Chuyên mục TRUYỆN HAYtuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Tống Phước Bảo

Gồm các truyện ngắn sau:

1. Như phong sương thương tết

2. Ướt đầm bông sói

3. Mùa trung quân thay lá

4. Như gió qua truông

5. Ngọt như gió tết

Nhà văn TỐNG PHƯỚC BẢO

– Tên thật Tống Phước Bảo, ngoài ra còn có bút danh Trúc Thiên.

Sinh năm 1983

Quê An Giang, sinh ra và lớn lên ở TPHCM

Hiện sinh sống và làm việc tại TP.HCM.

– Hội Viên Hội Nhà Văn Việt Nam, Hội Viên Hội Nhà Văn TPHCM

– Đã có truyện ngắn, thơ, tản văn đăng trên báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Nhân Dân, Tiếp Thị Gia Đình, Phụ Nữ, Văn Nghệ Công An, Văn Nghệ Quân Đội, Áo Trắng, Văn Nghệ Cà Mau, Tạp Chí Sông Lam, Long An, Quãng Ngãi, Nghệ An….

– Giải B Cây Bút Vàng – Bộ Công An năm 2021

– Tặng thưởng Truyện Ngắn Hay Nhất năm 2020 của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội

– Giải Nhất cuộc thi Truyện Ngắn “Một Nửa Làm Đầy Thế Giới” – NXB Văn Hóa Văn Nghệ 2019

– Giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn “120 năm Sapa”

– Giải Nhất cuộc thi Tạp Bút “Thành Phố Tôi Yêu” – Báo Thanh Niên 2020.

– Giải Nhất cuộc thi Tạp Bút “Quê Nhà Dấu Yêu” – Báo Áo Trắng 2020

– Giải Ba cuộc thi Tạp Bút “Kí Ức Tết” – Báo Dân Việt 2020

– Giải Khuyến Khích cuộc thi Truyện Ngắn Hay 2019 Báo Người Lao Động

–  Giải Khuyến Khích cuộc thi Truyện Ngắn Hay 2018 Báo Tiếp Thị Gia Đình

– Giải Khuyến khích cuộc thi “Ăn Tết thời Covid” 2021 Báo Dân Việt.

– Giải Khuyến khích cuộc thi “45 năm rực rỡ tên vàng” 2021 Báo Người Lao Động

– Giải Nhì truyện ngắn Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Năm năm 2023

Sách đã in: 7 tập truyện ngắn, tạp bút

Cả Một Trời Thương (2018), Mình Gọi Nhau Là Cưng (2019), Les Từng Centimet Đừng Vội Ghét Khi Chưa Kịp Thương (2020), Sài Gòn Còn Thương Thì Về (2021).Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình (Tạp bút – NXB Thanh niên 2022), Hỗn Kì Đài (Tập truyện ngắn – NXB Hội Nhà Văn 2022), Linh Đinh Tình Phù Sa (Truyện ngắn – Phương Nam Book 2023).

Và nhiều tác phẩm in chung

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận xét:

“Tống Phước Bảo dường như có nguồn truyện chứa trong đầu, có cảm giác rằng khi Bảo thấy ham viết thì chỉ việc ngồi mà gõ. Chữ nhảy ra rào rào.

Độ rộng thì truyện của Bảo rải khắp các miền, mang nhiều màu sắc các đô thị, miền quê. Nhưng đặc trưng nhất vẫn là văn cảnh, câu chữ, giọng văn đặc sệt Nam Bộ, man man hình ảnh sông nước miền Tây. Nhiều đoạn câu văn địa phương dày đặc. Vậy mà vẫn vô cùng duyên dáng và quyến rũ, dễ theo dõi, choán ngợp tư duy người đọc cả không gian truyện.

Trong một trả lời phỏng vấn, Tống Phước Bảo nêu quan điểm:

“Người viết là kẻ du hành thời gian sống hai cuộc đời”

Tôi thì nghĩ, Bảo du hành viết, sống tới N cuộc đời.”

Truyện ngắn

Như phong sương thương Tết

Chạp gọi những cơn gió ngọt lừ. Đồng bắt đầu rút nước. Chiều phủ lên miệt bưng cái màu vàng võ hiu hắt. Ngoại ra mé sàn lãng ngó con nước mênh mang dề lục bình. Sớm ngoài chợ ngoại gặp út Thà. Ngoại chưng hửng hỏi sao nay nó về giờ này. Mọi năm tầm hai tám hai chín mới thấy nó ló mặt ra chợ phụ má nó. Nay bây thương má nên về sớm hen! Con nhỏ cụp đôi mắt, giọng buồn thiu thất nghiệp rồi ngoại. Chỗ con làm hết hàng, họ cho công nhân nghỉ ráo trọi. Họ hẹn qua tết chờ thông báo, mà tết thì chưa tới. Mới đầu chạp mà! Ngoại ờ rồi thở dài thườn thượt. Thì thôi coi như được năm về sớm với xứ mình.

Xứ mình của ngoại xa lẵm, nơi sông trổ ra chín cửa. Đồng bưng sáu tháng nước ngọt sáu tháng nước lợ. Cuộc sống cơ cầu lay lất. Đám trẻ lớn lên như sáo sổ lồng tìm về miền đất hứa. Thị thành lấp lánh phồn hoa xanh đỏ đèn màu níu chân mấy đứa con châu thổ. Cứ vậy mà biền biệt. Hết đứa lớn đến đứa nhỏ. Châu thổ hiu hắt chỉ còn những người già thương đất bám quê. Thoảng khi cũng còn sót lại vài đứa trẻ. Đó là những đứa phải an phận lo vườn tược gồng gánh mấy ông bà già theo lời cô chú tía má. Chứ kì thực hỏi muốn lên thành phố không thì trăm đứa như một, gật đầu cái rụp. Thành phố dễ kiếm việc, tiền nhiều, cuộc sống cũng đỡ cực khổ như xứ mình.

Có bận ngoại nói với Lãng, sao Lãng không lên thị thành đi. Con trai lớn rồi, cũng gần ba mươi, sống hoài với ngoại biết đường nào khôn. Ngoại nói thì Lãng cười hềnh hệch. Lãng biết gì đâu. Mới sanh ra thì má đem về quê chuyền tay cho ngoại giữ. Ngoại bần thần hỏi cha thằng nhỏ là ai. Má Lãng chỉ khóc. Trong tiếng nấc chỉ rõ ràng hai từ “lỡ dại”. Ngoại làm thinh ôm thằng cháu còn đỏ hỏn vào lòng. Ngoại ru bằng lời châu thổ, ngoại dỗ bằng giọng phù sa. Sóng nước đồng bưng nuôi Lãng lớn, ruộng vườn cho đời Lãng khôn. Cũng có lần má về hỏi ngoại đem Lãng lên thành phố cho học hành đàng hoàng, cho đỡ cực ngoại, cho Lãng có tương lai. Ngoại nhìn Lãng. Vết chân di của má in hằn thành đuôi mắt ngoại. Đôi bàn tay già nua da bắt đầu dính vào xương. Đồi mồi lốm đốm trên mặt. Tóc nhuốm sương mai. Ngoại năm đó đã ngoài sáu mươi. Lãng vừa lên mười. Đêm má gói đồ vào cái túi xách, lấy năm ba bộ thôi, thành phố thiếu gì đâu, có tiền là mua được hết. Má nói vậy rồi chung vô mùng ngủ với ngoại. Má nằm ngay cái chỗ Lãng hay nằm mỗi đêm.

Thành phố thiếu gì đâu, vậy chứ xứ quê thiếu những gì? Lãng không biết. Đêm nằm phía dưới Lãng đâu ngủ được. Lãng lồm cồm bò dậy, xuống ghe chèo ra mé vàm. Lãng thả ghe cặp mấy cây phong sương. Bắt chân chữ ngũ, nằm ngay mũi ghe ngó con trăng tròn mười sáu. Hồi xưa có lần ông giận ngoại, ông cũng ra mé vàm này nằm ngó trăng. Cũng bắt chân chữ ngũ. Ông kéo ngao thuốc gò. Ông kể chuyện đời xưa cho Lãng nghe. Giờ thuốc gò đâu ai bán. Lãng muốn kể mà đâu ai nghe. Lãng có giận má không? Lãng không biết. Lãng chỉ biết đất này ai cũng đi, xứ này ai cũng bỏ, vậy thì ai ở lại; ai giăng mùng cho ngoại mỗi đêm; ai bật la dô cho ngoại nghe mỗi tối. Khói lam đốt đồng bữa chiều hôm bếp có còn ấm. Mâm cơm thiếu một cái chén biết có ngon. Nhiều câu hỏi quá mà Lãng thì đâu biết đường trả lời. Không biết đường thì làm sao mà lần. Ngoại hay dạy đường ở trong tâm, thương ở trong tim. Mình cứ theo đó mà làm. Gió sông phả hơi lạnh vào mình Lãng. Lãng ngủ thiếp đi khi nào hổng hay.

***

Lãng chưa kịp nói gì thì Đợi đã chạy tọt vào chái bếp, kéo cái ghế, ngồi cái rột. Ngoại cho con ăn ké nghen. Nay chạy giáp vòng kinh mà bán buôn hẻo quá chừng. Thiên hạ xúm ra chợ nổi hết trơn. Chiều cặp ghe bên cầu nghe dân bẹo cũng than quá chừng trời. Thiên hạ nói năm nay mần ăn hổng được. Tiền bạc đâu có chân mà chạy mất tiêu. Trái cây trúng mùa nhưng rớt giá thê thảm. Chục xoài mọi năm trăm hai trăm rưỡi nay còn có bảy tám chục ngàn. Cái điệu này chắc bỏ bẹo đi mần mướn lấy công quá ngoại ơi.

Đợi thì muôn thuở vẫn thế. Ào một cái như gió, luyên thuyên như mưa. Thằng con trai quen sóng nước, cao chừng thước tám, da rám màu châu thổ. Đợi ở bên kia mé sông, học chung suốt đến năm cấp hai thì Đợi nghỉ học, theo tía má đi bẹo. Thương hồ linh đinh khắp ruộng đồng, kinh rạch, khúc lóng. Những chiều hôm về tới nhà, chưa kịp cơm nước đã ùm xuống sông bơi một hơi sang bờ bên này, ngóc đầu lên mé sàn lãng gọi tên Lãng í ới. Người ướt lướt thướt nước vẫn nhe răng cười hề hề kể chuyện đi bẹo. Trời thần nào giờ mình nghe người ta nói Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng là xứ cùm tay bằng cùm chân tưởng nói chơi, ai dè thiệt nha Lãng. Bị cái xứ đó họ làm gạch, họ khiêng gạch tính theo thiên, một thiên là cả ngàn viên gạch. Khiêng riết mà cái tay nó nở ra bằng cái chân.

Cũng có khi Đợi để nguyên mình mẩy ướt nhẹp chạy lại cái sóng chén lấy đôi đũa, lấy cái chén, tự bới cơm, gắp miếng dưa mắm, chan miếng canh khoai mỡ tím vào chén rồi lua vội vội vàng vàng. Trời ơi mày có ngoại sướng nhất trần đời. Mày biết không ngoại mày nấu ăn ngon nhất Cửu Long. Tao đi lục tỉnh giáp vòng, lòng mà đói bụng thì ghé qua đây. Lãng chỉ biết lắc đầu, chẳng thể nói gì với Đợi. Chạy vào buồng kiếm bộ đồ cho nó thay. Cái thằng trời sinh cái miệng ngọt như xoài cát, mát như đường phèn.

Ngoại kể chuyện út Thà thất nghiệp về ăn Tết sớm. Thị thành một năm bết bát quá chừng. Xí nghiệp công ty giải thể. Dường như dịch đi qua mà cái hậu của nó để lại còn khó khăn hơn. Út Thà nói khu công nghiệp nó làm có tổng cộng hơn bốn chục ngàn người bị cho nghỉ việc. Chỉ là một khu công nghiệp thôi đó. Thị thành đông tay nam bắc giăng mắc chắc cũng chục khu công nghiệp. Tính ra là biết bao nhiêu người thất nghiệp. Tết tới nơi rồi bây. Chừng vài bữa nữa là mấy đứa thất nghiệp lũ lượt kéo về lềnh khênh đồng bưng. Mấy đứa con châu thổ sao đời nào cũng khổ hết trơn hà. Thấy thương quá chừng! Mấy tiếng thương quá chừng rớt xuống sóng nước đồng bưng mang mang nỗi niềm. Bữa cơm chiều Đợi ít nói hơn mọi khi.

Tối đó mé sàn lãng, Đợi rót ly rượu gạo miền Tây, Đợi tu cái ực. Đợi thở cái khà. Đợi vỗ đùi cái đét. Đôi ba tuần nữa Tết rồi phải không Lãng. Mình ngót nghét ba chục. Xòe bàn tay chỉ thấy toàn vết chai sần nứt nẻ. Quẩn quanh người chỉ toàn mùi phèn xứ sở. Trời thần, nghĩ mình tệ thiệt hen. Gió lưng chừng chạp thả lên miệt chín nhánh những cái lạnh se sắt. Cái lạnh ẩm hơi. Cái lạnh thấu lòng. Cái lạnh mà chỉ có người châu thổ mới thấm vị xa xót của nó. Xứ này, mỗi mùa gió Tết là mỗi mùa thắt thẻo. Người đợi chờ Tết, người đợi chờ người. Tết mà hổng đong đầy sung túc, Tết mà hổng xôm tụ rổn rảng, thì đâu phải là Tết.

Hai thằng uống hết chai rượu lại ra mé vàm sông có đám cây phong sương đương mùa lá rụng. Cành cây bắt đầu khẳng khiu. Đợi nằm vắt vẻo lên mũi ghe. Lãng ngồi xếp bằng cạnh bên. Đêm cứ chầm chậm trôi. Gió cứ lào xào thổi. Lẫn trong tiếng gió hình như có tiếng nấc nghẹn của Đợi. Lãng không nghe rõ nhưng đâu đó thằng bạn mình nói nó có lỗi với út Thà. Đêm đó, châu thổ buồn lả lai.

***

Hồi ngoại cho má lấy chồng là bữa trời đổ nắng mai non. Nắng vàng dặt dìu khúc sông quê. Đám rước lèo tèo mấy người từ thành phố xuống. Ngoại mần mâm cơm cáo gia tiên. Ngoại biểu má thắp nhang cho ông đặng ông yên tâm nơi chín suối. Tận đến ngày mất, ông vẫn cứ không nguôi ngoai nỗi buồn dành cho đứa con gái cưng của mình. Mười tám tuổi cho lên thị thành học. Chưa đầy hai mươi thì vác về đứa cháu. Ông nghe xóm giềng bàn tán mà lấy rượu thay cơn buồn. Má biết vậy nên cũng ở trên thành phố miết, chỉ gởi tiền về cho ngoại chăm con. Ngày ông đi má không kịp về nhìn mặt. Má quì sụp xuống nói mình có lỗi với ông. Sau cái đám, càng ngày má càng gởi tiền về nhiều hơn.

Má vẫn đẹp mặn mà, má dẫn ông Hàn Quốc về ra mắt và nói sẽ sang nước người ta làm đám cưới. Ngoại nhìn một đỗi rồi thôi. Bữa má mặc cái áo dài đỏ lạy bàn thờ, má ôm Lãng vào lòng má nói má có lỗi với Lãng. Lãng cho má lấy chồng nhen. Lãng không nói gì. Lãng cũng không có khóc. Lãng chèo xuồng ra mé vàm sông ngồi mình ên, chờ cho người ta kéo nhau lũ lượt lên thành phố thì Lãng mới về.

Mười tám tuổi Lãng thấy mình có lỗi với ngoại. Bữa cơm chiều đó ngoại ngồi đợi Lãng mà mắt đỏ hoe. Ngoại gắp khoanh bánh tét vào chén Lãng. Ăn đi con. Đời này thiệt ra có những thứ không thể phân định được. Trăm con sông đổ về biển cả. Biển xuôi nguồn thành dòng đổ về sông. Quanh quanh quẩn quẩn thì sóng có vỗ kiểu gì cũng tan ra làm nước. Phù sa bồi lỡ kiểu gì cũng là của châu thổ đồng bưng. Lỗi phải gì cũng là máu mủ ruột rà. Thương không hết chứ lấy đâu ra mà trách cứ. Đời con người ta cũng như sông, có đoạn lóng, có khúc nhôi. Vơi đầy thì cũng gieo neo dâu bể một đời sông. Đục trong gì cũng là một đời người. Đừng ra mé vàm khi buồn. Sóng nước xứ này nó nghiệt lắm, nó vỗ lòng thắt dạ bầm. Chỉ khi mình biết thương một người. Biết thả nỗi buồn trôi theo sông thì mới biết sông cũng như mình. Mình có một lần để buồn, một đời để sống. Chứ sông thì có ngàn nỗi buồn, có vạn lần đời để sống. Nên sông phải sống đời sông, là trôi đi theo dòng.

Lãng nghe ngoại nói, hai hột nước mắt bỗng dưng rơi xuống chén cơm.

***

Chợ Lồng một đêm cuối chạp, hai mươi tám tết, xã cho tổ chức chợ Tết không đồng, phát phiếu để mọi người có cái Tết đủ đầy, có một năm mới rộn ràng. Nhiều gian hàng đồ chất ắp lẵm. Mỗi nhà một phiếu, mỗi phiếu chọn được mười món hàng miễn phí. Xóm giềng nô nức. Chợ được trang trí đèn sáng trưng, đầu chợ có cái sân khấu hát lô tô trúng thưởng, cuối chợ là gánh hát tài tử miệt vườn. Năm nay xã vận động kinh phí xã hội hóa để bù đắp phần nào sự thiếu khó của dân mình. Vậy nên bà con cứ tới mà lựa đồ. Ăn tết miệt vườn nên toàn mấy món nhà quê nhưng bao ngon nhen! Ông chủ tịch xã phát biểu xong cũng cầm cái phiếu, lấy cái giỏ đi chọn hàng như bà con. Sau lưng ai đó nói ghẹo ông chủ tịch cũng đi chợ không đồng à! Ông chủ tịch cười hiền, tui nói thiệt bà con nhà tui còn chưa có gì, giờ mà hổng đi chợ đem dìa chắc bà xã bả hổng cho vô nhà. Ông chủ tịch xã trẻ măng, nghe đâu mới chừng bốn chục. Ổng trẻ nên ổng làm ngon nghẻ. Bà con rần rần đi chợ Tết.

Giữa buổi chợ Lãng đang háo hức dò lô tô, canh me lấy cây quạt mới về thay cho cây quạt cũ của ngoại thì thấy Đợi giựt tay mình ra hiệu. Út Thà mặc cái áo bà ba vàng nắng mai đang kéo ghế ngồi xuống. Mấy ánh mắt chạm nhau. Út Thà bối rối. Trán thằng Đợi rịn mồ hôi.

Tàn buổi chợ không đồng. Lãng nổ máy ghe chở ba đứa ra vàm sông cũ. Cây phong sương chịu gió Tết, ưng nắng xuân nên bắt đầu trổ bông đỏ rực. Chín cánh bông vẫn còn e ấp, đợi giao thừa mới thèm nở như lời mấy ông bà già xưa hay nói. Đợi thương út Thà nhưng đời ghe bẹo linh đinh sóng nước, biết có lo được cho con gái người ta không mà đòi rước. Út Thà nhà nghèo bận đó ngập ngừng ngỏ ý mà Đợi cứ ngó lơ. Út Thà chờ lời Đợi mà bỏ qua năm ba đám dạm hỏi. Chừng chờ hổng nổi thì bỏ xứ lên thành thị mưu sinh. Bữa chia tay út Thà khóc với sông một chập, nhậu say lần đầu trong đời rồi buông câu chào như trách. Đời con gái đâu có đợi như cái tên anh đâu anh Đợi. Đợi cúi gầm mặt xuống sông. Đêm đó đâu chừng tám năm trước.

Giờ ngồi lại đây, Đợi vẫn là đời ghe bẹo, út Thà thất nghiệp bỏ thị thành về quê, Lãng vẫn ngồi chính giữa hai đứa bạn. Ngó bên này cũng thấy thương. Ngó bên kia cũng thấy thương. Phong sương chỉ đẹp khi buổi nắng mai lên còn non. Chín cánh hoa bung ra sặc sỡ. Đời con người ta cũng như hoa. Hoa đúng mùa mới nở. Tụi bây cũng vậy, đi trăm hướng, xa ngàn phương rồi cũng quay về bên vàm sông phong sương. Thương thì đến. Nghèo hay giàu thì cũng cứ bám đất quê mà sống. Không nơi nào giàu chẳng nơi nào nghèo. Chỉ mình biết đủ là đủ thôi. Như sông lớn ròng con nước thì phù sa muôn đời vẫn lắng vào lòng sông mà bồi bãi hai bên bờ. Người quê đâu biết nói lời hoa mỹ. Còn thương thì ưng. Thương như phong sương thương tết, trút cạn lá cũng nở hoa đúng mùa. Ra giêng thì cưới. Không cưới thì hai đứa bây nhảy xuống sông lội về. Trả ghe tao dìa với ngoại. Ngoại đang nấu bánh tét. Hổng có tao ai canh bánh chín.

Lãng nói tỉnh queo đứng lên nổ máy ghe. Đầu ghe hai đứa kia chưng hửng nhìn Lãng rồi nhìn nhau. Lần này hổng đứa nào say khóc, hổng đứa nào cuối xuống nhìn sông. Thôi dìa nấu bánh với ngoại tao. Rồi nhờ ngoại đi nói chuyện hai bên gia đình. Bỏ lại đám phong sương đang e ấp chờ Tết. Cái ghe chở Tết về với nồi bánh tét của ngoại. Mới hai tám à, mà lòng ghe thì xuân sang tự bao giờ.

Tống Phước Bảo