Chuyên mục TRUYỆN HAYtuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Tống Phước Bảo
Gồm các truyện ngắn sau:
2. Ướt dầm bông sói
3. Mùa trung quân thay lá
4. Như gió qua truông
5. Ngọt như gió tết
Nhà văn TỐNG PHƯỚC BẢO
– Tên thật Tống Phước Bảo, ngoài ra còn có bút danh Trúc Thiên.
Sinh năm 1983
Quê An Giang, sinh ra và lớn lên ở TPHCM
Hiện sinh sống và làm việc tại TP.HCM.
– Hội Viên Hội Nhà Văn Việt Nam, Hội Viên Hội Nhà Văn TPHCM
– Đã có truyện ngắn, thơ, tản văn đăng trên báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Nhân Dân, Tiếp Thị Gia Đình, Phụ Nữ, Văn Nghệ Công An, Văn Nghệ Quân Đội, Áo Trắng, Văn Nghệ Cà Mau, Tạp Chí Sông Lam, Long An, Quảng Ngãi, Nghệ An…
– Giải B Cây Bút Vàng – Bộ Công An năm 2021
– Tặng thưởng Truyện Ngắn Hay Nhất năm 2020 của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội
– Giải Nhất cuộc thi Truyện Ngắn “Một Nửa Làm Đầy Thế Giới” – NXB Văn Hóa Văn Nghệ 2019
– Giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn “120 năm Sapa”
– Giải Nhất cuộc thi Tạp Bút “Thành Phố Tôi Yêu” – Báo Thanh Niên 2020.
– Giải Nhất cuộc thi Tạp Bút “Quê Nhà Dấu Yêu” – Báo Áo Trắng 2020
– Giải Ba cuộc thi Tạp Bút “Kí Ức Tết” – Báo Dân Việt 2020
– Giải Khuyến Khích cuộc thi Truyện Ngắn Hay 2019 Báo Người Lao Động
– Giải Khuyến Khích cuộc thi Truyện Ngắn Hay 2018 Báo Tiếp Thị Gia Đình
– Giải Khuyến khích cuộc thi “Ăn Tết thời Covid” 2021 Báo Dân Việt.
– Giải Khuyến khích cuộc thi “45 năm rực rỡ tên vàng” 2021 Báo Người Lao Động
– Giải Nhì truyện ngắn Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2023
Sách đã in: 7 tập truyện ngắn, tạp bút
Cả Một Trời Thương (2018), Mình Gọi Nhau Là Cưng (2019), Les Từng Centimet Đừng Vội Ghét Khi Chưa Kịp Thương (2020), Sài Gòn Còn Thương Thì Về (2021). Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình (Tạp bút – NXB Thanh niên 2022), Hỗn Kì Đài (Tập truyện ngắn – NXB Hội Nhà Văn 2022), Linh Đinh Tình Phù Sa (Truyện ngắn – Phương Nam Book 2023).
Và nhiều tác phẩm in chung.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận xét:
“Tống Phước Bảo dường như có nguồn truyện chứa trong đầu, có cảm giác rằng khi Bảo thấy ham viết thì chỉ việc ngồi mà gõ. Chữ nhảy ra rào rào.
Độ rộng thì truyện của Bảo rải khắp các miền, mang nhiều màu sắc các đô thị, miền quê. Nhưng đặc trưng nhất vẫn là văn cảnh, câu chữ, giọng văn đặc sệt Nam Bộ, man man hình ảnh sông nước miền Tây. Nhiều đoạn câu văn địa phương dày đặc. Vậy mà vẫn vô cùng duyên dáng và quyến rũ, dễ theo dõi, choán ngợp tư duy người đọc cả không gian truyện.
Trong một trả lời phỏng vấn, Tống Phước Bảo nêu quan điểm:
“Người viết là kẻ du hành thời gian sống hai cuộc đời”
Tôi thì nghĩ, Bảo du hành viết, sống tới N cuộc đời.”
Truyện ngắn
Như Gió Qua Truông
Bọ đi, ngày cơn Lào quần rát, thốc nóng và hanh khô lên những phận đời nua cằn bám víu nơi đây. Con sông Kiến Giang vắng hẳn điệu hò khoan Lệ Thủy. Cái điệu hò dặt dìu nuôi bao đứa con xứ này lớn khôn. Chừng đủ cánh, vỗ cái phạch, rồi ráo hoảnh bay đi hun hút. Xóm nhỏ liu xiu hơn mươi nóc nhà bên bờ Kiến Giang ngày càng ủ rủ.
Hồi đó, Bọ hay bảo, Kiến Giang nghịch hà, nên dân xứ này khổ trăm bề, tha hương xa xứ, biệt tâm hết, đâu ai thèm quay về. Mà có làm được chi đâu ở đây, để sống. Ai đời, thuận dòng là phải theo hướng đông nam. Chỉ mỗi con sông quê mình, chảy ngược đông bắc. Lũ lụt ngút ngàn. Nắng đày chan chát. Mùa màn thất bát.
Cái khổ đeo riết dân xứ này, tự bao đời, khổ lưu truyền, đời cha cho tới đời con. Cái khổ nó kéo theo cái nghèo. Kiết xác. Lam lũ tứ mùa, mà chẳng đủ chứ mong chi tới cuộc sống đầy đặn như bao xứ khác.
Xứ này, nỏ phải cuộc sống đâu. Bọ thở dài. Rít điếu thuốc. Khói trắng bay lên, rồi nương theo gió, trôi giữa thinh không, cũng mất hút. Ngay đến cả cái khói nó cũng chẳng thèm ở lại chốn này, thì trách chi!
Vậy nên, đám trẻ làng, cứ thế ra đi. Trai tráng có sức thì cày xới những miền đất hứa. Đứa ra Bắc, kẻ vào Nam. Lập thân, biền biệt. Gái làng cũng đâu chịu thấu cảnh cơ hàn, ngược dòng Kiến Giang, theo chồng làng khác, theo bạn tìm đường thoát thân. Đứa đi trước, dìu đứa sau. Hễ đã đi, là chẳng muốn về.
Lần lượt, lớp người này đi, đôi ba tháng lại thêm lớp khác đi, tiếp nối mải miết. Nhưng nghiệt nhất, là Mạ cũng đi.
Năm đó, Nẫm mới lên sáu. Chiều đến lại ngóng Mạ. Đêm đêm lại khóc quấy đòi Mạ. Bọ dỗ dành chẳng được, mặc Nẫm rấm rứt trên cái giường gỗ mục, bỏ ra ngoài hiên nhà uống rượu. Bọ nghiện rượu từ đó. Chẳng nhớ làm sao mà Nẫm không đòi Mạ nữa. Kí ức cũ kĩ trong Nẫm dường như chỉ còn sót lại câu nói của Bọ. Mạ đi truông rồi. Khi mô Nẫm lớn, Nẫm qua truông kiếm Mạ.
Nhưng chẳng cần đợi Nẫm lớn, thảng khi vài tháng một lần, Mạ rỗi việc, Mạ về thăm Nẫm, chỉ là một buổi thôi. Mạ dúi tay Nẫm ít tiền, mớ quần áo sạch sẽ, rồi Mạ đi. Vài lần đầu, Nẫm khóc, nhưng miết thành quen. Mà khi Nẫm đã quen rồi thì những lần ghé thăm Nẫm của Mạ lại thưa dần, cho đến khi Nẫm lên mười. Mạ không về nữa.
Người ngoài chợ nói Nẫm nghe, Mạ theo người ta, Mạ có chồng mới, Mạ có con thêm, Mạ bỏ Nẫm, Mạ không còn là vợ của Bọ.
Nẫm nghe tim mình thình thịch, lòng nóng ran, chạy vội về nhà tìm Bọ. Nẫm phải hỏi cho rõ sao Bọ giấu Nẫm. Bọ làm gì để Mạ bỏ đi.
Nhưng, bên hiên nhà, Bọ vẫn một mình queo quắt với chai rượu, mắt lừ đừ đỏ.
Kì thực, khi ấy, Nẫm lại thôi không còn muốn hỏi. Nẫm thấy thương Bọ hơn. Vậy, cứ coi như Bọ nói. Mạ đi truông, cho Nẫm dễ sống. Hay là cho Bọ khỏi buồn, cũng được.
***
Đôi lần Mãnh điện cho Nẫm, rủ vào Sài Gòn đi mần, nơi đó, việc gì cũng có, kiếm tiền dễ như chơi, sức dài vai rộng như Nẫm, ngày cũng kiếm vài trăm. Như Mãnh, đi làm phụ hồ, thợ phụ thôi, chỉ mỗi việc khuân vác, trộn hồ cho mấy công trình đang mọc lên như nấm, nhan nhản khắp cái đô thị xa hoa bậc nhất này. Mãnh sống gói ghém, tằn tiện, tháng dư một đôi triệu. Khỏe re hè.
Cái lời chốt của Mãnh cuối cuộc điện thoại làm lòng Nẫm chợt động như con nước Kiến Giang tháng chín lao xao. Hàng Bún ven sông vàng lá, nhuộm thu óng ả màu mật ngọt. Có những chiều hôm, Nẫm dựa nơi gốc Bún mà nhìn con nước ngược dòng trôi mải miết về sông cái Nhật Lệ.
Nẫm có muốn như những con nước kia không? Tìm cho mình một miền đất mới, bao la và trù phú hơn. Câu hỏi chẳng bao giờ Nẫm có thể trả lời được. Nẫm cứ ngồi, đến trời sụp tối. Khi tiếng Bọ cất giọng gọi Nẫm về cho bữa cơm muộn. Cái giọng nhừa nhựa, khàn đục, lại khiến Nẫm thôi không còn lay động lòng mình về những miền đất xa xôi nắng ấm như lời Mãnh nói.
Nẫm hai mươi, da ngâm đen, đậm tướng. Từ nhỏ chỉ quẩn quanh bên dòng Kiến Giang, chữ nghĩa cũng vừa đủ ê a mỗi cái tên, hoặc vài con tính nhẩm chuyện tiền nong mỗi món hàng.
Nẫm sống với Bọ, căn nhà tranh cuối xóm, ngay cái chảng ba, đất trũng nhất làng. Nẫm theo Bọ, làm mộc. Cái nghề cũng chả khá khẩm gì cho cam, đắp đổi qua ngày, đủ già trẻ sống đùm túm yên ổn.
Nhưng từ từ, theo đà phát triển, cũng đã bớt người đặt đồ dùng theo ý họ muốn. Giờ trên phố, người ta bán đồ làm sẵn, tiện lợi, mua là có liền, mắc hơn đồ của Bọ và Nẫm làm đâu có bao nhiêu. Nên lắm khi, Bọ và Nẫm chẳng có gì làm. Những ngày ấy, gạo còn chẳng có tiền để mua.
Căn nhà tranh từ ngày Mạ bỏ đi đến giờ, càng thêm sập xệ. Trận Lào quật năm ngoái, trống hoác một mảng bên hông, phải chằng lại bằng một cái bạt nhựa cũ mèm. Bọ cứ hay nói, phải chi Bọ không nghiện rượu, dành chút tiền, thì nhà cửa chẳng tồi tàn thế này, thì Nẫm chẳng khổ cực thế này.
Nẫm nhìn Bọ gầy sộp, da bọc sát vào mớ xương, lộ rõ từng khúc, Nẫm cười trừ. Kệ đời đi Bọ. Bọ không uống rượu, thì chắc gì Bọ sống tới giờ, nuôi Nẫm lớn khôn. Có khi cái nỗi thương nhớ Mạ, nó giết chết Bọ từ ngày Mạ đi. Hay cũng có khi, dòng Kiến Giang lại trôi lềnh bềnh một cái xác của Bọ. Mà Nẫm lại là người tận mắt thấy, hay lại là người vớt lên. Như bao lần Bọ với Nẫm vẫn cứ làm, mỗi khi con sông này, có người tự tử.
***
Cả cuộc đời mình, lần đầu tiên Nẫm sang Bàu Tró. Cái xứ mà trong thâm tâm Nẫm, đã dặn lòng, chẳng bao giờ mình ghé đến đâu. Kể từ hồi, Nẫm lớn khôn, bắt đầu biết được mất, cho nhận. Bắt đầu biết thôi chẳng mong chờ một người biền biệt. Chẳng dại khờ nhớ chi một người đâu thèm đoái hoài đến Nẫm.
Chỉ là Nẫm muốn nói với cái người ấy, Bọ như ngọn đèn sắp cạn kiệt, le lói vài thứ ánh sáng yếu ớt tựa thể chỉ một trận Lào nhẹ thôi, cũng đã đủ làm nó vụt tắt. Chỉ là Nẫm muốn nói với cái người ấy, giữa bần cùng của cuộc đời cha con Nẫm, người ta có còn nghĩ đến chút nghĩa xưa cũ càng, mà cho Nẫm vay mượn ít tiền, để Nẫm nuôi nấng hy vọng, chí ít cho ngọn đèn le lói này chăng?
Thằng con trai vốn dĩ đã chai ngắt với những cạn cùng yêu thương, vốn dĩ đã ráo hoảnh với cái nghĩa tình xưa xa, một lần phá lệ suy nghĩ của mình, tìm đến một nơi, với ước mong, bám víu vào điều mơ hồ.
Có thể được, hay cũng có thể sẽ bị xua tay từ chối. Nhưng liệu nó còn con đường nào khác để lựa chọn. Như lời biện dẫn ngay khi Nẫm quyết định sang Bàu Tró. Là Nẫm vay mượn, rồi Nẫm sẽ trả. Nẫm không xin, nên người ta đừng sợ. Nẫm đến vì một lẽ, ở cuộc đời này, chỉ còn mỗi người ta, là tình thân của Nẫm. Vậy nên, mong rằng người ta đừng trốn tránh Nẫm.
Căn nhà mái ngói đỏ, tường cao, cổng rào kín. Nẫm đứng xớ rớ cả buổi trời. Nẫm sẽ gọi gì? O ơi! Hay là… hay là Mạ ơi! Lòng Nẫm chênh vênh quá đỗi. Chục năm rồi, cái tiếng Mạ ơi không còn được thốt ra từ miệng Nẫm. Giờ nó ngập ngừng nơi vành môi. Nó tắc nghẹn ngay cuống họng.
Hay là Nẫm lui chân, về lại bên dòng Kiến Giang. Bọ cũng đã bảo, khi mô Bọ tàn đời rúng rẻ này, thì cứ mặc nhiên như chuyện nước cuốn hoa trôi. Chẳng thể níu giữ nổi những gì đã là quy luật vốn dĩ tạo hóa an bài.
Nhưng biết bao đêm, Nẫm chòng chành giấc ngủ giữa những tiếng ho khan như tung lồng ngực của Bọ. Biết bao lần, giữa những mê sảng của cơn đau, Bọ nói những lời trăn trối lạ kì về những chuyến đi xa của Bọ.
Có lần Bọ còn bảo Nẫm gói gọn đồ vào giỏ, rồi Bọ sẽ dẫn Nẫm xuôi miền đất phương nam nắng ấm, miền thảo thơm của những cuộc đổi đời miên di. Bọ cứ hay trách thân mình, đã làm khổ cả đời trai trẻ của Nẫm.
Những lần như vậy, Nẫm lại dỗ dành Bọ vào giường, tay Bọ run rẩy dỡ chén rượu từ Nẫm. Chỉ có thế, Bọ mới lại yên ổn mà qua cơn mê sảng. Mắt Bọ từ từ nhắm nghiền, hơi thở khò khè yếu ớt. Thuốc thang với Bọ như một điều xa xỉ. Chỉ những chén rượu cay xè, mới dìu Bọ qua mọi nỗi đau. Cho dù đó là nỗi đau sâu hoẳm trong tâm hồn, hay cái nhức nhối của thể xác rệu rã.
– Cậu tìm ai?
Người đàn bà đứng từ phía trong cổng rào buông câu hỏi. Gương mặt thon gọn bất giác bắt đầu dần chuyển tái nhợt khi bắt gặp ảnh hình thằng con trai quay sang nhìn mình. Giữa cái khắc giây bốn mắt nhìn nhau này, thốt nhiên nước mắt bỗng rơi trên gương mặt của người đàn bà lẫn cậu trai trẻ.
Thằng bé lên mười năm ấy, cái năm mà người đàn bà chẳng thèm về nữa, giờ đã cao lớn phổng phao. Duy chỉ có ánh nhìn năm ấy dành cho bà, vẫn chẳng đổi thay. Cái ánh nhìn nửa như dỗi hờn, nửa như khao khát, vẫn vẹn nguyên trong đáy mắt, thể như mười năm xưa xa ấy, chỉ là một thoáng qua.
Cả đỗi sau, Nẫm đè nén xúc cảm trong lòng mình lại, giọng nói đứt quãng từng chập.
_ Mạ… à nỏ phải… O … O có thể cho… con… tôi vay ít tiền, Bọ không khỏe lắm nên…
Mặc Mạ nài nỉ, Nẫm nhất quyết không vào nhà. Nhà người ta cao sang, chân Nẫm lắm len bụi đường, Nẫm nào dám. Nẫm đến đây, chỉ cần vay mượn một ít. Nếu O cho thì đưa. Không thì tôi về. Chứ tôi không vào nơi mô chi hết. Tôi đứng đây. Ngoài đường vậy thôi!
Mạ tiến một bước. Nẫm lùi một bước. Mạ đưa tay. Nẫm vẫn mân mê cái vạt áo sơ mi sờn cũ. Cúi gầm mặt mình xuống. Nước mắt lại rơi. Mặn vành môi đang nghiến chặt.
Quá trưa, trời đứng bóng, Nẫm đi như chạy khỏi Bàu Tró, sau khi Mạ cẩn thận gói bọc tiền, kèm theo vài khoen vàng đưa cho Nẫm. Chỉ nhớ lời cuối cùng Nẫm nói với Mạ, là lời hứa cho một chuyến quay lại trả hết mớ ân nghĩa này, đời Nẫm từ lâu đã không muốn thiếu ai thứ gì. Đặc biệt, đó là Mạ. Nẫm đã biết sống sòng phẳng từ hồi mười năm trước rồi, từ cái hồi Mạ không về nữa.
Nẫm lao vút. Phía sau lưng, người đàn bà vẫn gào trong tiếng gió thốc hừng hực.
Nẫm ơi…
***
Trên bệnh viện tỉnh người ta trả Bọ về, người ta chẳng thể cứu nổi. Gan, phổi, thận, hư hết, từ rượu mà ra. Mới hơn bốn mươi, mà cái nội tạng của Bọ như là tám mươi, mục rữa trong đó hết rồi, lấy chi mà cứu. Xe lớn chỉ đưa về tới đầu làng. Nẫm phải tự cõng Bọ về nhà.
Ngang qua hàng cây Bún đầu làng, Bọ bảo Nẫm cho Bọ ngồi xuống chút. Cái hàng Bún này, đã từng nhuộm trắng cả thời yêu thương của Bọ với Mạ. Hồi đó, dưới vòm trời xanh trong ấy, Mạ nép mình vào người Bọ, khi Bọ ngỏ lời. Nụ hôn đầu đời còn thoảng hương thanh tao của hoa Bún, vương tận lòng Bọ đến bây chừ. Ngỡ cuộc đời ấm êm như dòng Kiến Giang quê mình.
Nhưng đâu ngờ cô gái đã từng là cả trời thương yêu ấy, lại chẳng chịu nổi cuộc sống túng quẫn sau hơn sáu năm về với Bọ. Cô đi theo người ta về Bàu Tró, miền sung túc đủ đầy hơn nơi này.
Bọ chẳng trách Mạ, chỉ là trách thân, mình đã làm khổ đời con gái của Mạ cả quãng thời gian.
Vậy nên, Nẫm đừng trách Mạ, Nẫm cũng phải thương Mạ, như là thương Bọ, như là cái tình thương bao dung mà Bọ đã dành cho Mạ. Con người ta, đừng trách hờn, oán hận chi hết. Cạn cùng của một duyên phận, vẫn cứ thương cho trọn phận người, phận mình, thương cả phận đời.
Mạ có cái khó của Mạ. Mạ còn có cuộc đời mới, những đứa trẻ tiếp nối ra đời, vây quanh cuộc sống Mạ. Những đứa trẻ non nớt ấy, chí ít là cần hơi ấm vun vén của Mạ hơn Nẫm mà. Những đứa em của Nẫm. Dù chấp nhận hay không, thì một phần huyết quản chảy trong chúng, cũng là chung dòng với Nẫm. Là máu mủ ruột rà của Nẫm.
Dù chấp nhận hay không, thì cuộc đời này của Nẫm, là do Mạ mang nặng đẻ đau chín tháng ròng rã mà ra. Những ngày cùng khổ của Mạ, cũng chưa bao giờ để Nẫm khát sữa. Miếng ngon nhất cũng là dành cho Nẫm. Nẫm bệnh đau khóc quấy, Mạ quặn thắt từng đoạn ruột. Nẫm vui đùa chạy nhảy, với Mạ là những ngày an lành của cuộc đời.
Chẳng phải Mạ không thương Nẫm. Chỉ là cái tình thương ấy, nó đè nén vì cảnh đời nghiệt ngã mà thôi. Con người ta, vẫn có lúc phải biết chọn lựa giữa nặng nhẹ cuộc đời mình. Vậy nên, Nẫm phải nhẹ lòng mà nghĩ suy. Chất chứa chi cái nặng nề để kéo lòng mình thêm nỗi u uẩn.
Chuyện của Bọ và Mạ là chuyện của những ngày đã qua, những ngày đã xa. Chẳng cớ gì cứ đeo mang tới bây giờ chi nhọc lòng nhọc dạ. Còn chuyện của Nẫm là những ngày sắp đến, là những ngày sẽ dài, là tương lai với quãng đời thong dong mà bước.
Vậy nên, Nẫm cứ như Bọ, coi mọi chuyện trong cuộc đời này, chỉ là, như gió qua truông.
Bọ lặng im thật lâu, mắt nhắm nghiền, chẳng còn hơi thở. Dưới vòm hoa Bún, lá bắt đầu nõn xanh trên những cành khẳng khiu. Bọ đi, nhẹ tênh. Nẫm khóc rú lên. Bọ ơi!
Chục năm rồi, lần đầu tiên, Nẫm thèm nghe cái giọng khàn đục gồ ghề gọi mình mỗi chiều bên dòng Kiến Giang.
Nẫm ơi…
***
Sau ngày tẩn táng Bọ, những cơn Lào vẫn rít bong tróc từng lớp da, héo hắt in hằn lên gương mặt. Một sớm đầu đông Nẫm đứng bên cổng rào căn nhà khang trang ở Bàu Tró, tìm người con gái dưới vòm hoa Bún của Bọ. Là Mạ của Nẫm. Chẳng để làm gì, chỉ là muốn nhìn Mạ có đang vui vầy bên lựa chọn hay không. Rồi Nẫm sẽ đi, chẳng làm phiền Mạ chi đâu. Nẫm để lại bên hiên nhà Mạ, một tấm hình trắng đen ố vàng, hình Mạ bồng Nẫm ngày xưa, tấm hình Bọ kĩ càng gói trong cái bọc ni-lông, lúc nào cũng mang theo bên mình.
Nẫm không về miền đất phương nam, như lời Bọ dặn hồi Bọ còn sống. Với Nẫm, những cơn Lào quật ràn rạt đã là cuộc đời. Đôi bờ Kiến Giang dẫu ngút ngàn cơn lũ, dẫu bỏng rát cơn nắng, nhưng là xứ quê. Nẫm chẳng thể đi, vì cuộc đời Nẫm cũng như Bọ, sống nhẹ tênh như gió, dẫu là những cơn gió qua truông.
TỐNG PHƯỚC BẢO