thậm chí, ông còn bị coi như một gã đàn ông có tính trăng hoa và nghiện ngập. Khi còn là một chàng trai sống dưới đáy xã hội, ông đánh bạn với cả những kẻ du thủ du thực và nhiều trận say khướt đến nỗi bò lăn ra đường. Sau này, khi đã lập gia đình, trở thành một nhà văn đáng kính, có vị trí xã hội, song đôi lúc ông vẫn thể hiện một sự thô lỗ, cục cằn trong xử sự với vợ con. Đặc biệt, với Catherine Hogarth, người mà ông kết hôn từ năm 24 tuổi, có tới 23 năm chung sống và sinh hạ cho ông 10 người con, ông thường có những phát ngôn thể hiện sự khinh thường, khiến người đàn bà này phải ngậm ngùi cay đắng. Không chỉ có vậy, Dickens còn không ít lần công khai thể hiện tình cảm của mình với cô em gái của vợ cũng như với một số người đàn bà khác, thậm chí là cả với gái bán hoa.

Thật ra, không phải đến bây giờ người ta mới quay ra “bêu xấu” Dickens. Từ năm 1928, một tác giả khác là Carl Roberts, trong một cuốn sách có tên gọi “This Side Idolatry” cũng đã đưa ra một số thông tin không được hay hớm về tác giả “David Copperfield”, trong đó nổi bật là tính khí thất thường, ích kỷ, thích quan hệ buông tuồng với phụ nữ và thường xuyên… chơi xấu bạn bè. Tuy nhiên, chính quyền thành phố Porsmouth, để bảo vệ danh dự cho công dân ưu tú của mình (Porsmuth là nơi chôn nhau cắt rốn của Dickens) đã ban hành lệnh cấm lưu hành cuốn sách.

Trải qua hơn 80 năm, với những nhận thức mới “Dù muốn bảo vệ danh tiếng cho Dickens thế nào chăng nữa thì cũng cần phải tôn trọng sự thật”, gần đây, Hội đồng thành phố Porsmouth đã ra quyết định đồng ý để cuốn sách được đưa vào hệ thống thư viện và trường học. “Tôi tin rằng, nếu biết chuyện này, bản thân Dickens cũng sẽ đồng ý” – Dom Kippin, người phụ trách các vấn đề liên quan đến văn học nghệ thuật của thành phố Portsmouth lên tiếng.

Cảnh trong một bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết “Bài hát Giáng sinh” của Dickens.

Cùng với việc xuất bản cuốn “Charles Dickens – một cuộc đời” của Claire Tomalin, một bộ phim có tên gọi “Người đàn bà bí ẩn” dựa theo cuốn sách nói trên do Ralph Fiennes làm đạo diễn cũng đang được triển khai nhằm phục vụ khán giả trong lễ sinh nhật lần thứ 200 của Dickens. Bộ phim kể về cuộc tình “ngoài luồng” kéo dài suốt 13 năm giữa Dickens với nữ diễn viên Ellen Terney, người kém nhà văn tới 27 tuổi. Từng có thông tin nữ diễn viên trẻ Carey Mulligan được “nhắm” vào vai nàng Ellen Terney, song vì cô nàng đang bận tham gia dự án phim “Gasby vĩ đại” nên vai diễn quan trọng này hiện vẫn còn để ngỏ…

Trở lại với cuộc sống hôn nhân của Dickens. Có thể nói, mặc dù vinh quang đến với Dickens từ rất sớm, song chuyện gia đình của ông không được như mong đợi. Cuộc hôn nhân của Dickens được xem là một sai lầm trong đời ông. Gần như rất ít tình thương yêu giữa hai vợ chồng. Đặc biệt, mọi việc trở nên tồi tệ khi bà Catherine phát hiện chồng mình đặt một chiếc vòng ngọc tặng cho người tình là Nelly Ternan, để rồi, ở thế không đừng được, một ngày nọ, nhà văn của những trang sách rất ấm áp về cuộc sống gia đình đã phải cho in trên báo một tờ bố cáo với nội dung hết sức bi hài, rằng thì hiện tại vợ chồng ông không còn chung sống với nhau nữa!

Cuộc tình duyên giữa Dickens và Ternan khởi sự từ một vụ tai nạn. Ngày 9-6-1857, khi cả hai trên đường tới London thì chiếc tàu hỏa mà họ đang là hành khách bất ngờ gặp tai nạn. Nhờ sự giúp đỡ hào hiệp của Dickens mà Ternan đã thoát chết trong gang tấc. Ternan cũng là một nghệ sĩ nên sự cố nói trên càng thêm thắt chặt mối duyên tri ngộ giữa hai người. Bấy giờ, các tác phẩm của Dickens được dàn dựng nhiều trên sân khấu và rất ăn khách. Chẳng khó khăn gì mà nhà văn không bố trí để Ternan tham gia một số vai diễn chuyển thể từ các tiểu thuyết của ông.

Sự việc thoạt đầu còn diễn ra trong vòng bí mật. Nó chỉ vỡ lở khi một lần, chiếc vòng đeo tay bằng ngọc Dickens dành tặng Nelly Ternan do sơ suất đã không tới đúng được địa chỉ mà lại bị chuyển nhầm về tay… Catherine. Đến nước này thì hai người chỉ còn cách ly hôn. Sau này, trước khi từ giã cõi đời, Dickens đã di chúc để lại cho Nelly Ternan một khoản tiền trị giá 1.000 bảng Anh, một con số không thấm tháp gì so với tổng số gia tài trị giá khoảng 90.000 bảng của ông, song với một người nổi tiếng chi li như Dickens thì điều này cũng ít nhiều chứng thực rằng không phải với ông, Ternan hoàn toàn chỉ là “người dưng nước lã”.

Còn đây là một đôi thông tin về những “tơ vương” giữa nhà đại văn hào với cô em vợ tên gọi Georgina Hogarth.

Georgina ăn ở trong gia đình Dickens suốt từ năm 1842, khi nhà văn mới 30 tuổi cho tới khi ông qua đời vào năm 1870 (tương truyền Dickens đã tắt thở trên tay của Georgina). Thật ra, ngay lúc sinh thời Dickens, thiên hạ cũng từng xì xầm về mối quan hệ bí ẩn giữa cô em vợ và ông anh rể, thậm chí, họ còn đồn thổi giữa hai người đã có chung với nhau một mặt con, nhưng đứa trẻ sau đó đã chết. Lời đồn này đến tai Dickens và ông đã phải chính thức lên tiếng: “Đó là một sự đơm đặt hết sức kinh tởm”.

Khi Georgina đến sống với chị gái và anh rể, cô mới 16 tuổi. Công việc của cô chủ yếu là dọn dẹp nhà cửa, chăm nom tụi trẻ. Cả 10 người con của Dickens với Catherine, đứa nào đứa nấy đều rất yêu quý dì Georgina. Cha của chúng cũng cảm thấy cuộc sống sẽ trở nên rất thiếu vắng nếu không có sự xuất hiện của “dì Georgina”. Sinh thời, Dickens từng không ít lần buông lời nhận xét đầy hàm ý miệt thị vợ mình, rằng thì bà là người phụ nữ “ngực to đầu nhỏ”, chỉ là cái “máy đẻ”, trong khi với Georgina, ông không ngớt buông ra những lời mỹ miều, có cánh: “Georgina có nhiều điều gợi tôi nhớ tới mối tình xưa cũ. Dường như bên Georgina, tôi được sống lại ngày xưa. Đã có lúc tôi không phân biệt được hiện tại và quá khứ”.

Vai trò của Georgina với cuộc sống của gia đình Dickens là không thể thay thế. Điều này được minh chứng bằng việc, mặc dù cuộc hôn nhân giữa Dickens và Catherine đã tan vỡ, song Georgina vẫn ở lại trong ngôi nhà của người anh rể, nhận trách nhiệm thay chị gái trông nom, săn sóc tụi trẻ. Không chỉ có vậy, Georgina luôn đứng về phía Dickens trước mỗi cuộc xung khắc giữa Dickens và Catherine. Đã có thời gian tới cả chục năm trời, để thể hiện quan điểm của mình, cô duy trì “chiến tranh lạnh” với chị gái: Hầu như cô không nói với Catherine một lời nào. Điều lạ hơn nữa là mặc dù chưa một lần kết hôn, song Georgina cứ ở vậy, gắn bó trọn đời với gia đình người anh rể Charles Dickens. Thậm chí, cô còn kết bạn với Nelly Ternan, người tình của Dickens và thuê cho cô này một ngôi nhà ở London khi mà mối quan hệ giữa Dickens với Ternan vẫn đang trong vòng bí mật.

Có thể nói, Georgina là hình mẫu của một phụ nữ đã dốc lòng phụng sự và hy sinh hết thảy vì Dickens như một tín đồ. Có phải thế chăng mà trước khi lìa xa cõi đời, Dickens đã kịp di chúc lại cho cô em vợ số tiền 8.000 bảng Anh, nhiều gấp 8 lần số tiền ông dành cho người tình Nelly Ternan?

Lưu Thanh Minh

Nguồn: VNCA Xuân Nhâm Thìn.

Exit mobile version