Cùng bảng Đệ nhị giáp Tiến sỹ, nhưng Phùng Khắc Khoan xếp sau Nguyễn Văn Giai Hà Tĩnh, người đứng đầu kỳ thi Đình, gọi là Đình nguyên. Từ Đình nguyên đến Trạng nguyên chỉ có nửa bước chân, nhưng suốt đời cụ, Nguyễn Văn Giai chẳng những không tới được mà còn bị hặc tội, vua ban cho chết. Xét về chung cuộc của người quân tử, không giữ được mạng sống là thua, dù đó là thời hôn quân và sau đó được minh oan. Đấy là điểm thứ nhất khiến cụ khác biệt với Phùng tiên sinh – là danh xưng Trịnh Tùng gọi người bề tôi kỳ tài đã nhất định không khuất thân thờ Mạc mà lặn lội vào tận Thanh Hóa để ứng thí, có thể chỉ là cách Trịnh đánh tiếng với danh sỹ Bắc Hà, nhưng dù sao Trịnh Tùng cũng đã trọng dụng Cử nhân Phùng Khắc Khoan.
Phùng Khắc Khoan
Vì sao Trịnh Tùng yêu kính Phùng tiên sinh?
Căn cứ vào tuổi thọ, vào hành vi ứng xử và công trạng đời cụ, ta có thể hình dung cụ là người cao lớn, tráng kiện, khoáng hoạt. Đó là cái mà triều đình Lê Trịnh thiếu trầm trọng, các khảo cứu lịch sử cho phép ta biết rằng, khi một triều đại suy mạt thì vẻ quý tộc và nạn nghi thức hành chính tràn ngập, nó chỉ thiếu chính sức sống của các nghi thức ấy. Phùng tiên sinh khi vào xứ Thanh đã ngoài 30 tuổi, cụ vừa có căn cốt học trò, vừa có kinh nghiệm và “nghi thức” thôn quê. Người ta chỉ yêu cái mà họ cần, Trịnh Tùng cần sức sống của nông thôn Việt tràn trề trong con người cụ.
Vào thời điểm Trịnh có Phùng tiên sinh, Trịnh Tùng đang toan tính cướp ngôi nhà Lê. Tôi có căn tính thuần Việt, tôi nghĩ Trịnh soán ngôi vua Lê cũng chả sao, như Hồ Quý Ly soán ngôi nhà Trần trên thực tế là lấy lại ngôi vua Việt từ tay kẻ phường chèo gốc Hán. Dân Việt có trách Hồ Quý Ly thì chỉ trách ông hành xử không khéo, để đến nỗi mất nước vào tay nhà Minh. Nhưng Phùng tiên sinh đã nhìn bàn cờ chính trị một cách tinh tường, cụ biết rằng lòng dân chưa quên hẳn nhà Lê, đã mách nước để Trịnh ra hỏi Trạng Trình là thầy học của cụ, để nhận được ám thị “năng quét chùa để được ăn oản.”* Nhân thể cũng nói luôn, quy hoạch cho thế cuộc Đại Việt vào thế kỷ XVI – XVII của Trạng Trình là một tư tưởng vĩ đại. Học trò yêu của Trạng, là Phùng tiên sinh không thể không học hỏi được ít nhiều. Tôi ngờ rằng, việc Phùng Khắc Khoan không ra Thăng Long mà vào Thanh Hóa tìm cơ hội cũng có sự gợi ý của Nguyễn Bỉnh Khiêm – người chơi cờ chính trị vô song của thời đại. Vì khi ấy Trạng Trình đã từ quan về ở ẩn tại quê nhà nhưng trên thực tế là để rảnh rang chơi cờ thế. Có một giả định, nếu Trinh soán ngôi Lê, nhất định sẽ có cuộc chiến tương tàn giữa “tam quốc” Trịnh Nguyễn Mạc và chắc chắn nhà Minh sẽ ngư ông đắc lợi. Vâng, có Phùng tiên sinh ở dinh Chúa Trịnh thì nhà Lê vẫn còn như một ngọn cờ độc lập dân tộc. Đây chính là lẽ để Trịnh Tùng trọng thị cụ, và cũng là lẽ để chúng ta không thể xem thường Trịnh.
Nhiều học giả đã khảo cứu về hai cuộc đi sứ lẫy lừng của Phùng Khắc Khoan. Có cuộc chỉ thắng lợi về mặt lý lẽ, có cuộc lại thắng lớn, tuy chưa đạt trăm phần trăm mục tiêu nhưng chung cuộc, là một thắng lợi vĩ đại về mặt ngoại giao và quốc thể. Đó là cách Phùng tiên sinh dùng lý lẽ để đưa bang giao hai nước hiện là quan hệ Mạc Minh trở về với Lê Minh truyền thống qua cuộc cãi lý về tượng vàng ngửng đầu độc lập và tượng cúi đầu lệ thuộc hình thành đã mấy chục năm từ nhà Mạc. Để dễ hình dung về cấp độ khó và cấp độ thành công chuyến đi sứ sau, khi cụ Phùng đã ngoài 70 tuổi, chúng ta cứ hình dung một người đi kiện mà gặp kẻ thụ lý án ăn hối lộ nhiều rồi của bên bị, để rồi, chính vị quan tòa ăn hối lộ ấy phải xử thắng kiện cho mình; nhà Minh buộc phải công nhận nhà Lê và như thế, đặt nhà Mạc ra ngoài mối quan hệ chính thức. Có một ghi nhận của sứ thần Triều Tiên là Lý Chi Phong mà mọi người đề biết, nhưng xin dẫn lại đây, cũng là để dễ hình dung về hành trạng của Phùng tiên sinh: “Sứ thần họ Phùng tên là Khắc Khoan, tự hiệu là Nghị Trai, tuổi ngoại 70, hình dáng lạ lùng, răng nhuộm đen, tóc vận thành búi, áo dài, ống tay rộng. Khăn đội trên đầu thì lấy cả khổ vải đen trùm lên đầu như dáng khăn ông sư, để một nửa rủ về đằng sau xuống quá vai. Ông họ Phùng, người tuy đã già, sức còn khỏe, thường đọc sách, viết sách luôn luôn…” (Trích Hậu chí của Lý Chi Phong, do Trần Văn Giáp dịch.)
Như trên đã nói, hai cuộc đi sứ của Phùng Khắc Khoan có cuộc thắng lớn có cuộc thắng nhỏ, nhưng cả hai lần đều có những thắng lợi khác rất đáng làm bài học cho muôn đời sau. Ấy là cụ đã mang nghề dệt the, mang hạt ngô hạt vừng từ phương Bắc về rồi thuần hóa và trở thành phổ biến đại trà ở Việt Nam. Tương truyền, cụ đã học nhập tâm nghề dệt the; đề phòng bị khám mà lấy lại, cụ đã nuốt những hạt ngô hạt vừng vào bụng rồi qua biên giới, đã lọc qua nước mà lấy lại hạt giống. Đây là một giai thoại có thể tin được, vì quan hệ bang giao về hình thức đã trở nên “hữu nghị”, nhưng trên thực tiễn, nó là cái tát vào quan chức cửa khẩu đã mấy mươi năm ăn của đút nhà Mạc, chúng có thể hặc tội cấm xuất khẩu hạt giống để ít nhất là bỉ mặt cụ cho bõ tức.
Trong lịch sử nông nghiệp nước nhà, có hai người mang được hạt giống về cho quê hương, ở phía Bắc là cụ Phùng Khắc Khoan, ở miền nam là cụ Trương Vĩnh Ký, cụ Ký đã mang hạt chà là, quả chôm chôm ở Mã Lai về Cái Mơn quê hương. Hai công lao nhắc nhớ đến hàng vạn hàng triệu người Việt hiện đại du học và đi sứ đã chỉ mang về cho xứ sở những nỗi nhục cùng thói học đòi kệch cỡm có tên là văn minh.
Về hạt ngô hạt vừng giống của cụ Phùng, tôi chạnh nghĩ đến hạt thóc thưởng cho người nghĩ ra trò chơi cờ Vua Seta. Vua Ấn Độ hỏi Seta là muốn ta thưởng cho vật gì, muốn gì ta thưởng nấy. Ông Seta xin một hạt thóc cho ô cờ thứ nhất, ô thứ hai hai hạt và cứ thế cấp số nhân cho mỗi ô sau. Kết quả, nếu vua có đủ thóc mà thưởng, thì ông ta có một lượng thóc đủ rải khắp quả địa cầu và dầy 9 mm! Đó là triết lý hạt giống và bằng vào triết lý này, ta có thể hình dung, từ những hạt ngô hạt vừng của Phùng tiên sinh, sau 4 thế kỷ, người Việt Nam đã có một lượng ngô vừng rải khắp hành tinh này. Hẳn là thế rồi, nhưng không biết nó dầy được mấy mi li mét? Nhưng người Việt không ưa chi tiết, họ có đại lượng danh tính của riêng mình, ấy là gọi cụ là Trạng, Trạng Bùng, một tục danh của làng Phùng Xá.
Xét về mặt này, Đệ nhị giáp tiến sỹ hơn Đình nguyên khoa Canh Thìn 1580 Nguyễn Văn Giai. Và ở góc độ này mà nhìn, ta sẽ thấy cụ Phùng Khắc Khoan là một người đột khởi khỏi nền giáo dục khoa cử của thời đại, như ngọn núi Sài quê cụ đột khởi khỏi vùng đồng bằng trù phú. Hay nói một cách khác, có thầy Trạng Trình thì có trò Trạng Bùng.
—————
(*) Theo GS Bùi Duy Tân, câu chuyện “tìm thóc giống tốt mà gieo” (ám thị tìm con cháu nhà Lê mà trung hưng) rồi lại ra chùa dặn con cháu “năng quét chùa để được ăn oản” (ám thị Trịnh phò Lê mà hưởng lợi) là giai thoại giữa Phùng Khắc Khoan và Trịnh Kiểm. Theo thiển ý của tôi, Trịnh Kiểm không thể hỏi một mà Trạng TRình đáp hai được. Căn cứ vào thế cuộc, tôi cho rằng, câu “tìm giống tốt mà gieo” là nói với Trịnh Kiểm, còn câu “năng quét chùa để được ăn oản” là nói với Trịnh Tùng.
Nguồn: Vanvn.net