Công tác ở một nơi đầy gian khổ, thiếu thốn nhưng với lòng nhiệt huyết, quyết tâm mang ánh sáng tri thức đến với những mầm non vùng cao đã “níu chân” các thầy, cô giáo trẻ gắn bó với mảnh đất Nậm Lạnh heo hút. Vì vậy, có người ví von mỗi thầy cô trên các điểm trường của xã vùng cao này là mỗi bông hoa đang tỏa hương giữa những bản nhỏ xen kẽ các cánh rừng nguyên sinh, để muôn cây đều trổ biếc.

Cô trò vẫn say sưa dạy và học trong những căn phòng còn nhiều thiếu thốn, khó khăn.

Tình thầy trên vùng đất khó

Từ trung tâm thị xã Sơn La, sau khi “quăng quật” trên chiếc xe khách xộc xệch qua gần 100km đường đèo núi với những khúc cua tay áo rợn người, cuối cùng chúng tôi cũng đến được xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Đoàn chúng tôi được anh Hờ A Pó, cán bộ đồn BP Nậm Lạnh làm “hoa tiêu” nhưng cũng khó khăn lắm mới tới được “trụ sở chính” của trường Tiểu học Nậm Lạnh. Dưới ánh nắng cuối ngày, sự đìu hiu, nghèo đói nơi đây như càng lộ rõ. Cả xã  có 595 hộ với 3.072 khẩu thì số hộ nghèo chiếm gần 50%. Do đặc điểm địa lý, các bản bị chia cách  bởi những ngọn núi cao, vực sâu nên trường được chia làm 7 điểm trên các bản, mỗi điểm gồm 4 lớp. Ban đầu, các điểm trường ở đây đều được dựng bằng cây, lợp bởi phên tre, rất tạm bợ. Mỗi phòng học rộng khoảng 30m2 được dùng chung cho cả hai lớp với một thầy giáo dạy. Hiện nay, được sự quan tâm của Nhà nước, đã có 3 điểm trường được xây dựng khá kiên cố. Toàn xã có 261 học sinh với 27 lớp nhưng thực chất chỉ có 21 lớp (có 6 lớp học ghép). 100% các em là người dân tộc nên các giáo viên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy. Hơn nữa các em lại không có nền tảng kiến thức, không biết tiếng Kinh, tiếp thu chậm, nghỉ học nhiều. Đã vậy, điều kiện vật chất, sách vở, dụng cụ học tập đều thiếu thốn. Vài năm trước, các buổi học chính khóa, lớp cũng chỉ đông đủ vào những ngày mưa, vì những ngày này, dân bản không thể  làm nương, đốn củi nên con cái họ được nghỉ không phải theo phụ giúp công việc thì mới có thời gian đến trường. Những ngày nắng ráo, dù còn nhỏ nhưng nhiều đứa trẻ bắt buộc phải theo cha mẹ lên nương để làm việc, có khi cả gia đình lên nương mấy ngày mới về bản.

Nan giải nhất trong việc duy trì được lớp học của các giáo viên ở đây là việc vận động những học sinh bỏ học quay trở lại lớp. Cô giáo Đào Thị Yến cho biết: Khi các em đã bỏ học thì vận động được các em quay lại lớp là rất khó. Dù có quay lại lớp thì khả năng các em tiếp tục bỏ học trong thời gian sau cũng rất cao. Đa số phụ huynh các em không coi trọng việc học hành của con cái, vì thế họ không muốn cho con em mình đi học. Đôi khi, con em ở các thôn, bản không được đến trường không hẳn vì cái nghèo bủa vây mà là do quan niệm của cha mẹ chúng. Trong tiềm thức của họ, việc lên rừng đốt nương, làm rẫy để kiếm miếng ăn quan trọng hơn việc học chữ. Gặp những trường hợp đó, các thầy cô giáo lại phải vào từng nhà dân vận động. Tuy nhiên, việc làm này không hề đơn giản bởi để thay đổi được phong tục tập quán của người dân tộc, giúp đồng bào hiểu được tầm quan trọng của việc học chữ không thể thực hiện ngay trong một sớm một chiều. Một tín hiệu vui là trong năm học  qua, tỷ lệ học sinh bỏ học ở Nậm Lạnh chỉ còn chiếm 6%. Đây có thể coi là một thành quả ghi nhận sự cố gắng lớn của chính quyền địa phương và các thầy cô giáo trong việc tuyên truyền vận động bà con dân bản.

Nỗi niềm ai tỏ

Sau hồi trống tan học, chúng tôi đến thăm các giáo viên “trụ sở” trường Tiểu học Nậm Lạnh đúng lúc cô giáo Phạm Thị Xuân và 3 đồng nghiệp khác đang ngồi chia nhau gói xôi mang ở nhà đi từ sáng đã khô quẹo để lót dạ buổi trưa, chờ buổi chiều tiếp tục lên lớp. Bên trong phía hiên nhà, nhìn góc nấu ăn của giáo viên chỉ có một chiếc bàn gỗ học sinh, cái bếp ga mini, chai nước mắm và cái rổ đựng bát đũa, nhiều người không khỏi chạnh lòng. Cô Xuân  cho biết: “Có những ngày không mua được thức ăn, các thầy cô giáo ở đây ăn tạm mì tôm cho qua bữa là chuyện bình thường. Chịu cực khổ mãi rồi cũng quen. Điều kiện công tác khó khăn, nhiều lúc tôi cũng thấy buồn. Nhưng thấy các em học sinh ở đây rất ham học, lễ phép và quý mến thầy cô, nên những năm qua, tôi không nỡ rời xa các em…”.

Đến trường. Ảnh: Nguyễn Sơn

Theo cô Xuân, những khó khăn vật chất trên cũng chưa thấm là bao so với trở ngại về tinh thần. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp, đến các bản vùng cao công tác đã không chịu nổi cảnh “vượn hót chim kêu suốt cả ngày” nên đành chấp nhận bỏ nghề về xuôi. Cô giáo Xuân kể tiếp: “Hồi mới đặt chân lên vùng núi này cái gì cũng khó khăn. Nếu không có những người bạn trẻ và những em học trò thân thương thì tụi mình khó mà “trụ” lại được. Khó khăn, vất vả là thế, nhưng cô Xuân có không ít kỷ niệm đẹp với học sinh. Có lần khi cô đang trên đường đến lớp dạy học, một em học sinh quần áo xộc xệch, khuôn mặt nhọ nhem từ đâu đến dúi vào tay cô giáo một củ khoai nướng to rồi chạy biến đi. Thì ra, bữa trước thấy cô giáo ăn khoai buổi trưa tưởng cô “thích” ăn khoai, em đã tự tay nướng củ khoai to nhất ở nhà mang đi biếu cô nhưng xấu hổ không biết nói gì.

Với vẻ mặt đầy suy tư, thầy Tòng Văn Rịn, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Nhìn mấy giáo viên trẻ mới ra trường lên trên đây công tác cũng thấy thương lắm. Mình gắn bó lâu năm nên quen chứ các em từ miền xuôi lên, tiếng dân tộc chưa biết, văn hóa mỗi nơi lại mỗi khác, kiếm được tấm chồng ưng ý nơi đại ngàn heo hút này đâu phải chuyện dễ”.

Thầy Rịn bảo, nếu chỉ có lòng yêu nghề thôi chắc chưa đủ giữ chân các thầy cô giáo trẻ gắn bó với những mảnh đất nghèo khổ. Có lẽ ngoài tình yêu nghề, trong họ còn phải có cả bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, tấm lòng vì học trò nghèo cũng như tinh thần trách nhiệm cao với xã hội. Nậm Lạnh còn gian nan và công việc “gieo” chữ, “trồng” người ở đây có lẽ là gian nan nhất. Đường sá thì lầy lội, cheo leo, cơ sở vật chất nghèo nàn. Những điểm trường ở Nậm Căn, Nậm Nong, Hua Lạnh, Huổi Hịa… còn chưa có điện, lớp học tạm bợ và nhiều phòng phải học ghép. Mỗi mùa đông đến, nhiệt độ có ngày xuống 5-60C, sương giăng đến nỗi hai người đứng cách nhau hai sải tay mà chẳng nhìn rõ mặt. Mặc thời tiết khắc nghiệt, thầy cô vẫn xắn quần đến tận nhà, tay trong tay cùng những học trò trốn học đến lớp.

Lê Tuấn