VanVN.Net – Những ngày giữa tháng 5 năm 2012 nhân dân các dân tộc trên quê hương Cao Bằng đang hướng tới các hoạt động kỷ niệm lần thứ 122 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí minh kính yêu thì lại đón nhận tin vui: nhà văn dân tộc Tày Hoàng Triều Ân được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Không chỉ trong giới văn nghệ sĩ mà cả những người yêu văn học nghệ thuật, những người có niềm đam mê sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn văn hoá dân gian đều đón nhận với cả niềm vui xen lẫn niềm tự hào về sự kiện này.
Buổi sớm mùa hè mà tiết trời thật mát dịu. Có từng đi đến nhiều miền quê của Tổ Quốc thì mới thấy quí thời tiết tuyệt vời của quê hương Cao Bằng. Chúng tôi dừng chân bên cây cầu Hoằng Bó bắc qua sông Bằng Giang nối đôi bờ thị trấn Nước Hai với xã Hồng Việt để tận hưởng từng làn gió mát thơm nồng hoa ngô từ cánh đồng bạt ngàn ngô đang độ trổ bông lồng lộng thổi về. Đường vào bản Lam Sơn men theo chân những ngọn núi đá vôi đã được nâng cấp. Bên đường vào bản của nhà thơ Triều Ân, những bông hoa “voòng vỉ” lập loè như những ngọn lửa.
Chúng tôi đến nhà khi ông đang mải chăm sóc vườn rau. Căn nhà hai tầng của nhà văn tựa lưng vào núi và hướng mặt ra cánh đồng ngan ngát những ruộng ngô non trải một mầu xanh mát mắt làm cho không gian đã yên tĩnh, dịu mát càng thêm tĩnh mát và thơ mộng hơn…
Với dáng người dong dỏng, gương mặt lúc nào cũng hồn nhiên, vô tư và luôn mỉm cười khi gặp bè bạn, Triều Ân dễ tạo ấn tượng cho bất kỳ ai dù chỉ mới tiếp xúc lần đầu. ở độ tuổi “xưa nay hiếm” ông vẫn có trí nhớ rất tốt và vẫn phát huy được vốn kiến thức tuyệt vời. Người đời thường có nhận xét: thi sĩ vốn hay đa tình, đa cảm nên ở Triều Ân có những nét trẻ trung đến lạ. Có lẽ đó cũng là tính cách tạo cho thế hệ những người viết văn trẻ chúng tôi cảm thấy gần ông hơn. Nếu chưa có dịp tìm hiểu hẳn sẽ khó hình dung nhà văn Triều Ân là tác giả của 54 đầu sách trong đó có tới 28 công trình nghiên cứu văn nghệ dân gian, một thành quả lao động trí tuệ không nhiều người làm được. Hình như ông sinh ra ở trên đời này là để sáng tác, để nghiên cứu về văn hóa văn nghệ các dân tộc miền núi. Dường như, nếu không được lao động nghệ thuật thì cuộc đời ông sẽ trở nên vô vị…
Có bạn văn đến chơi, Triều Ân lại say sưa nói về những dự định cháy bỏng của mình là mong sao có sức khoẻ để được tiếp tục cống hiến. Càng nghe những điều bộc bạch từ ruột gan của ông, tôi càng thấy lòng nhiệt tình, trách nhiệm của một nhà văn. Cùng là hội viên sáng lập của Hội văn học nghệ thuật Cao Bằng, từng sát cánh với ông trong những chuyến đi thực tế sáng tác, tôi nhận ra ở nhà văn Triều Ân hội tụ những tố chất hiếm có. Trước hết, ông xuất thân từ gia đình có truyền thống hiếu học. Nhiều thế hệ trong dòng tộc từng đỗ đạt cao. Cụ tổ Hoàng Triều Hoa làm quan Tả thị lang trong triều đình nhà Lê. Cụ thân sinh Hoàng Đức Triều là nhà hoạt động cách mạng cũng là nhà thơ có tiếng. Sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống yêu nước nên Triều Ân đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 13 tuổi đã tham gia làm liên lạc tại cơ quan Tỉnh uỷ Cao Bằng nên về sau ông được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc Lập hạng Ba. Thửa nhỏ, Triều Ân đã có 6 năm liền theo học tại trường Pháp – Việt. Năm 1953 đến năm 1956, ông được cử đi học sư phạm tại trường Dục Tài – Nam Ninh (Trung Quốc ). Năm 1963 tốt nghiệp khoa văn trường Đại học sư phạm Hà Nội, đồng thời cùng năm đó ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam và Hội nhà văn Việt Nam…
Nhà văn Triều Ân
Một điều khẳng định nữa về Triều Ân, đó là một con người giàu trí tuệ. Vốn kiến thức đồ sộ của ông không chỉ được tiếp thu ở trường học, mà từ niềm say mê hiểu biết, tự học, tự nghiên cứu, học hỏi bạn bè, từ cuộc sống tích luỹ mà thành. Ông là nhà văn dân tộc hiếm hoi không những giàu vốn ngôn ngữ và am hiểu sâu sắc văn hoá của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao… vùng Cao Bằng, mà còn là người có vốn ngoại ngữ khá về tiếng Trung, tiếng Pháp và tiếng Anh. Đó là vốn liếng rất cơ bản giúp ông có điều kiện khai thác nhiều nguồn tài liệu quí phục vụ cho sự nghiệp sưu tầm, nghiên cứu, và sáng tác của mình. Cho đến tận bây giờ ở Triều Ân, niềm đam mê học hỏi vẫn không hề giảm sút. ở tuổi ngoài tám mươi, nếu chỉ cần thiếu đi một chút đam mê và trách nhiệm thì việc tự cho mình cái quyền được thanh thản nghỉ ngơi tận hưởng những thành quả lao động của mình và sự đãi ngộ của nhà nước là điều hoàn toàn có thể. Nhưng với Triều Ân thì không. Ông luôn tâm niệm: Mình còn sức thì còn tham gia nghiên cứu và sáng tác văn học, đó là cái nợ của nhà văn với đời.
Giải thưởng Nhà nước lần này là phần thưởng cao quý, là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những đóng góp của ông. Đó cũng là thành quả lao động nghệ thuật suốt cả cuộc đời toàn tâm toàn ý của một nhà văn, nhà nghiên cứu. Thế nhưng trước khi đạt đến được đỉnh cao đó, Triều Ân cũng đã từng gặt hái được nhiều thành tích, đặc biệt là trong lĩnh vực sáng tác văn xuôi và thơ. Năm 1961, khi mới tròn 30 tuổi ông đã đạt 3 giải thưởng về sáng tác thơ với những tác phẩm: Quê ta, anh biết chăng? (giải nhì – Tạp chí Văn nghệ), Suối cát (giải nhì – Báo Người giáo viên nhân dân), Làng tiên lục (giải nhì – Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc), và cho đến nay, trong vốn liếng của Triều Ân đã có tới 8 tập thơ, 5 tập truyện ngắn và 4 cuốn tiểu thuyết, một khối lượng tác phẩm mà không phải ai cũng có thể có được. Trong những ngày này ông vẫn miệt mài viết tiếp phần 2 cuốn tiểu thuyết Trên vùng mây trắng với tất cả niềm đam mê và nhiệt tình, trách nhiệm của một nhà văn.
Là một nhà văn thành danh trong lĩnh vực sáng tác, nhưng với Triều Ân, việc sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian vẫn luôn được quan tâm đầu tư hợp lý. Là hội viên tiêu biểu của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành hai khoá, nhiều công trình trong lĩnh vực này của ông đã đóng góp đáng kể vào việc bảo tồn, phát huy những giá trị nền tảng văn hoá truyền thống của dân tộc, tạo được dấu ấn đậm nét trong cuộc đời và được nhiều nhà nghiên cứu kính nể, đặc biệt là các công trình nghiên cứu về văn hoá người Tày, như: Ca dao Tà y – Nùng; Tục cưới xin của người Tày; Chữ Nôm Tày và truyện thơ… Và đỉnh cao là cụm tác phẩm: Ca dao Tày – Nùng; Lễ hội Hằng Nga; Ba áng thơ Nôm Tày và thể loại; Chữ Nôm Tày và truyện thơ; Then Tày những khúc hát. Những công trình đã đưa ông đến Giải thưởng Nhà nước vừa qua. Ngoài ra, nhà văn Triều Ân còn là người có những đóng góp có giá trị cao trong việc bảo tồn tinh hoa ngôn ngữ của dân tộc mình, mà tiêu biểu là công trình Từ điển chữ Nôm Tày. Công trình đã đoạt giải xuất sắc Giải thưởng Pác Bó lần thứ nhất và sẽ là nguồn tài liệu vô cùng quí giá cho các thế hệ mai sau.
Nâng niu bộ tác phẩm vừa được Nhà nước tặng giải thưởng, tôi càng thấm thía hiểu ra rằng ông đang sở hữu một vốn kiến thức văn hoá dân tộc đồ sộ. Càng trò chuyện, tôi càng nhận thấy ở ông một tinh thần làm việc và sự minh mẫn tuyệt vời. Từ những kiến thức lịch sử của quê hương đến những tư liệu về văn hoá dân gian, và cả những kiến thức có tính thời sự… tất thảy đều được tập hợp một cách hệ thống và hết sức khoa học, chỉ cần hỏi đến là ông có thể đưa ra dẫn chứng được ngay.
Cuộc trò chuyện với ông chợt gợi cho tôi nhớ tới nhà thơ Hoàng Đức Hậu, tác giả của nhiều bài thơ mà thế hệ chúng tôi từng yêu thích và thuộc từ hồi còn nhỏ. Tôi bật hỏi:
– Quê ông Hoàng Đức Hậu cũng ở đây phải không ạ?
– Bản Pác Làng của ông Hậu ở đằng kia. Ông đưa tay chỉ về phía chân ngọn núi đầu bản, đoạn vào buồng lấy một tập sách, đó là tập Thơ tiếng Tày Hoàng Đức Hậu do chính ông sưu tầm, biên soạn và mới cho tái bản năm 2010 đề tặng tôi.
Đón tập thơ từng yêu thích từ thuở bé, lòng tôi mừng khấp khởi. Ông đã giúp tôi hiểu sâu sắc hơn giá trị của việc sưu tầm, gìn giữ những tinh hoa văn hoá của dân tộc. Rõ ràng là nếu không có những người như ông thì cho đến hôm nay, chúng ta tìm đâu ra những tác phẩm quý như thế này. Phóng tầm mắt theo chiều tay ông, nơi có ngọn núi như tháp bút chỉ thẳng lên trời, và dưới chân ngọn núi ấy là quê của nhà thơ dân tộc Tày Hoàng Đức Hậu, mà có lẽ cho đến tận bây giờ và mãi về sau cũng khó có nhà thơ nào sáng tác được những tác phẩm vào lòng người như thơ ông. Nhìn ra xa nữa là những làng bản trù phú dưới chân dãy núi Lam Sơn thơ mộng, một vùng quê giàu truyền thống văn hoá và cũng giàu truyền thống cách mạng, nơi Bác Hồ đã chọn làm căn cứ hoạt động cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, nơi bao người dân chất phác, thuỷ chung đã từng chở che, nuôi dưỡng Cách mạng để làm nên kỳ tích Anh hùng; tôi chợt nghĩ, hẳn là linh khí của đất ấy, núi ấy, rừng ấy, và cả bao thế hệ những con người nơi đây nữa, đã góp phần làm nên hơi thở trong những trang viết của ông…
Nhà văn Hữu Tiến vốn kiệm lời, nhưng cũng không khỏi thán phục trước khả năng sáng tác và tinh thần lao động nghệ thuật đầy trách nhiệm của Triều Ân, nói: Cánh văn chương như bọn em thì chỉ còn cách là bái phục một người hiếm có như anh…
Không phải đến bây giờ, khi ông được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, anh em văn nghệ sỹ Cao Bằng chúng tôi mới có cái nhìn chân thực, thấu đáo về những phẩm chất đáng tôn vinh của một nhà văn dân tộc mình với tất cả lòng thành kính xen lẫn niềm tự hào như vậy. Trước đây, trong một cuộc hội thảo khoa học về nhà văn Triều Ân do Hội VHNT Cao Bằng tổ chức, đã có nhiều ý kiến đánh giá khá đầy đủ về tầm vóc của ông. Giờ đã ở tuổi 81 ông vẫn giữ được phong độ trong cuộc sống, và đặc biệt trong công việc sưu tầm, nghiên cứu và sáng tác, tôi chợt có cảm tưởng rằng cuộc đời nhà văn Triều Ân thực sự đẹp như một bài thơ mà ông đang thanh thản tìm, thanh thản viết với tất cả niềm vui và sự say mê trong căn nhà nhỏ khiêm nhường hướng ra cánh đồng với không gian khoáng đạt ở làng Lam Sơn…
Lặng lẽ, khiêm nhường và cần mẫn, thế nhưng những người nông dân ở đây vẫn biết có một nhà văn của quê hương mình với mái đầu bạc phơ vẫn ngày đêm cặm cụi bên chiếc máy tính xách tay đang miệt mài lao động, miệt mài sáng tạo như con ong chắt chiu mật ngọt cho đời mà không một chút tính toán, so đo, thậm chí còn quên cả những lời cảnh báo về sức khoẻ tuổi già. Với ông lúc này, việc hoàn thành một tác phẩm cũng là một cuộc chạy đua với thời gian. Ngày qua ngày, ông như một dấu gạch nối, một lời nhắn gửi tới thế hệ mai sau, rằng mỗi ngày chúng ta đang sống ý nghĩa đến nhường nào…