Cái chân chất đượm tình của người Nam bộ mãi vẹn nguyên, như hoa lục bình nở trên sông, mặc mùa cạn hay mùa lũ lớn.

Đã bao giờ bạn nhìn thấy lục bình trôi trên sông? Ở bất cứ nơi đâu, dù là sông Tiền, sông Hậu bao la trù phú; sông Hương cổ kính và thơ mộng bên cạnh cố đô, hay sông Ngàn phố, Vàm Cỏ… ta đều có thể bắt gặp những cụm lục bình xanh ngắt.

Lục bình nở hoa, những cánh mỏng manh, tim tím nhẹ nhàng đầy lãng mạn. Hoa không thơm, không rực rỡ, và chẳng bao giờ được nâng niu mang cắm trong bình để điểm tô cho nhịp sống thường ngày một chút sắc hương như hoa sen, hoa súng – nhưng lại có duyên, cái duyên quê bình dị và quyến rũ. Sắc tím dịu dàng ấy chỉ có thể làm nên vương vấn khi được giữ nguyên trên cái lênh đênh của sông nước, từng bông đơn lẻ kết lại bên nhau để tím thủy chung loang đầy mặt sông, gieo vào lòng người bàng bạc niềm thương nhớ…

Chẳng thế mà ngày nhỏ, có lần tôi nằng nặc đòi chị Hai khều cho bằng được một bông lục bình, mang vào nhà cắm. Nhưng cái tôi có được trên tay chỉ là những cánh hoa tím mong manh có phần dập nát, và cứ dần héo rũ bứt ra khỏi bộ rễ chìm trong nước. Chị nhìn mặt tôi thất vọng mà cười buồn: “Có những vẻ đẹp em chỉ có thể chiêm ngưỡng mà không bao giờ có thể sở hữu cho riêng mình”. Câu nói ấy đến giờ tôi vẫn nhớ, và mới hiểu hết ý nghĩa của nó khi bắt đầu có những vấp váp trên mỗi bước tôi đi…


Lục bình trôi theo con nước, cứ từng cụm, từng cụm. Có những khi sóng đánh mạnh khiến chúng tan ra thành từng nhánh, trôi lẻ loi một mình trong âm thầm lặng lẽ. Nhưng dù là đơn lẻ hay thành đám đi chăng nữa thì lục bình vẫn là lục bình – chúng vẫn có một đời sống và một sức chịu đựng, sản sinh mạnh mẽ vô tận. Phía trên mặt nước là những chiếc lá dày, xanh ngắt mở lòng ra đón ánh dương bừng sáng hoặc đẫm chút sương đêm. Phía dưới, chìm trong mặt nước là một bộ rễ dài ngậm chút hương phù sa mà sống. Nước lớn, lục bình trôi đi – trôi đi mãi cho đến một ngày nào đó mỏi gót lãng du mới dạt vào bờ sông hay một bờ ruộng hoang. Và ở đó chúng sinh sôi, nảy nở để đợi một ngày con nước mới trở về bắt gặp và réo gọi, chúng lại ra đi…

Bởi gắn liền với con nước, “như chim liền cánh, như cây liền cành” mà vùng sông nước Nam Bộ nghiễm nhiên trở thành xứ sở của lục bình. Hoa nở trên sông hầu như suốt cả bốn mùa, nhưng rộ lên rõ nhất là vào cuối đông cho đến hết cả xuân ấm… Chúng luôn hiện hữu trong tôi như một hình ảnh đặc trưng nhất khi nghĩ về những kiếp người trên sóng nước phương Nam bươn trải với cuộc đời.

“Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi

Thương những đời như lục bình trôi”

Tôi theo câu hát ấy của Vũ Đức Sao Biển tìm về với sông nước phương Nam để cảm nhận nhịp sống lênh đênh “như lục bình trôi” nơi những con thuyền tất tả xuôi ngược trên sông. Chòng chành con thuyền nhỏ giữa dòng – nhưng từ đó mở ra cả một không gian sống, vừa là nơi buôn bán, vừa là nơi sinh hoạt của mỗi gia đình. Từng chiếc ghe chất đầy các loại trái cây mang hương vị đặc trưng sông nước sẽ theo những nhánh sông Cửu Long xuôi về các chợ nổi như Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng (Cần Thơ), tấp nập người bán kẻ mua… Rồi sau những không khí rộn ràng của tiếng nói cười, mua bán như thế, khi mỗi phiên chợ khép lại luôn là những khoảng lặng, đối mặt với nỗi lo cơm áo gạo tiền, hôm nay lo chưa hết đã lo tràn sang cả ngày mai… Thương ánh mắt mẹ già con thơ trong một sớm lũ về chống con sào cầm cự giữa mênh mông sóng nước đục ngầu, gắng qua một mùa đói nhói lòng…

Kiếp nghèo thân phận nổi nênh, nhưng cái chân chất đượm tình của người Nam bộ thì mãi còn vẹn nguyên – như hoa lục bình nở trên sông, mặc mùa cạn hay mùa lũ lớn – vẫn cứ thấy một sắc tím mong manh trên thảm lá mướt xanh lấp lánh dưới ánh mặt trời. Bạn hãy thử dừng chân ghé lại bất kỳ ghe thuyền nào trên sông Tiền, sông Hậu mà xem, sẽ luôn gặp những nụ cười mến khách, dễ gần như gặp người hàng xóm thân thuộc nhiều năm. Họ nghèo đấy, tất tả bươn mình cơ cực, lo toan đấy nhưng ít khi bắt gặp một nét bi quan trên gương mặt.

Đôi lúc tôi cứ nghĩ: Nếu được chọn giữa một kiếp sống thanh thản, tự do bầu bạn với sông nước, giăng lưới buông câu bình lặng với một cuộc sống ồn ào, chen đua (thậm chí là giành giật, giẫm đạp lên nhau từng phút, từng giờ nơi thị thành hối hả kia), có lẽ họ sẽ vẫn chọn kiếp sống trên sông. Dẫu nổi nênh, mặc gió giông mưa nắng, mặc vất vả lo toan, họ vẫn thủy chung cùng dòng nước với tình người chân chất ấm nồng – như lục bình hoài tím mênh mang…

Lương Đình Khoa

Nguồn: vnexpress.net

Exit mobile version