Trên thế giới có những bảo tàng vô cùng kì dị và đặc biệt bởi những mẫu vật được bảo tàng lưu trữ trong đó, nhằm mang đến cho người xem một cảm giác lạ lùng, kích thích trí tò mò, và đương nhiên là cả nỗi khiếp sợ…

Viện bảo tàng (còn gọi là bảo tàng viện, bảo tàng, hay nhà bảo tàng) là nơi trưng bày và lưu giữ tài liệu, hiện vật cổ liên quan đến một hoặc nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa của một dân tộc hay một giai đoạn lịch sử nào đó. Mục đích của viện bảo tàng là lưu trữ lại những tài liệu, hiện vật, hình ảnh trong quá khức để phục vụ công tác giáo dục, học tập, nghiên cứu và thỏa mãn trí tò mò của con người khi tìm hiểu về quá khứ.

Thế nhưng trên thế giới, có những bảo tàng vô cùng kì dị và đặc biệt bởi những mẫu vật được bảo tàng lưu trữ trong đó, nhằm mang đến cho người xem một cảm giác lạ lùng, kích thích trí tò mò, và đương nhiên là cả nỗi khiếp sợ.

Bảo tàng về những sự chết

Lưu giữ lại khoảnh khắc của cái chết, những giờ phút của sự chết để con người yêu hơn cuộc sống hiện tại, trân quý những giá trị đích thực của cuộc sống mà họ đang có. Và là nơi để con người cảm thấy hạnh phúc hơn khi được sống chính là tâm điểm của “Bảo tàng chết chóc” – “Museum of Deat”  ở Los Angeles Lotan hướng đến.

“Bảo tàng chết chóc” hiện được đặt tại Hollywood Boulevard, Los Angeles, Mỹ.

Mặc dù được thành lập tại San Diego khoảng năm 1995 nhưng hiện nay “Museum of Deat”‘ đã được đặt tại Hollywood Boulevard. “Bảo tàng chết chóc” này là nơi giúp mọi người hiểu hơn về cái chết. Chủ sở hữu của “bảo tàng chết chóc” này là  JD Healy và Catherine Shultz. Họ chia sẻ rằng, việc lập ra bảo tàng là để giúp mọi người nhận ra rằng họ đang đang hạnh phúc khi được sống.

“Bảo tàng chết chóc” được đặt tại một phòng thu âm cũ nơi mà Pink Floyd và các tên tuổi lớn khác đã từng ghi album của họ. Bức tường cách âm của Studio khiến bảo tàng có một sự im lặng đến kỳ lạ và ghê người. Nơi đây, khách tham quan có thể tưởng vọng đến những âm thanh, hình ảnh ghê sợ, gợi trí tưởng tượng về những cái chết khủng khiếp.

Năm 1999, chủ sở hữu bảo tàng đã thu thập được rất nhiều vật từ Heaven’s Gate Cult. Đây là nơi diễn ra một vụ tự sát tập thể của những người tin rằng cái chết là cách duy nhất để họ lên được tàu vũ trụ ra ngoài hành tinh.

Nơi đây cũng là nơi lưu giữ nhiều biểu tượng và vật dụng dẫn đến cái chết. Bộ sưu tập của những người sở hữu bảo tàng bắt đầu khi họ viết thư cho những kẻ giết người nổi tiếng để xin các tác phẩm nghệ thuật. Những vật này ngày càng nhiều lên và họ nghĩ đến việc mở một bảo tàng.

Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất tại bảo tàng là của Henri Landru – kẻ giết người nổi tiếng người Pháp. Đó là việc trưng bày bước cuối cùng trong cuộc đời con người. Nơi đây triển lãm những cái hòm, những công cụ hành hình, tranh ảnh hiện trường án mạng, và cái đầu của một tên sát nhân hàng loạt. Với bộ sưu tập kỳ dị này, những người chủ sở hữu bảo tàng chia sẻ thì, “Museum of Death” là nơi tốt nhất nước Mỹ để tìm hiểu về những vụ giết người và từ đó trân trọng cuộc sống hơn.

Bảo tàng dụng cụ tra tấn

Nếu như ở Hollywwod có “Bảo tàng chết chóc”: thì tại Đức, nơi có những con đường vắng vẻ ở trung tâm Leipzig (Đức), cạnh ở góc tối giữa những cửa hàng ăn nhanh và không xa nơi sinh của nhà soạn nhạc Richard Wagner có một bảo tàng nổi tiếng mang lại những ám ảnh tội ác kinh khủng của xã hội trong quá khứ. Đó là bảo tàng sưu tầm và trưng bày những dụng cụ tra tấn thời xa xưa. Bảo tàng được đặt tên là “Bảo tàng tội ác thời Trung cổ” (Kriminalmuseum), đây là nơi trưng bày hàng loạt dụng cụ tra tấn từ thời xa xưa.

Bắt đầu hoạt động ở Leipzig từ năm 2010, hầu hết các hiện vật ở đây được lấy từ các bộ sưu tập cá nhân và có những dụng cụ được chế tạo từ thế kỉ 12. Dù một số phần bằng gỗ đã được sửa chữa hoặc thay thế, toàn bộ các chi tiết kim loại đều được giữ nguyên vẹn thể hiện đến tận cùng sự dã man của các loại hình tra tấn được thiết kế để gây nên sự đau đớn khủng khiếp cho con người.

Rõ ràng, một thị trấn giàu truyền thống từ thời Trung cổ, Leipzig không hề thiếu những bảo tàng với các chủ đề lịch sử, văn hóa nhưng có một địa điểm kì dị như Kriminalmuseum lại là nơi luôn thu hút rất nhiều khách thăm quan. Bộ sưu tập của bảo tàng này mang đến một cảm giác bức bối, tất cả đều có vẻ rỉ sét và rất nặng nề. Những người quản lý bảo tàng cũng chỉ ra rằng, dù rất dã man và cổ xưa, rất có thể các hình thức tra tấn này vẫn đang được cải tiến và được áp dụng ở khắp nơi trên thế giới hiện nay.

Không kém cạnh gì ở Leipzig, Hà Lan cũng có một bảo tàng công cụ tra tấn mang tên “Torture”. Cái tên bảo tàng có nghĩa là tra tấn và bảo tàng này trưng bày những tư liệu có giá trị lịch sử về sự tra tấn tàn ác của loài người. Bảo tàng trưng bày các hiện vật trong những gian phòng tối, nhỏ, tạo nên một bầu không khí ảm đảm, tù túng hệt như trong các phòng giam.

Bước vào bảo tàng này, con người sẽ được thấy rõ ràng tận mắt hàng loạt các thiết bị tra tấn dã man như máy chém, máy nghiền hộp sọ, răng cưa, ốc vít ngón tay, roi da… Tất cả đều được tạo ấn tượng về những nỗi đau đớn, thống khổ cùng cực mà những tù nhân xưa kia từng phải chịu đựng.

Ngoài những hiện vật có thật chưa bị thất thoát, bảo tàng cũng có một số dụng cụ được tái chế, phục chế lại từ những văn bản lịch sử như sách báo, tranh ảnh. Có những vật dụng được bảo quản kỹ lưỡng trong tủ kính nhưng cũng có những vật dụng trưng bày bên ngoài mà du khách có thể chạm tận tay.

Bảo tàng này không có quá nhiều chỉ dẫn và chú thích, tuy nhiên người xem cũng không cần đọc các tấm bảng hướng dẫn để cảm nhận mức độ tàn khốc của các hiện vật tại đây. Hầu hết các hiện vật đều được trưng bày kèm theo các bức tranh hoặc hình ảnh minh họa về cách sử dụng của chúng, do nhiều dụng cụ không dễ vận hành với con người thời đó. Chi tiết về các tội phạm phải nhận hình phạt bằng dụng cụ tra tấn cũng được mô tả, ví dụ như những chiếc cưa được sử dụng để trừng phạt người đồng tính.

Bảo tàng xác ướp.

Tên gọi của bảo tàng này là El Museo De Las Momias, ở thành phố  Guanajuato, Mexico. Như một sự nối tiếp của cái chết, sự chết, bảo tàng đầy những xác ướp này chắc chắn sẽ khiến người xem rợn tóc gáy. Bảo tàng này bao gồm rất nhiều các bộ xác ướp được lưu giữ sau trận dịch tả tấn công thành phố Guanajuato năm 1833.

Bảo tàng xác ướp ở Guanajuato (Mexico) được mệnh danh là bảo tàng kinh dị nhất thế giới.

Việc lưu trữ và trưng bày các xác ướp trong bảo tàng vẫn là vấn đề gây tranh cãi của các nhà khoa học và chính trị trên thế giới khi mà người ta cho rằng đó là vi phạm tiêu chuẩn đạo đức. Hầu hết các xác ướp được trưng bày trong bảo tàng là những xác chết mà gia đình không có khả năng nộp thuế thân cho họ khi họ qua đời. Ngắm nhìn những xác ướp ở đủ mọi lứa tuổi chắc hẳn là một trải nghiệm không mấy dễ chịu cho khách tham quan.

Ngoài ra trên thế giới còn có một bảo tàng kì dị nữa đó chính là  bảo tàng “Hầm mộ Capuchin của Palermo, Sicily”. Nó được mô tả như một “thư viện của con người”, lưu giữ những ký ức lịch sử vô giá về tất cả mọi thứ từ xu hướng thời trang đến những nỗi sợ của con người thời đó.

Trong năm 1599, các tu sĩ sống ở đây đã phát hiện ra một phương pháp ướp xác tuyệt vời, và họ quyết định ướp xác cho nhau trong hầm mộ Catacombe. Sau đó, những người dân địa phương giàu có cũng muốn được chôn trong Hầm mộ Capuchin như một biểu hiện của địa vị xã hội cao quý.

Mặc dù bảo tàng đã khá cũ và từng bị ném bom trong Chiến tranh thế giới thứ II, tuy nhiên, các xác ướp trông vẫn khá nguyên vẹn. Tất cả trong số họ đều mặc những bộ quần áo đẹp nhất, háo hức chờ đợi sự phục sinh…

Ngoài ra, còn có những bảo tàng kỳ dị khác tồn tại đâu đó trên khắp thế giới như một minh chứng về những nỗi đau con người đã trải qua trong quá khứ. Đó là bảo tàng về dịch bệnh, bảo tàng đột biến gen, ngoài ra còn có những bảo tàng rất “bá đạo” như bảo tàng  sex, bảo tàng dương vật với những trưng bày gây sốc v.v… Tất cả những bảo tàng kỳ dị này đều mang lại cho con người một cảm giác trải nghiệm, dù có thể đó là những trải nghiệm kỳ dị nhất.

Sophir Kim (tổng hợp) – Văn nghệ công an

Exit mobile version