Đầy xáo trộn, nhục cảm, đẫm suy tư, đó là những nhìn nhận của tôi về cuốn sách vừa ra mắt của nhà văn Mai Sơn.
1. Chuyện vui ở quán bia
Mai Sơn có điện thoại khi anh đang ngồi cùng tôi tại quán bia quen ở Sài Gòn. Người gọi tới là biên tập của Phương Nam Book, thông báo bản thảo đã được thông qua. Nghe xong, Mai Sơn quay lại thông báo tin mừng: Một cuốn sách mỏng, có tựa Đắm đuối & Những truyện ngắn khác sẽ ra mắt trong nay mai. Lúc đó, chưa tiếp cận bản thảo của Mai Sơn, nhưng vui miệng, tôi bảo: ”Tựa Đắm đuối nghe không đã anh à! Theo em thì nên bỏ chữ đuối đi, chỉ giữ lại chữ đắm. Đắm và những thứ khác, nghe sướng hơn”.
Tưởng chỉ là chuyện ”chém gió” cho vui, không ngờ sau khi nghe xong, suy nghĩ trong vài giây, Mai Sơn rút điện thoại gọi bảo: ”Phương án tựa sách cuối cùng là Đắm & những truyện ngắn khác nghen. Chỉ là Đắm chứ không đuối”!
Tựa sách được đặt trong một quán bia như vậy. Mấy tháng sau thì sách ra đời.
Bìa tập sách mới của Mai Sơn.
2. Đắm không phải là một truyện ngắn vì nó dài ngót gần 90 trang sách. Mai Sơn gọi nó là truyện vừa (hay truyện dài?). Nhưng với tôi thì Đắm như một tiểu thuyết. Một tiểu thuyết dở dang. Một tiểu thuyết cần viết tiếp.
Đắm, là câu chuyện kể về một cuộc phiêu lưu nhỏ bé đơn sơ giữa một đôi tình nhân tuổi đời không còn trẻ nữa. Người đàn bà sống ở Mỹ, đang có một trục trặc gì đó trong hôn nhân đã bay về Việt Nam gặp lại người tình cũ. Đó là một người đàn ông sống độc thân (ban ngày làm báo kiếm sống, ban đêm làm nghiên cứu) Họ gặp nhau giữa Sài Gòn. Nhưng trước đó người đàn ông đã thu xếp một đợt nghỉ phép dài ngày. Hai người lập tức bỏ rơi thành phố sau lưng. Chặng hành trình đầu tiên là ra tới biển. Chính trong chuyến xê dịch không mục đích này, những mảnh cắt ký ức trỗi dậy, xâm chiếm, đáo trở, dằng dai trong óc trong tim người đàn ông.
Đắm, đầu tiên như là một vụ đắm tàu không rõ nguyên căn; do trục trặc kỹ thuật hay do yếu tố thời tiết, hay do một xác suất xui rủi kiểu như một con thiên nga đen trong muôn vàn thiên nga trắng? Không rõ. Bất xác định. Đắm, như một cú chìm xuống đáy hồ vô thức, rồi một cú trồi lên cũng trong tình trạng vô thức. Viết trong tình cảnh này rất có thể là điều bất khả. Nhưng nhà văn đã ý thức kiểm soát để viết lại, kiểu như ”sống để kể lại”. Cho nên, đọc văn Mai Sơn vừa cảm nhận được sự khó nhọc của nhà văn khi lao động chữ vừa thụ hưởng được sự hoan lạc khi lạc trong rừng chữ.
Mảnh cắt ký ức đầu tiên của Đắm là thời tuổi trẻ và chiến tranh. Một cuộc chạy loạn. Tiếng súng dài và súng ngắn. Người chết. Đói mờ mắt. Âm nhạc. Tình dục. Trong thiên truyện này, tình dục được Mai Sơn viết khá bạo tay, thậm chí trần trụi, nhưng không hề cảm thấy sượng, trái lại rất ăn khớp trong diễn biến hành động cũng như tâm trạng nhân vật. Sự xoa dịu bằng thân thể, bằng hành vi giao hoan, được Mai Sơn dùng như một liệu pháp bất khả (không còn cách nào khác hay hơn).
Mô tả tình dục trong văn chương không bao giờ là dễ dàng, vì nếu xử lý không tinh tế, sẽ tạo phản cảm, gây dị ứng. Nhưng theo tôi, Mai Sơn đã rất ”cao thủ” trong những trường đoạn mô tả tình dục này. Nếu là một bạn đọc chậm rãi, tôi tin sẽ không ít lần bạn gặp những trang văn đẹp: ”Chao ôi, bình thường tâm trí phụ nữ đã chứa đầy những trực giác chết người rồi, đằng này nàng, thân thể nàng, bản năng của nàng, như một cánh đồng mênh mông, nở ra giữa trời tự do, nếu không đón nhận những mùa dào dạt, chẳng phải nó sẽ đón nhận sấm sét thay thế sao?”. Hay: ”Anh tò mò ngắm tấm lưng cô, thấy đường lõm giữa lưng đẹp quá. Vì sao nó gợi lên anh mỹ cảm? Nếu nó quá sâu hay nó quá mờ nhạt, anh có còn thích thú không? Tại sao một phụ nữ đang thật đẹp trên khuôn mặt, bờ vai, bầu ngực bỗng nhiên mất đẹp nơi cái eo của mình không có được kích thước, hình dạng cần phải có của nó?”.
Nhà văn Mai Sơn.
3. ”Thật là xui xẻo. Vô lý. Trớ trêu’” – đó là những dòng mà Mai Sơn viết khi hồi nhớ lại những biến cố trong đời. Chiến tranh là một biến cố lớn. Một chàng trai phải từ bỏ giấc mơ sách vở, con đường làm nghiên cứu, theo đuổi triết học, để vào rừng chặt củi; là một nỗi trớ trêu trong biến cố đó. Rồi từ biến cố lớn đẻ ra biến cố nhỏ; từ những trớ trêu do thời cuộc, đẻ ra những trớ trêu cá nhân. Cái gì cũng khiến mình phải suy nghĩ. Và luôn cảm thấy không yên, luôn cảm thấy hổ thẹn.
”Thật là xui xẻo. Vô lý. Trớ trêu”- ý nghĩ đó cũng trỗi lên khi nhân vật người đàn ông nhớ lại cái lần hai vợ chồng anh và đứa con ngồi lên chiếc xích lô của một ông già. ”Cuốc xe tưởng dài vô tận với những vòng bánh xe quay chậm chạp nặng nề… Gọi tình cảnh này là gì? Và tâm trạng lộn xộn đó có ý nghĩa gì về mặt đạo đức hay không? Hình như sách giáo khoa triết học bảo có đấu tranh dằn vặt là có lương tâm, còn nói theo ngôn ngữ thời nay là lương tâm còn răng. Kẻ ngồi trên ngồi trốc đã thấy mình tội lỗi một cách tự nhiên”…
Hồi ức từ một cuốc xích lô ở Sài Gòn, đến một cuốc taxi ở Đà Lạt, làm khởi lên một cuộc đối thoại với Nietzsche. Và, theo tôi, đây là một đoạn đối thoại nội tâm khá đặc sắc trong Đắm. Nó thể hiện rõ cái tầm của một nhà văn, vừa ở tư cách công dân vừa với trạng thái nghệ sĩ.
4. Đầy xáo trộn, nhục cảm, đẫm suy tư. Đó là những nhìn nhận cá nhân tôi về Đắm của Mai Sơn. Mà, tôi tin là nhiều bạn đọc khác cũng chia sẻ về những điểm này. Vốn là một chàng trai say mê triết học, sau này khi trở thành nhà văn và dịch giả thì triết học trở thành một thế mạnh của Mai Sơn. Với những độc giả yêu thích triết lý, có thể sẽ cảm thấy sững sờ phấn khích với tập sách này. Tuy nhiên, theo tôi, trong một văn bản văn chương, triết lý với một liều lượng thế nào còn là điều cần phải cân nhắc. Ở đây Mai Sơn đôi khi bộc lộ cùng lúc cả thế mạnh và hạn chế của mình.
Nhưng điều tôi tiếc ở Đắm không phải là tác giả ưa “nói triết”. Tôi tiếc vì câu chuyện đã không được đẩy đi tới tận cùng. Khi cho đôi tình nhân quay trở lại căn hộ chung cư ở Sài Gòn thì dường như chính nhà văn đã thấy mình chồn chân (hay nản lòng?) Và như thế là hai nhân vật chính “không còn đất sống” nữa. Câu chuyện trong trang sách có nguy cơ trở nên nhạt nhẽo, quẩn quanh, lặp lại, đuối dần… y như những diễn biến thường nhật. Và, có lẽ thấy trước nguy cơ đó, nên Mai Sơn đã “chốt” thiên truyện lại. Thật tiếc.
Sao không cho hai nhân vật tiếp tục phiêu lưu? Người đàn ông đã sử dụng hết ngày phép, hết tiền, nhưng không muốn quay trở về nhà. Người đàn bà thì cứ mãi muốn theo người đàn ông. Hai người cứ thế mà đi, với biết bao biến cố phía trước (!) Nếu còn đi thì trang viết sẽ còn mở ra (?!).
Khi tôi đặt những câu hỏi này thì nhà văn Mai Sơn xác nhận, đó là điều anh đã nghĩ tới. Nhưng vì những ”nguyên do chủ quan và khách quan”, Đắm tạm dừng ở đó. Tôi gọi đây là một cuốn tiểu thuyết dở dang. Và mong nhà văn Mai Sơn sẽ viết tiếp vào một lúc nào đó.
Nhưng lúc này, khi đọc lại (và khép lại) tập sách của Mai Sơn, tôi lại nhớ tới những suy nghĩ có phần bi quan của triết gia Bertrand Russell về sự viết: ”Mỗi buổi sáng, tôi ngồi trước một tờ giấy trắng. Suốt cả ngày, ngoại trừ bữa ăn trưa, tôi nhìn đăm đăm đến tờ giấy trắng. Thường đến khi buổi tối, tờ giấy vẫn… còn trắng. Rất có thể là suốt đời còn lại của mình, tôi chỉ dành thời gian để nhìn tờ giấy trắng ấy. Những gì bức xúc hơn thì một là những mâu thuẫn ấy chỉ là vụn vặt, hai là thời gian mà tôi bỏ ra để xem xét những vấn đề có vẻ không đáng cho tôi quan tâm một cách nghiêm túc”.
Tôi đồ chừng, Mai Sơn cũng có những suy nghĩ về sự viết tương tự thế này.
5. Cuối cùng, tập truyện, ngoài Đắm còn có 5 truyện ngắn khác: Hình dung, Một chỗ chật hẹp, Bữa tiệc, Phức cảm, Tâm cảnh. Nhưng tôi chỉ chọn viết về Đắm như giới thiệu một món ”đinh” trong bàn tiệc còn nhiều món ngon. Còn lại, phần thưởng thức cũng như bình luận thuộc về bạn đọc.
Mai Sơn viết văn, dịch thuật, viết điểm sách. Trên ba mươi năm sống bằng nghề viết, dịch và biên tập sách báo. Ông đã xuất bản 12 tên sách thuộc nhiều thể loại văn xuôi, biên soạn, dịch thuật, trong đó có: 101 triết gia (2007), Vật lạ ở trên đầu (tập truyện, 1997), Hư cấu (tập truyện, 2003), Vũ trụ trong một nguyên tử (2008), Câu chuyện triết học (2005)…
Ông từng tham dự Liên hoan văn học Á – Phi lần thứ nhất, năm 2007 tại Hàn Quốc.
Mơ ước lớn nhất của Mai Sơn là thấy giữa Sài Gòn có một hoặc vài địa chỉ, hội quán. Để mỗi cuối tuần, nhiều người, nhất là các bạn trẻ, tìm đến cùng nhau chia sẻ và thưởng thức các giá trị văn học (thơ, văn xuôi, kịch bản, nghiên cứu – phê bình), cuộc đời và sự nghiệp của các nhà văn lớn trong nước và ngoài nước.
Hiện nay, ban ngày, ông làm trưởng ban Tu thư Đại học Hoa Sen. Ban đêm và cuối tuần, ông về đánh vật với cuốn đại kỳ thư The rainbow của D.H. Lawrence để chuyển dịch sang tiếng Việt.
Mai Sơn viết văn, dịch thuật, viết điểm sách. Trên ba mươi năm sống bằng nghề viết, dịch và biên tập sách báo. Ông đã xuất bản 12 tên sách thuộc nhiều thể loại văn xuôi, biên soạn, dịch thuật, trong đó có: 101 triết gia (2007), Vật lạ ở trên đầu (tập truyện, 1997), Hư cấu (tập truyện, 2003), Vũ trụ trong một nguyên tử (2008), Câu chuyện triết học (2005)… Ông từng tham dự Liên hoan văn học Á – Phi lần thứ nhất, năm 2007 tại Hàn Quốc. Mơ ước lớn nhất của Mai Sơn là thấy giữa Sài Gòn có một hoặc vài địa chỉ, hội quán. Để mỗi cuối tuần, nhiều người, nhất là các bạn trẻ, tìm đến cùng nhau chia sẻ và thưởng thức các giá trị văn học (thơ, văn xuôi, kịch bản, nghiên cứu – phê bình), cuộc đời và sự nghiệp của các nhà văn lớn trong nước và ngoài nước. Hiện nay, ban ngày, ông làm trưởng ban Tu thư Đại học Hoa Sen. Ban đêm và cuối tuần, ông về đánh vật với cuốn đại kỳ thư The rainbow của D.H. Lawrence để chuyển dịch sang tiếng Việt. |
Làng Mai, tháng 10/2012
Trần Nhã Thụy
Nguồn: Vnexpress