Một miếng đất rơi xuống biển, lục địa châu Âu nhẹ đi một chút. Cho nên xin đừng hỏi chuông nguyện hồn ai, chuông đang nguyện hồn anh đấy! (Jack London). Một người bạn mất đi còn hơn thế nữa. Hôm nay một người trong số bạn bè còn lại rất hiếm hoi của tôi đã ra đi: Nguyễn Quang Sáng. Tôi thấy như chuông đang nguyện hồn mình.

Tôi biết Sáng hồi cùng học với nhau ở Trường viết văn Quảng Bá của Hội Nhà văn. Chênh lệch vài tuổi nhưng cứ cậu tớ, mày tao. Tôi đã cưới vợ được 2 năm, Sáng còn độc thân, nhưng theo tôi biết lúc đó thì đã yêu cô X, cô Y, cô Z và đang yêu cô K… Người yêu của Sáng đều có máu mặt, không nhà văn trẻ thì cũng là nghệ sĩ. Nhà văn sớm nổi tiếng trên văn đàn đang bị những chùm nho tươi Hà Nội khai thác tơi tả. Nho tươi ăn được cả cáo, đó là điều tôi nghĩ về những cô gái đáo để Sáng yêu mà tôi biết.

Trong nhóm các nhà văn Nam Bộ cùng học với tôi như Xuân Vũ (sau này đi B rồi hồi chính về Sài Gòn viết văn), Nguyễn Hải Trừng, Hoàng Văn Bổn thì Sáng gần với các nhà văn trẻ miền Bắc hơn cả. Vì anh bộc trực, không lập dị, cũng không bao giờ có ý gì phân biệt Bắc Nam. Cái chức Bí thư chi bộ được phân công không làm Sáng vướng víu dù thời đó chức vụ to nhỏ gì cũng đều “rất quan trọng”. Tôi làm Bí thư chi đoàn vỏn vẹn có 5 đoàn viên: Xuân Quỳnh, Nguyễn Thị Ngọc Tú, nhà thơ Vương Trung người dân tộc Thái và hai anh nữa. Mấy người xưa là đoàn viên thanh niên nay đã ra người thiên cổ cả rồi. Còn mỗi mình tôi.

Trên danh nghĩa Sáng là Bí thư chi bộ phải chỉ đạo “cánh tay phải”. Nhưng học hai năm mà chẳng thấy chỉ đạo gì hết. Có vài vụ lình xình liên quan đến đoàn viên, Sáng lờ đi, không kiểm điểm ai, kèm câu chửi thề: “Đ. má, cùng là nhà văn cả, làm ầm ĩ người ta cười cho!”

Tính nết tự do, sinh động, không lưỡi gỗ, không bút gỗ, luôn hào sảng và ham vui, chẳng coi chuyện gì cũng quan trọng, Sáng có vẻ luôn miễn cưỡng làm ông bí thư. Tính nết ấy hợp với tôi nên tôi gần Sáng hơn mấy ông Nam Bộ khác.

Trong hai năm học với nhau, đọc của nhau cũng khá, dù lúc đó tôi chưa viết nhiều nhưng Sáng thích một số truyện ngắn đầu tay của tôi. Còn Sáng thì đã là hội viên Hội Nhà Văn, đã có tiểu thuyết “Đất lửa” và đã kịp nổi tiếng. Học xong tôi về Hải Phòng còn Sáng đi B, và chúng tôi không có dịp gặp nhau lần nào tận đến ngày thống nhất đất nước khoảng 10 năm sau.

Lúc đó Sáng đã là một trong những nhà văn hàng đầu từ rừng về Sài Gòn. Anh gần với lãnh đạo thành phố, nhận những chức vụ được phân công để lãnh đạo anh em nhà văn. Sáng gặp tôi, nói: “Tao thành lãnh đạo chuyên nghiệp rồi. Nhưng muốn thì cứ nhậu thoải mái đi!” Sáng thích rượu, nghiện nữa là khác. Tôi thì không. Không rượu, không nhậu. Cho nên không thường gặp nhau.


Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (ảnh: Nguyễn Á)

Cách đây một năm, trong một buổi ra mắt sách của nhà văn nữ Trần Thị NgH, tôi thấy Sáng đã yếu lắm rồi. Trông hiền hẳn đi, khiêm tốn hẳn đi dù hôm ấy khán phòng chật ních gái đẹp. Tôi và Dạ Ngân đi xe máy đến. Nhưng chúng tôi phải giúp Sáng, dìu Sáng ra taxi để về nhà sau khi ăn cơm trưa ở tiệm ăn của nhà văn hải ngoại Hoàng Khải Phong. Thế nên biết tin anh mãi mãi ra đi vào chiều 13.1, tôi rất buồn nhưng không quá bất ngờ.

Trong lời Tự bạch (Kỷ yếu các nhà văn), Sáng có viết: “Tôi luôn tự hỏi mình đã thật là nhà văn hay chưa?” Câu hỏi có vẻ lạ khi Sáng đã rất nổi tiếng, viết văn được Nhà nước tặng giải cao. Nhưng với những nhà văn chân thật, có tư cách, không ảo tưởng và ảo giác, câu hỏi ấy hiện hữu cũng là bình thường. Vĩnh biệt Sáng, có lẽ chẳng tới 300 năm đâu, chắc những trăn trở về nghiệp văn ấy sẽ được trả lời.


PV

Nguồn: danviet.vn